TTCT - Từ trước đến giờ các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết (SXH) được thiết kế và tổ chức thực hiện xoay xung quanh trục chính là tiêu diệt lăng quăng của muỗi vằn (Aedes) - tác nhân trung gian truyền bệnh SXH. Phóng to Một hướng phòng chống SXH khác là tạo ra giống muỗi vằn có ít khả năng truyền mầm bệnh SXH từ người sang người - Ảnh: Hoàng Minh Việc lựa chọn slogan của các chiến dịch phòng chống SXH là “Không có lăng quăng, không có SXH” xem ra rất logic và hợp lý về mặt lý thuyết. Bởi vì so với diệt muỗi và tránh muỗi chích thì diệt lăng quăng dễ hơn. Nếu làm giảm lăng quăng sẽ dẫn đến làm giảm muỗi vằn, dẫn tới làm giảm yếu tố trung gian truyền bệnh, cuối cùng sẽ làm giảm SXH. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. SXH vẫn tăng mạnh ở miền Trung và Tây nguyên. Cần thiết phải thay đổi triệt để ở trung tâm của các hoạt động phòng chống SXH, trong đó có việc thay đổi khẩu hiệu phòng chống SXH. Không có lăng quăng vẫn có SXH Rất ít người, kể cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác phòng chống SXH, nhớ khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có SXH” có từ bao giờ. Chỉ biết từ lâu lắm rồi, mỗi khi vào mùa mưa là họ đi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách tiêu diệt lăng quăng. Kết quả là chỉ số lăng quăng có giảm nhưng tần suất mắc SXH không giảm rõ nét, những con số thống kê cho thấy SXH có khuynh hướng gia tăng ở một số vùng, miền bất chấp những nỗ lực phòng chống. Thực tế đòi hỏi phải có giải pháp khác để giải quyết vấn đề phòng chống SXH bên cạnh giải pháp tận diệt lăng quăng. Các hoạt động phòng chống SXH hiện nay của chúng ta dường như rơi vào vòng luẩn quẩn. Tư tưởng tận diệt một loài, cho dù nhằm mục đích cứu một loài khác cũng không phù hợp. Trái đất có đủ chỗ cho tất cả các loài, không cần phải tiêu diệt bất kỳ loài nào. Chúng ta đang sống trong hệ sinh thái mà sự tồn tại của một loài có ảnh hưởng đến phần còn lại và ngược lại. Trong hệ sinh thái mà chúng ta đang sống không có loài nào thừa, mỗi loài đều có vai trò nhất định cho sự sống chung. Loài này có thể đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của loài kia nhưng đồng thời cũng là nguồn nâng đỡ, che chở cho một loài khác. Nhân danh phòng chống SXH, chúng ta phát động hoạt động tận diệt lăng quăng, may mà lăng quăng vẫn chưa bị tuyệt chủng. Liệu khi lăng quăng biến mất có sinh ra loài nào mới gây nguy hại nhiều hơn bệnh SXH? Đã có nhiều bài học về hậu quả của sự mất cân bằng sinh học như tận diệt chim sẻ dẫn đến nạn châu chấu phát triển quá mức tàn phá mùa màng, hoặc rắn bị truy bắt cạn kiệt để chế biến thành các món đặc sản dẫn đến chuột phát triển không kiểm soát được. Trong thời biến đổi khí hậu hiện nay, sự mất cân bằng sinh học càng gây ra hậu quả nặng nề, bởi vì thời gian để xuất hiện những loài độc hại ngắn hơn. Phải chăng sự xuất hiện dồn dập của những chủng virút nguy hiểm gần đây như H1N1, H3N5, H7N9, Corona... là hậu quả của mất cân bằng sinh học do việc có nhiều chủng loại động vật bị biến mất nhanh chóng như cá heo nước ngọt ở Trung Quốc, hươu sao, tê giác ở Việt Nam...? Cần giải pháp mới Một số nước trên thế giới đã tập trung vào các giải pháp khác hiệu quả hơn trong phòng chống SXH, đó là chế tạo văcxin phòng ngừa. Mới đây Nhật Bản đã công bố thử nghiệm thành công văcxin phòng SXH trên người. Kết quả nghiên cứu cho thấy văcxin này có khả năng bảo vệ cho 70% người được tiêm khỏi bị SXH. Văcxin này cũng đang được Viện Pasteur TP.HCM thử nghiệm ở Tiền Giang. Một hướng phòng chống SXH khác tỏ ra rất có triển vọng là tạo ra giống muỗi vằn có ít khả năng truyền mầm bệnh SXH từ người sang người, bằng cách làm cho muỗi vằn bình thường nhiễm vi khuẩn Wolbachia. Hướng nghiên cứu này được một số nước như Úc, Brazil, Indonesia... tiến hành đang đi vào giai đoạn cuối cùng, tỏ ra có hiệu quả. Ở Việt Nam, gần đây cũng đã thử nghiệm dùng muỗi nhiễm Wolbachia để làm giảm SXH trên quy mô nhỏ (vài xã). Đã đến lúc cần thay đổi trong hoạt động phòng chống SXH để đạt hiệu quả hơn trong nỗ lực làm giảm bệnh SXH trong cộng đồng. Tôi không chủ trương không tiêu diệt lăng quăng mà chỉ phản đối sự tận diệt lăng quăng, đồng thời không ủng hộ việc quá tập trung vào diệt lăng quăng mà bỏ qua những cách phòng chống khác. Tags: Sốt xuất huyếtBS TRẦN HOÀI NHÂNMuỗi vằnLăng quăngAedes
Khi nào được dùng hình ảnh người khác? TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (GIẢNG VIÊN ĐH KINH TẾ - LUẬT, ĐHQG TP.HCM) 29/05/2023 708 từ
Dịch vụ nước sạch: Phải chọn được giá đúng PHẠM KHÁNH NAM (Đại học Kinh tế TP.HCM) 29/05/2023 1862 từ
Tin tức sáng 31-5: Tỉnh nào cấm dạy thêm hè này? TUỔI TRẺ ONLINE 31/05/2023 Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm để bị động trong cung ứng điện; Cần Thơ tổ chức cuộc thi cải lương.
Tin tức thế giới 31-5: Triều Tiên phóng vệ tinh do thám, nghi tên lửa nổ trên không TRẦN PHƯƠNG 31/05/2023 Nga chỉ trích tấn công 'khủng bố' vào Matxcơva; Mỹ hối thúc NATO kết nạp Thụy Điển ngay lập tức.
Du lịch Mũi Né - Phan Thiết và nỗi lo kinh doanh chụp giựt Đức Trong - Như Bình 31/05/2023 Lượng du khách đổ đến Mũi Né - Phan Thiết sau khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là có nhưng đã sớm xuất hiện những điều đáng lo.
Yêu cầu cho ngừng bắn của Nga đã giản lược hơn? BÌNH PHƯƠNG 31/05/2023 Sau chính xác một năm ba tháng chiến sự, nhiều quan chức Nga lại bắn tiếng về các điều kiện cho ngừng tiếng súng.