Bất định từ chiến tranh thương mại

HỒ QUỐC TUẤN 13/04/2025 11:36 GMT+7

TTCT - Hàm ý của các sắc thuế quan mới mà Mỹ áp lên các nước với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng là rất sâu rộng.

Tôi đã giật mình khi một nhà phân tích ở Úc mở màn hình với những dấu hiệu cảnh báo toàn màu đỏ về chiến tranh thương mại toàn cầu ngày 3-4. Hàm ý của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng còn lớn hơn những gì mà chúng ta đang bàn về mức thuế quan đối ứng rất nhiều.

kinh - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Có thể hình dung rằng tuyên bố thuế quan đối ứng lên hầu hết quốc gia đánh dấu trận đánh lớn đầu tiên của đợt chiến tranh thương mại toàn cầu lần này. Dù đầu tháng 2, ông Trump đã tuyên bố thuế quan 25% lên Mexico và Canada, cũng như thêm 10% lên Trung Quốc, nhiều nước đều hy vọng ông Trump sẽ "chừa mình ra" khi nói về thuế quan.

Thậm chí một ngày trước khi ông Trump tuyên bố thuế quan đối ứng, nhiều nhà phân tích chỉ mở rộng danh sách các nước được dự đoán lên 15 nước châu Âu, và vài nước châu Á. Tin đồn từ Washington và London cho rằng có một số nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, dù không ai nghĩ đến con số 46% thuế suất đánh lên số lượng mặt hàng rộng lớn như vậy cả.

Trong khi mối quan tâm đang tập trung vào những đàm phán với Mỹ, có một vài diễn biến khác đáng lo ngại hơn.

Liệu có biến thành cuộc chiến kinh tế toàn cầu?

Thứ nhất, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn trong đáp trả Mỹ. Sau khi ông Trump công bố mức thuế suất bổ sung lên Trung Quốc ngày 2-4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng Mỹ. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 10-4.

Sau đó, ngày 7-4, ông Trump dọa áp thuế thêm 50% với hàng Trung Quốc, nâng tổng mức thuế bổ sung lên 104%, nếu nước này không rút lại thuế trả đũa. Nhân Dân Nhật báo lập tức đăng bài xã luận tuyên bố Bắc Kinh không còn "bám víu vào ảo tưởng" về việc đạt được thỏa thuận, ngay cả khi họ vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.

Căng thẳng Mỹ - Trung có thể lan ra toàn cầu. Ví dụ, giới chức châu Âu đang lo lắng rằng hàng Trung Quốc nếu không vào Mỹ được có thể sẽ chuyển hướng qua các nước châu Âu. Kinh tế trưởng của Deutsche Bank ở Đức Robin Winkler dự đoán cú sốc với thuế quan ở châu Á có thể khiến hàng hóa khu vực này đổ về châu Âu với giá chiết khấu. 

Ông cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cố gắng bán nhiều sản phẩm hơn ở châu Âu và những nơi khác khi họ phải đối mặt với "bức tường thuế quan đáng gờm ở Mỹ".

Các quan chức cho biết Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị các mức thuế quan khẩn cấp mới để ứng phó, đồng thời tăng cường giám sát luồng nhập khẩu từ châu Á. Điều đó đáng lo ngại cho không chỉ Trung Quốc mà cả Việt Nam. 

Vì vậy, thuế quan diện rộng của ông Trump có thể lan ra thành một đợt đáp trả thuế lẫn nhau trên toàn cầu, và tổn thất lớn nhất có thể là các nền kinh tế mở như Việt Nam, nơi hoạt động xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn trong GDP.

Thứ hai, chiến tranh thương mại có thể biến tướng thành chiến tranh tiền tệ. Ngày 8-4, Trung Quốc đã nâng tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ qua mốc 7,20 mà họ cố giữ mấy tháng nay. Đồng nhân dân tệ lập tức rớt xuống mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tỉ giá nhanh chóng tăng lên 7,35 tệ đổi 1 đô la Mỹ.

Điều này gây lo ngại cho một số nước rằng Trung Quốc có thể dùng công cụ tỉ giá để giảm thiểu tác động của thuế quan, điều đẩy nhiều nước vào thế khó. 

Nếu phải nương theo Trung Quốc thì có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ và gây bất ổn với dòng đầu tư nước ngoài, có thể dẫn đến rút vốn của khối ngoại nếu họ dự báo nội tệ các nước này sẽ mất giá nhiều so với USD. 

Không ai muốn bị cuốn vào cuộc chiến tiền tệ đó, nhất là khi dòng vốn quốc tế được dự báo sẽ biến động dữ dội hơn trong bối cảnh dòng tiền từ thương mại sụt giảm hoặc tăng trưởng không mạnh nữa.

Bất định chính sách

Với tình thế như vậy, không ai có thể biết diễn biến sắp tới sẽ xấu đến mức nào, nhưng chắc chắn là không ai yên tâm được trong vài tháng tới. 

"Đây là một bước ngoặt, không chỉ với nền kinh tế Hoa Kỳ mà cả toàn cầu" - Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Hoa Kỳ tại Fitch Ratings, cho biết. Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nói "sự ổn định sẽ không sớm quay trở lại".

Nói cách khác, bất định về chính sách và triển vọng kinh tế sẽ là yếu tố che phủ lên hầu hết các nước trong nhiều tháng tới.

Mà doanh nghiệp và nhà đầu tư thì ghét sự bất định. Hơn nữa, tình trạng bất định có thể mở rộng từ thuế quan sang các chính sách như hạn chế đầu tư, ngăn cản cơ hội thâm nhập thị trường, điều chỉnh tỉ giá... như cách mà Mỹ và Trung Quốc đang làm với nhau.

Nhà quản lý quỹ đầu tư Bill Ackman đã cảnh báo sự bất định này sẽ gây tổn hại nặng cho nước Mỹ. 

Ông nói: "Chúng ta sẽ phát động chiến tranh hạt nhân kinh tế ở mọi quốc gia trên thế giới, đầu tư kinh doanh sẽ dừng lại, người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, và chúng ta sẽ làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của mình với phần còn lại của thế giới và sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để phục hồi".

Đây là điều được nhiều nhà đầu tư và quản lý quỹ lớn khác thừa nhận. Nó có thể gây ra tình trạng lạm phát cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và thất nghiệp tăng. 

Dù chưa chắc tình hình sẽ bi quan đến mức gây khủng hoảng kinh tế như vài quan điểm quá bi quan, tăng trưởng chậm và thất nghiệp cao hơn ở Mỹ và một số nền kinh tế lớn của châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu từ châu Á, dù có thuế quan hay không.

Ở một khía cạnh khác, Bloomberg ghi nhận các nhà giao dịch tiền tệ đang dự đoán sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cuộc chiến thương mại leo thang làm rung chuyển trật tự kinh tế toàn cầu. 

Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến dòng vốn quốc tế và tạo áp lực lên chính sách tiền tệ của các nước, trói tay các ngân hàng trung ương vào lựa chọn ổn định tỉ giá, chống lạm phát hay hỗ trợ nền kinh tế.

Những bất định và hỗn loạn này không ai muốn, nhưng nhiều khả năng sẽ trở thành chủ đề chính của kinh tế toàn cầu mấy tháng tới. Đương nhiên trong nguy đều có cơ. 

Lấy ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ đang tin rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ đem lại lợi ích cho họ vì giá dầu sụt giảm giúp kéo lạm phát ở nước này xuống, trong khi 80% thương mại của họ là với các nước Trung Đông, châu Phi và EU. 

Trong khi đó, sau một thời gian các nước ASEAN và Nam Á hưởng lợi từ lao động chi phí thấp, chiếm phần nhiều trong chiếc bánh thương mại sang Mỹ, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì nay họ lại được cho rằng sẽ bị tác động xấu từ cuộc thương chiến. Chỉ mấy tháng thôi mà thế cờ quốc tế đã thay đổi.

Và biết đâu nó có thể đảo chiều lại chỉ sau mấy tháng nữa?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận