TTCT - Cuộc tranh cãi sách giáo khoa (SGK) một hay nhiều bộ cần tới những quyết định dứt khoát, một phần quan trọng là vì thời gian thực thi chương trình mới với lớp 1 (đầu cấp tiểu học) năm học 2019-2020 đang đến gần. Giáo dục không chỉ cần thích ứng, mà còn cần thay đổi cho phù hợp với xu hướng tương lai. Ảnh: Medium Với câu chuyện mang tầm quốc gia như thế này, phải mở lại Luật giáo dục để tìm hiểu xem SGK đã được đề cập thế nào. Kể từ khi Luật giáo dục được ban hành năm 1998, SGK được quy định ở điều 25, ngầm hiểu SGK là pháp lệnh. Đến Luật giáo dục ban hành năm 2005, SGK được gắn với chương trình giáo dục phổ thông. Điểm chung là cho tới hiện tại, SGK sử dụng ở trường phổ thông trên toàn cõi Việt Nam có đặc điểm: sử dụng một bộ thống nhất, do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, Nhà xuất bản Giáo Dục (đơn vị trực thuộc bộ) độc quyền in ấn, phát hành. Không chỉ ngành giáo dục, mà dường như cả nước đã quen với thực trạng này bao nhiêu năm rồi, dù nó tạo nên sự khác biệt rất lớn về chất với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đến dự thảo Luật giáo dục sửa đổi (ngày 4-8-2018) trình Quốc hội thông qua, điều 29 về chương trình giáo dục phổ thông, SGK đã có độ dài hơn hẳn trước, đề cập khá toàn diện về mối quan hệ chương trình giáo dục phổ thông và SGK, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định quốc gia (lưu tâm đến cả các thành phần xã hội tham gia hội đồng). Trong đó, nội dung khác biệt nhất đã tạo nên ý kiến nhiều chiều: “Mỗi môn học có thể có nhiều SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”. Một tốt hay nhiều mới hay? Một bộ SGK thống nhất trên phạm vi quốc gia như giáo dục Việt Nam từ trước đến nay phù hợp với phương pháp dạy học truyền thống, chủ yếu là truyền thụ kiến thức từ thầy đến trò. Học trò ghi nhớ kiến thức thống nhất đó và được kiểm tra kiến thức dựa trên yêu cầu tái hiện kiến thức. Giáo viên và học trò không được ra khỏi cái khuôn vàng thước ngọc đó, chấp nhận chuẩn mực duy nhất này. Nhưng khi đã xác quyết rằng giáo dục cần hòa nhập với thế giới, thúc đẩy, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, muốn học sinh không chỉ “biết” mà còn “làm” và “chung sống”; không có cách nào khác là phải thay đổi phương pháp dạy học. Ngành giáo dục nước ta đã nhiều năm tuyên truyền, kêu gọi, xây dựng phong trào, hô khẩu hiệu, mua sắm trang thiết bị, đòi hỏi người thầy thay đổi phương pháp dạy học. Những tưởng rằng bấy nhiêu đó có thể thay đổi phương pháp dạy học. Nhưng tất cả vẫn chỉ là mong mỏi, chờ đợi hi vọng cái “ngày mai sẽ đến” đã quá lâu rồi. Khi những cái gốc cơ bản của giáo dục cũ vẫn còn đó thì không thể mong đợi gì hơn. Người thầy vẫn không có quyền tự chủ trong dạy học, học sinh vẫn nhát sợ, yếu kém trong tư duy độc lập, trình bày ý kiến riêng, phản biện... Tất cả trong một nỗi sợ vô hình: sợ sai kiến thức ở SGK. Người giáo viên cần nhiều quyền tự do hơn trong lớp học. Ảnh: carolineclewis.com Sự tự chủ cho người thầy và lợi ích cho học sinh Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, SGK là công cụ của người thầy. Họ có quyền lựa chọn linh hoạt từ nhiều sách của các tác giả, có thể chọn bài này ở sách này, chọn bài tập ở sách kia để dạy học. Để bắt đầu một năm học mới, thầy cô giáo phải dự 1 PD workshop (Professional Development), qua đó tìm hiểu kỹ chương trình khối lớp mình sẽ dạy, cập nhật phương pháp dạy học mới, chuẩn kiến thức và năng lực cập nhật trong chương trình. Sau đó là tự soạn hệ thống bài dạy trên cơ sở các SGK bộ môn, sao cho cuối cùng học sinh đạt được chuẩn đề ra trong chương trình. Sự tự chủ này giúp người thầy có được niềm vui sáng tạo trong nghề nghiệp, thúc đẩy họ học tập nghiên cứu để không bị tụt hậu, đào thải, đồng thời giúp người thầy tìm được giải pháp tiếp cận phù hợp cho học sinh của mình. Về phía học sinh, việc đọc nhiều hơn một cuốn SGK cũng giúp tiếp cận được vấn đề từ góc độ khác, thậm chí có cái nhìn phản biện với thầy cô giáo, giúp hình thành các kỹ năng học tập. Đấy là những gì mà “Một chương trình, nhiều bộ SGK” mang lại được cho phát triển chất lượng giáo dục. Ở Việt Nam, có lẽ không thiếu lắm những nhà khoa học và thầy cô giáo có đủ tâm huyết và khả năng để viết SGK. Vấn đề chỉ là có một chủ trương đã được luật hóa và một quy chế đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng cho phép mọi cá nhân, tổ chức (trừ cơ quan quản lý nhà nước) được biên soạn SGK, trình hội đồng quốc gia thẩm định, cho phép sử dụng (nếu đạt mọi yêu cầu). Với một vài ý kiến từ Quốc hội không đồng tình với sửa đổi như đã nêu trên, có lẽ nhân dân đang thắc mắc: ai đã thông qua nghị quyết 88 của Quốc hội vào năm 2014 để rồi bây giờ lại băn khoăn với những sửa đổi đã được xác định trong nghị quyết 88? Đồng ý là Quốc hội có thể đổi ý, nhưng vậy là con thuyền giáo dục Việt Nam lại tiếp tục lênh đênh chờ đợi thời gian nữa, chờ được tính tiếp. Ở góc độ giáo dục, phải nói thêm để làm rõ rằng tính thống nhất, tính ổn định được thể hiện qua chương trình giáo dục phổ thông. Mỗi trường học, mỗi thầy cô giáo dù sử dụng SGK nào của một môn học đều tuân thủ chuẩn đã nêu trong chương trình. Sự khác biệt của mỗi thầy cô giáo sử dụng SGK khác nhau không phải ở nội dung giảng dạy, mà chỉ thể hiện ở cách tiếp cận nội dung dạy học, nhằm đạt được sự phù hợp với đối tượng học sinh vốn có môi trường sinh sống khác nhau và sự phát triển cá nhân khác nhau. Chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trên toàn đất nước, cũng chính là chuẩn và đảm bảo cho tính thống nhất, tính ổn định đó. Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi nếu được thông qua trong năm 2018 là điều kiện cần để đổi mới triệt để nền giáo dục phổ thông. Dẫu biết rằng mọi cải cách, mọi thay đổi nếp nghĩ cũ sẽ vô cùng khó khăn, nhiều lực cản và phức tạp mới trong điều hành quản lý. Nhưng những nỗ lực đổi mới thể hiện qua dự thảo, ít nhất là ở điều 29, cần được thực hiện để bước một bước đầu tiên chưa phải là đủ nhưng cần thiết trên con đường thay đổi chất lượng giáo dục. Có chăng điều cần thêm là Bộ GD-ĐT phải tăng tính minh bạch, công khai trong quá trình xây dựng chương trình và SGK. Bộ giữ đúng vị trí quản lý nhà nước đề ra chính sách và thanh tra, kiểm tra; xóa bỏ độc quyền trong biên soạn, phát hành SGK; có quy chế đảm bảo công tâm, công bằng trong thẩm định; trao quyền tự chủ chuyên môn giảng dạy cho giáo viên hoặc tổ bộ môn. Tất cả những điều đấy sẽ là điều kiện quan trọng để chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” trở thành hiện thực, đi vào cuộc sống và tạo nên sự thay đổi về chất cho giáo dục Việt Nam. Không thể cứ để tồn tại mãi cái thực tế cấp trên luôn lo cấp dưới sai, cấp dưới lại lo cấp dưới nữa sai, kết quả là tất cả cứ làm nặng nề nhau về một nỗi lo làm sao để đừng sai. Không dám làm gì lệch truyền thống là thực trạng rất thực của giáo dục, vậy đến bao giờ chúng ta mới đổi mới toàn diện thực sự, khi giáo dục khắp nơi trên thế giới phải thay đổi từng ngày để thích ứng với biến động? Cái sự “loạn” đầu năm khi phụ huynh học sinh không mua được sách lúc năm học cận kề, phụ huynh học sinh mua sách này trường đòi sách khác; SGK chỉ sử dụng một lần vì học sinh đã làm bài tập vào đấy; sự tốn kém ngàn tỉ đồng của xã hội vào SGK... cần được chỉ rõ là do độc quyền SGK.■ Vậy ở các nước tồn tại nhiều bộ SGK thì sao? Về kỹ thuật in ấn SGK, luôn tồn tại hai phần Textbook/Coursebook và Workbook được in riêng rẽ. Textbook in màu, giấy đẹp dành cho nghiên cứu, học tập. Workbook mỏng, giấy thường in rẻ. Phần bỏ đi sau một năm học là phần Workbook. Còn Textbook phải trả lại thư viện trường (nếu trường cho mượn), hoặc bán cho công ty, cửa hàng sách để thu hồi một phần tiền sách, hoặc chia sẻ, đổi trực tiếp giữa học sinh với nhau. Giữ sách càng tốt bán càng được giá cao. Vào đầu mỗi năm học mới, học sinh tùy theo điều kiện tài chính có thể mua sách mới hoặc cũ. Có những quy định của cơ quan quản lý giáo dục để hình thành nên thị trường SGK, bao gồm mới và cũ, qua đó tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh học sinh, không để lãng phí tiền của xã hội. Thị trường này hoạt động ổn định vì theo vài nghiên cứu ở Anh và Hoa Kỳ, tỉ lệ lợi nhuận của nhà xuất bản SGK lên đến 62,7%, trong khi tác giả chỉ có 11,2%. Sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản là có, nhưng phải hoạt động trong hành lang pháp lý đã quy định, trong đó cạnh tranh bằng chất lượng là chủ yếu. Thực tế này có lợi cho chất lượng giáo dục và thụ hưởng giáo dục của học sinh. Có điều gì là không thể nếu thực sự cầu thị và chấp nhận sự minh bạch? Hay là lại phải than rằng: Nước trong quá cá khó sống? Tags: Sách giáo khoaThích ứngĐổi sách giáo khoaĐộc quyền sách giáo khoa
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.