Thú chơi nhạc, chơi ảnh: hoài niệm hay thực tại?

XÊ NHO 27/10/2022 07:10 GMT+7

TTCT - Phong trào tìm về định dạng cũ để có trải nghiệm chân thực, phi kỹ thuật số không chỉ có ở người yêu nhạc mà còn cả ở người mê nhiếp ảnh. Sự hoài niệm có lẽ là yếu tố chính đằng sau.

Thú chơi nhạc, chơi ảnh: hoài niệm hay thực tại? - Ảnh 1.

Hãng Kodak mới đây cho biết đang loay hoay tuyển thêm người để mở rộng sản xuất vì loại phim 35mm cổ điển tưởng đã lùi sâu vào dĩ vãng nay làm ra bao nhiêu bán sạch bấy nhiêu. 

Kodak thường được nêu tên như một minh họa cho sự "hủy diệt sáng tạo" của nền kinh tế kỹ thuật số khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời. Hãng phim này trong thực tế đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2012. Điều mỉa mai là chỉ trong một thời gian ngắn, máy ảnh kỹ thuật số cũng lao đao vì bị thay thế bởi điện thoại di động thông minh có khả năng chụp ảnh.

Cái bâng khuâng về sự thăng trầm của Kodak chỉ là cảm giác thoáng qua, còn cái đọng lại là sự tò mò: Vì sao có người lại muốn quay về dùng loại phim truyền thống, một cuộn phim chỉ chụp chừng 36 tấm, chụp xong phải đưa ra tiệm tráng rửa… rất nhiêu khê?

Ngày xưa còn có thể bảo chất lượng ảnh kỹ thuật số không cao bằng ảnh chụp phim thường, nhưng ngày nay nhiều ảnh số còn chi tiết, sắc nét, màu sắc còn đậm đà hơn phim nhiều lần. Có lẽ nào đó là cái cảm giác sờ vào tấm ảnh, cầm được chân dung người mình chụp lên để ngắm nghía? Hay cái cảm giác lật giở từng trang cuốn album ảnh để sống lại với nhiều kỷ niệm khó quên? Chắc không nhiều người mở kho ảnh trên iPhone để xem từng hình như xem album giấy, có thể vì chụp dễ dàng quá nên 10 tấm trong kho ảnh thì có đến 7, 8 tấm xấu, chưa xóa chỉ vì ngại mất thời giờ.

Dù sao sự hồi sinh phim ảnh analog là rất rõ khi Kodak cho biết họ phải nâng từ lịch sản xuất mỗi ngày chỉ một ca lên ba ca làm việc suốt 24 giờ và chạy cả 7 ngày trong tuần nhưng cũng không đủ hàng cho các tiệm bán lẻ. Những khảo sát gần đây cho thấy 76% người trả lời nói rất quan tâm đến loại máy ảnh truyền thống sử dụng phim truyền thống.

Thú chơi nhạc, chơi ảnh: hoài niệm hay thực tại? - Ảnh 2.

Thế nhưng, mẩu tin Kodak không gây ngạc nhiên bằng tin giới trẻ đang bỏ Spotify hay Apple Music để quay lại nghe nhạc bằng đĩa CD hay đĩa than. Như một nhân vật được tờ The Guardian phỏng vấn đã kể, mỗi lần mở Spotify lên, cô cứ nhảy từ album này qua album khác, từ ca sĩ này qua ca sĩ khác, thậm chí từ playlist của người bạn này giới thiệu qua playlist "đang nóng" nhưng cũng chỉ nghe được chút chút là chuyển đi. Chỉ đến khi cô mở máy quay đĩa lên thì người mới bình tâm trở lại để thưởng thức nhạc trọn vẹn.

Các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, nhạc đang trở thành món hàng "dùng xong là bỏ", dễ ăn nhưng chóng chán. Cái kho nhạc khổng lồ sẵn có không cho phép người nghe sống với thói quen cũ là nghe tới nghe lui một album yêu thích, bởi Spotify cứ chăm chăm giới thiệu cái mới và nhét cái mới vào tai người nghe.

Nói cách khác, với những người chọn cách từ bỏ Spotify, nghe nhạc là một trải nghiệm, phải bỏ công sức ra mới được đền đáp khi tìm được giai điệu vừa nghe vừa gật gù theo. Spotify thì không hề có sự cố gắng nào; nó khuyến khích sự lười nhác, tính thụ động và thói quen nhảy cóc. 

Ngày xưa từng có một xu hướng sưu tầm các bài hát ưa thích, gom chúng vào một băng cassette để thỉnh thoảng mở lên nghe như một kho báu riêng mình. Ngày nay, nhiều người dày công xây dựng một kho nhạc riêng trên chiếc iPod tân trang hay một máy nghe nhạc chuyên biệt và không kết nối Internet để khỏi bị phân tâm. Kho nhạc như thế thể hiện rõ con người của chủ nhân, dù đó là người mê nhạc Bolero hay Hard Rock.

Thú chơi nhạc, chơi ảnh: hoài niệm hay thực tại? - Ảnh 3.

Hình ảnh này có thành tương lai, hay con người vẫn sẽ thích trải nghiệm thấy tận mặt, sờ tận tay hơn?

Cậu chủ Facebook đang rót tiền xây dựng một thế giới ảo - Metaverse - với tham vọng lôi kéo mọi người vào sống và vui chơi trên thế giới này, quên đi cái thế giới thật phức tạp và đầy đau khổ. 

Nhiều người đang cười cái nỗ lực đầy tốn kém này của Mark Zuckerberg, vì sau hơn 10 tỉ USD chi phí, cái thế giới ảo trong Horizon Worlds trông như một trò chơi điện tử viết vào thập niên 1980 với các hình vẽ đơn giản, nguệch ngoạc, thậm chí nhân vật chưa có chân vì kính ảo rẻ tiền không tải nổi hình đồ họa phức tạp.

Metaverse ra đời khi con người có xu hướng, dù manh nha hay đã định hình, muốn quay trở lại thế giới thật, sờ mó được, từ tấm ảnh in trên giấy đến cuốn tiểu thuyết dày cầm trên tay. Xu hướng này sẽ quyết định số phận của Metaverse, chứ không phải các yếu kém của bản thân nó.

Cho dù Metaverse hứa hẹn con người, dù thân thể đang bó hẹp trong căn buồng tối tăm, đầu đội chiếc kính ảo to đùng, tâm trí họ sẽ thoát ra bay bổng khắp nơi, gặp đủ người, chơi đủ trò chơi hoành tráng, sẽ ít ai chịu nghe lời dụ dỗ này vì họ sẽ thấy, như phim Kodak hay đĩa CD, cuộc đời dù nhiều phức tạp, khổ đau vẫn đầy mùi vị đắng cay ngọt ngào có thật chứ không giả tạo như thế giới ảo. 

Bạn ngoài đời thật dù cãi nhau suốt ngày vẫn dễ chơi hơn bạn ảo trên Facebook, nơi bạn bè có khi trở mặt vài ba lần trong ngày. Chính vì vậy, Meta phải ra lệnh cho nhân viên đeo kính, đăng nhập vào Metaverse cho nó khỏi giống một ngôi chợ chiều hoang vắng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận