TTCT - Tình cờ, bạn hỏi tôi: “Anh thấy biển lần đầu khi nào?”. Tôi lục xáo trí nhớ và lạ thay, có thể tìm thấy câu trả lời thật chính xác, thậm chí có thể cung cấp thêm cho bạn biết về tình huống, trạng thái, cảm giác trong câu chuyện lần đầu thấy biển. Phóng to Minh họa: Đỗ Trung Quân Biển trong ký ức của tuổi thơ tôi gắn với những cuộc xê dịch tìm nơi an cư lập nghiệp của gia đình nghèo nhiều bất ổn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển là lúc đang... say xe. Biển dằn xóc, chòng chành hiện lên sau khung cửa sắt hình chữ nhật của chiếc xe chạy than nóng hầm hập, bốc mùi nhợn tanh từ những lô hàng của người đi buôn chuyến ngược xuôi. Thằng bé năm tuổi dật dờ trên chuyến hành trình dài bỗng được đánh thức bởi một ngọn gió mát lành thổi phóng túng từ biển vào. Trong đám đông nhồi nhét nhốn nháo có ai đó kêu lên: “Biển kìa. Tới biển rồi!”. Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa xe thông thống gió mát và nhìn thấy một vùng trời bao la xanh biếc. Màu xanh ngọc như dải lụa giăng phủ mải miết đến chân trời kia phập phồng thở lên môi tôi vị mặn của muối, của nắng và sự trong lành dịu dàng của trùng dương, xua tan những mệt nhọc, chật chội trên chuyến xe đò. Tôi bám tay vào cửa sổ xe và thỏa sức ngắm nhìn những hình ảnh biển khơi trải dài suốt cuộc hành trình tìm miền đất mới. Những đoàn thuyền, bến cảng tấp nập, những ruộng muối hắt ánh nắng trưa chói chang, những rừng thùy dương xanh mát bên những làng chài yên bình, những dải cát mịn màng thi vị... Và ngoài kia khơi xa, những con sóng bạc đầu cứ rì rào, thổn thức điệu ru vỗ về yêu thương. Gia đình tôi dắt díu nhau đi lập nghiệp ở một vùng trung du. Nhưng với thằng bé lần đầu thấy biển qua cửa sổ xe đò trên hành trình tìm “miền đất hứa” năm nào, đã hình thành một thói quen có phần đểnh đoảng: nó thường xác định vị trí những vùng đất bằng cách lấy biển làm dấu mốc. Ví dụ khi hỏi thăm quê một ai đó, nó sẽ nói: “Quê anh chị cách biển bao xa?”. Rồi cũng bằng “hệ quy chiếu biển”, nó xác định vị trí địa lý của nhà mình: “Nhà em cách biển ba mươi lăm cây số”. Biển đi vào hệ tâm thức và chi phối sự tri nhận không gian quê hương của nó một cách âm thầm mà thật sâu sắc. Với nó, biển như một mặc định chung, phổ quát nhất của cộng đồng trong phép tính định vị địa lý những xứ sở trên đất nước này. Mãi về sau, khi có dịp sống qua quãng thời gian tuổi trẻ đầy xê dịch, được ra khơi, đặt chân lên những hòn đảo lớn nhỏ, khám phá những miền biển tuyệt vời nhất của Tổ quốc, có những ngày dài tuyệt vọng, ngồi lặng đối diện với sự mênh mông của biển, chiều kích tâm thức được mở ra, thằng bé năm xưa nhận ra biển không phải là một khái niệm trên sách vở với những dãy số tọa độ khô khan mà là một thực thể sống động, hòa làm một với xương thịt quê hương. Và lại thấy trong thói quen tư duy lấy biển làm mốc đầy hồn nhiên năm xưa vô tình đem lại những suy tưởng thú vị. Nhà văn Nhật Bản Dazai Osamu trong truyện Umi viết về “sự cố” xảy ra với một gia đình chạy loạn từ Tokyo sang Kofu trong Thế chiến thứ 2. Giữa mưa bom bão đạn, nhiều lần đối diện với cái chết, người cha luôn thao thức: “Thời nhà tôi còn ở khu Mitaka của thành phố Tokyo, bom giội xuống gần nhà hầu như mỗi ngày, cứ nghĩ tôi có chết cũng chả sao cả, nhưng rủi bom rơi trên đầu con bé này khiến nó chết đi mà chưa được thấy biển một lần nào thì thật là khổ tâm quá”. Vậy là trên xe lửa ba ngày đêm đưa gia đình từ thành phố Kofu điêu tàn trở về quê nhà - bình nguyên Tsugaru - với tâm thế xác định “tìm về nơi cuối cùng để chết”, người cha cứ ngồi dõi mắt qua cửa sổ chờ đến vùng biển để đánh thức con bé. Nhưng trái với sự phấn khích, nôn nao ngập tràn của ông, khi biển vừa hiện ra bên ngoài cửa sổ xe lửa, đứa con gái năm tuổi thản nhiên: “Không, đó là sông mà. Đó là sông phải không mẹ?”. Đang mệt mỏi, mắt nhắm mắt mở, bà mẹ của nó đáp: “À, ừ, đó là sông thôi, con ạ!”. Dazai Osamu viết về tâm trạng người cha trong câu kết truyện với nỗi ngậm ngùi mênh mông: “Chán ngán, buồn bã, tôi lặng ngắm biển một mình trong hoàng hôn”. Không khí của một micro-fiction (truyện cực ngắn) này chẳng hiểu sao lại choáng ngợp và ám ảnh tôi mãi trong những cuộc hành trình ngược xuôi qua những vùng biển quê hương, trong những giờ phút xa lánh cuộc vui phố thị để được lặng yên trước biển và cả trong những giấc mơ cồn cào của tháng ngày quay lưng với biển. Cảm ơn bạn về câu hỏi giản đơn mà vô tình chạm vào miền sâu thẳm ký ức và lay động tâm thức tôi. Biển, không thể là “biển của thời đã mất” trong mỗi đời người - như tên một tác phẩm của Gabriel García Márquez! Tags: BiểnTạp bútLập nghiệpGia đình nghèo
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.