SÀI GÒN - PARIS: MỘT MÀN HẠ XUỐNG, MỘT MÀN KÉO LÊN

HẢI ANH TRẦN 29/07/2020 21:30 GMT+7

TTCT - Cử chỉ dứt khoát ấy, như thể muốn khẳng định những gì cô có hôm nay đã chứng tỏ, dù lịch sử ra sao, cô không hề thua cuộc

“Bạn có tương quan gì với màn không? Cho tôi xem bạn mở và đóng màn như thế nào?”.

Vào năm 2017, đó là những câu hỏi tôi đặt cho nhiều người trong suốt một tháng bởi “màn” là chủ đề bài thi của tôi vào một trường điện ảnh ở Paris. Và từ chỗ tự vấn về những câu hỏi lạ thường này, tôi đã đến những nơi và gặp những người không ngờ. Trong các câu chuyện đằng sau bức màn, tôi sẽ mãi nhớ cuộc gặp gỡ với một cô người Việt, chủ nhà sách nhỏ ở quận 13 Paris và từng là chủ rạp chiếu phim ở Sài Gòn cũ.

Màn là thứ có mặt khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày. Trong nhà ở, màn không chỉ dùng chặn nắng mà còn để tạo không gian riêng biệt. Màn là sự chia cắt hai thế giới, phá tính hài hòa và tách người xem ra khỏi người diễn ở ngoài cũng như trên sân khấu. Kéo màn là vẽ lằn ranh giữa người biết và người không biết. Vì vậy nếu bạn sang Amsterdam, đi dạo kênh, bạn sẽ thấy những cửa sổ nhà cao không có màn, bởi trong truyền thống Tin Lành người ta không có gì để che giấu cả...

Ngoài phố, khi đêm xuống cũng là lúc các chủ cửa hàng hạ màn sắt. Có người kéo tay, có người dùng thiết bị cơ điện, có người điều khiển từ xa như khóa xe hơi. Dù cách nào, mỗi người đều giữ nhịp riêng: kéo một mạch nếu gấp gáp, hoặc hạ theo nhiều chặng nếu trông chờ những khách cuối cùng. Màn sắt, như mọi màn khác, mang nhiều ý nghĩa tượng trưng và góp phần vô cảnh quan thành phố.

Tôi sinh ra, lớn lên tại Paris, không xa “khu Tàu” ở quận 13, hay gọi đúng hơn là khu châu Á. Nhắc đến màn sắt, tôi nghĩ ngay đến muôn kiểu màn nơi đó. Từ bé đến giờ tôi không cảm thấy thoải mái trong các khu châu Á bất kỳ ở đâu, Paris hay thành phố khác, bởi không khí buồn buồn bí ẩn, như có nhiều câu chuyện chưa kể đằng sau những bức màn. Mỗi lần đi ngang khu châu Á, tôi luôn có cảm xúc khó tả, khó lý giải.

Để hiểu được cảm xúc lạ đó, tôi quyết định đến quan sát khu châu Á ở địa điểm Les Olympiades - nơi dạo mát trên cao với nhiều cao ốc và một trung tâm thương mại, cái nôi của cộng đồng nhập cư người Việt sau 1975. Tôi tự thấy như người lạ ở nơi này vì không phải con của thế hệ thuyền nhân. Gia đình bên nội tôi sang Pháp từ cuối những năm 1930, thuộc thế hệ du học; còn bên ngoại là dân kháng chiến. Cộng đồng thuyền nhân có những trải nghiệm, chấn thương của người tha hương mà, may mắn thay, gia đình tôi không gặp phải. Song, điều gắn tôi với cộng đồng đó là tình yêu dành cho văn hóa Việt Nam. Cùng nhau, chúng tôi cần giữ chặt lấy quê hương thông qua ẩm thực, ngôn ngữ, văn học, nhạc và điện ảnh. Thể như nếu không, nó sẽ chìm, tan trong văn hóa Pháp.

Đẩy cửa trung tâm thương mại, bạn sẽ thấy ngay cảnh hài hòa bị phá cách bởi các màn sắt lổn nhổn kéo lên, kéo xuống, kéo nửa chừng..., kiểu như chủ các cửa hàng không bàn nhau về ngày giờ mở cửa; hoặc như ý niệm thời gian bị xáo trộn... Người lạ đến đây chỉ lướt qua, người quen mới lang thang và dừng lại. Sự lạnh lẽo của đèn neon trắng và màn sắt tương phản với trang trí sặc sỡ của các cửa hàng. Tôi quan sát điệu múa của người qua lại, của những màn sắt lên/xuống... Ở quán nước có quầy bán vé số, màn không kéo lên hết như để thúc giục thời gian người đánh bạc. Màn hạ lâu là dấu hiệu cửa hàng phá sản, và người ta lợi dụng các màn đó để dán đủ loại quảng cáo. Cũng có những công trường mà đôi khi màn được kéo lên cho phép người đi qua thoáng thấy cảnh thi công, thấy niềm hi vọng của gia đình nào đó. Trong điệu múa các màn sắt này, có một màn chưa bao giờ hạ xuống hơn một đêm, đó là màn của tiệm sách Việt Nam cuối cùng ở Olympiades.

Như trong hang động Alibaba, bạn có thể tìm thấy trong tiệm sách này không chỉ sách mà còn CD, băng cát-xét, DVD, đồ trang trí nội thất... Các khách hàng nói tiếng Việt thì thầm với nhau và không ai để ý đến cô nàng lạ mặt mới vào. Sau khi đi lòng vòng các kệ sách, tôi hướng đến quầy thu tiền để tiếp xúc cô chủ. Tôi ngạc nhiên nghe mình bắt chuyện bằng tiếng Việt, dù tôi rành tiếng Pháp hơn. Ban đầu có vẻ lạnh nhạt, nhưng khi nghe tôi cố gắng nói tiếng Việt, cô chủ tiệm trở nên cởi mở, tâm sự với tôi thật nhiều. Cô sang Paris những năm 1980, mở một nhà sách và một nhà hàng ở khu Olympiades để tìm lại cộng đồng người Việt. Cô đã dũng cảm xây dựng cuộc sống mới ở một nơi xa lạ, bằng cách giữ chặt tất cả những gì cô đã mang theo: văn hóa Việt Nam và... sự đam mê điện ảnh.

Tôi quá vui khi biết hai cô cháu cùng thuộc giới điện ảnh. Trong những năm 1970, cô đã là chủ hai rạp phim ở Việt Nam: một ở Sài Gòn, một ở tỉnh. Hồi tưởng và tự hào về quá khứ của mình, cô kể cho tôi thời kỳ đó mỗi rạp phim chỉ có một phòng chiếu lớn. Rạp của cô ở Sài Gòn có vài trăm ghế. Ban ngày, cô chiếu phim thường trực, còn buổi tối có một suất duy nhất và luôn hết chỗ. Cô mê các phim Mỹ như Cuốn theo chiều gió hay Kỳ nghỉ ở Roma, và không thích phim Pháp bởi “các nhân vật cứ uống và ngủ với nhau”. Dù yêu điện ảnh Pháp thập niên 1960 - 1970, tôi phải cười công nhận ý kiến đó. Tôi bắt đầu chia sẻ hành trình của tôi đến với điện ảnh, và hai cô cháu tiếp tục bàn về phim ảnh Việt Nam, cho đến giờ đóng cửa, kéo màn.

Trong lúc chuẩn bị đóng cửa, cô kể lại khi mới đến Paris, quận 13 là nơi duy nhất tập hợp người Việt. Thời đó, ở Olympiades, hầu hết các cửa hàng đều có chủ người Việt, và cho dù không quen biết nhau trước đó, khu này trở thành nơi của nỗi nhớ quê hương và tình đoàn kết giữa người Việt. Trong những năm đó, không hề có những màn sắt tiêu biểu hôm nay. Cuối những năm 1980, siêu thị Tàu Tang Frères thành hình dưới chân Olympiades cùng một màn sắt khổng lồ, dọa dẫm. Cô không nhớ lý do nào đã khiến cô lắp màn sắt, chỉ nhớ cô là người đầu tiên đã làm và sau đó các cửa hàng khác đi theo. Tôi thì hiểu khi siêu thị xuất hiện thì những câu hỏi và lo âu an ninh cũng xuất hiện.

Hôm nay, cô là một trong những chủ cửa hàng người Việt cuối cùng của Olympiades, và cô đặc biệt nhấn mạnh điều này. Ngược lại với các cửa hàng khác, bạn sẽ không bao giờ thấy màn sắt của tiệm sách, bởi cô đã che nó bằng lớp cửa kính, trang trí ápphích âm nhạc Việt Nam. Qua cách đó, cô khẳng định bản sắc Việt Nam của mình ngày cũng như đêm. Trong tiệm sách, qua cách xếp ghế, cô đã tạo không khí để khách ngồi lâu, nói chuyện và tâm sự. Bạn cô nhiều hơn khách hàng. Họ đến trò chuyện, ăn trưa, đôi khi đi về với một CD hay một quyển sách. Ai cũng biết ở đây đóng cửa 7 giờ chiều. Cô hạ màn sắt một mạch không do dự. Ai tìm gặp cô thì phải đến trước giờ đó. Cử chỉ dứt khoát ấy, như thể muốn khẳng định những gì cô có hôm nay đã chứng tỏ, dù lịch sử ra sao, cô không hề thua cuộc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận