Động lực nào nâng cao năng suất lao động?

NGỌC AN (thực hiện) 22/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Những con số vừa được tuyên bố về năng suất lao động của người Việt sẽ không có ý nghĩa nếu vấn đề năng suất lao động không được hiểu đúng. Trao đổi với TTCT, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng cần phát động phong trào nâng cao năng suất quốc gia với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở nhìn nhận vấn đề năng suất ở góc độ rộng hơn…

Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: N.An
Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: N.An

 

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của VN so với nhiều nước trong khu vực đang bị tụt hậu và chưa có cải thiện tích cực. Ông nhìn nhận về thực tế này thế nào?

Cần nhìn lại quá trình tạo nên NSLĐ VN trong những năm qua. Trước hết là kết quả của chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, với 80% số lao động thì giờ còn khoảng 40%. Đó là quá trình công nghiệp hóa.

NSLĐ VN cũng là quá trình phát triển của doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt là xu hướng chuyển đổi chủ yếu của khu vực tư nhân, thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ của cá nhân, hộ kinh doanh sang DN.

Đó là quá trình phát triển của DN, nâng cao trình độ quản trị và thay đổi tổ chức sản xuất. Tiếp theo là quá trình hiện đại hóa, đưa công nghệ vào DN; quá trình hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, phân công lao động quốc tế để tạo cho NSLĐ tăng lên.

Tuy nhiên, đánh giá lại toàn bộ quá trình này cho thấy chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp đang chững lại, do tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn. Hiện ta có 40% lao động trong nông nghiệp, ở các nước là dưới 10%, trong khi đây lại là khu vực có NSLĐ thấp nhất.

Quá trình phát triển DN cũng diễn ra mạnh mẽ, nhưng nếu nói rằng khu vực tư nhân đóng góp 40% GDP thì cũng chỉ 10% đến từ DN, còn 30% là hộ kinh doanh. Điều đó chứng tỏ tổ chức sản xuất của khu vực này có NSLĐ tổng hợp là thấp. DN VN đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị cạnh tranh và năng suất nhưng chủ yếu tham gia ở khâu lắp ráp, gia công với công nghệ thấp mà không đầu tư sâu vào nghiên cứu phát triển, không có công nghiệp hỗ trợ.

Trong chuỗi giá trị hiện nay có 4 khâu là gia công, lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu phát triển và phân phối, thì ta đang làm ở khâu thấp nhất là gia công, lắp ráp. Tất cả những yếu tố trên khiến cho NSLĐ của VN thấp.

Ảnh: The Spectator
Ảnh: The Spectator

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói năng suất thấp không phải do người Việt lười. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Đúng là không phải do người VN lười nhác và không tích cực nên NSLĐ thấp. Nếu nói NSLĐ cá biệt của từng người lao động thì nhiều người VN không thua kém lao động các nước trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt trong dây chuyền sản xuất hiện đại, nhiều người VN đã phát huy được cả sức khỏe, trí tuệ; thậm chí ở một số khâu, người VN làm khéo léo, kỹ thuật tốt hơn như điện tử, linh kiện hay CNTT; người Việt làm phần mềm số cũng sáng tạo.

Tuy nhiên, NSLĐ chung lại thấp. Trở lại nguyên nhân đã phân tích ở trên, do cơ cấu kinh tế hiện nay có tới 40% người lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp với NSLĐ thấp nhất nên kéo năng suất lao động chung xuống thấp. Trong lĩnh vực công nghiệp, lao động VN hiện nay chủ yếu làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động, sản xuất ở chuỗi thấp nhất nên NSLĐ sẽ không cao. Kể cả năng lực quản trị, trình độ quản lý của DN VN cũng hạn chế, rất luộm thuộm.

Để nâng cao năng suất và hiệu quả thì việc nâng cao năng lực và trình độ DN là cần thiết?

Đúng vậy, cần năng cao năng suất khu vực tư nhân trong nước, gồm cả khu vực DN và hộ gia đình. Với DN, phải nâng cao trình độ quản trị, hiệu quả mô hình tổ chức và tạo nền tảng để chuyển đổi lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, chuyển từ hộ cá thể nhỏ lẻ sang vận hành với mô hình DN.

Tức là nếu chuyển đổi được các hộ kinh doanh hiện nay sang DN, khu vực này tăng thêm 3% GDP thì có thể giúp nền kinh tế quốc dân tăng thêm 1% GDP. Sẽ hiệu quả hơn nhiều vì khu vực DN phải tăng 10% thì nền kinh tế mới tăng được 1%, tức vai trò của hộ kinh doanh cao gấp 3 lần khu vực DN.

Do đó, nâng cao NSLĐ, năng suất nói chung thì cần thúc đẩy phát triển DN. Chúng tôi có đề nghị trong sửa đổi Luật DN lần này, đối với 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký sẽ tạo cơ chế, chính sách để chuyển đổi thành DN.

Bởi không ít hộ kinh doanh đã tham gia thương mại toàn cầu nhưng quy định đối với hộ kinh doanh hiện nay đều ở dưới luật, nên cơ sở pháp lý quy định sự tồn vong cho đối tượng này là không cao. Việc chuyển đổi thành DN cũng giúp hộ kinh doanh có được môi trường minh bạch, bình đẳng với các thành phần khác, giúp DN hoạt động và hội nhập tốt hơn.

Hiện ta có Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ chỉ tập trung vào DN nhỏ và vừa, chứ không phải là hộ kinh doanh, vì vậy nếu để đối tượng này chơi vơi thì sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi. Tất nhiên, cần lưu ý là khi chuyển đổi và vận hành mô hình DN thì không để đẻ ra các thủ tục phiền hà, mà cần tạo ra khuôn khổ tốt hơn, minh bạch hơn để tăng cao trình độ quản trị, năng suất.

Nâng cao số lượng như mục tiêu Chính phủ đề ra là có 1 triệu DN là cần thiết, nhưng nhìn vào năng lực hiện nay của DN thì việc tham gia chuỗi cung ứng rất khó khăn. Bài toán này giải quyết thế nào?

Phải bắt đầu từ nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng tới công đoạn nghiên cứu phát triển, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ, thậm chí là tham gia phân phối chứ không phải chỉ tham gia khâu gia công, lắp ráp.

Trên cơ sở đó xây dựng mối liên kết DN VN với chuỗi giá trị. Nhưng để làm được thì phải nâng cao năng suất và hiệu quả của DN trên cơ sở đầu tư công nghệ cao hơn, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện môi trường hơn và kết nối DN nội địa tốt hơn. Những xu hướng này là cách nâng cao NSLĐ trong DN VN và nền kinh tế VN.

Việc nâng cao NSLĐ và nền kinh tế phụ thuộc vào chính sách công nghiệp, tức đất nước này đi theo hướng nào, lựa chọn ngành nào phát triển. Gần đây nói đến Chính phủ kiến tạo, không phải chỉ làm luật chơi, sân chơi, trọng tài mà còn phải là trên cơ sở đưa ra chính sách công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp nào cần ưu tiên đầu tư có trọng điểm.

Đầu tiên, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ đủ sức đưa ra chính sách công nghiệp hiệu quả trên cơ sở tầm nhìn quốc tế, từ đó hỗ trợ DN thiết thực nhất. Hai là xây dựng thể chế kinh tế thị trường, phát triển các thị trường nhân tố.

NSLĐ là năng suất của nhân tố tổng hợp như lao động, đất đai, công nghệ, tài chính hoạt động hiệu quả. Việc phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế là do thị trường quyết định chứ không phải Chính phủ. Phát triển thị trường trên cơ sở thị trường dẫn dắt, nguồn lực chảy theo tín hiệu thị trường.

Tiếp đến là cần ứng dụng công nghệ vào công nghiệp. Quá trình chuyển đổi số là yếu tố quyết định thành bại của DN. Chuyển đổi số là quan trọng nhất, muốn nâng cao năng lực thì phải chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, xã hội và DN. Các DN dù là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hộ kinh doanh thì đều phải tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số, hiện đại hóa quản trị.

Ảnh: Toggle Blog
Ảnh: Toggle Blog

 

Ông nói đến chính sách công nghiệp cần có vai trò dẫn dắt để nâng cao NSLĐ, vậy lựa chọn hướng đi thế nào cho phù hợp bởi ta có thế mạnh các ngành truyền thống nhưng ta cũng thấy cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ?

Chính sách công nghiệp cần tập trung chọn ra một số lĩnh vực, làm sao trong các ngành công nghiệp và dịch vụ chuyển từ gia công lắp ráp sang đầu tư nghiên cứu, phát triển, xây dựng thương hiệu và chuỗi phân phối. Nên chọn lĩnh vực có lợi thế của VN để hỗ trợ như khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trên nền tảng cải cách giáo dục, thu hút FDI chất lượng cao, tăng năng lực quản trị.

Còn Chính phủ, bộ ngành và địa phương tập trung vào việc cải cách thể chế, thực thi chính sách có hiệu quả hơn. Ví dụ, làm công nghiệp hỗ trợ cần đào tạo công nhân lành nghề, có trình độ cao. Như dệt may, da giày là những ngành ta đang có thế mạnh, thì không dừng lại ở gia công nữa mà cần phối hợp giữa hiệp hội, DN, cơ sở đào tạo để tập trung nâng cao hơn khâu thiết kế, dịch vụ phụ trợ…

Như ngành da giày, dù đa số làm gia công nhưng cũng đã có một số DN dẫn đầu như giày Thái Bình đã làm mẫu mã, thời trang trên cơ sở đầu tư nghiên cứu, thiết kế sản phẩm và chào hàng với thương hiệu hàng đầu có hiệu quả. Một số DN cũng đã làm ra thương hiệu, thiết kế mẫu mã và tổ chức sản xuất, đặt hàng và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tức là cần tổ chức lại, quá trình công nghiệp hóa không phải là từ bỏ những cái cũ mà cần thoát khỏi gia công, lắp ráp để đầu tư mạnh vào công nghiệp hỗ trợ, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thiết kế. Song để làm được thì Nhà nước phải có định hướng rõ ràng, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác nghiên cứu phát triển, đào tạo công nhân lành nghề.

Thế giới đang cấu trúc lại, chiến tranh thương mại và các hiệp định FTA, thể chế toàn cầu thay đổi sẽ tạo ra khoảng trống thị trường, đặt ra yêu cầu tái cấu trúc lại chuỗi giá trị, có thể là cơ hội cho người đi sau như VN. Đồng thời, cuộc cách mạng số diễn ra mạnh mẽ cũng đang xóa nhòa người đi trước đi sau, nền tảng công nghệ thế giới thay đổi căn bản.

Do đó, hai xu hướng này là cơ hội để VN định vị mình trong nền kinh tế thế giới, bứt phá, bật lên. Quan trọng là tạo được chính sách minh bạch, bình đẳng, tiên liệu được, ít thủ tục hành chính và xóa bỏ cơ chế xin - cho, với môi trường thông thoáng và an toàn để DN quyết tâm khởi nghiệp, sáng tạo.■

Ông Nguyễn Xuân Dương (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty May Hưng Yên):

Đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất

Công ty chúng tôi mỗi tháng người lao động đạt bình quân mức lương là 700 USD, tức mỗi năm là 8.400 USD (công nhân có tay nghề cao). Đây là mức khá cao, nếu so với mức thu nhập bình quân hiện nay của người lao động là 4.300 USD thì ngành dệt may đã đạt gấp đôi năng suất lao động bình quân.

Phân công lao động trong chuỗi sản phẩm quốc tế đã hình thành, nên cần xác định chúng ta làm khâu nào tốt thì làm cái đó. Bởi DN VN “sinh sau đẻ muộn” nên nếu muốn làm thiết kế hoặc đầu tư chuỗi thì rất khó và đòi hỏi phải có thời gian.

Để tăng năng suất thì phải đưa công nghệ vào. Thực tế với ngành may 10 năm qua năng suất tăng gấp đôi khi nhiều DN tập trung đưa công nghệ, từ mức 350 USD/người/tháng tăng lên 700 USD. Nhưng trong vòng 10 năm tới để tăng gấp đôi cũng khó khăn, bởi phải tiếp tục có đầu tư công nghệ, hi vọng mỗi năm tăng khoảng 5%.

Với sự đầu tư như vừa qua, ngành may hiện nay đã phát triển nhiều, nhiều dây chuyền tự động, được lập trình sẵn các khâu nhưng cũng chỉ áp dụng ở các lô hàng lớn, nếu đơn hàng chỉ 10.000 sản phẩm mà đầu tư thì DN lỗ.

Mức độ tự động hóa giỏi lắm là 35%, thì giờ ngành đã làm được khoảng 25% rồi, còn lại 10% cần nâng cao năng suất, dù vấn đề đầu tư thiết bị là bài toán. Song có thể đánh giá công nghệ ngành may VN tương đương khu vực như Indonesia, Philippines và chỉ thấp so với các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Nước khác gia công một cái áo sơmi công 3-4 đồng, đặt ở VN chỉ 1 đồng, cắt xén đến 75% số tiền rồi, vì mức thuế rất cao. Chất lượng là nguyên phụ liệu cao cấp nhưng ta làm lô lớn, lại đi sau nên làm gia công và mẫu mã của người ta. DN mất nhiều năm mới có hệ thống. Mặt khác cần phải nâng cao ý thức và trình độ người lao động, vì tác phong lao động, trình độ còn hạn chế khi chưa quen với tác phong công nghiệp; để đào tạo người công nhân làm việc hiệu quả cũng phải mất 10 năm.

TS Nguyễn Thị Tuệ Anh (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM):

Tập trung nâng cao NSLĐ vào lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm

Để nâng cao năng suất không đơn giản chỉ một vài giải pháp mà phải tiến hành đồng bộ, trước hết là từ tư duy. Chúng ta muốn tạo nhiều việc làm, các địa phương muốn lấp đầy các khu công nghiệp thì có thể giải quyết được bài toán xã hội trước mắt, nhưng về lâu dài thì phải có NSLĐ cao hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì cần phải hướng vào đâu, tìm ra hướng đi của mình. Như vậy phải có đầu tư máy móc, thiết bị, con người, làm phân đoạn cao, hay làm công nghiệp hỗ trợ nhưng phải tìm ra ngành có ưu tiên như ôtô, điện tử, dệt may, da giày... nhưng ở khâu cao hơn.

Hoặc với ngành du lịch thì cần hình thành cụm ngành mang tính bản sắc của người Việt, phát triển sản phẩm vùng dân tộc, đặc sản địa phương, du lịch văn hóa, tâm linh…song song phát triển các dịch vụ kèm theo, đồng bộ, với các mô hình ở đó có sự kết nối giữa doanh nghiệp du lịch lữ hành với chính quyền và doanh nghiệp ở địa phương...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận