Thời trang kỹ thuật số: Ảo nhưng thật

DƯƠNG LIỄU 15/11/2021 23:11 GMT+7

TTCT - Mới vài năm trước, cái tên “thời trang kỹ thuật số” (digital fashion) nghe như một trò lừa đảo. Trả tiền cho một bộ quần áo không có thật, nghe đã thậm vô lý. Vậy mà nay, khi các hãng thời trang và may mặc truyền thống đang đau đầu suy nghĩ cách thu hút khách hàng sau dịch COVID-19, thì thời trang kỹ thuật số đã nhanh chóng xuất hiện dày đặc trên các mặt báo.

 
 

 Đứa con của Game và NFT

Cần phải đi ngược lại quá khứ về những năm 2003-2004, khi các game với đồ họa dễ thương của Hàn Quốc bùng nổ toàn châu Á. Người chơi có thể mua những vật phẩm để thay đổi diện mạo của nhân vật mình chơi trong game, từ quần áo mặt mũi đến trang bị vũ khí. Những vật phẩm này được gọi là skin và dần dà một nền công nghiệp mới đã ra đời.

Nhu cầu được mặc đẹp, có đồ đẹp, được khác biệt với người khác trong thế giới ảo bắt đầu được quan tâm hơn trước. Đa số các tựa game nhiều người chơi nổi tiếng đều đi theo hướng bán skin để thu lợi nhuận thay vì bán game. 

Năm 2018, chỉ riêng game bắn súng Counter Strike đã có doanh thu kỷ lục 400 triệu đô, toàn bộ đều thu được nhờ skin. Các studio đồ họa toàn thế giới bao gồm cả Việt Nam dồn nhân lực để thiết kế ra các skin mới cho mỗi sự kiện hay mùa game. 

Năm 2019, ông lớn Louis Vuitton thiết kế bộ skin riêng cho game Liên Minh Huyền Thoại, cho thấy skin không chỉ là một thú chơi của trẻ con mà đã trở thành một guồng công nghiệp tất bật quanh năm với lợi nhuận cao.

 
 Thiết kế của Louis Vuitton cho game Liên Minh Huyền Thoại.

 Thời trang ảo trong game đã trở thành thời trang kỹ thuật số với sự ra đời của NFT (Non refundable token - đồng tiền không thể thay thế). NFT là một chuỗi số đã mã hóa để thể hiện cho một vật phẩm duy nhất. Không thể chia nhỏ, độc nhất, dễ dàng chuyển nhượng và khó gian lận hơn, NFT hội tụ tất cả những điểm cần thiết để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, nơi vấn đề sở hữu bản quyền rất quan trọng. 

Thay vì phải lo lắng bức tranh của mình có thể bị sao chép hay sử dụng trái phép, nghệ sĩ chỉ cần mã hóa tranh của mình thành một NFT và bất cứ người nào sở hữu cũng có thể yên tâm rằng đây là tác phẩm duy nhất.

 NFT như một mảnh đất màu mỡ khiến các nhà đầu tư lớn nhỏ đều muốn khai phá. Giá bán của các tác phẩm NFT có thể đạt đến ngưỡng chóng mặt, như trường hợp bức Everyday: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple đã được bán với giá gần 70 triệu đô.

Giao thoa giữa skin và NFT, thời trang kỹ thuật số đã hình thành. Vẫn là những bộ cánh độc đáo không đụng hàng ấy nhưng nay nó dành cho người thật thay vì cho nhân vật game. 

Khả năng sở hữu độc nhất khiến những bộ quần áo kỹ thuật số thành một hạng mục được quan tâm khi đầu tư. Người mua không cần suy nghĩ về việc mình có vừa với bộ quần áo mới này không, cũng không cần phải chờ đợi hàng tháng trời để đợi những bộ cánh cầu kỳ được may. Tất cả những gì khách hàng cần làm là chọn mua trang phục mình thích, gửi ảnh cho hãng và đợi vài ngày. Ảnh sẽ được gửi lại với bộ quần áo đã được “dán” lên. Khách hàng chỉ cần đăng tấm ảnh ấy lên mạng xã hội, không cần đi thử quần áo, sửa quần áo, trang điểm ra đường tạo dáng gì nữa và càng không cần phải lo mình sẽ bị đụng hàng. 

Đối với những người quan tâm về vấn đề môi trường, thời trang kỹ thuật số còn được quảng bá là một giải pháp xanh cho tương lai (tất nhiên, sự thật về chuyện giải pháp này có xanh hay không lại là chủ đề khác cần bàn lại).

 
 

 Thị trưởng 50 tỉ USD

Nhu cầu cho thời trang nhanh gọn luôn không ngừng gia tăng, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, sức ép bắt kịp với xu hướng càng lớn hơn bao giờ hết. 

Khảo sát của Hubbub tại Anh chỉ ra rằng cứ 6 người trong độ tuổi 18-25 thì có 1 người không muốn mặc lại bộ quần áo họ từng thấy trên mạng xã hội nữa. 41% thừa nhận họ phải mặc quần áo mới mỗi khi đi ra ngoài. 

Thời trang kỹ thuật số hoàn toàn có thể giải được bài toán này khi người mua không cần tốn chỗ trong tủ đồ mà vẫn có thể có những bộ cánh đẹp mắt, mới lạ để chia sẻ trên mạng.

Thời trang kỹ thuật số còn có lợi thế mang đến những chất liệu và màu sắc vô thực vốn không thể có được trong thế giới thật. Điều này giúp những nghệ sĩ vượt khỏi những ranh giới sáng tạo trong thời trang truyền thống, giúp khách hàng bộc lộ được cá tính của mình dù ý tưởng có điên rồ đến thế nào đi nữa. 

Dù chỉ mới xuất hiện và phát triển trong khoảng hai năm trở lại đây, thị trường thời trang kỹ thuật số vẫn được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 50 tỉ USD vào năm 2022.

Với những lợi thế kể trên, khách hàng chính của thời trang kỹ thuật số hiện tại là các KOL (Key Opinion Leader - người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng), trendsetter (người tạo xu hướng), fashionista (tín đồ thời trang), nhóm khách hàng có tiếng nói và ảnh hưởng đến giới trẻ, đồng thời cũng là những người luôn phải tìm mọi cách để tạo sự bứt phá về mặt hình ảnh thương hiệu, giúp danh tiếng họ đứng vững trên thị trường. 

Đến với thời trang ảo, những người này không còn phải lo lắng về việc phải liên tục săn tìm những món đồ mới mà sẽ luôn có một “tủ quần áo” online giúp họ cập nhật hình ảnh mới mẻ trên mạng xã hội ngay cả khi đang trong tình hình giãn cách vì dịch COVID-19.

Kerry Muffy, người sáng lập nhà mốt kỹ thuật số The Fabricant, gọi việc những ngôi sao nổi tiếng online và các nhà mốt kỹ thuật số tìm đến nhau là “mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi”. 

“Thật là kỳ lạ - Kerry Muffy nói - Tôi gặp một đứa nhóc và hỏi nó về thời trang kỹ thuật số, nó biết ngay đó là gì dù chưa hiểu được cụ thể nó vận hành ra sao. Chúng tôi không cần làm gì cả, các trendsetter sẽ quảng bá và giúp chúng tôi lan tỏa thời trang kỹ thuật số”. 

Tuy thoạt nhìn có vẻ thần kỳ, thời trang kỹ thuật số vẫn phải dựa vào nhân sự kỹ thuật để chỉnh trang quần áo thời trang cho khách hàng. 

Quá trình “đắp” quần áo đòi hỏi sự can thiệp của các phần mềm 3D và những phần mềm đồ họa khác để chỉnh sửa cho phù hợp, cũng như để quần áo nhìn phù hợp với người “mặc” nhất. 

Natalia Modenova, đồng sáng lập thương hiệu Dress-X, giải thích: “Hiện công nghệ AI vẫn chưa đủ mạnh để có thể tự động hóa hoàn toàn việc “mặc” quần áo cho khách hàng”. 

Vì vậy, các công đoạn vẫn chiếm thời gian nhiều, từ vài giờ thậm chí đến vài tuần để hoàn tất việc “mặc” một bộ trang phục.

Một số khảo sát cũng chỉ ra rằng ngoại trừ phục vụ mục đích trên mạng xã hội, đa số người dùng vẫn không thấy nhiều ý nghĩa trong việc mua một bộ trang phục kỹ thuật số không tồn tại trong thế giới thực. 

Thậm chí kể cả nếu có sử dụng, mọi người vẫn có xu hướng chi trả ít hơn cho các sản phẩm kỹ thuật số, so với những sản phẩm thời trang có thể cảm nhận bằng xúc giác. 

Mặc dù thời trang kỹ thuật số và NFT là một mỏ vàng đang được đào xới, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự nghi ngại rằng đây chỉ là một cơn sốt ảo và sẽ nhanh chóng qua đi.

Nhà đầu tư lẫn khách hàng mạnh tay chi

Tính độc nhất của NFT giúp cho các tín đồ thời trang an tâm về sự độc đáo của bộ cánh mình sở hữu. Các tên tuổi lớn trong ngành thời trang như LV, Burberry, Gucci đều đã từng ít nhất một lần hợp tác với game và lấn sân sang lĩnh vực thời trang NFT. 

Tạp chí Harper’s Bazaar đã lên bìa một người mẫu ảo và bộ quần áo cũng ảo nốt. Còn đối với các nhà đầu tư, NFT giúp họ nhìn thấy cơ hội trong thời trang kỹ thuật số.

“Thời trang kỹ thuật số không chỉ tiếp cận được những khách hàng hiện tại mà còn chạm đến cả những nhóm nhà đầu tư mới: những người không quan tâm đến các thương hiệu thời trang lớn nhưng quan tâm đến không gian blockchain” - tiến sĩ Angel Zhong, giảng viên ngành tài chính Đại học RMIT - nhận xét. 

John Egan, CEO của công ty dự đoán tài chính, nhận xét: “NFT có thể mô phỏng lại được cảm giác sở hữu một món đồ, và mọi người đang dần định giá hàng hóa ảo như cách họ định giá trong thế giới thực”.

Công ty RTFKT đã nhận được nguồn đầu tư lên đến 8 triệu USD từ những công ty game lớn như Atari, Electronic Arts, thậm chí cả từ Paris Hilton. 

Vào tháng 2-2021, RTFKT đã tẩu tán hơn 600 đôi giày ảo và thu về hơn 3 triệu đô. RTFKT cũng đã ký kết hợp đồng với ứng dụng chat nổi tiếng Snapchat để khách hàng có thể “đi” những đôi giày ảo này khi sử dụng màng lọc ống kính của Snapchat.

Năm 2018, nhà bán lẻ Carlings ra mắt bộ sưu tập thời trang kỹ thuật số đầu tiên với 19 thiết kế và được tiêu thụ nhanh chóng. “Với việc bán mỗi thiết kế với giả 15 bảng Anh, chúng tôi đã dân chủ hóa nền kinh tế của ngành thời trang” - giám đốc thương hiệu của Carlings tự hào tuyên bố.

Auroboros, một thương hiệu trẻ mới ra mắt, do ông lớn thời trang Alexander McQueen đầu tư, thì quyết định bổ sung những tính năng siêu thực cho sản phẩm của mình. Giá các bộ trang phục dao động từ 80 USD (cho phụ kiện trang trí tóc) đến 1.000 USD cho một bộ đồ đầy đủ kèm hiệu ứng ánh sáng. 

Đây không phải lần đầu thời trang kỹ thuật số vươn đến giá bán của những hàng hiệu xa xỉ. Năm 2019, The Fabricant đã bán một chiếc váy thời trang cao cấp với giá 9.500 USD. Và giá cả cho những sản phẩm số hóa được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng cao khi thời trang kỹ thuật số đã sớm xác định vị trí của nó ở phân khúc cao cấp. 

 
 Bộ thời trang kỹ thuật số đầu tiên, của The Fabricant, được bán với giá 9.500 USD năm 2019.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận