Sáu ngôi nhà trong một buổi chiều

KHÁNH LIÊN 21/03/2014 20:03 GMT+7

TTCT - Taing Tiến đến, mặc một bộ quần áo mỏng. Trời mưa bay bay, tuy nhỏ nhưng cũng hằn lên vai áo. Môi Tiến tím ngắt, nhưng nụ cười vẫn tươi.

Minh họa: Trương Tiến Trà

- Sao anh không mặc áo mưa? - Tôi hỏi.

- Mưa nhỏ mà, với lại quen rồi - Tiến cười hít cả mắt, rất hồn nhiên.

Tôi chạy xe sau Tiến. Chiều nay chúng tôi phải đến nhà các em học sinh bỏ học, nói hay ho là “đi vận động”. Tôi không biết nhà học trò mình. Tiến làm bên thôn nên dẫn tôi đi.

Những ngôi làng dân tộc thiểu số luôn khiến tôi suy nghĩ. Có những ngôi làng chơi vơi trên núi cao nên dù nhà này cách nhà kia khá xa nhưng trông cái làng ấy cũng có cái gì đó tự do và kiêu hãnh. Họ có núi, có đồng cỏ, có bầu trời... Nhưng cũng có những ngôi làng không có đất, phải chen chúc sống dưới đồng bằng như người Kinh. Những ngọn núi ở gần người Kinh đều được người Kinh mua lại.

Sau những vụ mua bán, phần lớn người dân tộc thiểu số không còn rẫy, chỉ còn mỗi một ngôi nhà, một mảnh sân. Ngày ngày họ cũng đi chăn vài con bò, vài con cừu, dê... ở những mảnh đất trống ít ỏi trong làng. Ở một làng quá nhiều người nghèo, xã không chứng nhận hết tất cả hộ đều là nghèo, chỉ chọn vài hộ và chọn trong chỉ tiêu ở trên đưa xuống. Nghèo mà không được chứng nhận là nghèo và cứ nghèo mãi.

Loanh quanh suy nghĩ, chúng tôi đã chạy vô ngôi làng từ hồi nào. Những con đường ngoằn ngoèo, nhỏ xíu chỉ đủ hai chiếc xe chạy, không được trát ximăng. Trên đường lấm đầy phân gia súc và có khi phân người.

Hầu hết các hộ trong làng đều không có nhà vệ sinh. Ngành y tế cũng có vài đợt đến làng phát động việc đi vệ sinh hợp lý. Nhưng đa số hộ không có tiền xây nhà vệ sinh, những hộ được phát tiền xây nhà vệ sinh thì họ thấy sử dụng số tiền ấy mua một con bò, gạo, quần áo hay tivi hợp lý hơn nên cuối cùng nhà vệ sinh cũng chỉ nằm trên việc tuyên truyền.

Tiến dừng lại một ngôi nhà đất, mái tôn, hướng ra ngã ba.

- Đây là nhà của Chamaléa Thị Kem - Tiến nói.

Chúng tôi để xe ngoài hàng rào, bước vô mảnh sân đất. Trời đang mưa, sân thấm nước nhầy nhầy dưới chân. Một cậu nhóc khoảng chừng ba tuổi, ở truồng, mặc chiếc áo thun ngắn cũn cỡn chạy ra trố mắt nhìn chúng tôi. Trong nhà, ba người đàn ông ngồi trên một chiếc chiếu choán hết ngôi nhà, cụng ly, mặt người nào người nấy đỏ kè.

Tôi không muốn bước vô nhà nhưng chẳng còn cách nào khác. Chỉ có buổi chiều tối tôi mới gặp được phụ huynh. Ban ngày họ đi chăn bò, đi rẫy (nếu họ còn một chút đất để gọi là rẫy), đi làm mướn. Buổi chiều tối họ mới về nhà.

Người đàn ông mặt đỏ nhìn chúng tôi. Đó là cha của Kem. Vừa nhìn tôi ông biết ngay là tôi đến nhà ông có việc gì:

- Nó không đi học nữa đâu. Nói nó không nghe đâu. Nó thích ở nhà chăn bò thôi.

- Nhà mình có mấy con bò? - tôi hỏi.

- Hai - ông nói.

- Có hai con mà nghỉ học ở nhà chăn, tưởng là một bầy bò cơ chứ - Tiến đùa.

Tôi rón rén ngồi lên chiếc giường duy nhất trong nhà. Nhà nhỏ đến nỗi chỉ đủ kê một chiếc giường, một bộ bàn ghế và một chiếc chiếu cho mấy ông ngồi nhậu. Một cô gái trẻ ngồi trên giường, mở to mắt nhìn tôi cười, tay ôm một đứa bé và vạch vú cho đứa bé bú.

- Em là...?

- Chị của Kem - cô nói.

- Kem có nhà không em?

Cô lắc đầu. Tôi nhìn quanh quất không thấy bóng dáng đứa học trò đâu. Tiến thì ngồi bên ông chủ nhà, hỏi chuyện làm ăn và thuyết phục ông bảo con mình đi học. Nhưng ông có nghe gì đâu. Họ cứ cụng ly mặc kệ khách. Có tiếng sột soạt dưới gầm giường. Tôi nói với cô gái:

- Có chuột ở dưới giường này.

Cô nhìn tôi, đỏ mặt, cười bẽn lẽn. Rồi tôi ngớ ra: Kem đang trốn dưới gầm giường. Tôi định chui đầu xuống nhìn, gọi em ra nhưng lại thấy mắc cười. Em đã sợ như thế thì tôi làm khó em làm gì?

- Nhớ nhắc Kem ngày mai đi học nhé - tôi nói với cha và chị gái Kem nhưng cố ý cho Kem nấp dưới giường nghe thấy.

- Không biết đâu - ông cha nói - Nhà nghèo lắm, đi học cũng chẳng làm gì mà nó chỉ thích chăn bò thôi.

- Học cho biết chữ - Tiến giải thích, nhưng không có ai nghe.

Chúng tôi ra khỏi nhà rồi, cậu nhóc ba tuổi ở truồng còn chạy theo chúng tôi. Hồi nãy giờ cậu đứng ở đâu tôi không để ý. Giờ cậu chạy ra sân, mũi chảy lòng thòng, mặt tươi như hoa. Một làn mưa mây ào xuống, cậu đành chạy vô thềm, ôm cây cột nhà nhìn theo. Tôi mặc một chiếc áo ấm, khoác chiếc áo mưa mà vẫn còn lạnh. Còn cậu nhóc chỉ có đúng một cái áo, không có quần.

Ra đường, tôi ghé quán mua cho Tiến chiếc áo mưa mỏng rẻ tiền. Tiến ngượng nghịu tròng vô người. Còn phải đến vài ngôi nhà khác trong buổi chiều hôm nay.

Vẫn là những con đường ngoằn ngoèo. Vừa chạy xe vừa phải tránh phân gia súc, tránh những chú heo lai nhỏ xíu, đen thui lững thững đi trên đường. Trời bắt đầu sẫm tối. Đường không ánh điện. Điện từ các nhà hắt ra leo lét.

Tiến dừng lại trước một ngôi nhà khang trang hơn. Nhà xây, cao ráo. Một người đàn bà bé nhỏ, có nét duyên đứng ngơ ngác trên thềm nhìn chúng tôi bước vào cổng. Mấy con chó trong xóm sủa inh ỏi làm tôi thấy sợ.

Tapur Nam là con trai bà. Thằng nhóc này cả tuần nay không đi học mà toàn ra chợ, sà hết chỗ này tới chỗ kia. Người ta sai gì làm nấy. Hết giờ học nó mới về nhà. Tôi hỏi bà có biết tình hình của con bà không?

- Biết chớ - bà nói - nhưng không làm gì nó được. Tối qua tôi bắt nó đi học thì nó bỏ nhà, đi ngủ lang bên ngoài. Tôi nói nó không nghe đâu.

- Chị có nói với nó là ở tuổi nó thì phải đi học không? Chứ nhỏ xíu vậy, người ta thuê làm mấy đồng? - tôi chán nản hỏi.

- Nói chớ, nói hoài, đòi lấy cái rựa chặt chân nữa mà nó không nghe.

Chúng tôi ngồi bên thềm luẩn quẩn những câu đối đáp chẳng đi tới phương án nào. Một bên bảo đi học, nói những cái hay của việc đi học: biết chữ, nên người, đọc được giấy mua bán bò, sau này giúp được cha mẹ... Bên kia phán đúng một câu: “Nó không nghe đâu!”.

Tôi lại cun cút chạy theo Tiến trên con đường làng tối mịt. Càng tối mưa càng nặng hạt. May mà tôi đã mua áo mưa cho Tiến chứ không chắc là anh ta thấm lạnh. Những con đường nhỏ xíu, chằng chịt, nhà nào cũng giống nhà nào, chạy vòng bên này, chạy vòng bên kia. Tiến thắng kít lại trước một ngôi nhà nhỏ xíu. Nhà khá lạnh lẽo, chẳng có điện đóm gì cả. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ tù mù đặt trên bàn.

- Đây là nhà của phụ huynh em Chamalé Thị Siu. Ba má em này bỏ đi đâu mất rồi, chỉ còn ông ngoại. Ông bị mù. Nhà này được xã chứng nhận hộ nghèo đấy - Tiến giải thích.

Nghe tiếng động, một cụ già bước ra thềm. Tiến bước lên phía trước nói gì đó với cụ bằng tiếng dân tộc. Cụ không biết tiếng Kinh. Suốt buổi trò chuyện, Tiến nói bằng tiếng dân tộc. Thỉnh thoảng tôi muốn nói gì đó, Tiến phải dịch lại cho ông cụ nghe.

Rồi Tiến quay sang tôi, nói cho tôi nghe tình hình tôi muốn biết. Siu không đi học nữa vì đi ở cho người ta rồi, nhà lấy tiền rồi. Giờ chỉ còn có một mình cụ ở nhà. Nấu ăn thì nhà bên nấu giùm, rồi đưa tiền cho người ta. Siu ở đâu cụ không biết, chỉ biết Siu đi ở cho người ta, lâu lâu tạt về nhà thăm cụ.

Rồi cụ mệt, bước vào nhà, nằm chèo queo trên chiếc giường. Chắc nhà bên thương tình thắp cho cụ một cái đèn chứ với cụ, đêm hay ngày, bóng tối hay ánh sáng có nghĩa lý gì đâu.

Tôi thở hắt ra khi đi ra đường. Ba nhà rồi mà chẳng có nhà nào hứa cho con đi học lại hết. Không biết vài nhà còn lại sẽ ra sao.

- Cô giáo đừng có buồn - Tiến nói - cảnh này tôi quen rồi. Năm nào tôi cũng dẫn thầy cô bên trường đi vận động. Riết rồi quen luôn.

- Thế tụi học sinh sau khi vận động có đi học không?

- Thường là không - Tiến nói - cũng có đứa đi nhưng sau đó chúng cũng nghỉ à. Vì khi chúng nghỉ học, chúng đã “xác định” rồi.

Trời tối, tôi chẳng còn muốn nhìn đường, chỉ chạy lòng vòng theo bóng đèn xe Tiến. Chừng ấy con đường nhỏ xíu, lầy lội vì mưa, hôi thối mùi phân gia súc. Tôi buồn và mệt.

Chúng tôi lại ngồi trong một ngôi nhà khác, cũng nhỏ, cũng có một người đàn bà và những đứa trẻ con. Người đàn bà phơi lúa - khoảng chừng một thúng - chắc là mới đi mót lúa về, phơi trên thềm, dưới ánh điện.

- Chừng nào sanh em bé? Đứa này là đứa thứ năm rồi nhé.

Nghe Tiến nói tôi mới biết người đàn bà có thai. Tôi nhìn chị. Chị quá nhỏ, bụng cũng nhỏ. Mặt chị mệt mỏi, ánh mắt buồn, cứ như có con ruồi bay qua chị cũng không thèm quơ tay đuổi nó.

Hình như cả ngày chị mệt rồi nên khi thấy chúng tôi chị càng mệt hơn, chẳng muốn tiếp, muốn nói gì cả. Nhưng chị không đuổi chúng tôi đi.

- Bốn đứa trước đều là con gái nên chị này muốn kiếm con trai - Tiến nói với tôi.

- Bên chị thường trọng con gái mà? - tôi ngạc nhiên hỏi chị.

- Chồng muốn có một đứa con trai - chị mệt mỏi đáp.

Trong nhà chỉ có chị và ba đứa con gái. Chồng chị đi đâu đó chưa về, đứa học trò tôi cần gặp thì đã nhanh chân chạy trốn. Tôi cũng... quen cảnh đó rồi.

Tiến và tôi lại tiếp tục ngồi nói về chuyện học. Nhưng chị không muốn nghe. Chị mệt, chị chỉ cầu mong cho chúng tôi rời khỏi nhà chị. Và cuối cùng chị thở phào khi chúng tôi cuốn gói đi.

Đang đi trên đường thì tôi gặp Taing Su Kiên - thằng nhóc học trò mà tôi đang định đến nhà để vận động nó đi học. Nó đi trên con đường làng buổi tối, áo phong phanh, hát nghêu ngao.

- Su Kiên - tôi gọi tên nó.

Dưới ánh đèn xe, Su Kiên cũng nhận ra tôi là cô giáo của nó. Nó co giò chạy bán sống bán chết. Tiến dừng xe đuổi theo nhưng nó đã lủi vô ngõ ngách nhà nào rồi.

- Bây giờ có đến nhà nó không? - Tiến hỏi - Nhà nó ở gần đây thôi. Ngôi nhà nhỏ màu xanh kia kìa.

Theo tay Tiến chỉ tôi đã nhìn thấy ngôi nhà màu xanh của Su Kiên. Nhưng hình như không có ai ở nhà. Nhà đóng cửa im lìm, chẳng điện đóm gì nên thằng nhóc mới đi lang thang.

- Thôi - tôi nói - thằng nhóc sợ đi học như vậy, lỡ đến nhà nó bỏ nhà đi luôn như đứa kia thì khổ.

Tiến lại khoe răng cười. Nụ cười hồn nhiên không hề giống tôi đang mệt mỏi, buồn chán, cau có. Với một vài em học sinh như tôi đang thấy, đi học sao giống như cực hình, tra tấn, một cơn ác mộng. Có em thà đi ở, lang thang ngoài chợ, đi chăn bò dang nắng còn hơn phải đến trường. Vì sao tôi không hiểu. Lẽ nào chỉ vì nghèo? Có thật chỉ vì nghèo không?

Trên đường về, chúng tôi còn ghé một nhà nữa - nhà của em Jeắk Than. Em này không cần chúng tôi đi vận động. Em đi học rất đều, là học sinh giỏi và là lớp phó lao động trong lớp của tôi. Sẵn đường tôi ghé nhà em cho biết.

Ba em đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Nhà ông không khá hơn mấy nhà kia là mấy. Trong nhà cũng chừng đó thứ, nhưng sạch sẽ.

Tôi khen em Than học giỏi, mắt ông long lanh hạnh phúc.

- Phải chi các phụ huynh kia học được bác cách dạy con thì hay biết mấy - tôi buột miệng.

- Dạy con không ai chỉ được đâu - ông ngượng nghịu nói - con mình thì mình ráng nói nó nghe. Cũng có đứa nó không nghe. Cha mẹ sinh con trời sinh tính.

Tôi ước gì sau này Than học lên cao, làm được thật nhiều điều, giúp đỡ được cha mẹ. Tôi sợ một lúc nào đó, Than hay cha Than nản lòng. Họ không tin vào giáo dục nữa. Rằng đi học mà sao vẫn nghèo, sao lâu... thoát nghèo chẳng hạn, rồi họ bỏ cuộc... Nếu thế thì tôi sẽ buồn lắm. Vì trong ngôi làng dân tộc này và trong ngôi trường tôi đang dạy, có mấy học sinh vượt khó như em? Con đường học vấn thì lại quá dài. Mong sao em đừng bỏ cuộc.

Trời đã tối lắm rồi. Mưa đổ ập xuống rồi lại ngớt. Tôi và Tiến nghỉ chân bên một quán nhỏ bên đường. Tôi mua cho Tiến một gói thuốc. Tiến ngượng nghịu cầm lấy. Tôi nhận ra Tiến cũng là một người bỏ học sớm, lấy vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn, làm ở thôn nhưng đã có ba con, vượt chuẩn của nhà nước.

Tiến về trước. Bóng đèn xe Tiến chìm nghỉm trong màn mưa phía trước. Mệt và buồn, tôi không biết mình nên làm gì lúc này. Viết một bản báo cáo tường trình việc đi vận động cho nhà trường, tiếp tục đi vận động dù biết mình có đi cũng chẳng có ích chi? Tôi cứ ngồi bên quán trong buổi tối mưa.

Tôi không muốn trở về căn phòng tập thể có đến bốn cô giáo cùng ở, đêm nào cũng nói chuyện trường lớp. Tôi chán căn phòng đó. Vào lúc mệt mỏi này, tôi lại thấy bùng lên một nỗi phù phiếm kỳ quặc. Tôi muốn chạy xe ba mươi cây số trong mưa, vào phố, đứng trong một shop thời trang và lựa cho mình một chiếc váy thật đẹp. Mặc kệ cơn mưa này, buổi tối chán chường này, cảnh học sinh nghỉ học như sung rụng này.

Nhưng lúc đó hình ảnh cậu nhóc ba tuổi, ở truồng, chỉ có độc một chiếc áo ngắn hồi chiều hiện lên trong tôi. Tôi bật cười vì ý nghĩ chính cậu bé đó mới cần shop thời trang hơn là tôi.

Và khi cậu nhóc ấy lớn lên, đi học, em sẽ là Than hay nằm trong diện thầy cô phải đến nhà vận động? Cho dù thế nào ấy tôi vẫn muốn tin...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận