Thử lý giải chuyện đổ nợ của ngành cà phê

NGUYỄN QUANG BÌNH 28/08/2013 19:08 GMT+7

TTCT - Từ mấy năm nay, giá cà phê trên sàn kỳ hạn tăng cao và dao động rất thất thường. Người trồng cà phê khắp nơi trên thế giới nói chung, nước ta nói riêng, được hưởng lợi nhiều từ giá tăng. Song, thị trường chao đảo đã tạo muôn vàn rủi ro cho các nhà kinh doanh.

Phóng to
Sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vượt được một chặng đường dài, nhưng hoạt động kinh doanh trên trường quốc tế vẫn ở giai đoạn khởi động - Ảnh: Tiến Thành

Dư âm của lãi suất

Thiếu vốn, lãi suất cao hơn lợi nhuận, không có hàng trong tay, công cụ thiếu thốn, DN xuất khẩu cà phê không đổ nợ mới là chuyện lạ.

Nhìn những con số thống kê xuất khẩu đầy thuyết phục, ai mà nghĩ ngành xuất khẩu thuộc loại chủ lực của VN này đang khốn khổ.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2011 nước ta xuất khẩu 1,257 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,752 tỉ USD; năm 2012 với 1,732 triệu tấn, đạt 3,673 tỉ USD; năm 2013 tính đến nửa tháng 7 đã là 838.867 tấn, đạt gần 1,8 tỉ USD...

Thành tích đẹp ấy vẫn khiến nhiều người giật mình trước thông tin hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong ngành cà phê đổ nợ. Mà nguyên nhân chính đến từ chuyện lãi suất cao của mấy năm trước, nay dư âm vẫn còn. Ở thời điểm năm 2011-2012, dù các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất nhưng thực tế do tính chất rủi ro của ngành, các DN cà phê vẫn phải chịu mức 20-22%.

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn - nguyên chủ tịch Vicofa, lợi nhuận lý thuyết của kinh doanh cà phê là 25%/năm, song nhiều người trong ngành không đồng tình với mức lợi nhuận lý thuyết này. Nếu đúng, DN xuất khẩu cà phê không đến nỗi phải đổ nợ đến mức lớn như thế.

Vô chiêu và hữu chiêu

Điều oái oăm là so với trước đây, ngày nay khi DN đã biết đến sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London (Anh), càng liên thông, hiểu biết, càng kinh nghiệm kinh doanh bao nhiêu, giá không bị chèn ép so với sàn bao nhiêu thì thua lỗ càng to trông thấy bấy nhiêu.

Thống kê ngành nông nghiệp nói rằng giá xuất khẩu cà phê của nước ta đạt bình quân cho cả sáu tháng đầu năm 2013 là 2.160 USD/tấn. Mức này cao hơn nhiều so với chỉ số giá sàn kỳ hạn robusta London cùng kỳ là 2.008 USD/tấn do Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cung cấp trong báo cáo tháng 6-2013.

Những co giật thất thường của giá hàng hóa làm nhiều DN của ta kẻ khóc người cười, phó thác cho may rủi. Như khi có tin rét đậm rét hại phá hại cây cà phê tại Brazil hay mất mùa đâu đó vì lý do này kia giúp giá tăng, bấy giờ ai trữ hàng trong tay người ấy thắng; ai lỡ bán trước, lỗ đậm.

Đôi khi có nhiều tin đồn ngỡ như hạt cà phê không dính dáng gì, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ định giảm kích cầu làm giá hàng hóa thế giới không kịp đỡ, trong đó có nhiều mặt hàng như cà phê từ 2.000 USD/tấn có lúc xuống chỉ còn quanh 1.700 USD/tấn.

Thật vậy, trên các thị trường kỳ hạn hàng hóa, từ những năm đầu thập kỷ 2000 đã có nhiều thay đổi khi đầu cơ tài chính liên kết được với những hãng kinh doanh hàng hóa tầm cỡ và chuyên nghiệp. Rất nhiều khi, chẳng có cớ gì, giá đùng đùng tăng hay đùng đùng giảm, có ngày giao dịch dao động đến vài ba trăm USD mỗi tấn giữa mức cao và thấp nhất.

Nhờ tiền muôn bạc vạn, một vài tay đầu cơ cố tình làm thị trường nghiêng ngả để “đục nước béo cò”, loại những đối thủ cạnh tranh thiếu sức vóc và tiền bạc để rảnh tay khống chế thị trường. Tài chính eo hẹp, công cụ kinh doanh không với tới, các DN cà phê của ta như những chiến binh ra trận dữ nhưng trong tay không có một tấc sắt.

Tại nhiều nơi, kể cả các nước châu Phi, chính phủ và các ngân hàng đã tích cực khuyến khích sử dụng các công cụ kinh doanh để chống rủi ro về giá giữa một thế giới tài chính biến động khôn lường như hiện nay. Nhiều ngân hàng chỉ dám cho DN cà phê vay khi họ sử dụng công cụ tài chính phái sinh thông dụng, đặc biệt hai thị trường kỳ hạn và thị trường quyền chọn.

Khi mua được hàng trên thị trường nội địa, dứt khoát DN phải bán ngay lên sàn kỳ hạn để bảo đảm giá đã mua trong ngày, tránh thua lỗ khi giá xuống sâu không biết lấy gì để bù, và ngược lại. Còn với quyền chọn, DN chỉ cần trả một mức phí để mua bán các quyền chọn mua hay bán theo mức giá thực hay kỳ vọng của mình, để tránh thua lỗ khi mua gặp phải giá thị trường xuống hay khi bán giá thị trường tăng.

Tiếc thay, đến nay các DN xuất khẩu của ta chưa có quyền sử dụng các công cụ tài chính phái sinh này một cách chính thức do ta chưa có cơ sở vật chất, kỹ thuật và khung pháp lý cho các hoạt động thị trường phái sinh, giúp DN sử dụng đỡ đúng “chiêu” khi thị trường xuất “miếng”.

Một số người, do thiếu các công cụ này trong nước, đã mở các tài khoản giao dịch tại những nơi khác. Song, họ đều mua bán mang tính đầu cơ nhỏ lẻ, không gắn chặt với hàng hóa, thường được gọi là “kinh doanh cà phê ảo” hay “hàng giấy”. Những người này thường bị giật dây, hại nhiều hơn lợi đối với một nước xuất khẩu nông sản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận