Nghĩ khác và muốn làm khác

TTCT - Ta đang sống trong một thời kỳ bất thường, với những diễn biến về mặt xã hội - chính trị - kinh tế chưa từng thấy, như cuộc thương chiến Trung - Mỹ, sự tăng cường và hiện đại hóa kho chứa vũ khí hạt nhân của ba nước Mỹ, Nga và Trung - điều gợi lại về thời Chiến tranh lạnh; và biến đổi khí hậu - một mối đe dọa vô hình đang diễn ra khắp nơi trên trái đất.

Hai cha con cùng tham gia tuần hành tại Hamburg (Đức) hôm 20-9, tấm biển em bé cầm có dòng chữ
Hai cha con cùng tham gia tuần hành tại Hamburg (Đức) hôm 20-9, tấm biển em bé cầm có dòng chữ "Hành động ngay bây giờ!". Ảnh: Julian Huesmann

Một hành tinh báo động

Thời gian trôi qua, những thông tin từ giới khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng đáng lo sợ, song song với những thông tin ấy, ta chứng kiến những đợt thiên tai dữ dội (tự nhiên và do con người gây ra) như đợt nóng như thiêu đốt ở châu Âu mùa hè vừa qua, vượt qua những đợt nóng kỷ lục của những năm trước.

Nhiệt độ ở Alert, một doanh trại quân đội ở Canada, nơi gần Bắc Cực nhất có con người sinh sống - đo được là 21 độ C vào mùa hè, một con số kỷ lục đối với khu vực cận cực này.

Hiện tại tốc độ băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực đang xảy ra còn nhanh hơn dự đoán của giới khoa học. Gần đây, bão Dorian quét qua quần đảo Bahamas, gây ra những tàn phá nghiêm trọng, tương tự cơn bão xoáy Idai phá hủy cả một thành phố lớn ở Mozambique, châu Phi hồi tháng 3 năm nay.

Tháng 5 vừa qua, các nhà khoa học ở Hawaii đã đo được nồng độ khí CO2 đạt mức cao lịch sử là 415ppm. Lần cuối cùng lượng CO2 cao nhất chính là vài triệu năm về trước, khi mực nước biển cao hơn hiện tại khoảng 15m, theo tờ Scientific American.

Ngay lúc này, nhiều nước trên thế giới đang phải vật lộn để dập tắt hàng chục cánh rừng đang bốc cháy với quy mô lớn như ở Siberia (Nga), Úc, nam trung bộ châu Phi, rộng lớn và nghiêm trọng nhất chính là rừng Amazon ở Brazil.

Theo tờ Independent, ở Cộng hòa dân chủ Congo, số lượng và mật độ vụ cháy ở các khu rừng nhiệt đới còn cao hơn những vụ cháy rừng ở Amazon. Ngay cả Việt Nam cũng mới phải đương đầu mấy vụ cháy rừng lớn ở các tỉnh miền Trung, gặp không ít khó khăn trong việc dập lửa.

Hàng chục ngàn nông dân, ngư dân trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã và đang chứng kiến, cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh tương lai bất trắc ấy, con người ta có thể hoặc nên làm gì để đối phó biến đổi khí hậu? Câu trả lời vừa phức tạp vừa đơn giản: cần giảm mạnh lượng khí thải. Nhưng làm sao thực hiện được điều đó? Chính ở chỗ này thế hệ trẻ có những câu trả lời khác.

Cách nghĩ của thế hệ trẻ

Nhìn lại hai năm hình thành và lớn lên khá nhanh của một phong trào thanh niên, mà chủ yếu là học sinh - sinh viên, tập trung ở nhiều nước phương Tây, ta thấy một mối quan tâm chung đã khiến cả một thế hệ thanh niên xích lại gần nhau, chia sẻ mục tiêu đòi có những hành động và chính sách chính trị thích đáng, hiệu quả, thích hợp cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Mà trước hết là kêu gọi giới chính trị dựa vào nguồn tri thức khoa học và làm theo những lời khuyên của các chuyên gia khoa học để hạn chế những diễn biến báo động của biến đổi khí hậu.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận và giải pháp giữa các thế hệ đối với vấn đề biến đổi khí hậu thực ra không có gì ngạc nhiên. Trong những môi trường xã hội - văn hóa phức tạp như đã và đang có, với thông tin ngồn ngộn, trẻ con lớn lên với logic và cách suy nghĩ riêng.

Quá trình cá tính hóa ấy đương nhiên dẫn đến việc người trẻ thời nào cũng có lối suy nghĩ khác, cùng ý chí riêng biệt và nhu cầu học hỏi, tìm hiểu về thế giới xung quanh theo cách riêng. Đó là xu hướng trưởng thành và trở nên độc lập khỏi sự phụ thuộc vào cha mẹ.

Ví dụ xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới cho sự vận động của thế hệ trẻ chính là “thế hệ thập niên 1960” - thế hệ đầu tiên sinh ra sau khi hai thế chiến và một thời kỳ suy thoái chấm dứt. Thời hậu chiến hứa hẹn một thời đại dân chủ và hiện đại sau khi châu Âu đã được khôi phục.

Ở Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác, thế hệ trẻ này nhất quyết phản đối tư tưởng “cũ rích” ngay trong xã hội của mình, khi họ thấy thế hệ cha mẹ ông bà áp đặt tư tưởng cũ (mà họ cho là đúng) để ngăn cản con cái mình sống độc lập.

Đặc biệt ở Đức, sau Thế chiến thứ II, thế hệ đó dần dần đã tìm hiểu về những tội ác kinh hoàng của chiến tranh và các trại tập trung như Auschwitz, Dauchau và Buchenwald - những bí mật đen tối mà ông cha trong gia đình họ đã che giấu.

Nhưng ngày nay, không có dạng xung đột thế hệ rõ ràng như trên. Phong trào tuần hành này có sự hiện diện của người trẻ lẫn người lớn tuổi, rất nhiều người lớn đã ủng hộ phong trào. Họ cùng lên tiếng để kêu gọi giới chính trị - kinh tế, các nhà cầm quyền, quản lý kinh tế đang điều hành xã hội hành động cho vấn đề môi trường.

Họ thuộc về thế hệ trước nhưng đồng cảm và gắn kết với con cháu mình trong một ý chí: phải hành động kiên quyết và cụ thể trước những mối đe dọa mà biến đổi khí hậu đem lại.

Bởi vậy sự chia tách nằm ở chỗ khác: những người giàu có, quyền lực, những người nắm trong tay khả năng thay đổi thế giới nhưng lại không muốn có bất cứ sự thay đổi nào vì họ chỉ muốn tiếp tục thừa hưởng những thứ họ đang có. Vì thế, thế hệ trẻ đang cảm thấy tương lai của họ và cả Trái đất phải hi sinh vì những lợi nhuận ngắn hạn.

Trong logic của người trẻ và cả giới khoa học quốc tế, phải hành động nhanh để đương đầu những mối đe dọa, để cứu vãn tương lai của chính người trẻ và cả hành tinh.

Khi báo cáo đặc biệt của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu) được công bố năm ngoái về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5oC và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu, giới chính trị và kinh tế đã hầu như im lặng và thờ ơ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận