Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Mặc cả bằng người tị nạn

DANH ĐỨC 07/03/2020 00:03 GMT+7

TTCT - Trên bề nổi, những cuộc giao tranh đẫm máu giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria đã và đang lôi hai nước láng giềng này vào một vòng xoáy chiến tranh mới. Thế nhưng đằng sau họ còn rất nhiều những “kẻ thứ ba”.

Ảnh: Al Jazeera
Ảnh: Al Jazeera

Trong những diễn biến chiến sự mới nhất, sáng 3-3, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của quân chính phủ Syria ở miền nam Idlib - thành phố tây bắc Syria hiện là tâm điểm của cuộc chiến. 

Đó là chiếc máy bay thứ ba của Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trong vòng ba ngày, sau hai chiếc hôm 1-3. Đổi lại, lực lượng chính phủ Syria đã chiếm lại được thị trấn Saraqeb, nằm trên giao điểm chiến lược của hai đường cao tốc M4 và M5 đi tới nhiều thành phố lớn của nước này.

Đáng chú ý, các lực lượng Syria tái chiếm Saraqeb trong sự hỗ trợ hỏa lực của không quân Nga. Chiến trận tới nay đã khiến ít nhất 1.300 thường dân thiệt mạng và hàng triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn, theo kênh Al Jazeera.

Trước đó, trưa thứ hai 2-3, tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật cuộc làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar tại tỉnh miền nam Hatay, giáp biên giới Syria. Theo ông Akar, tổng cộng có 2.557 lính thuộc chế độ Syria đã bị “vô hiệu hóa” trong chiến dịch Mùa xuân hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ cùng 2 máy bay phản lực, 2 máy bay không người lái, 8 máy bay trực thăng, 135 xe tăng và 5 hệ thống phòng không.

Theo lời ông Akar, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch Tấm khiên mùa xuân sau khi 34 binh sĩ nước này thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một cuộc không kích của quân đội Syria tại Idlib.

Thỏa thuận ngưng bắn là cái gì?

Ông Akar nêu lý do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ra tay: “Mục tiêu duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này là quân đội và các thiết bị của chế độ Assad ở Idlib, trong khuôn khổ quyền tự vệ chính đáng… Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng là để bảo vệ thường dân địa phương theo thỏa thuận tháng 9-2018 với Nga cấm các hành động xâm lược ở Idlib”.

Đặc biệt hướng tới Nga, Bộ trưởng Akar quả quyết: “Thổ Nhĩ Kỳ không nhằm đối đầu với Nga và mục đích duy nhất của chúng tôi là ngăn chặn các vụ thảm sát, chủ nghĩa cực đoan, và tình trạng di cư ồ ạt”.

Những gì ông Akar nói có nghĩa là chiến sự ở Idlib - vốn theo một thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trước đó được xác lập là điểm cuối của vùng đệm “không chiến sự” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria - nổ ra là vì Syria (với sự hỗ trợ của Nga) tấn công tìm cách tái chiếm, khiến cả ngàn thường dân thiệt mạng, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp.

Thanh minh xong, ông Akar bước qua phần chính của thông điệp là bắn tiếng kêu gọi đàm phán: “Kỳ vọng của chúng tôi nơi Nga vào thời điểm này là thực hiện các cam kết với tư cách là một quốc gia bảo đảm thỏa hiệp trên, và trong khuôn khổ đó, Nga sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình với chế độ Syria để họ dừng các cuộc tấn công và rút về lại các đường ranh theo thỏa thuận Sochi”.

Qua thứ hai 2-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp trả trong một phát biểu rất “chung” khi trả lời phỏng vấn TASS: “Nga không có kế hoạch gây chiến với bất kỳ ai, nhưng muốn ngăn chặn các nước khác tham gia vào cuộc xung đột với Matxcơva”.

Nhắn nhủ đó gửi đến ai, tùy người đối diện! Nếu vô can, sẽ nghe và hiểu là “không có gì”. Nếu có liên quan, tỉ như Hoa Kỳ, mà trong cuộc phỏng vấn ông Putin đã nhắc đến nhiều liên quan tới cuộc chạy đua vũ trang cùng ngân sách quốc phòng “khủng” của Mỹ, thì “có gì”.

Cuộc phỏng vấn của ông Putin, khi được báo chí Mỹ đưa lại, kèm theo chú thích: “Những bình luận của Putin đi ngược bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Syria giữa quân đội chính phủ - được Nga hậu thuẫn - và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nhóm phiến quân tại tỉnh Idlib, hiện là trung tâm của cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa các phe phái” (CNBC 2-3).

Đến tối 2-3, Al Jazeera đưa tin: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở tây bắc Syria khi ông gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin cuối tuần này.

“Tôi sẽ đến Matxcơva vào thứ năm [5-3]… Tôi hi vọng ông ấy [Putin] sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết như ngừng bắn… Chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề”. Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định cuộc gặp Erdogan - Putin quả được dự trù vào ngày 5-3, và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ là một ưu tiên hàng đầu của Nga.

Lạ là thứ năm tuần trước (27-2), thông báo của Điện Kremlin không cho thấy ông Putin có cuộc hẹn nào trong lịch với ông Erdogan, theo Arab News 28-2. Điều gì khiến tổng thống Nga tuần trước lắc đầu, tuần này gật đầu? Có phải do thấy ông Erdogan cũng “lì lợm” mà “mềm nắn rắn buông”?

Thiệt ra chuyện ông Erdogan gặp ông Putin không hẳn là một hi vọng mới lạ, do lẽ hai ông này đã nhẵn mặt nhau và còn mới điện đàm hôm 28-2! Reuters hôm đó tường thuật Điện Kremlin cho biết hai ông đã nhất trí rằng cần có những biện pháp mới để giảm căng thẳng và bình thường hóa tình hình ở tây bắc Syria, và hai phía đã đồng ý tổ chức họp cấp cao nhất để giải quyết khúc mắc ở Idlib. Sáu ngày trước, Reuters 22-2 tường thuật rằng Điện Kremlin cho biết hai ông đã có thêm một cuộc điện đàm và nhất trí tăng cường bàn bạc về chiến sự ở Idlib.

Có thể thấy quan hệ Erdogan - Putin rất phức tạp, đồng minh chỉ là ngoài mặt, trên chiến trường vẫn đánh đấm không tha. Vấn đề Syria tưởng như đã được hai bên giải quyết vào tháng 9-2018 với thỏa thuận về vùng đệm 15km vào trong lãnh thổ Syria tính từ biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực xuống thang quân sự 15-20km ở cả hai bên biên giới.

Tiếp đó là hòa ước Sochi tháng 10-2019, công nhận “hiện trạng đã được thiết lập trong khu vực kiểm soát của chiến dịch Mùa xuân hòa bình bao gồm Tel Abyad và [Ras al-Ain] nằm cách biên giới 30km” (điều 3).

Có thể thấy bất chấp thỏa thuận tháng 9-2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã lấn tới trên thực địa, và thỏa thuận Sochi (xem chi tiết ở bài sau) chỉ là sự “ngậm bồ hòn làm ngọt” của Syria, để đến nay thì phe Assad phản đòn.

Thực tế mà nói, kinh nghiệm các thỏa thuận và hòa ước nói chung trong những hoàn cảnh thế này, về việc lập các vùng đệm hay khu vực giảm thang, chỉ là thủ thuật… câu giờ trước khi lấn tới bằng súng đạn. Ai tin chỉ có nước bán lúa giống!

Nạn dân trở thành lá bài mặc cả

Tất cả những rùm beng đẫm máu tuần rồi cũng như các con số thương vong xuất phát từ thực tế Idlib được coi là tỉnh lớn cuối cùng vẫn chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Syria (lực lượng chống chính phủ, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn). Quân của Tổng thống Bashar al-Assad muốn giành lại nốt vùng này sau khi đã đánh bật phiến quân ở hầu khắp cả nước.

Thổ Nhĩ Kỳ thì không muốn từ bỏ quyền kiểm soát biên giới vì nhiều lý do: ngăn chặn người tị nạn, kiểm soát khu vực miền nam đông người Kurd vẫn đòi ly khai, và cả duy trì sự ảnh hưởng cũng như sức ép với Syria.

Ông Erdogan thực ra đã ra tay ở Idlib chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi miền bắc Syria, nơi họ đã có mặt một thời gian dài để yểm trợ các đồng minh người Kurd. Ông Trump ra lệnh rút hôm 6-10-2019 thì ngày 9-10, không quân Thổ Nhĩ Kỳ không kích các thành phố dọc biên giới.

Một báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty Inernational, AI) đề ngày 18-10-2019 đưa ra nhiều cáo giác, bao gồm nghi ngờ về một thỏa thuận ngầm giữa các bên ở khu vực này: “Các nhân viên cứu trợ địa phương và quốc tế nói với AI rằng việc Mỹ rút khỏi đông bắc Syria, cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc đàn áp của Chính phủ Syria là sự kết hợp của các tình huống xấu nhất xảy ra cùng một lúc”.

Khi khu vực này trở thành “khoảng trống quyền lực” với việc Mỹ rút quân thì hậu quả tức thì là người Kurd phải di tản. Báo cáo của AI viết: “Một nhóm 14 tổ chức nhân đạo quốc tế đã cảnh báo hôm 10-10 rằng các cuộc tấn công có thể dẫn đến cắt giảm viện trợ cho người dân, trong khi Hội Chữ thập đỏ quốc tế vài ngày sau cảnh báo 300.000 người có thể phải di tản”.

Đặc biệt, tựa đề báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế thể hiện sự phẫn nộ hiếm thấy: “Syria: Bằng chứng cùng cực về tội ác chiến tranh và các vi phạm khác của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh”.

Nay khi đang một lần nữa đối đầu với ông Putin, ông Erdogan vẫn không quên giở lá bài người tị nạn ra với… Liên minh châu Âu (EU). Hôm 2-3, ông đã kịp dọa dẫm: “Người châu Âu nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục lo người tị nạn thêm chín năm nữa. Điều đó sẽ không xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành mọi trách nhiệm trong vấn đề người tị nạn Syria.

Nhưng EU đã không tuân thủ tuyên bố 18-3 và tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn kép. Cho đến nay, chúng tôi đã chi 40 tỉ đôla cho người tị nạn. Chúng tôi yêu cầu EU chia sẻ công bằng gánh nặng”. Thỏa thuận 18-3-2016 đó quy định EU sẽ chi cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỉ euro (đã giải ngân được 2,3 tỉ) để giữ người tị nạn lại trong nước này.

Nhưng nay cuộc mặc cả rõ ràng đã khác. Giá mới, như lời ông Erdogan, là 40 tỉ đôla, tức 35,8 tỉ euro. Ông Erdogan cũng cho báo chí biết thêm là ông đã từ chối đề nghị cấp thêm 1 tỉ euro của EU mới hôm 3-3!■

Không chỉ Syria

Bản tin Reuters ngày 22-2 về cuộc điện đàm Putin - Erdogan có một chi tiết lạ: “Các tổng thống cũng thảo luận về cuộc xung đột ở Libya”. Tại sao hai ông Putin và Erdogan lại bàn qua cả tình hình Libya, và bàn với tư thế - tư cách gì? Tin BBC 25-2 hé lộ phần nào nội dung câu chuyện: “Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đội và các lực lượng chiến đấu đến Libya để củng cố chính phủ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli.

Thủ đô đã bị các lực lượng trung thành với tướng nổi loạn Khalifa Haftar bao vây suốt 10 tháng qua. Quân đội quốc gia Libya (LNA) của ông này được Ai Cập, Nga, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hậu thuẫn, trong khi chính phủ ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Qatar hỗ trợ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận