Sầu riêng Cai Lậy ở đất Sình Mây

MAI VINH 04/08/2017 02:08 GMT+7

TTCT - Đất Sình Mây (thôn Phước Trung, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) có xóm dân gốc Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) trồng sầu riêng bằng cả sự hồn hậu.

Sầu riêng Đạ Huoai loại ngon nhất hột nhỏ, cơm nhiều, không nhão. Mỗi thớ quả chỉ có 1 múi lớn và 1 múi nhỏ hoặc chỉ 1 múi thật lớn. Múi sầu riêng có màu vàng và có lớp màng mỏng phủ lên trên. -Ảnh: M.VINH
Sầu riêng Đạ Huoai loại ngon nhất hột nhỏ, cơm nhiều, không nhão. Mỗi thớ quả chỉ có 1 múi lớn và 1 múi nhỏ hoặc chỉ 1 múi thật lớn. Múi sầu riêng có màu vàng và có lớp màng mỏng phủ lên trên. -Ảnh: M.VINH

 

Cả huyện có hơn 1.000 hộ trồng sầu riêng, nhưng chỉ 15 hộ dân được cấp thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” và đều là dân xóm Sình Mây.

Đang mùa được giá, cán bộ huyện đóng vai thương lái tới kêu hái trái non bán cho lẹ lại có lời, dân Sình Mây lắc đầu.

Chèo kéo thêm, dân Sình Mây bực mình: “Mấy cha đi lẹ chứ không tụi tui nổi khùng”. Sau này cũng ông cán bộ đó tới hỏi sao hồi đó không gật đầu, có ai biết ai đâu mà không bán, đằng nào cũng lợi.

“Trái non sao tự chín được, mấy ông mua rồi ướp ủ thuốc đủ kiểu, mang tội chết” - ông Tám Tâm (Nguyễn Văn Tám, 56 tuổi), người đến xóm Sình Mây từ năm 2000, kể lại chuyện xảy ra vào năm ngoái trước mặt người cán bộ giả vai thương lái rồi cười ha hả.

Ông Nguyễn Văn Châu buộc dây để tránh sầu riêng rụng xuống đất khi chín già làm hư bên trong.                   -Ảnh: MAI VINH
Ông Nguyễn Văn Châu buộc dây để tránh sầu riêng rụng xuống đất khi chín già làm hư bên trong. -Ảnh: MAI VINH

 

Ai đâu đi chặt chân mình

Ông Tám Tâm nói: “Sầu riêng còn khoảng 10 ngày nữa chín cây thì bắt đầu hái, 15 ngày sau sẽ tự chín. Bấy nhiêu đó thời gian đủ đi khắp VN này. Nết trồng, bán buôn của nhà mấy đời rồi cứ vậy.

Hái non dù lý do gì cũng không thể có sầu riêng ngon, từ từ người ta cạch mặt sầu riêng của mình luôn. Đi hái trái non bán cho thương lái ngâm thuốc không khác gì tự chặt chân mình chú à”.

Xóm Sình Mây là xóm mới lập vào khoảng năm 2000. Đất nằm trong vùng trũng núi mà lại trơn ướt, mặt đất bở. Quanh trũng núi ấy, dây mây mọc khin khít cuốn lấy cây cối. Lối đi mới mở được chừng 10 ngày đã bị bít lại. Đất lắm sình, nhiều dây mây nên dân tới lập xóm gọi là xóm Sình Mây.

Ông Tám Tâm bảo: “Hồi đó Sình Mây chưa có người ở, tôi với 10 anh em khác đi tìm đường lập nghiệp thì ghé vô. Cũng không tính ghé, nhưng dân Cai Lậy mấy đời trồng sầu riêng, thấy dân hai bên lộ trồng sầu riêng nên nghĩ đất lập nghiệp là đây”.

Ông Hai Châu (Nguyễn Văn Châu, 68 tuổi) đi chuyến đó cùng ông Tám Tâm còn nhớ như in ngày bước vào trũng núi Sình Mây. “Anh em đi tìm thế đất hợp trồng sầu riêng, không cần biết đường sá thế nào, cứ băng đường mòn đi nên té trầy trụa hết. Rốt cuộc cũng tới được cái chỗ đất lài lài xuôi triền đồi, lại gần suối, lạch” - ông Hai Châu kể.

Nhìn con đường bêtông khang trang mà dân xóm Sình Mây góp tiền làm, ông nói: “Hồi đó về mang mớ cây giống từ Cai Lậy lên được tới Sình Mây không biết bao nhiêu công sức bỏ ra. Từng bó cây giống cõng bộ mười mấy cây số từ lộ vô. Tới nơi thì người ngợm như con trâu đầm”.

Gần chục năm người dân Cai Lậy sống ở Sình Mây trăn trở chỉ với cây sầu riêng, trong khi dân ngoài lộ đã chặt bỏ để trồng ca cao, hồ tiêu...

Ông Tám Tâm cười: “Thế đất đẹp, trái vụ đầu ra thơm, ngọt thanh mà nhỏ, ít trái, để ăn chơi thì được chứ đem bán mắc cỡ lắm. Anh em rủ nhau về lại miền Tây tìm hiểu kỹ thuật ghép, tìm thêm giống mới để trồng bên cạnh so sánh. Thử đi thử lại nhiều lần để được vùng sầu riêng gần 40ha như bây giờ”.

40ha sầu riêng ở Sình Mây là toàn bộ diện tích sầu riêng đạt chuẩn VietGAP của Đạ Huoai dù huyện có hơn 2.000ha sầu riêng. Ông Trần Kim Trường, Phòng NN&PTNT huyện Đạ Huoai, xác nhận sầu riêng dân Sình Mây trồng có năng suất cao nhất toàn vùng (15-20 tấn/ha).

Gắn bó với dân trồng sầu riêng trong vùng, ông Trường kể: “Cách đây khoảng ba năm, dân Sình Mây bàn với cán bộ nông nghiệp huyện tìm kinh phí làm thương hiệu cho sầu riêng.

Họ nói chuyện thống thiết rằng phải có thương hiệu, chứ giờ người ta đấu trộn trái cây chỗ này với chỗ kia, hàng tốt với hàng xấu dữ quá. Bán trái trơn kiểu gì cũng không thoát khỏi chuyện đó, rồi uổng công người ta chăm chút từng trái sầu riêng”.

Thống thiết vậy nhưng khi huyện làm được thương hiệu, kêu lên làm hồ sơ thì vẫn lên nhưng không chịu làm.

Sầu riêng chín cây được tách vỏ và cấp đông dành bán trái mùa -Ảnh: MAI VINH
Sầu riêng chín cây được tách vỏ và cấp đông dành bán trái mùa -Ảnh: MAI VINH

 

Nông dân “chịu chơi” công nghệ

Ông Trường bực mình vì mấy anh nông dân miền Tây cắc cớ, tới vườn nhậu chơi hỏi chuyện thì ông Mai Văn Doãn, hộ xin cấp thương hiệu cho sầu riêng Đạ Huoai, nói: “Hồi giờ trồng theo kinh nghiệm, còn hồ sơ biểu làm chặt chẽ thì phải đợi tụi tui đi thuê người phân tích, giám sát quy trình trồng cho khoa học, rồi học ghi nhật ký trồng trọt cho bài bản.

Nói thiệt với chú Trường, lỡ đi đăng ký mà không đạt thì tui mắc cỡ, nhà tui trồng trái cây mấy đời rồi, không có ai tiếng lớn tiếng nhỏ. Tui cũng không muốn mang tiếng làm không đàng hoàng”.

Ông Doãn nói thêm thương hiệu mới xây dựng mà mình làm ẩu thì vừa mất thương hiệu, vừa mất luôn tiếng thơm dân Sình Mây gầy dựng hơn 15 năm.

Nghe lời chân chất, cán bộ Trường hiểu chuyện, không những thôi giận mà còn đứng ra hướng dẫn những chuyện chữ nghĩa, giấy tờ bà con không biết.

Chứng nhận thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” ra đời được hai năm nhưng dân Sình Mây mới nhận đầu vụ sầu riêng năm nay.

Giờ tới nhà 15 hộ trồng sầu riêng xóm Sình Mây nhằm ngày hái trái sẽ thấy cảnh người dân tỉ mẩn dán nhãn lên từng cuống trái, rồi bàn giao cho vựa chở đi. Dân Sình Mây mỗi nhà có 2-5ha sầu riêng nhưng kiểu cách nhàn nhã.

Ông Tám Tâm bảo nhàn nhã là do mình. Đang ngồi uống nước, ông vỗ tay cái đét rồi bảo tới giờ tưới nước cho sầu riêng. Tưởng ông ra vườn, nhưng không, ông rút cái điện thoại ra nhập câu lệnh rồi gửi đi. Ngoài vườn tiếng máy bơm kêu re re rồi nước phun nhè nhẹ từ đỉnh cây xuống.

Ông Nguyễn Hoàng Vân cười: “Xóm này chăm sóc cây kiểu Tám Tâm hết. Có việc cứ đi, tới giờ rút điện thoại ra “xử” cái là nước ở nhà tự phun”.

Ông Vân cho biết: “Đợt này sầu riêng cần tưới phân vi sinh, tôi mới điều khiển cho môtơ số 2 ở nhà bơm tưới phân”. Ông Vân khoe cả hệ thống tưới điều khiển từ xa cho 3ha sầu riêng đầu tư khoảng “3 tấn sầu riêng”.

Ông Tám Tâm pha chuyện: “Đứt ruột nhưng tiện săn sóc cây nên đầu tư, tiết kiệm sức nên mới có lời”.

Vườn sầu riêng VietGAP của dân Sình Mây cỏ mọc ngang đầu gối. Mỗi lần cỏ mọc cao ngang hông thì người dân dùng máy cắt phạt ngang cho ngắn bớt. Sao không dọn đi cho sạch vườn, lại đỡ tốn phân?

Ông Hai Châu nói: “Đừng tưởng làm cỏ sạch sẽ mới công nghệ cao nha. Tui đi tập huấn mới biết để cỏ mùa mưa thì mùa hạn mình có cả nghìn cái “máy bơm”. Cỏ giữ ẩm, giữ mùn cho đất nên không lo đất bị khô cằn, giúp sầu riêng chịu hạn tốt.

Mỗi cuối vụ, mình đi rải vôi diệt khuẩn rồi tưới thêm vi sinh vào đất. Cây khỏe tự động không có bệnh. Còn sâu lặt vặt thì bị thiên địch trong cỏ diệt gần hết rồi nên ít xịt thuốc bệnh, thuốc sâu”.

Ông Hai Châu kể lúc mới tập huấn về, ông bày cho nhiều người không ai chịu tin, phải vài vụ sau thấy sầu riêng của ông được mùa lại tiết kiệm phân thuốc mới tin.

Xóm Sình Mây ba năm nay chưa năm nào lo thương lái ép giá. Ngay trong xóm có ông Phạm Văn Dược (42 tuổi) nghĩ ra cách cấp đông sầu riêng chín cây rồi bán ngược ra Bắc, bán xuống miền Tây lúc trái mùa.

Ông Dược kể: “Cách đây vài năm, tôi nghĩ từ cái chuyện cấp đông con cá trong tủ lạnh rồi nghĩ tới trái sầu riêng. Sau đó đi mua máy rút chân không với tủ cấp đông thử nghiệm”.

Sau ba tháng, ông Dược có công thức cấp đông và rã đông trái sầu riêng chín cây. Thử nghiệm xong, ông trích gần 400 triệu đồng tiền lời vụ sầu riêng để xây khu chế biến có phòng vô trùng, kéo điện ba pha, đầu tư hệ thống cấp đông, nhà giữ lạnh công nghiệp.

“Sầu riêng tôi dùng dây neo không cho rụng xuống đất, đợi chín cây mới cắt dây tháo xuống. Hái tới đâu cấp đông tới đó. Đầu tiên tôi chỉ chế biến cho vườn nhà, sau này bà con trong vùng bán cho vựa còn dư tôi cũng mua luôn mới đủ bán cho đầu mối ngoài Hà Nội” - ông Dược kể.

Ông Hai Châu khen: “Anh Dược làm vậy mà dân ở đây nhờ, cứ túc tắc được giá thì bán, không được giá thì cấp đông rồi bán trái mùa”. Với dân Sình Mây, nhà sơ chế cấp đông của ông Dược là biểu tượng của sự biết làm ăn, biết lo xa, biết tự bảo vệ cái hồn hậu của vùng trồng sầu riêng trước những tác động tiêu cực của thị trường.■

Ông Nguyễn Văn Tám đầu tư hệ thống tưới có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại                     -Ảnh: MAI VINH
Ông Nguyễn Văn Tám đầu tư hệ thống tưới có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại -Ảnh: MAI VINH

 

Ông Nguyễn Văn Lục, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lâm Đồng, cho biết: “Quá trình phân tích chất lượng để cấp tiêu chuẩn VietGAP và thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” cho dân ở xóm Sình Mây, chúng tôi ghi nhận quy trình sản xuất của 15 hộ dân trồng sầu riêng trong xóm đạt tiêu chuẩn ngoài mong đợi”.

Theo ông Lục, “những người dân ở Sình Mây trồng sầu riêng sạch như mô hình kiểu mẫu để các hộ nông dân học theo, nên sau hai năm có thương hiệu chúng tôi chỉ cấp cho 15 hộ dân ở đây. Thông qua họ, chúng tôi khuyến khích người trồng sầu riêng sản xuất có trách nhiệm, thương lái buôn bán có lương tâm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận