Hành trình tìm lại một con đường đá cổ huyền thoại với những câu chuyện lạ lùng và những cảnh tượng có một không hai... Dãy Hoàng Liên Sơn trải dài là ranh giới giữa hai tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam là Lào Cai và Lai Châu. Do những kiến tạo địa chất đặc biệt của thời kỳ tạo sơn, mẹ thiên nhiên ưu ái dành tặng cho vùng đất này những ngọn núi cao, hiểm trở bậc nhất Việt Nam như Fansipan, Pusilung, Putaleng, Kỳ Quan San, Tả Liên San, Nhìu Cồ San... Nhìu Cồ San. Xa xa là núi Sừng Trâu. -Ảnh: Vi Ngọc Hà Một lịch sử lạ lùng và còn nhiều hoài nghi Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp chủ trương xây dựng và phát triển nhiều tuyến đường mới để thuận tiện cho việc thu gom lâm thổ sản, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, vận chuyển vũ khí... Những người già, những người được cho là có hiểu biết ở Lai Châu, Lào Cai ngày nay, kể rằng: Năm 1927 thống đốc Auguste Jean-Marie Pavie đã cho xây dựng con đường từ Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Chà Phà (Lào Cai) vượt đèo Gió (2.091m) thuộc dãy Nhìu Cồ San, sang Sàng Ma Pho - Chà Phà - Phong Thổ - Mường So (Lai Châu) dài 80km. Tuy nhiên, ngày nay chỉ có khoảng 30km đường nguyên bản còn lại. Vẫn còn đó những phiến đá lát đường nay đã một màu xanh rêu. Ảnh: Vi Ngọc Hà Suốt dọc con đường, người Pháp bố trí hệ thống đồn bốt nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ con đường và phục vụ việc tuần tra, phòng thủ biên giới. Con đường được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến, rộng 3m, tương đối bằng phẳng, chạy xuyên rừng để cho cả người và ngựa đi được. Việc xây dựng nó đã gây hao tổn nhiều xương máu của những người dân phu địa phương. Mãi đến tận hôm nay, gần 100 năm sau, con đường xuyên rừng này vẫn còn gần như nguyên vẹn, được gọi là con đường đá cổ Pavie - theo tên của vị thống đốc nêu trên. Tuy nhiên, tôi tìm hiểu lịch sử thì được biết Auguste Jean-Marie Pavie (sinh tại Dinan ngày 31-5-1847) mất tại Thourie (Pháp) ngày 7-5-1925, nghĩa là ông đã mất trước khi khởi công con đường đá cổ mang tên mình đến hai năm!? Theo nhiều nguồn sử liệu, A.J. Pavie là một nhà thám hiểm và ngoại giao, người đóng vai trò trọng yếu trong việc thiết lập quyền kiểm soát của Pháp tại Lào trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ 19. Sau một thời gian khá dài phục vụ tại Campuchia và Nam kỳ, Pavie trở thành phó công sứ Pháp tại Luang Prabang năm 1885, cuối cùng là thống đốc và đặc nhiệm toàn quyền Pháp tại Lào. Trong phần đề cập Pavie trên Wikipedia, người ta viết rằng Pavie thực hiện khảo sát một vùng rộng tới 676.000km², du hành 30.000km tại các vùng cao ở phía đông và bắc sông Mekong, bằng cách đi bộ, cưỡi voi hay xuôi dòng sông bằng bè, thu thập một lượng lớn thông tin khoa học. Ông được một đoàn đông tới 40 người làm phụ tá trên nhiều lĩnh vực chuyên môn, từ khảo cổ tới côn trùng học, có cả bác sĩ - nhà ngoại giao Pierre Lefèvre-Fontalis và bác sĩ nghiên cứu môn miễn dịch học Alexandre Yersin nổi tiếng. Chuyến khảo sát (còn được gọi là Phái đoàn Pavie) đầu tiên, từ năm 1879 tới 1885, trải rộng trên khắp Campuchia và miền nam Siam tới tận Bangkok. Chuyến thứ hai, từ năm 1886 tới 1889, khảo sát miền đông bắc Lào và sông Đà tại Bắc Kỳ, tới tận Hà Nội. Chuyến thứ ba, từ năm 1889 tới 1891, bao gồm việc khảo sát sông Mekong từ Sài Gòn tới Luang Prabang. Chuyến thứ tư, từ năm 1894 tới 1895, bao gồm các vùng lãnh thổ Lào giáp giới với Trung Quốc và Miến Điện tại tả ngạn sông Mekong, tới tận sông Hồng. Liệu có phải con đường đá cổ nối Lai Châu với Lào Cai được Pavie đề xuất nên người Pháp lấy tên ông đặt cho nó? Tôi chỉ là một người trẻ ham thích đi phượt nên chỉ dám nêu một câu hỏi như thế. Và tôi nghĩ, muốn xây dựng một sản phẩm du lịch hấp dẫn như tour khám phá con đường đá cổ Pavie, các nhà sử học nên giúp cho ngành du lịch trong việc xây dựng một câu chuyện về con đường này, có tính thuyết phục về lịch sử. Một chuyến trecking hấp dẫn Trên chuyến xe đêm khởi hành từ Mỹ Đình, tôi miên man nghĩ tới những câu chuyện đã nghe từ nhiều người kể về con đường lát đá cổ Pavie, về những Bãi chết rét, Bãi chết đói, hai ngôi mộ cỏ ven đường trên đỉnh đèo Gió, về tổ ong ngàn năm tuổi, núi treo trống, thác Tống Lan... Tới Lào Cai, 7h30 chúng tôi xuất phát từ xã Sàng Ma Sáo - một điểm có phong cảnh rất đẹp nhìn xuống cánh đồng bậc thang trải dài ngút tầm mắt bên dưới. Men theo một con đường nhỏ trên sườn đồi, đi trong mây và nắng sớm, chân đồi hiện ra một ngôi nhà tường đá, rêu phong cổ kính nằm giữa cánh đồng mới cấy. Chà Phà - trạm nghỉ của người Pháp - chỉ còn lại phế tích phía Lào Cai. Ảnh: Vi Ngọc Hà Đây là phế tích của một điểm dừng chân được gọi là Chà Phà do người Pháp xây dựng bên phía Sàng Ma Sáo, Lào Cai. Phía bên Lai Châu cũng có một Chà Phà như vậy, nhưng được biết là không còn lại dấu tích gì. Đây là hai điểm được người Pháp cho xây dựng để dừng chân nghỉ ngơi, với khoảng cách vừa đủ cho cả người và ngựa đi từ Chà Phà bên này sang Chà Phà bên kia vừa đúng một ngày để không phải nghỉ lại qua đêm trên đường. Không gian ảm đạm của con đường nhỏ giữa núi rừng của dãy Nhìu Cồ San bao bọc khiến mọi người cảm thấy lành lạnh gáy. Thì ra đây chính là Bãi chết rét. Bãi chết rét, chết đói. Ảnh: Vi Ngoc Ha Ngày xưa, để đi tới được con đường đá này, người, ngựa từ Mường Hum phải đi qua rừng già, đường rất khó đi. Vào mùa đông giá rét, tuyết rơi rất nhiều, người và ngựa đều đuối sức và đói, không ít người phải bỏ mạng tại đây. Cái tên Bãi chết rét, chết đói có từ độ ấy. Đi thêm tầm nửa tiếng nữa, chúng tôi bắt đầu chạm tới những phiến đá lát đường đầu tiên. Vì gần khu dân cư, trâu bò đi nhiều nên những phiến đá nhẵn lì, bụi bặm. Qua con suối là đến rừng. Thảm rêu xanh ngằn ngặt phủ đầy đường đá. Tảng đá khổng lồ này được gọi là “tổ ong nghìn tuổi”. Ảnh: Vi Ngọc Hà Từ đây đến cuối con đường là bản Sàng Ma Pho, hai bên đường là rừng thảo quả, không khí trong mát, thơm nức mùi lá thảo quả. Chúng tôi gặp một gia đình người Mông từ Mường Hum dắt trâu qua Sàng Ma Pho, hỏi ra mới biết để chuẩn bị cho mùa vụ mới, họ đã phải qua Sàng Ma Pho mượn trâu của họ hàng để cày bừa, sau khi xong vụ, giờ là lúc mang trâu sang trả. Người chồng tay ôm cái bao tải có hai con gà trống cưỡi trên lưng trâu thong dong giữa rừng thảo quả, vợ theo sau nói sang bên đó mổ gà ăn cơm để cảm ơn họ hàng đã cho mượn trâu. Khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi đến đỉnh đèo Gió, nơi được xem là phế tích của chiếc cổng phân chia ranh giới giữa Lào Cai và Lai Châu, có hai nấm mộ cỏ mà người già nơi đây kể lại: “Khi làm con đường, nhiều dân phu bản địa đã bỏ mạng vì đói rét và cực khổ. Những hồn ma oan khuất cứ luẩn quẩn nơi đây, nên khi đi qua đỉnh đèo Gió, để chuyến đi được suôn sẻ, mọi người thường nhổ vài cây cỏ ven đường để đắp thành mộ cỏ chết rét bên phía Lào Cai và mộ cỏ chết đói bên phía Lai Châu. Một ý nghĩa khác là để trả lộ phí cho thần rừng thần núi cho chuyến đi được thành công và may mắn”. Từ đây, con đường đá cổ dường như rộng và quang đãng hơn, lọt giữa những cảnh trí tuyệt đẹp với các loại hoa, thảm thực vật phong phú, những điểm đến kỳ thú như tổ ong nghìn năm tuổi, núi treo trống, thác Tống Lan... Thác Tống Lan (thác Cầu Vồng). Ảnh: Vi Ngọc Hà Con đường này vẫn còn ẩn giấu, chờ được khám phá, bởi chưa có tour chính thức nào của các công ty du lịch đưa khách tới đây, ngoài vài nhóm phượt của các bạn trẻ ưa trekking khám phá.■ Tags: Lào CaiLai ChâuTrekkingDu lịch khám pháĐường đá cổ PavieThác Tống Lan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.