Tắc kè giữa phố

ĐOÀN ĐẠI TRÍ 07/09/2011 11:09 GMT+7

TTCT - Sáng nay ngồi uống cà phê ở một quán nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, chợt nghe những âm thanh là lạ, khẽ khàng “tắc kè, tắc kè...”. Bỗng nhận ra ở Sài Gòn này, tìm được một chỗ vừa có thể nghe được “âm thanh núi rừng” vừa nhâm nhi một ly cà phê mà lướt net quả là độc đáo và hiếm hoi.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Chợt nhớ những chú tắc kè biến hình lưng đủ màu xanh lá cây, màu rêu đá, gỗ mục, vàng úa... trong trò chơi đuổi bắt ngày thơ bé ở thị trấn phố núi với tiếng cười trong trẻo đến nao lòng. Cuối xóm tôi ở là một quả đồi nhỏ với những bụi cây um tùm. Ở đó, dưới những cội thông già là thế giới của lũ tắc kè.

Tắc kè tuy nhỏ bé nhưng lại là giống tinh ranh và ma mãnh. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện nên dù cố gắng lắm bọn trẻ chúng tôi cũng khó mà tóm được. Chúng ngạo mạn và ngổ ngáo vô cùng vì suốt từ sáng tới đêm, chúng kêu hoài không chán cứ y như rằng núi rừng này là của riêng chúng không bằng. Những tiếng tắc kè, tắc kè đều đều vang lên hào sảng.

Không biết tự bao giờ, tiếng tắc kè như một phần của núi rừng, của vùng quê bán sơn địa này. Những buổi tối, nội nghe tiếng tắc kè mà thở dài, mai trời lại mưa rồi, chắc ruộng ngô nếp nhà mình rụng hết bông vì chưa kịp đậu phấn.

Tôi dỏng tai nghe ngóng, hình như tiếng tắc kè ở thành phố cũng không khác mấy tiếng tắc kè họ hàng của chúng ở thị trấn phố núi ngày xưa, nhưng ở đây nó như khắc khoải, dồn nén hơn với âm thanh nấc nghẹn những tâm tư, nỗi lòng? Ngẫm ra, đâu chỉ tắc kè mới khản giọng như thế giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt này.

Mà quả thật, để gọi được bạn tình, để thông tin với giống loài của mình giữa ồn ã những còi xe và âm nhạc xập xình thì có lẽ tiếng tắc kè phải như vậy chăng? Chợt băn khoăn một điều không đâu rằng, có thể nào vì sự náo động của Sài Gòn này mà những chú tắc kè đáng thương kia bị lạc bạn, lạc bầy không nhỉ? Hay bản thân chú khi sống giữa thế giới bêtông khô khốc này cũng đã là một sự lạc lõng rồi.

Sáng hôm sau tôi lại đến quán cà phê ấy để tìm lại những tiếng tắc kè lạc loài kia, tìm lại những vang vọng về thời niên thiếu đã qua. Ngồi cả buổi chẳng nghe gì ngoài những bản nhạc đều đều từ chiếc loa nhỏ gắn kín đáo phía góc tường. Lẽ nào cái cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc này vẫn không đủ để chở che, gìn giữ bao bọc cho chú tắc kè tội nghiệp đáng thương kia, lẽ nào âm thanh sáng hôm qua tôi nghe là tiếng tắc kè hoang dã cuối cùng?

Cứu bồ, bạn ơi!

Mấy hôm trước, nhận lệnh cho chuyến đi công tác một ngày ở tỉnh Tây Ninh mà thấy ngán. Ngán vì thời tiết ở Tây Ninh nóng quá xá, một phần vì phải đi xe máy dưới cái nóng như thiêu đốt ấy gần 100km trên quốc lộ 22B.

10g, chiếc xe máy của tôi thong thả qua các con phố, thẳng hướng về An Sương, Củ Chi rồi đến địa phận tỉnh Tây Ninh. Đến một chốt đèn đỏ thuộc địa phận xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành (Tây Ninh), một anh bán vé số khiến tôi cùng nhiều người đi đường chú ý. Trên chiếc xe lăn với chiếc áo mỏng tang, nón lưỡi trai sờn cũ, anh ngồi bán vé số dưới cái nắng 12g trưa.

Điều đặc biệt khiến tôi chú ý anh là chiếc bảng treo trên lưng xe lăn: “Cứu bồ bạn ơi”. Thấy chúng tôi ngừng lại trước đèn đỏ, anh mỉm cười rất tươi mời chúng tôi mua vé số. Nhiều người thấy tấm bảng là lạ cộng với sự vui tính của anh nên cũng ghé vào mua vài tờ.

Cuộc trò chuyện chóng vánh khiến tôi chưa kịp biết tên anh. Nhưng nụ cười lạc quan “Cứu bồ bạn ơi” của một người khuyết tật mưu sinh cứ theo tôi. Cái nóng gay gắt Tây Ninh dường như vơi đi.

TTCT cảm ơn các bạn: Thanh Hùng, Nguyễn Niệm, tham phan, Trần Hữu Ngư, Bội Bội, Thụy Chi, Giang Nguyễn... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận