Sống cùng COVID-19: Con đường phía trước

YÊN LAM 17/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Biến thể Delta đã dẫn đến các đợt bùng phát COVID-19 mới ở nhiều nơi, nhưng đại dịch (pandemic) này theo quy luật sẽ sớm chuyển sang một hình thái mới, một bệnh đặc hữu (endemic disease) mà ta có thể sống cùng.

 
 Ảnh: Wellcome Trust

Tháng 3-2020, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu. Mặc dù không có một định nghĩa phổ quát về thế nào là đại dịch, WHO trước đó đã dùng từ pandemic để chỉ “sự lây lan khắp thế giới của một căn bệnh mới”.

Một bài báo trên tập san về bệnh truyền nhiễm Journal of Infectious Diseases năm 2009 nêu các đặc tính khác của một đại dịch: tỉ lệ nhiễm cao, lây lan với tốc độ bùng nổ trong thời gian ngắn, tỉ lệ miễn dịch thấp, tính truyền nhiễm lại cao. COVID-19 có hết các đặc điểm trên. 

Trái lại, những bệnh đặc hữu như thủy đậu, sốt rét không mới, tỉ lệ lây trong một quần thể dân số là có thể dự đoán. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, bệnh đặc hữu dùng để chỉ “sự hiện diện liên tục và/hoặc sự phổ biến thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một quần thể dân số tại một khu vực địa lý”. 

Nói với tờ New York Times hồi mùa xuân, giáo sư bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học David Heymann cho rằng trở thành bệnh đặc hữu là “sự tiến triển tự nhiên của rất nhiều bệnh truyền nhiễm đã gặp ở người, từ lao đến HIV”. “Chúng ta đã học cách sống cùng chúng, cách đánh giá rủi ro và cách bảo vệ những người cần bảo vệ” - Heymann nói thêm. 

Giờ thì chỉ còn chờ xem những gì lịch sử dạy ta có thể áp dụng thế nào với COVID-19.

Virus không biến mất

Theo nhà nghiên cứu miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm Yonatan Grad của Đại học Harvard, nếu nói “COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu” có nghĩa là dịch bệnh sẽ không kết thúc bằng việc virus biến mất, thay vào đó là sẽ có đủ người được bảo vệ nhờ miễn dịch từ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh, và vì thế sẽ có ít sự lây lan hơn cũng như số ca nhập viện và tử vong liên quan COVID-19 sẽ giảm ngay cả khi con virus vẫn lưu hành.

Chuyên gia này cũng nhắc lại nhiều virus gây bệnh chết người theo thời gian sẽ trở thành các mối đe dọa trong tầm kiểm soát như đại dịch cúm năm 1918 do virus cúm A/H1N1 gây ra, hoặc gần đây hơn là đại dịch “cúm lợn” /H1N1 năm 2009. Theo Grad, các đại dịch nói chung đều bắt đầu với tỉ lệ tử vong cao hơn so với tỉ lệ trong những năm tiếp theo khi virus tiếp tục lưu hành.

Mặc dù tỉ lệ tử vong giảm là do nhiều yếu tố, một trong những yếu tố then chốt là việc tiếp xúc với mầm bệnh trong lần đầu tiên sẽ mang lại sự bảo vệ ở một mức độ nào đó trước việc tái nhiễm và trở bệnh nặng nếu thực sự tái nhiễm. Đây cũng là sự bảo vệ mà vắc xin mang lại.

“Mức độ và thời gian bảo vệ miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên, cách thức chúng ta tiếp xúc với nhau và độ lây lan của virus sẽ là các yếu tố quyết định thời điểm chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu của COVID-19” - Grad nói trong bài phỏng vấn đăng trên website của Trường Y tế công Harvard T.H. Chan vào ngày 11-8.

Chuyên gia này thừa nhận các yếu tố nói trên đều là biến số (chưa biết miễn dịch trong bao lâu và virus tiến hóa mạnh lên đến mức nào, việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang có được duy trì không) nên chưa thể dự đoán thời điểm COVID-19 không còn là đại dịch.

Nhìn lại các dịch bệnh trong quá khứ, có thể thấy việc virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục hoành hành là tương phản với những gì đã xảy ra với đợt bùng phát dịch SARS (cũng do virus corona gây ra) hồi đầu tiên năm 2003 và dịch do virus Ebola ở Tây Phi vào năm 2014, khi các biện pháp y tế công cộng cuối cùng đã ngăn các virus này lây lan và chấm dứt cả 2 đợt dịch đó.

“Trường hợp của COVID-19 có thể sẽ khác với các đại dịch trước đó vì cách phản ứng không đồng nhất trên thế giới - chỗ thì theo đuổi chính sách “Zero COVID”, nơi thì ứng phó hạn chế, cũng như khác biệt về độ sẵn có của vắc xin và tỉ lệ tiêm chủng”, Grad lưu ý.

Kịch bản lạc quan nhất

Trong bài viết “Virus corona sẽ tồn tại mãi và đây là cách chúng ta sẽ sống với nó”, cây bút Sarah Zhang của The Atlantic cho biết trước virus SARS-CoV-2 chỉ có 4 chủng virus corona được biết đến, tất cả đều gây cảm thông thường. Việc tái nhiễm các virus này là có xảy ra và được quyết định bởi kết quả của một quá trình song hành: sự miễn dịch với virus của ta giảm dần, trong khi con virus tiếp tục tiến hóa.

Mô thức chung là: ta nhiễm khi còn nhỏ, chỉ phát bệnh nhẹ; hệ miễn dịch sau đó hao mòn dần; con virus thay đổi; ta tái nhiễm; hệ miễn dịch được cập nhật; hệ miễn dịch lại hao mòn; con virus lại thay đổi; ta lại nhiễm, và cứ thế.

Trong kịch bản tốt nhất, COVID-19 cũng sẽ theo mô thức này, với các lần tái nhiễm gây ra triệu chứng nhẹ, theo Stephen Morse - chuyên gia dịch tễ Đại học Columbia. “Nếu gánh nặng dịch bệnh không cao, chúng ta sẽ xem con virus là chuyện hiển nhiên”. Kịch bản xấu nhất là COVID-19 sẽ như cúm mùa, vốn khiến 12.000 đến 61.000 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm.

Việc COVID-19 chuyển từ đại dịch thành bệnh đặc hữu cũng liên quan đến tâm lý. Khi ai cũng đã có miễn dịch với SARS-CoV-2, việc được chẩn đoán mắc COVID-19 cũng bình thường như viêm họng hay cúm - không phải là tin tốt nhưng cũng không phải là lý do để sợ hãi, lo lắng hoặc bối rối.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phải tống khỏi đầu thông điệp “COVID-19 không chỉ là bệnh cúm” vốn đã được nhấn mạnh suốt thời gian qua. Ngoài ra, không phải ai cũng sẵn sàng đổi thái độ về rủi ro của dịch bệnh. “Trong khi rủi ro của việc mắc cúm là thứ mà xã hội đã chấp nhận rộng rãi, điều đó chưa xảy ra với COVID-19” - Julie Downs, nhà tâm lý học nghiên cứu các quyết định về sức khỏe tại Đại học Carnegie Mellon, giải thích.

Nguy cơ mắc COVID-19 trong tương lai sẽ thấp hơn so với giữa đợt bùng phát của biến thể Delta hiện tại, nhưng chắc chắn nó sẽ không bao giờ biến mất. “Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho mọi người rằng nguy cơ sẽ không giảm về không mà là xuống một mức mà ta có thể chấp nhận” - Downs nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận