Ta dắt chúng và chúng dắt ta

LÊ VINH QUỐC 10/07/2012 03:07 GMT+7

TTCT - Dựa trên lý thuyết về ba giai đoạn tạo dựng bản sắc con người của Margaret Mead (1969), bài “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” của tác giả Lê Thanh Hải viết rất hay về một chủ đề thời sự: quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội đương đại.

Tôi xin chiếu theo lý thuyết về ba làn sóng văn minh của Alvin Toffler (1980) để góp thêm tiếng nói cho vấn đề này.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

1. Tổ tiên và ông cha ta sống trong xã hội cổ truyền của nền văn minh nông nghiệp (làn sóng văn minh thứ nhất, theo Toffler). Khi ấy, con người sống ở quê hương nào thì cố định ở nơi đó hết thế hệ này sang thế hệ khác, để tạo nên những đại gia đình “tam tứ đại đồng đường” với nền nếp gia phong chặt chẽ và trật tự người trên kẻ dưới nghiêm ngặt.

Ở Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Nho giáo đã tạo ra nguyên tắc bất di bất dịch về bổn phận của các thành viên trong gia đình: người dưới phải kính trọng và phục tùng người trên, người trên phải yêu thương và dạy bảo người dưới. Mối quan hệ một chiều bất bình đẳng giữa “người trên” và “kẻ dưới” ấy xuất phát từ một thực tế hiển nhiên của xã hội cổ truyền: nền kinh tế nông nghiệp chỉ dựa vào kinh nghiệm của quá khứ để áp dụng vào hiện tại, mà “người trên” (già hơn) bao giờ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn “kẻ dưới” (còn non trẻ).

Tương tự trong quan hệ thầy trò: thầy là bề trên truyền thụ đạo lý và trò lĩnh hội nó duy nhất chỉ qua thầy. Các câu “không thầy đố mày làm nên” và “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã khẳng định điều này. Mối quan hệ một chiều đó chính là mô hình tạo dựng bản sắc đầu tiên mà Margaret Mead gọi là “postfigurative”.

2. Khi nhân loại bước vào nền văn minh công nghiệp (tức làn sóng thứ hai, theo Toffler), xã hội phát triển rất nhanh nhờ sự xuất hiện của máy móc, điện lực cùng các phương tiện giao thông và truyền thông cực kỳ tinh xảo. Sự phát triển đó đã phá vỡ xã hội nông nghiệp cổ truyền, biến những cộng đồng dân cư truyền thống cố định từ bao đời trở thành thị trường nhân lực năng động và linh hoạt với muôn vàn nghề nghiệp khác nhau.

Từ đó khuôn mẫu đại gia đình bị lay chuyển, vai trò của thế hệ ông bà ngày càng mờ nhạt để cho tiểu gia đình (chỉ gồm cha mẹ và con cái) trở thành tế bào chủ yếu của xã hội, đồng thời cá nhân con người luôn có xu hướng tách rời gia đình để tạo dựng cuộc sống độc lập.

Xã hội công nghiệp lấy khoa học - kỹ thuật làm động lực phát triển thay cho kinh nghiệm trong xã hội cổ truyền, nên học vấn do nhà trường hiện đại giảng dạy và những thông tin do các phương tiện truyền thông nhạy bén cung cấp cho học sinh sẽ có tỉ trọng ngày càng lớn hơn, so với sự sút giảm của những tín điều mà các bậc trưởng thượng trong gia đình giáo huấn cho con cháu.

Khi ấy, bản sắc của thế hệ trẻ sẽ được hình thành trong mối quan hệ tương tác, tức là “tác động qua lại bổ sung lẫn nhau” giữa cha mẹ và con cái, đúng như mô hình tạo dựng bản sắc thứ hai mà Mead gọi là “cofigurative”.

Việt Nam bước vào nền văn minh công nghiệp muộn hơn các nước Âu - Mỹ trên hai thế kỷ, nên mãi đến ngày nay vẫn còn diễn ra sự xung đột về văn hóa giữa thế hệ già với thế hệ trẻ. Một vị trưởng đoàn dẫn đội tuyển ưu tú của nước ta đi tham dự một kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế ở nước ngoài.

Ông chăm lo các thí sinh đến mức tự mình nấu ăn để đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho các em. Các thí sinh thản nhiên hưởng thụ sự chăm lo đó, đến mức ăn sạch những gì thầy nấu mà không nghĩ đến việc để phần cơm cho thầy.

Vị trưởng đoàn vô cùng tức giận cho rằng đám sĩ tử này chỉ giỏi toán nhưng vô đạo đức vì không “tôn sư trọng đạo”, không biết “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, vô ơn đối với người đã chăm sóc chúng... Còn đám sĩ tử trẻ trung ấy thì lại nghĩ sự ăn uống nhiệt tình của mình chính là cách tán thưởng tài nấu bếp của thầy, và sẽ đền ơn thầy bằng kết quả đạt được trong kỳ thi, còn chuyện thầy bị đói thì có thể giải quyết đơn giản tại các nhà hàng!

3. Nhưng sự thể không dừng lại ở đây. Ngay từ năm 1970, Toffler đã dự báo về một “cú sốc tương lai” sẽ diễn ra trong làn sóng văn minh thứ ba mà ông gọi là xã hội hậu công nghiệp hoặc thời đại công nghệ thông tin.

Trong thời đại này, xã hội phát triển vô cùng nhanh chóng với lượng thông tin tri thức tràn ngập trên Internet và các phương tiện truyền thông khác, khiến kinh nghiệm lưu truyền của tổ tiên ta lùi hẳn vào quá khứ, buộc nhà trường cũng phải biến đổi để theo kịp với nhịp điệu phát triển của xã hội. Quan hệ thầy - trò giờ đây đã trở nên rất bình đẳng khi các giáo sư đại học Mỹ đề ra nguyên tắc của họ là “học từ sách vở, học từ đồng nghiệp và học từ chính sinh viên của mình”.

Thầy dẫn dắt để trò lĩnh hội bằng tư duy sáng tạo và trò cũng có thể bổ sung những thiếu sót của thầy. Tức là mọi người đều bình đẳng trong việc sử dụng kho tàng tri thức sẵn có của nhân loại và sự khác biệt giữa thầy và trò, cha mẹ và con cái chủ yếu chỉ ở khả năng và kỹ năng tư duy để xử lý thông tin. Từ đó, tư duy của con người chủ yếu hướng về tương lai để sáng tạo những giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống, mà không đi theo những lối mòn sẵn có trong quá khứ.

Tại Thung lũng Silicon có một tảng đá đen rất lớn, trên đó nổi bật hai từ bằng vàng: “Different Thinking” (Hãy nghĩ khác) - triết lý của “người khổng lồ” Apple. Còn Steve Jobs - nhà sáng lập hãng này - kêu gọi các sinh viên đại học: “Hãy biết bạn muốn gì và làm theo ước vọng của chính bạn”. Đó chính là con đường hình thành bản sắc văn hóa tương lai mà Margaret Mead ghi nhận bằng thuật ngữ “prefigurative”.

Các thời đại văn minh xuất hiện như những làn sóng biển, làn cũ chưa lặng hẳn làn mới đã trào dâng. Vì thế, trong mỗi gia đình đương đại có thể tồn tại cùng lúc hai, thậm chí ba bản sắc văn hóa: ông bà (nếu còn ở chung với gia đình) với bản sắc văn minh nông nghiệp, cha mẹ thấm nhuần bản sắc văn minh công nghiệp ở những mức độ khác nhau, còn con cái luôn ngồi bên máy tính đang hình thành bản sắc văn hóa mới cho riêng mình.

Các mâu thuẫn trong gia đình thường xuất hiện từ sự va chạm giữa các bản sắc văn hóa khác nhau đó. Cùng trên một mặt phẳng của thời đại, ai có nhiều tri thức hơn người ấy sẽ dẫn dắt. Bởi thế, “ta dắt chúng và chúng dắt ta” là dạng thức cơ bản của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại. Dạng thức đó có một sự khác biệt rõ ràng so với câu châm ngôn “trẻ cậy cha - già cậy con” mà xã hội cổ truyền đã để lại cho chúng ta.

__________

Tại sao lại quá lo lắng khi thấy con cái giỏi hơn mình, không ăn những món ăn, không đi những con đường mình chọn sẵn cho chúng hay thấy bất lực khi kiểm soát chúng? Tại sao lại phải tách rời con cái với bản thân mình? Đã có ai làm chủ hoàn toàn chính cuộc đời mình chưa mà phải đau khổ khi không được làm chủ cuộc đời con cái?

Không phải quá khích khi cho rằng cái gọi là bản sắc văn hóa ta cho là tốt đẹp (của dân tộc, dòng họ, gia đình) mà chúng ta muốn duy trì, muốn nối dài qua cuộc sống tiếp nối của con cháu chỉ được tiếp thu, tiếp nối không chỉ do lời răn hoặc sự có mặt của cha ông bên cạnh mà chủ yếu - nếu không nói duy nhất - là hành vi thực tế của ông bà, cha mẹ. Gốc khỏe thì cành tươi, gốc mục thì cành khô lá úa.

Con có thể giỏi hơn cha mẹ về nhiều mặt (ví như một tiến sĩ trẻ có bố mẹ là nông dân, thậm chí còn mù chữ). Nhưng hành vi của ông bà, cha mẹ, tấm gương sống lương thiện, tốt đẹp của họ mãi mãi như vầng trăng dõi theo con cháu trong đêm trường. Đạo làm người chỉ là một, dù mỗi thời, mỗi nơi, mỗi dân tộc có thể có những biểu hiện bên ngoài khác nhau. Thời nào phong tục ấy (autres temps, autres moeurs) nhưng đạo lý thì đâu có khác.

Vậy thì, không nên sợ con cái “dắt” mình đi. Mà dù có bị con cái dắt hoặc nói cách khác, “lãnh đạo” mình hay phải “học ngược con cái” thì đã sao, nếu không muốn tự hào. Một gia đình di cư sang Mỹ hay Ba Lan với bà cố không nói tiếng Anh, không biết đi siêu thị, thậm chí không biết dùng máy sinh tố xay một quả táo. Nhưng nếu bà là một phụ nữ Việt có đạo đức từ nếp nhà thì vẫn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Thậm chí khi bà vắng mặt, ở tận cố quốc hay đã mất, trong nhà chỉ còn Mỹ con hay Ba Lan con thì những câu chuyện kể về hành vi, đạo đức gương mẫu của bà vẫn có sức định hướng cho con cháu dù chúng chưa hề đến Việt Nam hoặc mù tịt tiếng Việt.

Văn hóa là những thứ không thể quên và chôn chặt rất sâu tận đáy tâm hồn chứ không như nước sơn bên ngoài dễ bong. Nghe Phạm Quỳnh Anh hát Bonjour Vietnam ta bỗng hiểu kho tàng được chôn chặt nhờ ảnh hưởng của cha mẹ trong đáy tâm hồn một cô bé Bỉ chưa hề nói hay hát tiếng Việt ấy sâu sắc đến chừng nào!

Con hơn cha nhà có phúc, thì tại sao lại thấy bất yên khi con đã thật sự hơn cha và tìm thấy những cơ hội mới tận chân trời?

__________

Tin bài liên quan:

Hãy sánh bước cùng con
“Cùng nhau tìm kiếm bản sắc" - cuộc chạy đua vô vọng?
Theo chứ không bị dắt
Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?
Ba má không hiểu nhiều thứ lắm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận