TTCT - Vụ lùm xùm đấu giá và cản đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" chưa rõ kết cục ra sao.Trước mắt, điều dễ nhận thấy là công cuộc sửa sai cho những cách hành xử chưa được chu đáo của ông vua cuối cùng Bảo Đại sẽ còn dài dài. Hoàng đế chi bảo. Ảnh: Millon.comQua sử sách và các văn bản có đóng dấu hồi triều Nguyễn, người ta thống kê được có cả trăm kim ngọc bảo tỷ (ấn vàng bạc và ngọc của vua dùng) cùng hàng trăm ấn chương quan dụng các loại. Trong số đó, một số kim ngọc bảo tỷ được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia; một số ấn chương quan dụng được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Ngoài giá trị cổ vật, kim ngọc bảo tỷ và ấn chương quan dụng mang giá trị lịch sử và văn hóa. Chúng đáng được sưu tầm bảo quản truyền đời, để công chúng thưởng lãm và học giới nghiên cứu.Kim ấn truyền quốc và Ngọc tỷ truyền quốcTrong số hàng trăm kim ngọc bảo tỷ thời Nguyễn, có hai món mang ý nghĩa "ấn báu truyền quốc". Ấn truyền quốc, ngoài công năng làm con dấu đóng lên văn bản, còn là tín vật minh chứng địa vị chánh thống. Tức là xui xẻo mà gặp đại biến, phải bỏ của chạy lấy người, thì vua chúa chỉ ôm độc món ấn truyền quốc này theo, như kiểu cháy nhà ta phải ôm theo sổ đỏ vậy.Ấn truyền quốc đầu tiên bằng vàng, do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc năm 1709. Đại Nam Thực lục tiền biên chép: "Năm Kỷ Sửu, mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm Dần, đúc quốc bảo. Ấn khắc chữ Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo (大越國阮主永鎭之寶)". Các Chúa Nguyễn dùng ấn này ở Đàng Trong, sau đó thì dùng làm ấn truyền quốc, tức giao cho người kế vị hợp pháp. Chín chữ trên ấn mang nghĩa: "Nước Đại Việt, Chúa Nguyễn trấn giữ lâu dài, ấn báu".Trong lúc ngặt nghèo, Nguyễn Ánh chạy tứ tung nhưng vẫn ôm theo ấn này, lên bờ xuống ruộng, rớt sông vùi hố mấy lần, may đều tìm lại được. Gia Long truyền đến Minh Mạng, được coi là ấn quan trọng tột bực, năm thứ 18 (1837) ra chỉ dụ: "Riêng hộp ấn Truyền quốc chi bảo lần này chính tay ta dán niêm làm dấu, đủ làm tín nhiệm, từ đây về sau chỉ nên kiểm nhận chữ vua đích thân viết niêm phong thôi, không nên mở hộp lau chùi, để tỏ sự thận trọng" (Đại Nam Hội điển sự lệ, q.225). Sách Hội điển cũng cho biết đây là hộp ấn duy nhứt chính tay vua viết tờ niêm, quy chế bảo quản không như các ấn khác.Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo. Ảnh: WikipediaNăm 1846, Thiệu Trị cho tạc ngọc tỷ để thay kim ấn truyền quốc. Năm 1847 làm xong, bố cáo, mặt ngọc tỷ khắc chín chữ: "Đại Nam thọ thiên vĩnh mạng truyền quốc tỷ" (大南受天永命傳國璽). Sách Đại Nam Thực lục và Đại Nam Hội điển sự lệ đều chép về sự kiện quan trọng này rất kỹ.Xét về giá trị vật chất, ngọc được coi là quý hơn vàng (truyền thống đế vương Trung Hoa thường dùng ngọc tỷ truyền quốc). Mặt khác, quan trọng hơn là quốc hiệu trên ngọc tỷ. Thời Chúa Nguyễn vẫn dùng quốc hiệu nhà Lê là Đại Việt, đến thời Minh Mạng đặt quốc hiệu Đại Nam, tuy có chế ngọc tỷ "Đại Nam thiên tử chi tỷ" (Ngọc tỷ của vua nước Đại Nam) nhưng vẫn dùng kim ấn truyền quốc cũ. Có lẽ do ngọc tỷ mới chưa tương xứng và phù hợp nên vua Thiệu Trị đã thay ấn truyền quốc.Chín chữ trên ngọc tỷ Thiệu Trị mang nghĩa: "Ngọc tỷ nhận mạng trời nối đời lâu dài (cai trị) nước Đại Nam". Ý vua Thiệu Trị trong lời dụ cho thấy từ lúc này ngọc tỷ mới sẽ là vật truyền quốc, kim ấn Chúa Nguyễn cùng ngọc tỷ mới là hai bảo vật phải bảo quản đặc biệt. Cũng may là đến nay kim ấn truyền quốc (1709) và ngọc tỷ truyền quốc (1847) đã nằm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), cùng với hai ấn báu khác (Sắc mệnh chi bảo 1827, Hoàng đế tôn thân chi bảo 1827) được liệt hạng bảo vật quốc gia.Theo TS Phan Thanh Hải, "trong 93 chiếc kim bảo, ngọc tỷ của triều Nguyễn, thời các chúa có 2 chiếc, đều đúc vào năm 1709, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu; thời Gia Long (1802 - 1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820 - 1840) có đến 15 chiếc, thời Thiệu Trị (1841 - 1847) có 10 chiếc, thời Tự Đức (1848 - 1883) cũng có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều chỉ có một chiếc, thời Đồng Khánh (1885 - 1888) có 5 chiếc, thời Thành Thái (1889 - 1907) có 10 chiếc, thời Khải Định (1916 - 1924) có 12 chiếc, và thời Bảo Đại (1925 - 1945) có 8 chiếc. Trong 13 vị vua triều Nguyễn, có 3 đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Duy Tân là không có bảo tỷ riêng.Trong các kim bảo của triều Nguyễn, chiếc "Hoàng đế chi bảo" là có trọng lượng lớn nhất, đến hơn 280 lạng (gần 10,5kg). Chiếc "Sắc mệnh chi bảo" tuy trọng lượng nhẹ hơn (hơn 223 lạng) nhưng mặt ấn lại lớn nhất (14x14cm). Các ngọc tỷ thì mặt ấn lớn nhất cũng không quá 10,5x10,5cm" ("Kim ngọc bảo tỉ của triều Nguyễn", tapchicovat.vn).Vua Bảo Đại giao ấn đúng chưa?Trước đây mươi năm, do thông tin thiếu hụt, hai tác giả Lê Nguyễn Lưu và Huỳnh Đình Kết viết: "Đây cũng là bảo tỉ truyền quốc của nhà Nguyễn, khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, vua Bảo Đại trao lại ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ lâm thời trong buổi lễ thoái vị tại Ngọ Môn, không rõ là quả ấn nào, Vĩnh trấn hay Vĩnh mệnh? Hay cả hai quả? Và số phận của mỗi quả hiện ra sao?" (Ấn chương Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 2011).Hai tác giả này gọi tắt kim ấn chúa Nguyễn là "Vĩnh trấn", còn ngọc tỷ Thiệu Trị là "Vĩnh mệnh". Trong hoàn cảnh thiếu thông tin, suy nghĩ và nghi vấn của hai vị này cũng là điều mà có lẽ nhiều người nghiên cứu sử cẩn thận đã nghĩ đến. Một ông vua, khi bàn giao, đúng ra phải giao vật tượng trưng chính thức, tức phải là kim ấn truyền quốc "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo". Đằng này Bảo Đại lại giao ấn "Hoàng đế chi bảo", ấn này trụi lủi không ghi quốc hiệu.Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Ảnh: bvhttdl.gov.vnẤn vàng "Hoàng đế chi bảo" và kiếm Khải Định tuy chưa phải là bảo vật tiêu biểu ngay cả hồi thời Nguyễn, nhưng do toan tính khó hiểu của Bảo Đại mà bỗng trở thành vật tượng trưng vương quyền, rồi nó mang dấu ấn chuyển giao quyền lực trong thời điểm quan trọng của đất nước, nên ấn này được coi là vật chứng lịch sử.Cách giải quyết hay nhứt có lẽ là cựu hoàng Bảo Đại lúc sanh thời nên hiến tặng hoặc bán êm những gì thuộc công chúng về đúng nơi của nó, nhưng ông đã không làm được việc đó. Còn Hội đồng Nguyễn Phước tộc, nếu lúc trước biết lo xa ắt đã thương thảo nhiều cách để hợp tác cùng cựu hoàng cho hồi cố quốc những vật mang giá trị lịch sử ấy một cách hòa nhã thì hay biết mấy.Dạo gần đây thấy từ "bảo vật quốc gia" hơi bị lạm dụng. Đồ cổ đồ xưa của vua chúa vô số, trôi dạt tứ phương, không phải cứ thấy món nào cũng có thể gọi là bảo vật quốc gia, nhất là với những món đồ thiệt - giả hay quyền sở hữu các thứ còn chưa xác định rõ ràng. Như ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" này, các bên quan tâm đều chưa được rờ vào, chỉ mới coi hình chụp. Người trong nước chưa qua được bước đầu tiên là giám định thật giả. Trường hợp chủ sở hữu lâu nay của ấn hoặc ai đó làm một bản sao rồi đưa ra bán vẫn là điều có thể nghi vấn [mấy sàn đấu danh giá bán tranh giả, đồ cổ giả hoài, không hiếm]. Cho nên, khoan vội gán cho ấn "Hoàng đế chi bảo" đang trên sàn đấu giá Millon là bảo vật quốc gia. Khung pháp lý quốc tế về tài sản văn hóaNgày 18-11-2020, báo Nhân dân Điện tử Trung Quốc đưa tin 66 di vật văn hóa, trong đó có các tác phẩm nghệ thuật nổi bật có giá trị lịch sử, bị buôn lậu (smuggled) sang Anh cách đây 25 năm đã hồi hương.Theo Guan Qiang, cục phó Cục Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc, việc trao trả các di vật văn hóa này "là ví dụ điển hình về hợp tác chống buôn lậu di vật văn hóa, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi và trả lại các di vật văn hóa trong khuôn khổ Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa".Nhân dân Điện tử Trung Quốc cho biết, để đưa cổ vật hồi hương, Trung Quốc đã tích cực nỗ lực thúc đẩy việc quảng bá, cải cách và hoàn thiện Công ước UNESCO 1970 và Công ước UNIDROIT 1995 về hoàn trả tài sản văn hóa bị đánh cắp hoặc xuất khẩu bất hợp pháp; nước này cũng ký các thỏa thuận song phương về việc tìm lại và trả lại các hiện vật văn hóa đã mất với 23 quốc gia.Hai công ước kể trên là tiêu biểu của các nỗ lực lập pháp đa quốc gia để hạn chế việc lấy đi những cổ vật trong giai đoạn thực dân. Có thể thấy, với Công ước 1970, từ khóa ở đây là "trái phép" (illicit). Các cổ vật vừa được Trung Quốc "hồi hương". Ảnh: Tân Hoa xãTheo trang web của UNESCO, công ước này thúc giục các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp để ngăn cấm và ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa và cung cấp một khuôn khổ chung cho các quốc gia thành viên về các biện pháp được thực hiện để ngăn cấm và ngăn chặn việc nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao tài sản văn hóa. UNESCO nhấn mạnh việc trao trả và bồi hoàn tài sản văn hóa là trọng tâm của công ước này, và nhiệm vụ của công ước là "cơ bản bảo vệ bản sắc của các dân tộc và thúc đẩy xã hội hòa bình, từ đó củng cố tinh thần đoàn kết".Trong khi đó, từ khóa của Công ước UNIDROIT là "đánh cắp" (stolen) và "xuất khẩu bất hợp pháp" (illegaly exported). Công ước này lấy nguyên tắc từ Công ước UNESCO 1970 kết hợp với thực tiễn 25 năm Công ước UNESCO 1970 được thông qua. Việt Nam gia nhập Công ước UNESCO 1970 năm 2005. Còn với Công ước UNIDROIT 1995, ở khu vực Đông Nam Á chỉ có ba quốc gia thành viên là Campuchia, Lào và Myanmar.Trong một bài viết liên quan đến việc luật pháp có thể được vận dụng thế nào để giúp châu Phi bảo vệ các di sản phong phú đang bị tổn hại bởi các cuộc chiến tranh ở châu lục này, tác giả Afolasade A.Adewumi, giảng viên Đại học Ibadan (Nigeria), nhắc hai công ước nói trên cùng Công ước Hague năm 1954 về bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang. "Nếu được các quốc gia thực hiện đúng cách, các công ước UNESCO năm 1970 và UNIDROIT năm 1995 có thể giúp ngăn chặn nạn cướp bóc và buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa" - tác giả viết.Để thực hiện các công ước này, các quốc gia thành viên cần phải có luật di sản cập nhật và lập danh mục, kiểm kê các di vật văn hóa của họ. Tuy nhiên, không có quốc gia châu Phi nào có luật cụ thể nhằm hoàn thiện các công ước quốc tế này, và "điều này làm cho việc áp dụng các điều khoản trong [hai công ước] phần lớn là không thể". (TỊNH ANH) Tags: Ấn vàng "Hoàng đếVua Bảo ĐạiẤnẤn vàngĐấu giáBảo vậtBảo vật quốc giaHồi hương cổ vậtCổ vật
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Tin đồn thất thiệt về việc lãnh đạo PGBank Phú Thuỵ, Gia Lâm vỡ nợ bị bắt TTXVN 14/09/2024 Chiều 13-9, tại xã Dương Xá và Dương Quang, huyện Gia Lâm (Hà Nội) lan truyền tin đồn thất thiệt về việc lãnh đạo chi nhánh PGBank Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm vỡ nợ bị bắt.
Làm gì để các cầu có thiết kế giống cầu Phong Châu được an toàn? TUẤN PHÙNG 14/09/2024 Sau vụ sập cầu Phong Châu, chuyên gia cho rằng ngoài kiểm tra, gia cố cầu yếu, phải chống khai thác cát bừa bãi.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.