TTCT - Cái gì đã khiến người ta thưởng nhạc, nghe podcast, xem video và coi phim với tốc độ phát gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi - một xu hướng "tiêu thụ nội dung" nổi bật trong năm 2024? Ảnh: ShutterstockCác ứng dụng nghe nhìn ngày nay hầu như đều có tính năng điều chỉnh tốc độ - chậm hoặc nhanh hơn từ 0,5 đến 2 lần. Theo nền tảng sách nói và podcsat Audible, khoảng 5% người dùng nghe ở tốc độ nhanh 1,5 lần hoặc hơn, phổ biến nhất là nhanh 1,25 lần. Tương tự, số liệu 2023 của Spotify cho biết hơn 1/3 người nghe ở Mỹ đã tăng tốc độ podcast, và gần 2/3 nghe các bài hát ở nhịp nhanh hơn.Hóa ra ngay cả với âm nhạc, nơi tiết tấu nhanh chậm đều là ý đồ của người sáng tác, người ta cũng "tăng tốc". Các bản nhạc remix đã bùng nổ trên TikTok trong thời gian qua, và tác động ngược lại ngành công nghiệp âm nhạc - Billie Eilish và Sabrina Carpenter đều ra thêm phiên bản "sped up" (tăng tốc) cho một số bài hit. Theo BBC, các bản "nhạc nhanh", cùng với các phiên bản remix, acoustic và live, đều được tính chung với bản gốc trong Bảng xếp hạng đĩa đơn chính thức tại Anh, giúp nghệ sĩ leo hạng dễ dàng hơn.Với phim ảnh cũng vậy. YouTube và Netflix đều có tính năng thay đổi tốc độ, tội gì không xem phim vội vã hơn? Nicole Gray, 28 tuổi, thường xem phim với phụ đề để "xử lý thông tin nhanh" và không cần sốt ruột chờ tới khi các nhân vật bắt đầu thoại. Dần dà phim ảnh đối với cô trở nên quá chậm. Để "tăng đô", Gray giờ toàn xem tivi và phim với tốc độ nhanh gấp rưỡi, cô nói với VICE hồi đầu năm.Nghe, xem mọi thứ nhanh hơn 50% là bí kíp tiện lợi, tối ưu hóa lượng nội dung thâu nạp hay một sự xúc phạm không thể tha thứ với các loại hình nghệ thuật? Tùy theo người được hỏi là ai.Vì tính chất công việc, Nicholas Quah, cây bút phê bình podcast, truyền hình và văn hóa đại chúng của Tạp chí New York và Vulture, đã thử nghe mọi thứ nhanh hơn - podcast dạng trò chuyện thì nghe với tốc độ nhanh 1,5 lần và 1,2 lần cho các nội dung khác. Cuối cùng, ông đâm nghiện, lại còn biên hẳn một bài trên Vulture hồi tháng 7, kêu gọi tất cả mọi người hãy nghe nhanh không chỉ podcast mà còn cả mọi loại hình truyền thông đa phương tiện khác.Nói với CBC, giáo sư tâm lý học Alan Castel (Đại học California, Los Angeles) cho rằng một số người có thể "luyện tập" để hiểu lời nói ở tốc độ hơn ba lần so với bình thường. Với họ, càng thường xuyên nghe podcast với tốc độ nhanh, khả năng xử lý thông tin nhanh càng tốt. Ngoài ra, theo một nghiên cứu, khi tốc độ phát tăng lên, người nghe ít bị phân tâm bởi những suy nghĩ ngoài lề hơn. Tán thành hết những điểm trên, song với người khác - chẳng hạn nhà báo thể thao Mỹ Bill Simmons - nghe nhanh xem vội là "một biểu hiện tâm lý bệnh hoạn"."Tôi không hiểu nổi. Cuộc sống đã đủ nhanh rồi" - Chuck Bryant, một trong hai người dẫn của podcast nổi tiếng Stuff You Should Know, trả lời The Hollywood Reporter khi được yêu cầu nêu cảm xúc về trào lưu nghe nhanh. Nhưng thật ra chính vì cuộc sống vội vã nên người ta mới muốn thâu nạp nội dung nghe nhìn gấp gáp như thế. "Để nghe, xem càng nhiều nội dung càng tốt, người ta chọn phát ở tốc độ tối đa, như một cách để vượt qua giới hạn thời gian" - Elisa Brey, giáo sư xã hội học và truyền thông chính trị Đại học Complutense Madrid, nói với tờ El Pais."Nếu chỉ có 30 phút ăn trưa nhưng muốn xem một video dài 40 phút, tôi sẽ chỉnh tốc độ lên 1,5 lần để xem kịp" - Roberto Estévez, 26 tuổi, cử nhân xã hội học mới tốt nghiệp, nói. Anh cho biết mình thường xem phim tài liệu trên YouTube và nghe podcast ở tốc độ nhanh hơn, nhưng không hoàn toàn tập trung vào chúng như mong muốn. Estévez tự nhận xem nhanh cũng chẳng được lợi gì mấy - chúng ta tiết kiệm được thời gian khi nghe một đoạn audio 6 phút với tốc độ gấp đôi, rồi lại dành cả giờ để xem reels và TikTok. "Nó hơi vô nghĩa, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều làm vậy" - anh kết luận.Năm 2022, Neal Mohan, giám đốc sản phẩm của YouTube, cho biết người dùng đã "tiết kiệm trung bình hơn 900 năm thời gian xem video mỗi ngày" nhờ xem ở tốc độ nhanh hơn. Thậm chí người dùng còn đòi YouTube phải cho tăng tốc độ phát lại gấp ba hoặc bốn lần. Rõ là không phải ai cũng muốn bước chậm lại giữa thế gian vội vã. Nhanh hơn, chậm đi, hay bình thường - tất cả chỉ cần một cú chạm màn hình, và lựa chọn là của mỗi người. "Nếu thực sự hứng thú với thứ gì đó, tôi sẽ quay lại và xem ở tốc độ bình thường" - Estévez nói. Tags: Văn hóaNghe nhìnNetflixPodcastNhìn lại 2024
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Tuyển Thái Lan vội nhập tịch sao trẻ Thụy Điển sau trận thua Việt Nam THANH ĐỊNH 03/01/2025 Đội tuyển Thái Lan sắp có được sự phục vụ của trung vệ đẳng cấp người Thụy Điển Eric Kahl sau thất bại trước Việt Nam.
Một doanh nghiệp cũng 'bố chủ tịch, con là tổng giám đốc': cổ phiếu từng đắt nhất sàn BÌNH KHÁNH 03/01/2025 Theo cập nhật đăng ký kinh doanh mới công bố, người đại diện pháp luật của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang là ông Đào Hữu Huyền - chủ tịch HĐQT, cùng con trai là tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh.
Tạm giữ hình sự người đàn ông bênh vợ, đuổi đánh nhóm shipper ở quận 1 ĐAN THUẦN 03/01/2025 Công an quận 1 (TP.HCM) đã tạm giữ người đàn ông vì bênh vợ mà cầm dao đuổi đánh nhóm shipper làm náo loạn một góc đường Phạm Hồng Thái.
1.700 binh sĩ Ukraine đào ngũ khỏi lữ đoàn do Pháp huấn luyện NGỌC ĐỨC 03/01/2025 Lữ đoàn Cơ giới 155 của Ukraine mất đến 1.700 người vì lí do đào ngũ trong quá trình gửi binh sĩ sang Pháp và Ba Lan huấn luyện.