TTCT - Suốt tuần qua, cùng 925.753 thí sinh bước vào kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm 2018 là ngần ấy ánh mắt lo âu của các ông bố, bà mẹ chờ đợi. Những bàn luận sôi nổi ngay sau đó cho thấy giáo dục không chỉ là chuyện của đất nước ở tầm vĩ mô mà là chuyện trong mỗi gia đình, nơi có một thanh niên kết thúc 12 năm học hành giai đoạn phổ thông, xác định tương lai của mình. TTCT - Tổ chức thi cử là một vấn đề về lòng tin. Ảnh: stanford.eduMột đánh giá bài thi chính xác hay không, một lựa chọn đúng hay không có thể mở ra hoặc đóng sập cánh cửa vào tương lai mơ ước của một thanh niên. Xã hội có xôn xao, luận bàn, băn khoăn cũng là phải lẽ.Một lịch sử vắn tắt của “học hỏi kinh nghiệm”Bộ GD-ĐT, như thường lệ hằng năm, đã đưa ra những con số và những nhận định ban đầu tốt đẹp, lạc quan. Nhưng những câu hỏi vẫn còn đó:Giáo dục có phải chỉ là thi cử? Kỳ thi tốt nghiệp THPT mấy năm qua - kỳ thi “2 trong 1” - đã thực sự đáp ứng hai mục tiêu: đánh giá kết quả học hành 12 năm giáo dục phổ thông và tuyển chọn đúng người đủ năng lực vào học ngành phù hợp ở giáo dục ĐH? Phương thức bài thi trắc nghiệm khách quan (tuyệt đối) đã hoàn toàn phù hợp chưa? Chủ trương tiến dần đến trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục có được tính đến không khi cứ mỗi năm cả nước lại lao vào tổ chức một kỳ thi như thế này?...Khoảng 5 năm trước, có lần Bộ GD-ĐT triệu tập đại diện một vài cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài để trao đổi về quy chế hoạt động. Xong cuộc họp, vị thứ trưởng chủ trì nói với tôi: Bộ luôn cầu thị, luôn nghiên cứu học tập rồi thực hiện cách làm hay của các nước có nền giáo dục tiên tiến.Chẳng hạn, cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là theo như cách của Úc. Câu chuyện xã giao bên hành lang không có đủ thời gian để tôi kịp nói lại với vị thứ trưởng rằng thực ra có nhiều khác biệt, thậm chí là khác biệt hết sức cơ bản và quan trọng.Khi phải giải quyết bài toán kinh tế - xã hội chi phí rất lớn cho 2 kỳ thi mỗi năm: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT dường như đã hài lòng khi gom lại thành một kỳ thi cho cả hai mục đích. Chi phí tiền bạc và thời gian đã giảm, nhưng yêu cầu về giá trị chất lượng, rất tiếc, đến giờ vẫn chưa đáp ứng được. Bằng chứng là sau mấy kỳ tổ chức thi “2 trong 1”, mỗi năm lại tiếp tục nổ ra tranh luận, nghi ngờ về kết quả thực hiện.Tại sao một phương thức kiểm tra đánh giá tiếp thu từ một nền giáo dục tiên tiến, người ta thì ổn định và được tin cậy, còn mình thì chưa, hoặc không? Có phải xã hội VN quá khó tính? Hay bản thân phương thức này vẫn mang khuyết tật? Hay ta đã học tập, tiếp thu không đầy đủ, dẫn đến thực hiện sai lệch, không đáp ứng được mục tiêu đề ra?Nhìn từ bên ngoài, bây giờ học sinh VN và học sinh Úc, sau 12 năm học tập trong trường phổ thông, đều chỉ tham dự một kỳ thi để nhận được hai kết quả: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào trường ĐH với chuyên ngành mong ước.Thời gian và tiền bạc được tiết kiệm là điều đã rõ. Thứ đến, để giải quyết lo âu rằng nhiều khi kết quả chỉ một bài thi không phản ánh đủ và đúng năng lực của học sinh, bây giờ học sinh VN được tính kết quả thi trên cơ sở điểm bài thi chiếm 50% và điểm học tập ở trường phổ thông chiếm 50% (gọi tắt là điểm quá trình). Như vậy là đã có quan tâm đến yếu tố quan trọng trong giáo dục hiện đại: đạt được chuẩn kiến thức, sự thông hiểu và kỹ năng trong một môn học chỉ thực sự có khi trải qua một quá trình.Nhưng đó vẫn chỉ là những nghiên cứu học tập để cải cách ở hình thức. Vấn đề cốt lõi là cách thực hiện sao cho khắc phục được những khuyết tật nảy sinh do chủ quan của con người thực hiện.Chẳng hạn, tính điểm quá trình có giá trị tham gia là 50% sẽ dẫn đến thực tế các trường mong muốn “nâng điểm”, “làm đẹp học bạ” với lý do thương học sinh, khiến các cơ quan quản lý giáo dục phải vội vã tìm giải pháp khống chế mà vẫn không chắc có ngăn chặn được. Kế đó, tính điểm quá trình khi xét tốt nghiệp, nhưng xét tuyển ĐH vẫn lại chỉ là điểm bài thi, vốn đã bị xem là chưa xét đến toàn diện.Vì thế, rồi lại phải nghiên cứu thay đổi nữa khi vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề; hoặc đi tìm một phương thức khác như nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra. Xin được chia sẻ khái quát một số thông tin từ hệ thống đánh giá kiểm tra của giáo dục Úc, vốn là nơi mà VN đã tiếp thu kinh nghiệm để tổ chức kỳ thi “2 trong 1”.Sự phức tạp nhưng hiệu quả của nước ÚcHệ thống giáo dục Úc gồm 12 năm học phổ thông, trong đó lớp 11 và lớp 12 được xem là giai đoạn giáo dục định hướng chọn nghề hay vào ĐH. Bởi thế, thiết kế hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá đối với 2 năm học này có sự khác biệt, và kết quả sẽ phục vụ kỳ thi tốt nghiệp. Tuy hình thức là kỳ thi của bang tổ chức (như Tây Úc, Nam Úc, Victoria...) nhưng thống nhất toàn Úc, có giá trị quốc gia.Trong hai năm học 11 và 12, học sinh phải đăng ký học và dự thi tối thiểu 5 môn học được chia thành 10 đơn vị học trình (units), trong đó phải có tiếng Anh và toán.Cuối năm học 12 dự kỳ thi tốt nghiệp để có được 2 kết quả. Điều khác biệt với chúng ta là 2 kết quả này được tính toán bởi 2 cơ quan khác nhau, một đưa ra kết quả xét tốt nghiệp THPT (mỗi bang có tên gọi riêng, ví dụ với bang Tây Úc là WACE - Western Australia Certificate of Education), và một đưa ra điểm ATAR (Australian Tertiary Admission Rank) để xét tuyển sinh ĐH.Bản thân sự độc lập của 2 cơ quan với những chuyên gia hoạt động chuyên nghiệp, suốt năm nghiên cứu, thu thập dữ liệu, tính toán để cuối năm đưa ra kết quả phục vụ hoạt động giáo dục đã tạo nên sự tin tưởng của xã hội và ổn định cho nền giáo dục. Cho nên, dù quy trình tính toán phức tạp, khó hiểu, phụ huynh và học sinh vẫn tin tưởng, chỉ cần hiểu đại thể và các điều lợi hại nên lưu ý khi đăng ký môn học, môn thi mà không cần nắm hết toàn bộ chi tiết.Các cơ quan giáo dục này phải thực hiện công việc gói gọn trong từ “so sánh”. So sánh năng lực của 2 học sinh học môn khác nhau, so sánh học sinh học trường A và trường B trong hệ thống giáo dục cùng với chất lượng, độ khó, so sánh điểm của cùng một môn học khóa này với khóa trước. Họ phải làm bài toán so sánh đấy và đưa ra 2 kết quả điểm cho từng học sinh.Đầu tiên, hãy nhìn vào việc họ xét tốt nghiệp THPT. Do kết quả tốt nghiệp phụ thuộc vào kết quả học tập 2 năm học 11 và 12 nên việc kiểm tra đánh giá trong các học kỳ này cũng đảm bảo các yêu cầu của hoạt động giáo dục là đảm bảo kiến thức, thông hiểu và kỹ năng vận dụng vào thực tế.Một ví dụ để thấy cách kiểm tra đánh giá của Úc khác với công thức kiểm tra chủ yếu là tái hiện kiến thức của VN. Một môn học trong một học kỳ có 100 điểm thì phần kiến thức chỉ chiếm 25%, trong khi bài tập nghiên cứu cá nhân chiếm đến 40%.Do cách kiểm tra đánh giá sẽ tác động sâu sắc đến hoạt động dạy học, cách phân bổ tỉ lệ điểm như thế sẽ khiến việc dạy học đi theo hướng đó mà không cần phải phát động phong trào hoặc chỉ đạo định hướng liên tục.Điểm của 4 học kỳ năm 11 và 12 sẽ được nộp về cho cơ quan quản lý, với tên gọi có thể khác nhau tùy bang, nhưng thực chất là điểm kiểm tra đánh giá của trường, được xem là điểm thô (raw mark) chiếm 50% giá trị, để phân biệt với điểm bài thi (examination mark) chiếm 50% giá trị.Điều khác biệt rất quan trọng trong công thức 50 + 50 giữa giáo dục Úc và giáo dục VN khi xét tốt nghiệp là: Úc tính quá trình 2 năm học, VN tính 1 năm. Úc tính công thức 50 + 50 cho từng môn học (cho thấy năng lực của học sinh trong điểm bài thi và nỗ lực trong quá trình đối với từng môn học), VN thì tính điểm trung bình năm học, có nghĩa là bao gồm cả các môn ngoài lựa chọn.Và điểm quá trình học tập từ trường học tại Úc đưa ra phải qua một công đoạn so sánh, tính toán để biến từ “raw mark” thành “moderated mark”. Đây chính là điều quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt về chất giữa cách tính của Úc và của VN. Họ cho rằng “school mark” (điểm của trường) chỉ là “raw mark” bởi chúng phụ thuộc vào chủ quan của giáo viên trong trường tự ra đề, tự chấm, đánh giá.Nói cách khác, chúng tùy thuộc vào điều kiện của trường mà không phản ánh trình độ, năng lực của học sinh trên bình diện chung của bang hoặc cả nước.Nhằm loại bỏ yếu tố chủ quan này, “raw mark” sẽ được điều chỉnh lại thành “moderated mark” để phản ánh đúng hơn năng lực của mỗi học sinh. Vậy căn cứ nào để cơ quan quản lý điều chỉnh lại điểm của trường cho mỗi học sinh? Nói cho rõ thì phức tạp, nhưng nhìn chung sẽ phụ thuộc vào kết quả điểm thi tốt nghiệp (theo đề chung, chấm chung của toàn bang) của toàn trường.Điểm trường cho có thể là thấp (do ra đề khó, yêu cầu cao), nhưng kết quả bài thi tốt nghiệp của toàn trường có tổng điểm và điểm trung bình cao thì kết quả này sẽ được tính toán áp vào “raw mark” để trở thành “moderated mark” với điều kiện giữ chênh lệch điểm và thứ hạng mỗi học sinh đã đạt được trong học tập tại trường.Trên thực tế, sau điều chỉnh, điểm “school mark” có thể lên hoặc xuống. Do đó, trường học luôn nỗ lực bám các định hướng dạy học để học sinh đạt thành quả tốt. Nếu dễ dãi với học sinh trong kiểm tra đánh giá tại trường, dù điểm mình cho có cao thì kết quả sau điều chỉnh cũng sẽ bị đánh thấp xuống.Thực hiện xét tốt nghiệp từ kỳ thi “2 trong 1”, hầu như mọi học sinh đều được công nhận tốt nghiệp, miễn là có dự thi, làm bài đầy đủ, không bỏ bất cứ bài kiểm tra nào ở trường, không bị đánh giá là “không cố gắng”. Kết quả điểm tốt nghiệp cao hay thấp thực sự có ý nghĩa với việc đăng ký giành học bổng, hoặc vào chuyên ngành khó hoặc trường ĐH có thứ hạng ở top cao. Và đó lại là câu chuyện của điểm ATAR.Khi đã được cấp Certificate công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh có 2 con đường để lựa chọn: theo hướng học nghề, hoặc vào trường ĐH. Nếu trước đấy đã xác định chọn con đường vào ĐH, điểm ATAR đóng vai trò quan trọng. ATAR thực ra là thứ hạng.Nếu một học sinh có ATAR là 99,00, có nghĩa là học sinh ấy nằm ở top 1% dẫn đầu; trong 1.000 học sinh tốt nghiệp năm ấy, học sinh này xếp cao hơn 990 học sinh khác. Điểm ATAR cao nhất là 99,95, thấp nhất là 0. Nhưng UAC (University Admission Centre - Trung tâm tuyển sinh ĐH) là nơi tính toán để thông báo điểm ATAR cho từng học sinh, phối hợp với các trường ĐH để ra chuẩn ATAR của mỗi ngành học, chỉ thông báo ATAR từ 30.Điểm ATAR là kết quả có được sau một quá trình tính toán phức tạp do UAC thực hiện, trên cơ sở dữ liệu điểm từ trường và điểm bài thi. Từ đánh giá của chuyên gia, đề thi của mỗi môn năm ấy dễ hay khó để tính ra điểm trung bình và độ lệch chuẩn của mỗi môn học. Những dữ kiện này cùng với điểm thật của mỗi học sinh sẽ được điều chỉnh qua quá trình “scaling” (cân đối) để cho ra “scaled mark” (điểm được cân đối), từ đó xác định thứ hạng mỗi học sinh.Thứ hạng được tính theo tỉ lệ % (percentile) chỉ ra vị trí của học sinh đó trong một môn học. Tiếp đến, tổng percentile của 5 môn học có kết quả tốt nhất (10 units) sẽ cho ra ATAR. Ví dụ: học sinh A có tổng percentile lọt vào top 0,05% đứng đầu thì ATAR của học sinh này là 99,95. Khi đã biết ATAR của mình, học sinh căn cứ chuẩn ATAR mà ngành học và trường ĐH công khai để nộp hồ sơ nhập học. Mọi việc thực sự đơn giản.Câu chuyện của niềm tinCho nên, dù cách tính toán phức tạp để đưa ra điểm tốt nghiệp THPT và ATAR, toàn thể bộ máy và hoạt động giáo dục Úc vẫn vận hành trôi chảy và êm ả. Mỗi đầu năm học, kế hoạch hoạt động giáo dục đều đã được chuẩn bị, thông tin đầy đủ, công khai minh bạch từ cấp cao nhất đến mỗi trường học và đội ngũ sư phạm, tới mỗi cha mẹ học sinh và học sinh.Suốt năm học là hoạt động dạy học và giáo dục toàn diện diễn ra tại nhà trường với mỗi giáo viên và mỗi học sinh theo kế hoạch đã nắm vững.Mỗi thành viên nỗ lực hoàn thành trách nhiệm cá nhân và tập thể, không có gì thay đổi, không cần sáng tạo thêm và cũng không chạy theo phong trào gì đột xuất. Cuối năm học, lớp 12 dự thi, cũng theo đúng kế hoạch đã rõ ràng, và chờ kết quả. Xã hội không phải xôn xao bàn luận, tranh cãi.Với mỗi cá nhân học sinh và cha mẹ các em, có kết quả tốt như mong đợi thì vui, nếu kết quả xấu thì chỉ biết tự trách mình chưa làm hết sức hoặc chủ quan trong học tập và chuẩn bị thi cử, không ai oán trách bộ máy giáo dục.Tất cả là do cả xã hội có niềm tin vào hệ thống giáo dục, tin rằng mọi chuyện phức tạp, nặng tính chuyên môn quản lý giáo dục đều đã được cân nhắc tính toán, có giải pháp để đảm bảo công bằng và cơ hội cho mỗi học sinh đều có tương lai đúng như mong ước và đúng như năng lực vốn có. Cũng phải nói thêm, niềm tin không tự dưng mà có.■(*) NGUYÊN HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG QUỐC TẾ CÔNG LẬP VIỆT - ÚC.Suốt mấy năm làm việc trong hệ thống giáo dục của Úc, thực sự cá nhân tôi cũng không nắm vững được hết các chi tiết cách tính toán phức tạp của hệ thống kiểm tra đánh giá, nhưng cũng không thắc mắc, bởi biết rõ việc đó là chức trách của 2 cơ quan quản lý kiểm tra đánh giá. Việc của một hiệu trưởng là nắm đủ thông tin để lãnh đạo đội ngũ sư phạm và tổ chức hoạt động giáo dục trong trường học.Trong ý nghĩa đó, từ lý thuyết đến thực tiễn đều chỉ ra rằng giáo dục không là thi cử, người làm giáo dục không phải là người luyện thi, học sinh đến trường không phải chỉ để lo lắng chuyện thi. Hoạt động kiểm tra đánh giá là một phần của giáo dục, nhưng phải đảm bảo được không làm lệch bản chất của hoạt động giáo dục. Đến bao giờ và bằng cách nào, Bộ GD-ĐT mới xây dựng được niềm tin thực sự cho toàn xã hội để không còn tranh cãi về một việc mà bản chất vốn là việc của bộ? Tags: Thi cửĐổi mới thiCải cách giáo dụcThi 2 trong 1
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Chưa được hỗ trợ lãi suất, hội doanh nghiệp gửi tâm thư đến chính quyền TP.HCM NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) vừa gửi đơn kêu cứu đến UBND TP.HCM liên quan đến việc giải quyết các khó khăn mà ngành đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.