TTCT - Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Tuy nhiên nếu lấy thành nhà Hồ làm tâm, trong phạm vi bán kính 1km có biết bao công trình dân dụng được xây bằng gạch đá lấy từ công trình kiến trúc 600 năm tuổi này. Phóng to Bức tường chạy dài này được xây bằng gạch, đá thành nhà Hồ - Ảnh: Hoàng Điệp Phóng to Tấm lát cống này làm bằng gạch xây thành nhà Hồ - Ảnh: Hoàng Điệp Tháng 8, trên những cánh đồng bao quanh thành nhà Hồ lúa bắt đầu vào thì con gái. Dưới chân thành, hàng trăm trâu, bò thảnh thơi gặm cỏ trong khi đám mục đồng vừa nô đùa vừa chuyện trò với du khách. Từ lâu rồi chúng không còn ngạc nhiên khi thấy từng đoàn người tìm đến đây để tận mắt nhìn, tận tay sờ vào từng tảng đá xây thành hay những nam thanh nữ tú chụp ảnh trên mặt thành, dưới chân thành trong khung cảnh yên bình của một làng quê nghèo. Chuyện ở thôn Xuân Giai Ông Lê Quốc Hội, 63 tuổi, ở thôn Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) có nhiều kỷ niệm với thành cổ: “Hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi thuộc từng phiến đá xây thành đến từng loài cây cỏ mọc trên mặt thành. Hồi còn nhỏ tôi vẫn ra tường thành chơi, hồi ấy cây cối mọc như rừng quanh thành, dưới chân thành là lau lách, mãi đến năm 1966 khi Nhà nước công nhận thành là di tích lịch sử thì cỏ rậm và rau lách mới được phát sạch”. Sờ vào một tảng đá bị bom Mỹ ném trong những năm chiến tranh, ông Hội nhớ lại: “Ngày ấy gia đình nào cũng có hầm tránh bom, nhưng những người làm đồng ở quanh thành mỗi khi bom Mỹ ném không kịp chạy đều trú tại cổng thành. Thành không chỉ là nơi tránh bom mà còn là chỗ nghỉ chân. Các cụ ngày trước không nói gì về vương triều nhà Hồ, chỉ nói tham gia xây thành có rất nhiều người dân các khu vực xung quanh, trong đó có Xuân Giai. Rất nhiều người bị mất ngón chân, ngón tay khi tham gia xây thành. Cái còn lại của triều đại nhà Hồ mà chúng tôi được thấy là rất nhiều mảnh bát, đĩa vỡ được người dân tìm thấy trong khi làm ruộng, đặc biệt nhất là một con bướm bằng vàng rất đẹp với đôi cánh dang rộng và đôi râu rung rinh”. Là một trong bốn thôn tiếp giáp với thành nhà Hồ, thôn Xuân Giai kề cận cổng thành phía nam - cổng thành uy nghi và bề thế nhất với chiều dài gần 1km, được xây dựng bằng những viên đá xanh đẽo gọt công phu, đều tăm tắp. Ngoài ra, trên mặt thành lát gạch nung khổ lớn, được nung với kỹ thuật cao thời ấy vì trải qua hơn 600 năm gạch vẫn còn tươi màu, không hề bị rêu mốc. Nhưng hàng ngàn viên gạch nung này cùng với đá xây thành đã bị dân địa phương cạy lên, đưa về làm nhà. Những viên đá to được đập nhỏ làm móng, còn gạch để lát nền hoặc xây tường nhà. Đưa tôi đi tham quan những làng xóm xung quanh thành, anh Vũ Hồng Tâm, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, khẳng định: “Trong khu vực bán kính 1km lấy thành nhà Hồ làm tâm, các gia đình khi xây nhà đều ít nhiều sử dụng gạch và đá của thành”. Phóng to Gạch có minh văn trên tường của một ngôi nhà ở thôn Xuân Giai - Ảnh: Hoàng Điệp Đá làm cống, đá xây tường Quả vậy, đi một vòng các ngõ xóm của thôn Xuân Giai, không quá khó để nhận ra những phiến đá xanh phẳng lì được xếp làm cầu, cống, đá nhỏ hơn được dùng xây tường, lát đường... Ở các bức tường nhà dân bị bong hết lớp vữa vẫn còn nguyên những viên gạch có khắc dấu và chữ Hán. Anh Tâm cho biết: “Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy toàn bộ gạch được lát mặt thành, hoàng thành và các công trình xây dựng trong thành đã bị người dân bóc dỡ để xây nhà. Việc này đã diễn ra cách đây vài chục năm trước. Nhiều nhà sau khi xây được phá đi rồi xây mới nên cả ngàn viên gạch của thành nhà Hồ trở thành phế liệu xây dựng, tuy nhiên đến bây giờ vẫn còn không ít công trình vẫn nguyên vẹn gạch của triều đại nhà Hồ”. Chẳng hạn căn nhà nguyên là nhà trẻ của thôn Xuân Giai cũ, với khoảng sân rộng chừng 40m2 được lát bằng những viên gạch hình chữ nhật khổ 20 x 40 đều chằn chặn, còn bức tường chính của ngôi nhà này còn nguyên những viên gạch khắc dòng chữ Hán “An Tôn Thượng xã”, “An Tôn Hạ xã” (nay là các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Tiến của huyện Vĩnh Lộc), “Vĩnh Ninh trường” (nay là một phần của huyện Vĩnh Lộc và huyện Yên Định), “Giang Tây quân”… Phóng to Toàn bộ ngôi nhà này được lát bằng gạch thành nhà Hồ - Ảnh: Hoàng Điệp Anh Tâm giải thích: “Thành không chỉ được xây bằng đá do người dân vác từ nơi khác về mà còn bằng rất nhiều gạch được nung rất đẹp. Đến nay không ai biết rõ kỹ thuật nung gạch của thời đó nhưng nhìn vào màu sắc gạch và độ bền có thể nói đó là những sản phẩm tuyệt hảo, bởi trải qua mấy trăm năm mưa nắng mà viên gạch vẫn giữ được màu đỏ tươi, không hề đổ rêu hay rạn nứt. Để có những viên gạch ấy, hầu hết xóm làng khu vực xung quanh thành là những công trường làm gạch, nung gạch, gạch của thôn nào được đóng dấu và ghi tên thôn đó. Thậm chí rất nhiều gạch thuộc các địa phương khá xa như tận Tuyên Quang ngày nay được vận chuyển về để xây thành. Thông qua các minh văn trên gạch, dễ nhận ra thành nhà Hồ bề thế, nguy nga có sự đóng góp công sức của nông dân huyện Vĩnh Lộc và nhiều địa phương khác. Họ không chỉ là người thợ mà còn là nghệ nhân”. Ông Nguyễn Xuân Toán, cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho biết theo những khảo sát sơ bộ, hiện còn hàng ngàn đơn vị gạch tồn tại trong các công trình xây dựng của người dân. Từ năm 2007 đến nay hàng trăm hiện vật liên quan trực tiếp đến vương triều nhà Hồ như gạch, chum, vại… đã được sưu tầm bằng cách mua lại mỗi khi có nhà dân xung quanh vùng đập nhà cũ, xây nhà mới. Và đương nhiên, số lượng hàng ngàn hiện vật khác đã và đang tồn tại trong dân sẽ được sưu tầm và hồi cố trong những năm tới. Đó là một kế hoạch dài hơi từ nay đến năm 2030. Bởi việc thu hồi, mua lại những viên gạch đã và đang nằm trong tường của hàng trăm hộ dân không dễ gì ngày một ngày hai có thể làm được. Cũng như thế, hàng ngàn mét khối đá xây thành đã được đập nhỏ làm móng, xây tường nhà... không có cách gì để thu hồi. Mỏ đá Phù Lưu được dùng xây thành nhà Hồ Trung tuần tháng 7-2011, các cán bộ của Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã khảo sát và phát hiện một bãi đá cổ được cho là nơi khai thác đá xây dựng thành nhà Hồ tại dãy núi Yên Tôn thuộc thôn Phù Lưu, xã Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Mỏ đá cổ này nằm cách thành nhà Hồ khoảng 1,5km đường chim bay và khá gần với khu dân cư của làng Phù Lưu. Trong những bằng chứng được tìm thấy, có 21 phiến đá nằm rải rác dưới chân núi đã được chế tác thô sơ khá phù hợp với kích thước những phiến đá được xây dựng trong thành nhà Hồ. Ông Đỗ Quang Trọng, giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho biết dù xung quanh huyện Vĩnh Lộc có rất nhiều dãy núi đá đoạn tầng được các nhà nghiên cứu cho rằng đó là nơi khai thác đá xây thành, tuy nhiên phải đến đầu tháng 8-2011 mới có kết luận chính thức của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu di sản về mỏ đá ở Phù Lưu này. Tags: UnescoDi sảnCông trình kiến trúcThành Nhà HồVăn hóa nhân loạiThôn Xuân Giai
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.