Sự ngọt ngào chết người của đường

HỒNG VÂN 14/11/2020 18:11 GMT+7

TTCT - Đường tự nhiên có trong nhiều loại thức ăn chứa carbohydrates như trái cây và rau củ, các loại hạt và sữa. Không có vấn đề gì khi chúng ta ăn các loại thực phẩm tự nhiên chứa đường vì ngoài đường, các thực phẩm này còn có những chất khác như xơ, khoáng chất, chất chống oxy hóa, đạm và canxi. Nhưng sẽ là nguy hại nếu chúng ta ăn quá nhiều đường có trong các loại thực phẩm.

Ảnh: stern.de
Ảnh: stern.de

Do cơ thể tiêu hóa thức ăn chậm, đường trong các loại thực phẩm tự nhiên cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho các tế bào của chúng ta. 

Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt cũng được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

70% thực phẩm đóng gói có bổ sung đường

Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi chúng ta ăn quá nhiều đường, loại đường được các nhà sản xuất bổ sung vào các sản phẩm để tăng hương vị hoặc kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm. Đường có trong trái cây là tự nhiên, nhưng không có gì là tự nhiên khi chúng ta ăn những thực phẩm chế biến có bổ sung đường.

Khi ăn một quả dâu tây, chúng ta ăn vào đường fructose ở trạng thái tự nhiên cùng với nhiều vi chất dinh dưỡng, chất xơ của quả dâu, giúp làm quá trình hấp thu diễn ra chậm trong cơ thể và tốc độ đường đi vào trong máu cũng chậm hơn.

Tuy nhiên, đường trong các loại thực phẩm chế biến hoặc nước uống chiết xuất từ ngô/bắp, củ cải đường hay mía… thì các chất xơ và dinh dưỡng đã được tách bỏ. Không có chất xơ làm chậm quá trình hấp thu, cơ thể chúng ta tiếp nhận một lượng đường lớn và tích lũy dần đến mức đủ sức tác động đến sức khỏe.

Nhiều người tưởng mình không ăn nhiều đường nhưng có khả năng là bạn đang vô tư ăn nhiều đường mà không biết, do đường được bổ sung trong gần 70% các loại thực phẩm đóng gói.

Các thực phẩm nhiều đường rõ như ban ngày là nước ngọt, nước trái cây, yogurts ngọt, bánh, kẹo và các thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm như bánh mì, soup, tương cà chua… cũng có đường.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nam giới không nên ăn quá 15 calo đường (khoảng 9 muỗng cà phê/36 gram) mỗi ngày, với nữ là 6 muỗng cà phê. Với trẻ em, chỉ giới hạn trong 3 muỗng cà phê. Ăn quá nhiều đường làm tăng tình trạng béo phì và tiểu đường. Các nghiên cứu cũng chỉ ra ăn nhiều đường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch.

Trong nghiên cứu kéo dài 15 năm, xuất bản năm 2014 trên tạp chí JAMA Internal Medicine, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự liên quan giữa chế độ ăn nhiều đường và rủi ro tử vong cao hơn do bệnh tim mạch.

Bác sĩ Frank Hu cùng các cộng sự phát hiện những người có 17%-21% lượng calo từ chất đường bổ sung trong thực phẩm chế biến có nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch cao hơn 38% so với những người chỉ có 8% calo từ đường bổ sung.

Ngoài ra, ăn nhiều đường bổ sung cũng làm tăng gấp đôi rủi ro bệnh tim mạch, ngay cả đối với người không bị béo phì.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu được cơ chế nào làm đường ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của chúng ta, nhưng dường như có một số mối liên hệ gián tiếp. Lượng đường cao sẽ làm quá tải gan.

Khi vào trong cơ thể, đường sẽ đi thẳng đến gan. Nhiều đường sẽ làm gan bị quá tải vì cơ quan này chỉ có khả năng chuyển hóa lượng đường nhất định, giống như khả năng chuyển hóa rượu và nhiều chất độc chúng ta hấp thụ vì gan là trung tâm giải độc của cơ thể.

Nếu lượng đường vượt quá khả năng chuyển hóa của gan, gan sẽ giữ lại lượng đường thừa và chuyển thành mỡ.

Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân của hầu hết mọi căn bệnh mãn tính chúng ta hiện đang mắc phải. Các bệnh đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, sa sút trí tuệ, gan nhiễm mỡ không do rượu, buồng trứng đa nang... tất cả đều do mỡ gan thúc đẩy. Ở Mỹ, khoảng 1/3 dân số là người lớn và 13% trẻ em bị gan nhiễm mỡ do ăn quá nhiều đường.

Ăn quá nhiều đường cũng có thể làm tăng huyết áp và tăng tình trạng viêm mãn tính, cả hai đều là bệnh lý dẫn đến bệnh tim.

Ăn nhiều đường, đặc biệt là trong đồ uống có đường, cũng góp phần làm tăng cân, làm cơ thể chúng ta tắt hệ thống kiểm soát sự thèm ăn vì calo dạng lỏng không thỏa mãn chúng ta như calo từ thực phẩm. Đây là lý do người ta thường ăn thêm khi tiêu thụ đồ uống có đường.

Để tự vệ trước sự ngọt ngào của đồ ăn, thức uống bổ sung đường, nên chú ý đọc bao bì thực phẩm vì đây là cách tốt nhất để tự kiểm tra lượng đường ăn vào.

Nếu bạn thấy những thành phần sau đây trên bao bì thì hãy cảnh giác và tốt nhất là giảm lượng tiêu thụ: đường nâu (brown sugar), sirô bắp, đường lỏng (corn syrup/corn sweetener), đường chiết xuất từ trái cây cô đặc (fruit juice concentrates), mật ong, mật mía, sirô có thành tố “ose” ở cuối như (dextrose, fructose, glucose, lactose, maltose, sucrose), mạch nha đều là những thứ nên tránh xa.

Một điều nữa làm chúng ta mất cảnh giác là đường thường được đăng bằng gram đối với mỗi đơn vị. Nhưng nếu chúng ta thường ăn hay uống đến vài đơn vị thì lượng đường nạp vào cơ thể là đáng kể.

Điều này giống như khi chúng ta cầm một lon bia Heineken 330ml và trên bao bì ghi giá trị dinh dưỡng của 100ml là 42Kcal (calo). Do đó, hãy chú ý đến lượng đường trong các loại thức ăn và đồ uống, kể cả trà và cà phê.

Đường trong trái cây tự nhiên tốt cho cơ thể. Ảnh: iStock
Đường trong trái cây tự nhiên tốt cho cơ thể. Ảnh: iStock

Giới trẻ thích lão hóa sớm?

Trà sữa trân châu và các biến thể về hương vị cũng như thành phần của nó đã tạo ra cơn sốt trong giới trẻ, đặc biệt là ở châu Á. Tuy nhiên, uống đồ uống nhiều đường cũng chính là khởi động chương trình lão hóa của cơ thể. Nói cách khác, càng ăn uống nhiều đồ ngọt thì càng chóng già. Liệu giới trẻ có quan tâm?

Đường phản ứng với protein, tạo ra các sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end-products - AGEs). Những chất này khiến da nhăn nheo và các cấu trúc tế bào cứng lại giống như cách động mạch của chúng ta cứng lại để gây ra bệnh tim mạch vành.

Sự phổ biến của trà sữa ở châu Á và nhiều nơi trên thế giới đã khiến Mount Alvernia - một bệnh viện ở Singapore - đưa ra cảnh báo kêu gọi người tiêu dùng hạn chế uống để đảm bảo sức khỏe.

Theo đó, bệnh viện này công nhận trà xanh và trà đen thực sự hữu ích trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, viêm khớp và ung thư, nhưng trà sữa trân châu (có đường, sữa và kem không sữa) lại có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Lớp kem không làm từ sữa, chất thay thế sữa có chứa chất béo chuyển hóa ở dạng dầu cọ hydro hóa được chế lên mặt ly trà có tương quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Lượng calo trong một ly trà sữa trân châu cỡ vừa tương đương một lát bánh phô mai, chắc chắn có liên quan đến việc tăng cân.

Theo Bệnh viện Mount Alvernia, chỉ nên uống hai ly mỗi tuần, trong bài viết trên báo South China Morning Post. Các bác sĩ ở Malaysia cũng lên tiếng cảnh báo về cơn sốt trà sữa trong giới trẻ. Họ nói chất đường trong loại đồ uống này không chỉ gây bệnh tiểu đường mà còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể, đẩy nhanh tốc độ lão hóa và sâu răng.

Nhiều người than phiền họ thuộc nhóm hảo ngọt, nhưng thật ra đó là sự nghiện đường. Cơ chế của nghiện đường diễn ra giống nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy, mua sắm, cờ bạc, mạng xã hội…

Việc sử dụng những kích thích này tác động đến cùng một khu vực trong não được gọi là hệ thống khen thưởng (reward center), dẫn đến phóng thích một chất dẫn truyền thần kinh là dopamine. Các hoạt động làm giải phóng dopamine, về mặt cực đoan, đều là chất gây nghiện.■

Hãy tránh xa fructose

Đường gồm hai phân tử liên kết với nhau - glucose và fructose. Glucose không phải là tốt, nhưng cũng không phải là xấu. Tuy nhiên, fructose được chuyển hóa thành mỡ trong gan và đây là điểm khởi đầu của nhiều vấn đề.

Hơn nữa, nó bắt đầu phản ứng lão hóa của cơ thể, gây ra cái mà chúng ta gọi là quá trình caramen hóa, là nguyên nhân của những nếp nhăn và bệnh đục thủy tinh thể.

Theo Đài phát thanh Boston NPR New Station (Mỹ), fructose gây ra phản ứng lão hóa nhanh hơn glucose bảy lần. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Tiểu đường Joslin (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện đường fructose đặc biệt ức chế một loại enzyme ti thể, khiến các ti thể đó đốt cháy kém hơn.

Đây có thể là một trong những lý do dẫn đến tăng cân không ngừng và các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, glucose không gây ra vấn đề này và đó là sự khác biệt rất cụ thể giữa hai phân tử.

Dù vậy, khi chúng ta đưa vào cơ thể bất kỳ dạng đường nào, dù đó là đường sucrose, đường ăn, đường mía, đường củ cải, đường ngô lỏng có nhiều fructose hay mật ong… chúng ta đang lấy vào cả hai loại phân tử và một trong số đó là fructose.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận