TTCT - Kinh nghiệm sống của loài người chủ yếu là ở trên cạn, vùng ven sông, ven biển. Nhưng một số nơi trên thế giới, do điều kiện đặc thù, đã phát triển hệ thống kinh nghiệm sống với nước độc đáo. Venice ngập mà không hỗn loạn trong trận bão năm 2018. Thành phố đã quen với chuyện sống với nước ngập và du khách cũng không lạ về việc này. Ảnh: REUTERS Với người Việt, cuộc sống trên những lồng bè nuôi cá ở An Giang, Đồng Nai, Hải Phòng… là những điển hình. Không xa VN, Campuchia, Thái Lan, Philippines cũng có làng nổi. Những kinh nghiệm sống với nước này có thể rất cần cho tương lai khi Trái đất đứng trước đe dọa biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dân Venice không chạy Nước ngập đến gối, các nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ khách. Người phục vụ bưng thức ăn bì bõm lội nước trong đôi ủng cao đến gối, khách bình tĩnh ăn dù nước ngập đến nửa ống chân. Đó là cảnh tượng bình thường ở Venice (Ý), được rất nhiều du khách chia sẻ trong sự ngạc nhiên lẫn bội phục. Sống chung với nước có cái giá của nó, chắc chắn không hoàn toàn là sung sướng, thoải mái. Cuối tháng 10-2018, mưa to và bão lớn khiến 3/4 thành phố Venice bị ngập dưới nước - trận ngập tồi tệ nhất của thành phố trong vòng 6 năm. Hàng trăm chiếc xe hơi hiệu Maserati đã bị phá hủy do hỏa hoạn ở một bãi để xe ở thành phố Savona, tây bắc nước Ý. Nguyên nhân được xác định là do nước biển tràn vào bãi để xe, làm chập thiết bị pin gây hỏa hoạn. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Geochemistry, Geophysics, Geosystems (Địa hóa học, Địa vật lý, Hệ thống địa chất), Venice mỗi năm bị chìm trung bình từ 1-2mm. Trong thế kỷ 20, Venice đã lún khoảng 12cm do quá trình tự nhiên và do khai thác nước ngầm. Cùng thời gian đó, nước biển dâng thêm 11cm. Theo một dự báo không tươi sáng của UNESCO đã có từ năm 2011, nếu nước biển dâng 80cm, Venice có thể cứ 2 ngày lại bị ngập một lần do ảnh hưởng của thủy triều, lúc này nguồn lợi về du lịch sẽ đội nón ra đi. Đến năm 2030, Venice có thể mất từ 105-415 triệu euro/năm do thất thu từ du lịch. Việc khai thác nước ngầm đã bị cấm hoàn toàn ở Venice từ những năm 2000. Làng nổi ở Hà Lan Ở Amsterdam (Hà Lan) có một ngôi làng nổi từ sáng kiến của những người tiên phong muốn xây dựng một cộng đồng bền vững, ít tác động đến môi trường nhất có thể, đồng thời thích nghi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Làng được đặt tên là “Schoonschip”, nghĩa là “con thuyền sạch”, với ý nghĩa những ngôi nhà ở đây nổi trên nước như những con thuyền nhưng được xây dựng trên tiêu chí ít tạo ra các ảnh hưởng về môi trường. Trả lời TTCT, chị Marjan de Blok - người có sáng kiến lập làng nổi ở Hà Lan - cho biết: “Khởi công từ tháng 6-2018, hiện tại làng Schoonschip có 28 ngôi nhà đã có người sinh sống. Khi hoàn thành năm 2020, làng Schoonschip sẽ có 46 nóc nhà, đủ chỗ cho 105 cư dân sống theo tiêu chuẩn châu Âu, toàn bộ đã có người đăng ký mua”. Những ngôi nhà trong làng có diện tích 90-210m2, giá từ 330.000-880.000 USD/căn gồm 3 tầng, trong đó tầng hầm chìm hoàn toàn dưới nước. Mỗi nhà đều có hệ thống điện mặt trời trên mái với tổng cộng 500 tấm pin năng lượng mặt trời, sản xuất phần lớn lượng điện tiêu thụ cho căn nhà. Theo lời bà Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước Cora van Nieuwenhuizen, Hà Lan là "đất nước mà việc sống với nước có trong máu của mọi người dân”. Ngoài làng nổi, Hà Lan còn có trang trại nổi, vườn hoa nổi và vẫn tiếp tục tìm kiếm những sáng kiến khác để có thể quản lý tốt các thách thức về nước và khí hậu trong tương lai. Làng nổi thân thiện với môi trường, thích ứng với cuộc sống dưới nước tại Hà Lan. -Ảnh: Marjan de Blok cung cấp Và ở Việt Nam... Làm sao sống trong điều kiện thường xuyên bị nước bao quanh, gồm phát triển và hệ thống lại các kinh nghiệm thích nghi với nước lũ (ngọt) và nước biển (mặn)? Thực tế này không quá xa lạ ở ĐBSCL. Nhiều người dân đã cất nhà, sống trên nước ở mé sông, mé biển từ lâu. Nhiều mô hình sinh kế gồm lúa - cá (cá đồng, cá tự nhiên), lúa - vịt - cá (cá đồng - cá tự nhiên), lúa- tôm càng xanh, lúa - sen, hoa màu - cá (cá đồng, cá tự nhiên) đã được áp dụng để tìm ra phương hướng tiến tới giảm từ 3 vụ lúa một năm xuống còn 2 vụ lúa, để một khoảng thời gian cho nước tràn đồng nhằm bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng. Những mô hình trên được chứng minh là có hiệu quả ở Đồng Tháp, An Giang do giá trị sản phẩm ngoài lúa như cá, tôm, sen đều cao và được thị trường tiêu thụ. Không chỉ bán sản phẩm trong tình trạng “trời cho sao để vậy”, người dân ĐBSCL còn học hỏi để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ví dụ với cây sen, hạt sen được chế biến thành sen sấy; cọng lá và cọng hoa sen, vốn trước đây là thứ bỏ đi được xe thành tơ dệt vải có giá trị kinh tế cao vì là sản phẩm cực hiếm trên thị trường. Hay như bài học kinh nghiệm từ mô hình vườn rau nổi theo kinh nghiệm của Bangladesh, một trong những nghiên cứu do Tổ chức IUCN thực hiện tại An Giang cuối năm 2018. Trong mô hình này, người dân trồng đậu nành, cải đắng, cải ngọt và xà lách trên giá thể nổi từ thân cây bèo trên mặt nước lũ trong đê. Kết quả, trừ đậu nành, rau cải không nảy mầm tốt trên giá thể lục bình, sinh trưởng thấp hơn 20% so với canh tác theo cách thông thường, thậm chí ngừng tăng trưởng sau hai tuần. Do đây là một kinh nghiệm “ngoại nhập”, còn mới với ĐBSCL và cần tiếp tục thí điểm để đánh giá đầy đủ, mô hình bước đầu đã có thể kết luận vườn nổi chỉ phù hợp trồng rau quy mô hộ gia đình nhưng hiệu quả kinh tế không cao nếu triển khai đại trà do chi phí nhân công lớn. Dù mức độ thành công và phù hợp còn thấp và cần được điều chỉnh theo điều kiện địa phương, để chuẩn bị cho tương lai, những nghiên cứu và thí điểm cái mới vẫn rất cần và chưa bao giờ là đủ. Từ những năm 1985-1986, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh ở các vùng ven biển ĐBSCL. Người dân khoan giếng lấy cả nước ngọt và nước mặn để nuôi tôm. Gần đây, những vuông tôm công nghiệp (có khai thác nước ngầm) bị các chuyên gia trong nước và quốc tế điểm danh là một trong những nguyên nhân chính gây ra việc sụt lún đồng bằng, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ở các vùng như Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, nếu muốn tính chuyện trăm năm, cần nuôi tôm dựa vào tự nhiên theo kiểu quảng canh, bên cạnh trồng lại rừng mắm, đước để tăng cường khả năng chống chịu của đồng bằng. Sự cần thiết đã rõ ràng nhưng nông dân quen nuôi tôm thâm canh không dễ gì quay về nuôi tôm sinh thái vì năng suất thấp. Các trang trại nuôi tôm sinh thái phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu 50% diện tích là rừng ngập mặn, mật độ tôm thấp. Tuy nhiên, hình thức này ít chi phí hơn nhiều so với nuôi thâm canh và có thể đạt được chứng nhận hữu cơ để bán với giá tốt hơn. Đây có thể là hướng đi bền vững cho những nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ gắn với việc bảo vệ rừng ngập mặn và tương lai của ĐBSCL. ■ Ông Willem Schoustra (cố vấn nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại VN): Sản xuất bền vững và tôn trọng thiên nhiên Mô hình trang trại nổi ở Hà Lan là sáng kiến để ứng phó với những thách thức hiện tại về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và đô thị hóa. Ở Hà Lan, mô hình được thiết kế để sử dụng triệt để các loại tài nguyên như nước mưa, phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác và sản xuất điện từ pin năng lượng mặt trời. VN đang phải đối phó với những thách thức tương tự như Hà Lan, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL, nơi biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực và sinh kế của người dân. Ý tưởng về trang trại nổi có thể hữu ích ở VN, đặc biệt trong vùng có mùa lũ. Giống như đa số các sáng kiến khác, mô hình phải được điều chỉnh theo điều kiện và cách làm của địa phương. Nhưng về cơ bản, ý tưởng làm trang trại nổi để chăn nuôi hay trồng rau là rất phù hợp với VN. VN và Hà Lan có nhiều điểm giống nhau như mạnh về nông nghiệp, có vùng đồng bằng và đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chúng tôi đã học (và vẫn đang học) rằng sản lượng nông nghiệp cũng có giới hạn của nó. Vì vậy, chúng tôi sản xuất theo cách bền vững và tôn trọng thiên nhiên hơn, tái sử dụng sản phẩm thừa nhiều nhất có thể và tạo ra ít rác nhất có thể. Nông nghiệp và nước có sự liên hệ mật thiết với nhau. Càng ngày chúng tôi càng nhận ra rằng chúng ta phải sống hòa thuận với nước. Tags: Việt NamĐBSCLVeniceSống với nướcĐông và Tây có kinh nghiệmLàng nổi Hà Lan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.