Theo chân những người xin, mua sách giáo khoa cũ

TRỌNG NHÂN 03/11/2023 07:16 GMT+7

TTCT - Giữa thời nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) được sử dụng, mỗi trường mỗi khác, mỗi năm học cũng không giống nhau nhưng SGK cũ không nhất thiết chỉ có vòng đời gói gọn trong một năm học.

Đến hẹn lại lên, cứ trước năm học mới là học sinh, phụ huynh lại đau khổ với chuyện tìm mua SGK. Với những người chủ động dùng sách "cũ người mới ta", chuyện này dễ thở hơn dù cũng phải dụng công một chút.

Mua bán quanh năm

Năm học 2023-2024 đã bắt đầu được vài tháng nhưng các hội nhóm trao đổi, mua bán, thanh lý SGK trên Facebook vẫn "sinh hoạt" khá đều đặn - mỗi ngày đều có ít nhất 10 bài viết mới, người tìm mua, kẻ rao bán nhộn nhịp.

"Em tìm SGK cũ môn sử lớp 10, 11 ạ. Có anh chị nào có không chứ em tìm mãi không mua được", một người dùng viết trên nhóm có 4.900 thành viên ngày 15-10. Ngay dưới đó là bài rao bán bộ sách lớp 10 mới, cả sách của bộ Cánh diều lẫn Kết nối tri thức.

Một số sách giáo khoa cũ được rao bán trong hội nhóm trên Facebook. Ảnh chụp màn hình

Một số sách giáo khoa cũ được rao bán trong hội nhóm trên Facebook. Ảnh chụp màn hình

Quan sát trao đổi trên các hội nhóm này có thể thấy ngoài người có nhu cầu mua để học thực sự (vì chỉ tìm đúng một bản cho mỗi quyển), còn có những người chuyên kinh doanh, giao dịch với số lượng lớn. 

Đặc biệt, nhu cầu thanh lý SGK cũ đang cao khi năm học sau (2024-2025), các quyển sách lớp 9 và lớp 12 chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức được sử dụng, hoàn chỉnh tất cả bộ SGK mới từ lớp 1 - 12.

Bộ SGK tiền nhiệm - bộ sách thống nhất xuất bản lần đầu năm 2002 - sẽ chính thức "nghỉ hưu". Nhiều người vì thế đang có nhu cầu thanh lý gấp các đầu sách này, nhất là bộ lớp 9 và lớp 12 vì đây đã là năm cuối học theo sách này. Giá nhượng lại rẻ hơn

30-50% so với giá bìa song theo ghi nhận, số người muốn bán thì nhiều, người muốn mua lại ít. Trong một group có khoảng 4.500 người, cứ khoảng 8 tin rao cần bán thì mới có 1 tin đăng cần mua.

Một trong những người hiếm hoi có nhu cầu mua là thầy Vũ Minh - giáo viên tiếng Anh tại một trường trung cấp ở tỉnh Hậu Giang. Thầy Minh cho biết ở trường trung cấp, giáo trình tiếng Anh được giáo viên chủ động biên soạn. 

Thầy Minh tham khảo nhiều bộ SGK tiếng Anh bậc THCS và THPT mới hiện giờ thấy hơi khó và phức tạp với trình độ của học sinh trường mình. Vì vậy, thầy Minh lên các hội nhóm để kiếm lại những quyển sách tiếng Anh phổ thông cũ để làm học liệu chính khi thiết kế bài giảng.

Hoàng Anh - sinh viên năm cuối Trường ĐH Sài Gòn - đang muốn tìm lại tất cả bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 chương trình cũ mình từng học để giữ làm kỷ niệm. "Giữ lại trọn vẹn 12 bộ sách cũng là giữ lại lịch sử của một lần cải cách SGK. Xem lại một bộ sách, mình có thể phần nào hình dung giáo dục của một thời. Sau này muốn tìm lại tất cả bộ sách cũng khó" - anh nói.

Đây cũng là lý do các tin rao bán và tìm mua sách giáo khoa "8X", "9X" rất phổ biến trên các hội nhóm sách cũ. Đó là các bộ sách đã chính thức bị thay thế từ lâu nhưng người ta vẫn muốn mua về để ôn lại kỷ niệm xưa. 

Cũng có khi chỉ là một lý do khá hài hước mà một người dùng đăng trên nhóm 29.800 thành viên hồi tháng 8: "Mình cần mua sách tiếng Việt cấp 1 thế hệ 8X đã học, ai có [nhắn tin] mình nhé. Chương trình mới làm mình hoang mang quá".

Hai chuyện xin sách cũ

Đi học bằng sách cũ của anh chị hay người quen tưởng là chuyện xưa, nhưng học sinh thời nay vẫn làm thế.

Thái Thịnh - học sinh lớp 9 Trường THCS-THPT Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước) - chưa bao giờ phải đau đầu chuyện tìm sách, vì gần như năm nào cũng có một bộ sách được người em họ lớn hơn một tuổi chu đáo để lại.

Thường thì Thịnh sẽ nhận được trọn bộ sách đã qua sử dụng, nhưng cũng có năm thiếu 1-2 quyển hoặc toán, hoặc văn. Có quyển thất lạc ngay cuối năm học, có quyển "mất tích" mà chủ cũ cũng không hiểu vì sao, cũng có vài quyển đã được viết vào khá nhiều không tiện dùng lại.

Trong những trường hợp này, Thịnh sẽ cầu viện hai anh hàng xóm; nếu vẫn không có, em mới phải ra thị trấn mua thêm. "Số lần phải mua thêm rất ít. Từ khi đi học đến giờ, chỉ năm lớp 3 là mình phải mua sách mới, còn lại đều mua sách cũ, hầu hết là từ đứa em học trước một năm này. Không phải mua sách mới, mình bớt một áp lực" - Thịnh nói. 

Thêm một may mắn nữa, từ khi thay sách mới cuốn chiếu từ năm 2020 đến nay, Thịnh luôn là khóa học sinh cuối cùng học sách của chương trình cũ - một bộ sách thống nhất của Nhà xuất bản Giáo Dục. Xin lại những quyển sách cũ trên lý thuyết chỉ còn dùng được đúng một năm vì thế cũng dễ hơn.

Chuỗi may mắn này có thể chấm dứt vào năm học sau (2024-2025), khi Thịnh lên lớp 10 và lần đầu tiên học sách theo chương trình mới. Mặc dù "nhà tài trợ" hiện cũng đang học trường này, việc Thịnh có tiếp tục xin được sách cho năm sau cũng còn tùy. Tất cả phụ thuộc chuyện trường có đổi các đầu sách đã áp dụng cho năm học hiện tại hay không.

Huy Quang lần đầu học bằng sách đã qua sử dụng từ năm học 2023-2024. Ảnh: THÙY LINH

Huy Quang lần đầu học bằng sách đã qua sử dụng từ năm học 2023-2024. Ảnh: THÙY LINH

Huy Quang - học sinh lớp 7 Trường THCS Hồ Văn Long (TP.HCM) - chỉ mới bắt đầu dùng sách cũ từ năm học này. Mùa hè vừa qua, một chị hàng xóm tốt bụng học khác trường và trước Quang một khóa ngỏ ý tặng lại cho em bộ sách đã dùng. 

Dù phần lớn đầu sách của hai trường thuộc bộ Chân trời sáng tạo, nhưng một số môn như khoa học tự nhiên, mỹ thuật, tin học thì trường của Quang dùng sách Cánh diều. Với những quyển sách thiếu này, Quang phải ra nhà sách mua bổ sung. Tuy nhiên, tốn công mua vài ba quyển lẻ vẫn đỡ vất vả hơn nhiều so với phải đi kiếm đủ bộ sách mới.

Đã từng học cả sách mới và cũ, Quang nhận thấy không khác biệt nhiều, nhất là khi bộ sách em được nhận từ người chủ trước giữ gìn cẩn thận. Chỉ có một vài phần buộc phải viết thẳng vào sách và người dùng trước đã điền, như sách tiếng Anh, thì đến khi học Quang sẽ đối chiếu từng phần và chỉnh sửa lại nếu cần. "Trong lớp chỉ có mình học sách cũ, nhưng các bạn cũng không quan tâm lắm chuyện sách mới sách cũ, tiếp thu bài tốt là được" - Quang nói.

Phải "đặt hàng" trước

Với một số người, mượn sách cũ có phần gian truân hơn. Chị Huỳnh Trinh - phụ huynh có con học lớp 5 tại Trường tiểu học Tân Hòa, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) - tốn khá nhiều thời gian mới xin đủ đầu sách cho con. 

Những năm qua, cứ sau tổng kết năm học vài ngày là chị Trinh liên hệ với các mối xin sách cũ, có thể là người thân, hàng xóm hoặc người quen. Nhưng các mối này cũng thường "đắt show" vì mỗi năm, họ thường hứa hẹn cho nhiều người. 

Vì thế, có năm chị xin được 5 quyển từ một người, nhưng năm sau cũng với người đó chị chỉ xin được hai quyển. Chị phải tìm nhiều nguồn hơn và có năm phải xin đến năm người mới gom đủ một bộ sách. 

Trung bình chị mất khoảng nửa tháng, có khi mất cả tháng cho hành trình tìm xin sách này. "Nhưng đỡ một cái là trường dùng gần như toàn bộ sách của một nhà xuất bản. Lớp 1 dùng sách Cánh diều, các lớp còn lại dùng sách Chân trời sáng tạo. Thống nhất nên tìm sách cũng nhẹ nhàng hơn" - chị Trinh nói.

Chị Trinh cho biết, lý do chính để con chị sử dụng sách cũ là vì điều kiện kinh tế. Với thu nhập của chị, số tiền vài trăm ngàn mua một bộ sách mới cho con là nỗi vất vả. Chưa kể nhiều lúc thấy các phụ huynh phải sang huyện khác mua sách vì thiếu sách, chị thêm ngán. Bỏ chút công để xin sách cho con, với chị, là giải pháp tốt hơn. 

Những năm qua, Quỳnh Trâm - học sinh lớp 9 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (TP.HCM) - luôn dùng song song hai bộ sách mới, cũ. Trọn bộ sách mới Trâm dùng để học trên lớp, còn bộ cũ - gồm những quyển chính như toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa - để tự học ở nhà. Với sách cũ, em có thể nghiên cứu trước, làm bài tập thẳng vào đó và ghi chú trực tiếp những chỗ khó hoặc viết thêm những "bí kíp" riêng.

Mỗi năm, Trâm đều đi mượn lại những quyển sách đã dùng từ những anh chị hàng xóm. Hàng xóm của Trâm đều trạc tuổi hoặc lớn hơn vài ba tuổi nên nguồn sách cũ xin lại rất dồi dào.

"Mình xin sách cũ cũng đã thành thói quen, đến mùa nhập học sang hỏi thăm các anh chị là có ngay - Trâm nói - Với mình sách cũ hay sách mới chỉ khác nhau ở chỗ mình có thể thoải mái và tự nhiên viết vào sách cũ, còn sách mới cần được giữ gìn sạch đẹp hơn".

Mượn sách từ thư viện thì sao?

Thủ thư một trường THCS tại TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết hiện trường có 50 bộ SGK từ các nhà xuất bản khác nhau, chủ yếu gồm các bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức. Học sinh có thể lên thư viện mượn từng cuốn hoặc cả bộ cho năm học. Tuy nhiên, cô cho biết, số lượng cần mượn không nhiều, chỉ khoảng 20 trường hợp mỗi năm. Hầu hết các em không mượn một bộ, mà mượn vài quyển trong thời gian chưa mua được sách. Số khác mất sách giữa năm, khó tìm mua sách ở ngoài cũng mượn tại thư viện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận