Thưởng sao coi cho được!

HUY THỌ 21/09/2016 17:09 GMT+7

TTCT - Không ít người thắc mắc tại sao Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV Olympic 2016 thì được Nhà nước thưởng 160 triệu đồng, còn Lê Văn Công đoạt HCV Olympic 2016 cho người khuyết tật (gọi là Paralympic) lại chỉ được phân nửa, nghĩa là chỉ 80 triệu đồng?

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

 

Và đây là giải thích của một số nhà quản lý thể thao: Đầu năm 2011, khi tham mưu cho Chính phủ trước khi ban hành quyết định “Về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu”, thể thao của người khuyết tật lúc đó chỉ được xem là một dạng thể thao phong trào. Xét thuần túy góc độ thể thao, sự cạnh tranh về thể thao của người khuyết tật không dữ dội như thể thao dành cho người lành lặn.

Một phần vì VĐV thể thao khuyết tật ít, rồi lại được chia nhỏ theo tỉ lệ thương tật nên thực tế có những nội dung chỉ có vài người thi đấu.

Dựa vào đó, ngày 6-6-2011 Thủ tướng đã ký ban hành quyết định 32, trong đó ở khoản 6 điều 3 ghi rõ: “Huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các đại hội, giải thể thao dành cho người khuyết tật thế giới, châu Á, Đông Nam Á được hưởng mức thưởng bằng 50% mức thưởng tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 điều này (dành cho người lành lặn - NV)”.

Ừ thì cứ cho là hồi năm 2011 cái nhìn về thể thao người khuyết tật còn hạn chế, thì nhiều năm qua sao không thay đổi cho phù hợp với thế giới, phù hợp với bối cảnh và nhận thức mới?

Một quan chức ngành thể thao cũng ủng hộ chuyện khác biệt trong việc thưởng cho người khuyết tật so với người lành lặn, nhưng đã thừa nhận các lý lẽ sau: Thứ nhất, những ngày hội thể thao cho người khuyết tật đã được tổ chức vào đầu thế kỷ 20.

Nhưng phải đến Olympic 1988 tại Seoul (Hàn Quốc), Paralympic mới được phát triển nâng tầm với quy định từ đó trở đi, cứ sau một kỳ Olympic thì cũng ngay tại thành phố vừa đăng cai sẽ tổ chức tiếp một đại hội cho người khuyết tật tranh tài vì cho rằng người khuyết tật phải được bình đẳng như mọi người lành lặn khác.

Ngay lập tức, tinh thần đó đã lan tỏa và tất cả các đại hội thể thao cấp châu lục hay nhỏ bé như SEA Games đều thực hiện theo.

Thế giới đã có một sự thay đổi về nhận thức lớn như vậy từ năm 1988, vậy mà đến năm 2011 chúng ta vẫn còn phân biệt thể thao người khuyết tật với thể thao người lành lặn qua chuyện tiền thưởng. Việt Nam là một quốc gia có tỉ lệ người khuyết tật cao, chưa kể nhiều người là thương binh, đã hi sinh một phần thân thể cho chiến tranh giành độc lập.

Ông Vũ Công Lập - nhà vật lý và cũng là một nhà báo chuyên viết bình luận bóng đá - đã cho rằng đó là một điều khó nuốt trôi trong việc làm chính sách cho VĐV người khuyết tật.

Thứ hai, các nhà quản lý thể thao cho rằng tính quyết liệt, sự cạnh tranh của VĐV khuyết tật không cao. Có thể như vậy thật, nếu xét về số lượng VĐV tham gia thi đấu để tranh một bộ huy chương khi so sánh thể thao người khuyết tật với người lành lặn.

Nhưng cứ nghe chuyện của các VĐV khuyết tật đi, cứ nhìn những gì họ nỗ lực đi mới thấy đây là chuyện không thể so sánh. Một Lê Văn Công ngay từ thuở thơ ấu bị bại liệt (đa số VĐV khuyết tật đều sinh ra trong gia đình nghèo), nhưng vượt qua tất cả để trở thành một người thợ sửa chữa điện tử và có một đôi tay Hercules khi ngày ngày luyện tập với những quả tạ nặng trịch.

Ý chí ấy của Công cũng như của mọi VĐV khuyết tật khác bảo đảm không thua, thậm chí ăn đứt các VĐV lành lặn. Và ý chí ấy của các VĐV khuyết tật sẽ là những bài học vô giá cho cộng đồng, cho các bạn trẻ.

Với hai điều vừa nêu có xứng đáng để thay đổi quyết định 32 hay không? Vị quan chức thể thao ậm ừ thừa nhận!

May mắn là chúng ta đã nhìn thấy những quyết định xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với vận động viên khuyết tật.

Ông Mai Bá Hùng, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết HĐND TP đã thông qua một quyết định (số 60 ngày 21-12-2012), theo đó TP.HCM thưởng riêng cho các VĐV (của thành phố) đạt thành tích quốc tế với mức thưởng tương đương của trung ương và không hề phân biệt VĐV khuyết tật hay lành lặn, thậm chí còn cộng thêm 15% tiền trượt giá.

Ví dụ với Lê Văn Công, nếu anh chỉ nhận 80 triệu tiền thưởng từ trung ương thì TP.HCM thưởng 160 triệu đồng cộng 15% trượt giá (tổng cộng 184 triệu đồng).

Thưởng sao coi cho được đã là chuyện đáng bàn, đừng để chuyện thưởng thành chuyện bất công còn đáng bàn hơn nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận