Thỏa thuận Mỹ - Taliban: Afghanistan và những ký ức ảo giác

DANH ĐỨC 20/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì cuộc chiến tranh Afghanistan, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ - dai dẳng từ năm 2001 qua ba trào tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump - nay cũng đi đến hồi kết. “Thỏa thuận đem lại hòa bình cho Afghanistan” được ký hôm 29-2 giữa “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan mà Hoa Kỳ không công nhận là một nhà nước, còn gọi là Taliban, và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ” - nguyên văn chữ nghĩa của thỏa hiệp.

Đặc sứ Mỹ Khalilzad (trái) bắt tay đại diện Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar sau khi ký kết hòa ước lịch sử. Ảnh: Getty Images
Đặc sứ Mỹ Khalilzad (trái) bắt tay đại diện Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar sau khi ký kết hòa ước lịch sử. Ảnh: Getty Images

Rõ ràng Hoa Kỳ đã rất kỹ khi chú thích Taliban “không được Hoa Kỳ công nhận là một nhà nước” những 16 lần trong bản thỏa thuận! Đàm phán, ký kết, song không công nhận phe Taliban là một nhà nước, quả là tôn trọng nhà nước chính thức ở Afghanistan, mà tên chính thức là Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan! 

Như nhiều cuộc can thiệp của Mỹ ở nước ngoài trước giờ, câu hỏi đặt ra là nếu Mỹ không công nhận Taliban là nhà nước thì sao lại đàm phán tay đôi với họ, còn nhà nước chính thức được công nhận ở đâu, mà không phải là đàm phán tay ba? Phải chăng thực lực của Taliban “nặng ký” hơn cả Chính phủ Afghanistan? Hoặc do Hoa Kỳ cần kíp đàm phán để rút ra cho bằng được sau hai thập kỷ sa lầy?

Nhắc lại lịch sử, Hoa Kỳ từng có Henry Kissinger cùng những đàm phán tay đôi với Việt Nam Dân chủ cộng hòa vì Mỹ muốn thoát nhanh khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam. Lần này, Hoa Kỳ dưới trào Donald Trump cũng có một Zalmay Khalilzad (chức vụ chính thức: đặc sứ của tổng thống về hòa giải ở Afghanistan) phụ trách đàm phán tay đôi với Taliban.

Thỏa thuận

Kết quả của cuộc đàm phán là thỏa thuận hai bên ký kết tại Doha (Qatar) hôm 29-2 gồm bốn phần. Đầu tiên là đảm bảo sẽ ngăn ngừa bất cứ nhóm hay cá nhân nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh, đổi lấy việc “đảm bảo xúc tiến các cơ chế và lịch trình triệt thoái mọi lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan” (phần 2).

Tất nhiên tiến trình này không phải một sớm một chiều. Để vãn hồi hòa bình tại Afghanistan, Taliban cùng các bên Afghanistan sẽ không đợi hoàn tất hai công đoạn trên rồi mới đàm phán với nhau, mà bắt đầu ngay vào ngày 10-3 sau khi đã thông báo các đảm bảo cho việc triệt thoái toàn bộ các lực lượng nước ngoài cùng lịch trình hiện diện các tổ chức quan sát quốc tế (phần 3).

“Đàm phán trong nội bộ Afghanistan” (từ ngữ của thỏa thuận) là về những gì? Thỏa thuận nêu rõ: đối thoại và đàm phán về một cuộc ngưng bắn lâu dài và toàn diện, bắt đầu là ngày tháng và phương thức ngưng bắn, các cơ chế thực thi cũng như một lộ trình cho tương lai chính trị của Afghanistan (phần 4).

Thỏa thuận nêu rõ “bốn phần trên có liên quan đến nhau và mỗi phần sẽ được thực hiện theo thời gian biểu và các điều khoản đã thỏa thuận của riêng mỗi phần. Thỏa thuận về hai phần đầu mở đường cho hai phần cuối”.

Điều có lẽ là được quan tâm nhiều hơn cả, triệt thoái các lực lượng nước ngoài, có lịch trình 14 tháng cụ thể như sau: Trong 135 ngày đầu tiên, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ giảm quân số ở Afghanistan còn 8.600 người theo tỉ lệ tương ứng với lực lượng từng nước trong liên minh.

Cũng trong thời gian này, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi 5 căn cứ quân sự đang đóng tại Afghanistan. Sau đó, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ rút hết lực lượng khỏi Afghanistan trong chín tháng rưỡi tiếp theo.

Ngụ ý ở đây là Hoa Kỳ và liên quân phải ra khỏi Afghanistan trước đã, rồi muốn gì thì tính sau. Liệu đây có phải là một thắng lợi của Taliban?

Câu trả lời tùy vị thế mỗi bên. Đối với Taliban, giống như mọi bên liên quan trong mọi cuộc xung đột có sự tham chiến của lực lượng nước ngoài, để kết thúc chiến tranh, tiến tới hòa bình, đầu tiên phải rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi đất nước đã. Đối với phe chính phủ, vốn được Mỹ hậu thuẫn lâu nay, cảnh thảm bại có thể chờ họ trong tương lai, một kịch bản không có gì mới.

Ước ao của ông Trump

Trên website Nhà Trắng, trong chuyên mục “An ninh quốc gia và quốc phòng”, có một trang thông tin về “Tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề an ninh quốc gia” đề ngày 5-2-2019, bắt đầu trang trọng bằng một trích dẫn phát biểu của Tổng thống Trump: “Chúng ta sẽ không còn sử dụng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ để dựng lên các nền dân chủ ở những vùng đất xa xôi, hoặc cố gắng xây dựng lại các quốc gia khác theo hình ảnh của chính chúng ta. Những ngày đó đã qua rồi”.

Đó là một tầm nhìn rất khác biệt so với hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ từ sau Thế chiến II, vốn chủ trương gián tiếp hoặc rất nhiều khi là trực tiếp can dự việc “lập quốc” (nation-building) ở các nước mà Hoa Kỳ muốn can thiệp.

Quá trình “lập quốc” đó có thể được định nghĩa là “việc sử dụng các lực lượng vũ trang, sau một cuộc xung đột, để xúc tiến một nền hòa bình lâu dài và sự chuyển đổi đến dân chủ”, theo nhóm tác giả cuốn Hậu thế chiến: Công cuộc lập quốc từ Franklin D. Roosevelt tới George W. Bush (Rand Corporation, 2008). Ít mỹ miều hơn, đó là việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự, lật đổ chính quyền cũ, dựng lên một chính phủ mới, rồi gọi đó là “nền dân chủ”.

Các tác giả phân tích xu hướng đối ngoại chính này của Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến II tới thời George W. Bush. Theo đó, Hoa Kỳ đã tham gia lập quốc tại 8 quốc gia, đầu tiên là Đức và Nhật Bản ngay sau thế chiến. Rồi sau khi kết thúc chiến tranh lạnh là ở Somalia, Haiti, Bosnia và Kosovo. Tiếp đó, sau vụ 11-9-2001 là Afghanistan và Iraq.

Theo các tác giả, không tổng thống Mỹ nào “đam mê” việc lập quốc bằng ông George W. Bush: “Có lẽ không chính sách đối ngoại của tổng thống nào lại bị chi phối bởi chủ trương lập quốc cho bằng chính sách của ông George W. Bush”.

Những hậu quả để lại tới ngày nay vẫn chưa giải quyết xong. Người kế nhiệm ông Bush, ông Obama, đã phải khốn khổ với việc rút quân ra khỏi Iraq từ năm 2007 tới 2011, và nay tới phiên ông Trump rút khỏi Afghanistan (và trước đó là Syria), trong một khát vọng từ bỏ công cuộc lập quốc ở nước ngoài để về lo xây dựng cho nước Mỹ cái đã.

Nay rày mai khác

Bởi khát vọng đó, vào tháng 9-2018, nguyên đại sứ Mỹ tại Afghanistan và Iraq Zalmay Khalilzad được bổ nhiệm làm đặc sứ của tổng thống về hòa giải ở Afghanistan với nhiệm vụ được Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả với các nhà báo (trong một chuyến thăm Pakistan và Ấn Độ): “Đại sứ Khalilzad sẽ tham gia nhóm của Bộ Ngoại giao để hỗ trợ chúng ta trong nỗ lực hòa giải. Ông sẽ trở thành người lãnh đạo của Bộ Ngoại giao cho mục đích đó. Việc bổ nhiệm Khalilzad báo hiệu rằng chính quyền đang tái tập trung cho tiến trình hòa bình Afghanistan” - Đài RFE/RL 5-9-2018 tường thuật và bình luận.

Ông Khalilzad sinh năm 1951, gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1985, dưới trào tổng thống Ronald Reagan, với nhiệm vụ là cố vấn về cuộc chiến Afghanistan của Liên Xô lúc đó, không chỉ do gốc gác Afghanistan mà còn do tấm danh thiếp học vấn và làm việc ở cấp cao của ông: thạc sĩ Viện Đại học Hoa Kỳ tại Beiruth (Lebanon), tiến sĩ Đại học Chicago, giảng dạy tại Đại học Columbia, rồi làm việc trong nhóm “chiến dịch Lốc xoáy” của cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski dưới trào tổng thống Jimmy Carter, có nhiệm vụ hỗ trợ phe thánh chiến Hồi giáo Mujahideen đánh Liên Xô tại Afghanistan (1979 - 1989).

Sang trào tổng thống George H. W. Bush (Bush “bố”), Khalilzad phụ trách kế hoạch chính sách tại Bộ Quốc phòng từ năm 1990 tới 1992. Từ năm 1993 tới 2000, ông nhảy qua Tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND Corporation giữ chức giám đốc chiến lược, học thuyết và cơ cấu lực lượng. Thật là một nhân vật “văn võ song toàn”.

Ngay từ tháng 1-1998, ông đã cùng “Dự án vì một thế kỷ mới của Hoa Kỳ”, một nhóm diều hâu ở Washington D.C., gửi tâm thư cho tổng thống lúc đó là Bill Clinton đề xuất: “Washington nên thay đổi cán cân lực lượng bằng cách hỗ trợ các lực lượng đối địch với Taliban; dành thời gian trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho các đối thủ của Taliban và giới lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa phản đối ý thức hệ Taliban; thúc đẩy Pakistan thôi hậu thuẫn Taliban; giúp đỡ các nạn nhân của Taliban; hỗ trợ phe ôn hòa ở Afghanistan thông qua việc giúp triệu tập một quốc dân đại hội để lựa chọn một chính phủ chuyển tiếp rộng rãi; và nâng cao tầm quan trọng của Afghanistan trong nước [tức ở Mỹ]”.

Điều mà tổng thống Clinton không làm hay chưa làm thì tổng thống Bush kế nhiệm đã làm. Sau khi nhảy vào Afghanistan phục hận vụ khủng bố 11-9, ông Bush đã vời tới nhà chiến lược hàng đầu về Afghanistan Khalilzad và thực hiện các đề xuất của ông này: ngày 31-12-2001, Khalilzad được bổ nhiệm làm đặc phái viên của tổng thống tại Afghanistan.

Sau ba năm giúp Afghanistan lập quốc, từ cố vấn soạn thảo hiến pháp mới đến đón một chính khách Afghanistan từng tham gia chiến trận thời chống Liên Xô chiếm đóng về làm tổng thống (ông Hamid Karzai), tháng 11-2003, ông Khalilzad chính thức trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan tới 2005, năm ông được chuyển sang Iraq làm đại sứ.

Các tác giả nghiên cứu “Hậu thế chiến” thuật lại chi tiết về giai đoạn này: “Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Afghanistan, Robert Finn..., không đáp ứng nhu cầu của Washington. Tổng thống Bush bổ nhiệm Zalmay Khalilzad, một người Mỹ gốc Afghanistan ở Hội đồng An ninh quốc gia, làm đặc phái viên của ông. Là một quan chức của Nhà Trắng, Khalilzad hoạt động gần như độc lập với Bộ Ngoại giao.

Đến cuối năm 2003, Khalilzad thay chỗ của Finn... thực hiện các mục tiêu chính của kế hoạch là làm việc với chính quyền Karzai để cân bằng tính đại diện của các địa phương trong đội ngũ nhân sự trong chính quyền trung ương [Afghanistan]...; về việc cách chức và thay thế các tỉnh trưởng và chỉ huy cảnh sát địa phương yếu kém hay không trung thành”.

Nghe thật không khác mấy những Henry Cabot Lodge hay Ellsworth Bunker ngày nào! Ngài đại sứ Khalilzad rõ ràng không chỉ có vai trò sứ thần thuần túy ở Afghanistan.

Song làm thế nào từ một nhà tư tưởng diều hâu cỡ đó, nay Khalilzad lại trở thành sứ giả đàm phán hòa bình? Vì giờ chính sách đối ngoại ở Nhà Trắng đã đảo chiều, và chẳng ai còn hăng hái “lập quốc” cho Afghanistan ở thời buổi nhiễu nhương này nữa. Kissinger ngày xưa cũng thế. Còn ai quá tin Mỹ, đành ráng chịu thôi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận