TTCT - Các công ty đa quốc gia, quy mô toàn cầu từng thống trị nền kinh tế thế giới vài thập niên qua đang dần thoái trào và phải rút lui trước một làn sóng tấn công mới của công nghệ và những thay đổi đảo lộn. Các công ty đa quốc gia toàn cầu không còn sức mạnh của quá khứ nữa -renewablechoice.com Lúc đó cứ như thể thế giới có khẩu vị mới. Một tiệm gà rán KFC khai trương gần quảng trường Thiên An Môn vào năm 1987. Năm 1990, một tiệm McDonald’s mọc lên gần quảng trường Pushkin, bán burger cho 30.000 người Matxcơva vào ngày đầu tiên. Giai đoạn 1990-2005, doanh số ở nước ngoài tính chung của hai công ty này tăng 400%. McDonald’s và KFC là hiện thân của một ý tưởng sẽ trở nên áp đảo: các doanh nghiệp toàn cầu, do các nhà quản lý toàn cầu điều hành và thuộc sở hữu của các cổ đông toàn cầu, sẽ bán các sản phẩm toàn cầu cho khách hàng toàn cầu. Trong một thời gian dài, mô hình vươn rộng khắp hành tinh của các công ty này cũng nóng sốt, ngon lành và hấp dẫn như món khoai tây chiên của họ. Ngày nay thì cả hai đang có nguy cơ trở thành món khoai tây ỉu. Cổ phiếu của họ đã tụt hậu so với thị trường chứng khoán Mỹ nửa thập niên qua. Yum, chủ sở hữu KFC, có lợi nhuận ở nước ngoài đạt tới đỉnh điểm vào năm 2012; nhưng kể từ đó lợi nhuận đã giảm 20%. Lợi nhuận của McDonald’s đã giảm 29% từ năm 2013. Năm ngoái, Yum chịu thua ở Trung Quốc và bán công ty con ở đó. Hôm 8-1-2017, McDonald’s nhượng cổ phần đa số trong công ty con ở Trung Quốc cho một doanh nghiệp quốc doanh. Thế giới đang mất dần khẩu vị đối với các doanh nghiệp toàn cầu. Cả giới chỉ trích lẫn ủng hộ đều xem các công ty đa quốc gia - trong khuôn khổ bài báo này là những công ty có trên 30% doanh số ở nước ngoài (trừ phi có định nghĩa khác) - là những thú săn mồi tột đỉnh của nền kinh tế toàn cầu. Những công ty này định hình các hệ sinh thái mà trong đó người khác kiếm sống, định hướng các dòng hàng hóa, dịch vụ và đồng vốn tạo nên sức sống cho toàn cầu hóa. Dù các công ty đa quốc gia chỉ chiếm 2% số việc làm trên thế giới, họ sở hữu hoặc điều phối các chuỗi cung ứng chiếm hơn 50% thương mại thế giới, chiếm 40% giá trị các thị trường chứng khoán phương Tây và nắm giữ phần lớn sở hữu trí tuệ của thế giới. Kẻ săn mồi trở thành con mồi Tình hình 25 năm trước thật thuận lợi với các công ty đa quốc gia. Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc mở cửa khiến Francis Fukuyama hồ hởi tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử”, với dự báo mọi quốc gia sẽ hội tụ về dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Bấy giờ cũng đã có các công ty đa quốc gia rồi. Shell, Coca-Cola và Unilever đã vươn ra khắp nơi suốt thế kỷ 20, nhưng họ chủ yếu vẫn được điều hành như một tập hợp lỏng lẻo các doanh nghiệp ở từng nước. Các công ty đa quốc gia mới, mang tính toàn cầu, phải thật sự quốc tế hóa về khách hàng, sản xuất, vốn và quản lý. Giới học thuật phân biệt giữa vươn ra toàn cầu “theo chiều dọc” (chuyển địa điểm sản xuất và cung ứng nguyên liệu) và “theo chiều ngang” (bán sang các thị trường mới). Nhưng thực tế nhiều công ty vươn ra toàn cầu theo cả hai chiều cùng lúc. Xu hướng bắt đầu tại các nước giàu này cũng nhanh chóng phổ biến ở các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, xu hướng đó đang chậm lại. Năm 2016, đầu tư xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia có thể đã giảm 10-15% và dù các chuỗi cung ứng đa quốc gia chiếm tỉ lệ lớn trong thương mại, tỉ lệ đó đã đứng yên kể từ năm 2007. Tỉ lệ doanh số và lợi nhuận mà các công ty phương Tây đạt được bên ngoài khu vực nội địa cũng giảm. Công ty toàn cầu thật sự đang thoái trào. Có ba đối tượng chính liên quan đến tình trạng này: giới đầu tư, các quốc gia trụ sở và các nước chủ nhà tiếp nhận đầu tư của các công ty đa quốc gia. Giới đầu tư nhận ra tiềm năng rất lớn của lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Khi Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Xô mở cửa và khi châu Âu trở thành một thị trường chung, các công ty có thể bán cùng sản phẩm cho nhiều người hơn. Mô hình lỏng lẻo trước được thay thế bằng sự hội nhập toàn cầu để các công ty có thể tinh chỉnh cách họ kết hợp các yếu tố đầu vào (inputs) từ khắp thế giới. Từ các nước giàu, họ có được kỹ năng quản lý, vốn, thương hiệu và công nghệ. Từ các nước đang phát triển, họ đưa vào lao động, nguyên liệu rẻ cũng như luật lệ lỏng lẻo hơn về môi trường. Điều này đúng trong một thời gian, nhưng nay không còn đúng nữa. Lợi nhuận của hơn 700 công ty đa quốc gia hàng đầu đặt trụ sở ở các nước giàu đã giảm 25% trong 5 năm qua, theo hãng chuyên về chỉ số chứng khoán FTSE. Đối với các công ty đặt trụ sở chính ở khối OECD, một câu lạc bộ gồm chủ yếu các nước giàu, lợi nhuận ở nước ngoài giảm 17% trong 5 năm. Các công ty Mỹ “trúng đòn” nhẹ hơn, giảm 12%, một phần do thiên về ngành công nghệ phát triển nhanh. Đối với các công ty không phải Mỹ, mức giảm là 20%. Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở chính ở các nền kinh tế mới nổi (chiếm khoảng 1/7 tổng hoạt động của các công ty toàn cầu) cũng chẳng khá hơn. Nhiều công ty được cho là biểu tượng quốc gia - chẳng hạn như Lenovo, công ty Trung Quốc đã mua mảng máy tính cá nhân của IBM và một số phần của Motorola - là những thất bại về mặt tài chính. Thương vụ sáp nhập doanh nghiệp xuyên biên giới được hoàn tất lớn nhất của Trung Quốc là mua Hãng dầu khí Nexen của Canada vào năm 2012. Năm ngoái, người mua - Công ty năng lượng quốc doanh CNOOC - đã xóa sổ một phần tài sản đó. Tạp chí The Economist đã nghiên cứu 500 công ty lớn nhất trên toàn thế giới. Trong 8/10 các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, tổng doanh số của họ tăng chậm hơn các công ty hoạt động nội địa. Làm sao tìm được câu trả lời chung cho xu hướng đó? Sự giàu có đang chuyển dịch cùng các công ty đa quốc gia -The Economist Đi tìm lời giải thích Lãnh đạo các công ty khác nhau thường sẽ giải thích với những lý do khác nhau có tính hiện tượng: các biến động tỉ giá, sự sụp đổ của Venezuela, cuộc suy thoái ở châu Âu, chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc... Nhưng về mặt kinh tế học, lời giải thích sâu xa mang tính bản chất hơn là những lợi thế của quy mô và kiểu mua bán chênh lệch đang dần tiêu tan. Các công ty toàn cầu có chi phí gián tiếp lớn, các chuỗi cung ứng phức tạp làm ứ đọng tồn kho, các tổ chức dàn trải quá rộng khó điều hành. Một số cơ hội mua bán chênh lệch đã cạn kiệt, mức lương tăng lên ở Trung Quốc và phần lớn các công ty nhào nặn sổ sách để giảm mức thuế phải đóng xuống càng thấp càng tốt. Dòng lưu chuyển thông tin tự do có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh có thể đuổi kịp những công nghệ và bí quyết chuyên môn dẫn đầu dễ dàng hơn trước đây. Do vậy, các công ty tập trung vào nội địa đang giành lại thị phần. Ở Brazil, hai ngân hàng nội địa, Itaú và Bradesco, đã đánh bại các ngân hàng toàn cầu. Ở Ấn Độ, Vodafone - một công ty điện thoại di động phương Tây và Bharti Airtel - một công ty đa quốc gia của Ấn Độ hoạt động ở 20 nước, đang mất khách về tay Reliance - một hãng nội địa. Ở Mỹ, các hãng dầu đá phiến đã qua mặt các đại công ty dầu toàn cầu. Ở Trung Quốc, các thương hiệu bánh bao nội địa đang giành bớt doanh số của KFC. Một nhóm kết hợp các số đo của các công ty niêm yết cho thấy tỉ lệ của các công ty đa quốc gia trong lợi nhuận toàn cầu cách đây một thập niên là 35%, nay chỉ còn 30%. Nhóm có quyền lợi liên quan thứ nhì của các công ty đa quốc gia, các nước trụ sở, thì sao? Trong thập niên 1990 và 2000, nhiều nước mong muốn các công ty biểu tượng quốc gia vươn ra toàn cầu. Một nghiên cứu của Hãng tư vấn McKinsey, dựa trên số liệu năm 2007, cho thấy các công ty đa quốc gia hoạt động ở Mỹ chiếm 19% việc làm, 25% lương, 25% lợi nhuận, 48% xuất khẩu và 74% hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực tư nhân. Thật đáng hoan nghênh. Nhưng tâm trạng đó thay đổi sau khủng hoảng tài chính. Các công ty đa quốc gia bắt đầu bị xem là thủ phạm gây ra bất bình đẳng. Họ tạo ra việc làm ở nước ngoài chứ không phải trong nước. Giai đoạn 2009-2013, chỉ 5%, tức 400.000, trong số lượng ròng việc làm được tạo ra ở Mỹ là do các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở Mỹ tạo ra. Lợi nhuận lọt vào túi giới chóp bu cổ đông giàu có. Giới chính trị không còn sẵn lòng giúp các công ty đa quốc gia nữa. Luật lệ ràng buộc họ đi kèm theo đó. Các quy định toàn cầu về kế toán, chống độc quyền, rửa tiền và vốn ngân hàng đã chia thành phe Mỹ và phe châu Âu. Những vụ mua lại doanh nghiệp của các công ty phương Tây nay phải kèm theo điều kiện ràng buộc để bảo đảm việc làm sở tại. Hai hiệp định thương mại do Mỹ đứng đầu, TPP với châu Á và TTIP với châu Âu, đã thất bại. Những nơi mà pháp luật về thuế nhập nhèm và tạo điều kiện cho gian lận, trốn thuế đang bị tấn công dữ dội. Đó cũng là thất bại chung của các công ty toàn cầu. Cái giá của lòng hiếu khách Trong tất cả các bên liên quan tới sự lan tràn của những doanh nghiệp toàn cầu, các nước chủ nhà nhận vốn đầu tư từ công ty đa quốc gia vẫn là nhóm hăng hái nhất. Ví dụ Trung Quốc, nơi mà đến năm 2010, 30% sản lượng công nghiệp và 50% lượng xuất khẩu do các công ty con hoặc liên doanh của các công ty đa quốc gia tạo ra, vẫn còn sức hấp dẫn. Chính phủ Argentina muốn thu hút các công ty nước ngoài. Mexico vừa bán phần hùn vốn trong các mỏ dầu cho các công ty nước ngoài, trong đó có ExxonMobil và Total. Ấn Độ có một chiến dịch tên là “Sản xuất ở Ấn Độ” để thu hút các chuỗi cung ứng đa quốc gia. Nhưng mây mù đang ở cuối chân trời. Trung Quốc đã và đang gây áp lực với các công ty nước ngoài trong một nỗ lực thúc đẩy “sáng tạo bản xứ”. Giới lãnh đạo nói rằng cần phải có thêm nhiều sản phẩm được cung ứng tại nội địa và các tri thức sản xuất cốt lõi nói chung vẫn chưa được chuyển giao. Nhiều ngành chiến lược, trong đó có Internet, vẫn không cho phép đầu tư nước ngoài. Các quốc gia chủ nhà có thể cũng ít hoan nghênh các công ty đa quốc gia hơn, vì hoạt động của họ ngày càng chuyển nhiều sang các dịch vụ vô hình. Với 50 công ty đa quốc gia hàng đầu, 65% (và sẽ còn tăng) lợi nhuận ở nước ngoài nay xuất phát từ các ngành phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như công nghệ, bằng sáng chế thuốc và tài chính. Cách đây một thập niên, con số này là 35%. Các công ty đa quốc gia không có ý định nghiêm túc tái lập ở châu Phi hoặc Ấn Độ các trung tâm sản xuất công nghiệp nhẹ mà họ từng làm ở Trung Quốc - một lý do quan trọng để các quốc gia chủ nhà hoan nghênh họ. Những việc làm và hàng xuất khẩu nhờ cậy các công ty đa quốc gia hiện ngày càng giảm vai trò. Năm 2000, mỗi tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới tạo ra 7.000 việc làm và kim ngạch xuất khẩu hằng năm 600 triệu USD. Ngày nay, các con số tương ứng chỉ còn 3.000 việc làm và 300 triệu USD. Lần gần đây nhất các công ty đa quốc gia lâm vào cảnh khốn khó là sau thời kỳ đại khủng hoảng 1929-1933. Từ năm 1930 tới 1970, lượng vốn đầu tư ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia đã giảm khoảng 1/3 so với GDP toàn cầu, mức này mãi tới năm 1991 mới khôi phục. Một số công ty “né” thuế nhập khẩu bằng cách xây nhà máy ở các nước có chủ trương bảo hộ. Nhiều công ty tái cấu trúc, nhường quyền kiểm soát cho các công ty con bản địa để cố gắng tạo cho chúng một đặc tính sở tại. Nhiều công ty khác quyết định tự chia nhỏ. Tư duy lại Không chỉ là con số Các công ty đa quốc gia hiện chỉ sử dụng trung bình 1 trong 50 người lao động trên thế giới, lợi nhuận và doanh số của họ cũng đang có khuynh hướng thu hẹp. Tuy nhiên, đó vẫn là những công ty quan trọng nhất. Vài nghìn doanh nghiệp toàn cầu ảnh hưởng tới cách hàng tỉ người ăn, mặc, đi lại và giải trí. Những công ty như IBM, McDonald’s, Ford, H&M, Infosys, Lenovo và Honda thiết lập tiêu chuẩn không chỉ cho người tiêu dùng, mà cho cả giới quản lý doanh nghiệp toàn cầu. Họ cũng chiếm 50% tổng giao dịch thương mại và 1/3 giá trị thị trường chứng khoán thế giới. Hiện nay, các công ty đa quốc gia cần phải nghĩ lại về lợi thế cạnh tranh của họ. Một số lập luận cũ ủng hộ việc vươn ra toàn cầu nay đã lỗi thời - thật trớ trêu, một phần do chính những thành tựu của toàn cầu hóa. Các công ty đa quốc gia không còn chiếm vị trí độc tôn về những ý tưởng hứa hẹn nhất trong quản lý và sáng tạo. Trong những mảng họ có bằng sáng chế còn hiệu lực đối với các thương hiệu giá trị, họ vẫn còn chiếm ưu thế hoặc trong các sản phẩm cụ thể mà lợi thế kinh tế nhờ quy mô còn được duy trì, ví dụ như động cơ phản lực. Nhưng các rào cản ngày càng hạ xuống. Nhiều ngành từng cố gắng toàn cầu hóa giờ lại đạt kết quả tốt nhất khi hoạt động ở tầm quốc gia hoặc khu vực. Một số đã nhận ra điều đó. Các hãng bán lẻ như Tesco của Anh và Casino của Pháp từ bỏ nhiều hoạt động ở nước ngoài. Các tập đoàn viễn thông Mỹ, AT&T và Verizon, rút về thị trường nội địa. Các hãng tài chính đang tập trung trở lại những thị trường cốt lõi. Công ty sản xuất ximăng Lafarge-Holcim dự định bán, hoặc đã bán, các doanh nghiệp ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Việt Nam. Thậm chí những công ty toàn cầu thành công cũng đang “kiêng khem”. Doanh số ở nước ngoài của P&G đã giảm gần 1/3 kể từ năm 2012, khi tập đoàn này đóng cửa hoặc bán những doanh nghiệp yếu kém. Có vẻ như, trong tương lai, môi trường kinh doanh toàn cầu sẽ có ba thành tố. Một nhóm ít hơn công ty đa quốc gia hàng đầu sẽ thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế của các quốc gia chủ nhà, góp phần xoa dịu những quan ngại dân tộc chủ nghĩa. General Electric đang nội địa hóa hoạt động sản xuất, các chuỗi cung ứng và hoạt động quản lý của mình. Emerson, một đại tập đoàn có hơn 100 nhà máy bên ngoài nước Mỹ, mua nguyên liệu trong khoảng 80% sản lượng của họ cũng tại nơi bán sản phẩm. Thành tố thứ hai sẽ là một lớp mong manh dễ vỡ gồm các công ty đa quốc gia dựa trên sở hữu trí tuệ: các hãng công nghệ, chẳng hạn Google và Netflix; các công ty dược phẩm và các công ty nhượng quyền cần duy trì dấu ấn toàn cầu cùng lợi thế thị trường mà điều đó mang lại. Ngành khách sạn, với những công ty có thương hiệu lớn như Hilton và Intercontinental, là ví dụ điển hình. Thành tố cuối cùng có lẽ sẽ là thành tố thú vị nhất: một nhóm đang vươn lên gồm các hãng nhỏ sử dụng thương mại điện tử để mua bán ở tầm toàn cầu. Có tới 10% trong khoảng 30 triệu hãng nhỏ ở Mỹ hiện trong chừng mực nào đó cũng là công ty toàn cầu. Hãng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số PayPal nói các giao dịch xuyên biên giới của hãng, bao gồm hoạt động từ những hãng đa quốc gia cỡ nhỏ, đang ở mức 80 tỉ USD mỗi năm và tăng trưởng nhanh. Jack Ma, sếp của Hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, tiên đoán một làn sóng các hãng phương Tây cỡ nhỏ xuất khẩu hàng hóa cho người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phần nào đảo ngược xu hướng các công ty lớn của Mỹ nhập hàng hóa từ Trung Quốc trong hai thập niên trước. Kết quả của tất cả những điều đó sẽ là một hình thức chủ nghĩa tư bản tủn mủn và có quy mô địa phương hạn hẹp hơn, có thể kém hiệu quả hơn - nhưng tản quyền hơn và có thể được dân chúng ủng hộ nhiều hơn. Sự si mê các công ty toàn cầu sẽ tới lúc được xem là một chương thoáng qua ngắn ngủi trong lịch sử kinh doanh.■ Nguồn: The Economist, 28-1-2017 Tags: Thị trường nội địaCông ty đa quốc giaThoái trào công ty đa quốc giaCông ty xuyên quốc gia
Ông Nguyễn Văn Thắng làm bộ trưởng Bộ Tài chính THÀNH CHUNG 28/11/2024 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu), Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bí thư Cao Bằng Trần Hồng Minh làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải THÀNH CHUNG 28/11/2024 Với 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu), Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bí thư Quảng Trị Lê Quang Tùng làm Tổng thư ký Quốc hội THÀNH CHUNG 28/11/2024 Với 453 đại biểu tán thành (bằng 94,57% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết có bằng tiến sĩ hay chỉ là chứng nhận khen thưởng của RADA? TRẦN HUỲNH 28/11/2024 Một chuyên gia giáo dục tại Anh cho biết không tìm thấy tên nghệ sĩ Bạch Tuyết trong danh sách cựu sinh viên của RADA. Nghi vấn bà không phải cựu sinh viên và không có bằng tiến sĩ của RADA.