Thưởng tết: kẻ ít người nhiều

ĐÌNH DÂN - NHƯ BÌNH 12/12/2011 18:12 GMT+7

TTCT - Thưởng tết năm nay đang là nỗi đau đầu của khá nhiều doanh nghiệp vì một năm hoạt động có quá nhiều biến động. Bên cạnh những câu trả lời kiểu như “Chưa có kế hoạch” hay tiếng thở dài thay cho lời nói của nhiều chủ doanh nghiệp, vẫn có nhiều đơn vị tìm cách xoay trở để công nhân viên của mình không quá hụt hẫng.

Xoay xở thưởng Tết

Trả lời về thưởng tết cho công nhân năm nay, ông Phạm Xuân Hồng, tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cười: “Đến hẹn lại lên thôi”. Với nhiều doanh nghiệp khác, ưu tiên trước mắt là trả nợ, chuyện lương thưởng cuối năm phải tạm gác lại mới thấy để có được câu nói nhẹ thênh như ông Hồng không phải là chuyện dễ dàng.

Phóng to
Đa số công nhân luôn mong chờ tiền thưởng tết như một món quà ý nghĩa sau một năm vất vả - Ảnh: L.N.M.

Khi doanh nghiệp thiếu tiền

Thiếu tiền mặt nhưng không thể không thưởng tết, bà B. - giám đốc công ty chuyên về chế biến nông sản ở huyện Hóc Môn, TP.HCM - đã tính đến phương án thưởng cho 30 công nhân viên của mình một ít tiền, còn lại là mứt, bánh kẹo và các sản phẩm của công ty sản xuất. Bà nói cả năm nay giá nguyên liệu chế biến nông sản như dừa, chanh, khoai... tăng vùn vụt, bấp bênh khiến công việc chế biến không còn lời, việc cứ thế giảm dần. Xoay tính đủ thứ, để giữ chân công nhân và có tiền cơm hằng ngày, bà nhận tất cả công việc từ gọt bí, phân loại khổ qua, ớt đến lột vỏ khoai mì...

“Chúng tôi có cung ứng nguyên liệu qua chế biến cho siêu thị, một số nhà máy chế biến thực phẩm nhưng vòng tiền trả về rất chậm, trong khi công ty phải liên tục ứng tiền cho nông dân, thương lái để có nguồn nguyên liệu ổn định” - bà B. nói.

Mọi năm, bà B. thường vay ngân hàng để trả thưởng cho công nhân trước tết, sau đó đối tác sẽ thanh toán tiền qua ngân hàng đó bù vào. Nhưng với lãi suất hiện nay cộng việc ngân hàng khá khó khăn khi cho vay, bà B. không thể nào tiếp cận với nguồn tiền mặt. “Chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận giảm nên thưởng tết cho nhân viên sẽ không cao như mọi năm, ngay cả quỹ dự trù kinh phí cũng bị hao hụt vì lạm phát nên tiền mặt rất eo hẹp. Có thể tôi sẽ thưởng một nửa bằng tiền mặt, một nửa bằng hàng của công ty. Nếu ra tết tình hình tốt hơn tôi sẽ thưởng bổ sung” - bà B. chia sẻ.

Phương án thưởng tết bằng quà thay tiền mặt cũng đang được nhiều công ty cân nhắc. Anh Tuấn, nhân viên bán hàng công ty điện tử G, cho biết giám đốc nhân sự đã rỉ tai về việc thưởng tết bằng bếp gas, máy pha cà phê, bàn ủi... tùy theo nguyện vọng của nhân viên. Đây là những mặt hàng công ty đang kinh doanh nên hình thức “thưởng” này lợi cả đôi đường. Anh Tuấn nói các nhân viên trong phòng cũng được khuyến khích mở chiến dịch bán hàng tết theo chương trình “Mua hàng thưởng tết” bằng cách thuyết phục các công ty khác tặng thưởng cho nhân viên bằng sản phẩm thay tiền mặt.

Thật ra, một số mặt hàng nếu thưởng dịp tết cũng thích hợp nhưng chưa hợp với nhu cầu người dùng nên không phải ai nhận quà tết đều vui. “Nói chung thưởng tiền là thích nhất. Muốn mua gì cứ theo ý thích của mình” - Thanh Dung, nhân viên một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thừa nhận. Trong khi đó, do doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng giảm 40% so với năm ngoái, lượng hàng tồn tăng mạnh nên các công ty này chỉ thưởng một số tiền nhỏ gọi là thưởng tết, còn lại... khuyến khích nhân viên sử dụng sản phẩm của công ty.

Ông Bùi Thế Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Khải Hoàn - doanh nghiệp đang nắm trong tay trên 5.000 lao động, cho biết mấy hôm nay ban giám đốc công ty đang đau đầu với bài toán thưởng tết cho người lao động. Ông Hùng than thở: “Năm 2011 tình hình kinh doanh khó khăn, nhưng mình phải chăm lo cho người lao động để giữ họ gắn bó với công ty, đó cũng là tấm lòng giữa con người với nhau. Vì vậy chúng tôi quyết giữ mức chăm lo tết phải bằng hoặc cao hơn năm ngoái”.

Ngoài việc duy trì xe đưa rước công nhân về quê ăn tết, theo ông Hùng, năm nay thưởng tết cho công nhân tối thiểu một tháng lương, tương đương 2,1 triệu đồng. Năm nay số công nhân ở lại ăn tết dự đoán sẽ đông hơn nên công ty phải chăm lo cho các đối tượng này bằng các chương trình sinh hoạt tết như tổ chức văn nghệ, nấu bánh chưng, tặng quà...

Anh Nguyễn Bình, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH sản xuất - thương mại Minh Diệu chuyên sản xuất đế giày phân phối trong nước, cho biết chưa công bố kế hoạch thưởng tết cho công nhân nhưng phấn đấu bằng hoặc hơn năm ngoái, như thưởng cho công nhân tháng lương thứ 13 và một thùng bia. Ngoài ra, công đoàn còn tặng bột ngọt, dầu ăn cho công nhân.

Ít, nhiều đều thưởng

Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nên việc thưởng tết là điều quá sức đối với họ trong năm nay. “Biết rằng thưởng cho công nhân viên cuối năm là điều cần thiết, đáng phải làm nhưng kinh doanh lỗ thì làm sao có tiền để thưởng” - ông Thắng nói. Ông kể năm ngoái có chủ doanh nghiệp đã bỏ tiền túi 10 tỉ đồng để thưởng cho công nhân, bồi thêm một năm khó khăn nữa như năm nay thì thưởng tết là một khó khăn rất lớn.

Dù công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chủ trương không cắt giảm thưởng tết của người lao động. Lãnh đạo Công ty may mặc Tân Long Trường, Q.9, TP.HCM mới khẳng định chắc nịch với công nhân: “Năm nay toàn thể công nhân sẽ được nghỉ tết vào ngày 25 âm lịch. Đúng ngày này, công ty sẽ phát thưởng luôn và tài trợ 100% vé xe cho công nhân ở xa về quê”.

Còn công ty chuyên sản xuất bo mạch điện tử Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1) dù chưa tổng kết lỗ, lãi để đưa ra mức thưởng tết cụ thể nhưng vẫn dự tính thưởng cao hơn năm trước. Theo lãnh đạo công ty này, nếu tết 2011 công ty thưởng từ 1,2-1,5 tháng lương thì năm nay mức thưởng sẽ từ 1,5-1,8 tháng lương.

Trong khi khối doanh nghiệp sản xuất hầu hết đều khẳng định có thưởng, thì ở khối doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ việc thưởng tết còn là ẩn số. Nhân viên một số công ty quảng cáo, chứng khoán... cho biết vẫn chưa thấy thông báo gì và dự đoán tình hình sẽ u ám vì công ty thua lỗ.

Thùy Mai, nhân viên một công ty du lịch tại Q.1, cho biết năm ngoái Tết dương lịch vẫn thưởng được nửa tháng lương. Năm nay doanh thu công ty giảm vì khó khăn kinh tế, tiền thưởng là những phiếu mua hàng siêu thị. Theo giám đốc thì đó là sự chia sẻ về đời sống kinh tế thiết thực. Hiểu sự khó khăn của công ty nhưng Mai nói thưởng tết không chỉ mang tính giá trị mà còn là niềm tự hào của nhân viên. Về quê, gặp bà con, bạn bè ai chẳng hỏi thưởng tết có nhiều không, hơn năm ngoái không?

Ngoài hình thức tặng quà, sản phẩm thì phiếu quà tặng cũng được xem là phương án thưởng tết thay thế tiền mặt của một số doanh nghiệp. Theo giám đốc của một siêu thị, lượng phiếu quà tặng của siêu thị bán ra cuối năm thường tăng vọt 60-70% so với thường ngày. Thông thường khách mua phiếu số lượng lớn là những công ty, doanh nghiệp dùng để tặng nhân viên, cán bộ trong cơ quan, sau đó mới đến tặng đối tác, khách hàng.

Bà Thục Quỳnh, giám đốc marketing của Saigon Co.op, cho biết phiếu mua hàng thường được xem như là phúc lợi cộng thêm cho cán bộ công nhân viên bên cạnh tiền thưởng tết. Nhưng vài năm gần đây, phiếu quà tặng được xem là món quà thay thế các giỏ quà tết do tính tiện lợi và giá trị sử dụng cao. Hiện nay một giỏ quà tết tươm tất tặng nhân viên cũng phải tốn 400.000-600.000 đồng/giỏ, trong khi nếu tặng phiếu mua hàng công ty vừa được giảm chiết khấu lại không phải cồng kềnh đi giao hàng hay chịu những rủi ro về chất lượng hàng hóa.

“Phiếu mua hàng có giá trị như tiền mặt nên được nhiều doanh nghiệp chọn để thưởng cho nhân viên” - bà Quỳnh nói.

Phóng to
Thưởng tết cho người lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý - Ảnh: Minh Đức

Có những công ty thưởng cho công nhân 8-9 triệu đồng/người, mức thưởng mà ngay cả nhân viên làm trong ngành tài chính năm nay mơ cũng không thấy.

Lo thưởng từ đầu năm

Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Saigon Js (TP.HCM), cho biết kế hoạch trả lương thưởng Tết Nguyên đán 2012 cho gần 3.000 công nhân của công ty đã được ban lãnh đạo giám đốc duyệt từ đầu năm 2011. “Chúng tôi đã xác định mức thưởng cơ bản và phải chuẩn bị sớm như vậy mới không bị động. Nhờ vậy, người lao động có niềm tin cũng như cố gắng tối đa đạt được thành quả mà họ biết chắc sẽ thuộc về họ” - ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, mức thưởng tết tháng 13 cho công nhân lao động sản xuất trực tiếp của công ty ông năm nay bình quân 9 triệu đồng/người, tăng trung bình 2 triệu đồng/người so với tết năm ngoái. Khoản thưởng này chưa tính bình bầu xếp hạng lao động (A, B, C) cũng như mức hỗ trợ 50% tiền vé xe chất lượng cao cho người lao động về quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Mặt khác, theo tính toán của ông Hùng, với tổng số ngày nghỉ mà công ty cho công nhân nghỉ tết năm nay khoảng 15 ngày, ngoại trừ những ngày nghỉ theo chế độ Nhà nước quy định và chủ nhật, những ngày còn lại vẫn được công ty trả 100.000 đồng/người/ngày và không bị tính vào phần lương sản phẩm cho tháng lãnh lương tiếp theo. Phần trả thêm nói trên tăng 20.000 đồng/người/ngày so với mức chi của năm ngoái. Tính chi li như thế để thấy trách nhiệm của lãnh đạo công ty đối với người lao động khi tết đến.

Đối với ông Phạm Xuân Hồng, tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, chuyện thưởng tết cho công nhân không chỉ là làm tròn trách nhiệm đối với người lao động mà còn là chuyện đạo lý ở đời.

“Ngày tết rất thiêng liêng với nhiều người, nhất là người xa quê đi làm. Đó là ngày đoàn tụ, báo hiếu nữa nên ai cũng muốn có thêm một khoản tiền mua món quà cho người thân... Suy nghĩ như vậy nên lãnh đạo công ty chúng tôi nhất quyết dù gì cũng phải có tiền thưởng cho công nhân và thông báo sớm điều đó để mọi người yên tâm” - ông Hồng nói. Năm nay, công ty thưởng tết cho công nhân hai tháng lương cộng với 20% lương bình quân, tính ra mỗi người được khoảng 8,4 triệu đồng.

Tìm việc cho công nhân làm

Theo ông Hồng, có được tình hình sản xuất ổn định như hiện nay là nhờ công nhân trung thành, còn lãnh đạo công ty kiên trì. “Những lúc khó khăn nhất chúng tôi đã cam kết không để một công nhân thất nghiệp. Thị trường Nhật rất khó tính, làm ăn với họ không phải dễ. Nhiều đơn hàng khó, các doanh nghiệp khác “chạy”, chúng tôi vẫn nhận làm...” - ông Hồng chia sẻ.

“Công nhân năm nay có mức thưởng khá tốt so với mặt bằng chung phần lớn nhờ năng suất lao động của nhân công đã tăng gần 70% so với năm ngoái, cũng như loại hình xuất khẩu FOB mà công ty đã chuyển đổi từ nhiều năm nay” - ông Lê Quang Hùng cho biết.

Chính vì vậy, nếu nhìn vào cơ cấu trả lương thưởng trong các năm gần đây thấy khá rõ một điều: nếu doanh nghiệp nào có chính sách đãi ngộ nhân công tốt, đảm bảo quyền lợi và mức thu nhập của người lao động không bị suy giảm theo tốc độ lạm phát như vũ bão hiện nay, doanh nghiệp đó ít có tình trạng bỏ việc, đòi tăng lương, đòi cải thiện cuộc sống thông qua các hình thức đình công hoặc lãn công.

Theo ông V. - giám đốc một doanh nghiệp may tư nhân, với đơn hàng gia công, số lượng lại ít, nên lợi nhuận thu về khá ít ỏi, khiến lương trả cho công nhân cũng phập phù theo tỉ lệ đơn hàng mà ông nhận được. “Nếu giỏi lắm tôi chỉ có thể thưởng cho họ 1-1,2 triệu đồng/người dịp tết, còn lương cơ bản vẫn duy trì ở mức 2-2,2 triệu đồng/người” - ông V. thẳng thắn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận