Hai năm tới là đỉnh điểm của trả nợ công

LÊ THANH 13/11/2019 07:11 GMT+7

TTCT - Trao đổi với TTCT, ông Võ Hữu Hiển, phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết như vậy, cùng lý do vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc.

*** Error ***
Ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại.

Ông Hiển cho biết nhu cầu vay của Chính phủ năm 2020 sẽ là 459,4 nghìn tỉ đồng, cao hơn dự toán vay của Chính phủ năm 2019 khoảng 50.000 tỉ đồng. Khoản nợ này sẽ dùng để bù đắp bội chi ngân sách trung ương là 217,8 nghìn tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 232,5 nghìn tỉ đồng và 9,1 nghìn tỉ đồng là vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội. 

Theo cam kết, lịch trả nợ gốc trên danh mục nợ hiện hành rơi vào những năm 2020-2021. Nói cách khác, trong những khoản nợ mà chúng ta đã vay qua các thời kỳ thì nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn tăng trong giai đoạn 2020-2021. Đỉnh trả nợ công rơi vào những năm này.

Phải đi vay để trả toàn bộ nợ gốc

Thưa ông, tại sao đỉnh điểm trả nợ Chính phủ lại rơi vào 3 năm tới?

- Đối với nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản nợ vay ODA và vay ưu đãi, nhiều khoản vay đã hết thời gian ân hạn, tức là phải trả gốc đến hạn. Tính đến nay, dư nợ vay ODA còn 48 tỉ USD (1,1 triệu tỉ đồng) với hơn 1.300 hiệp định vay với các kỳ hạn vay khác nhau từ 15-40 năm. Kỳ hạn còn lại bình quân khoảng 11 năm thì từ năm 2020, ước tính mỗi năm phải trả khoảng hơn 4 tỉ USD.

Mặt khác, theo cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB), từ tháng 7-2020, VN phải trả số nợ gốc gấp đôi so với trước đây cho các khoản vay hỗ trợ phát triển nước nghèo từ WB.

Bởi VN đã “tốt nghiệp IDA”, tức là trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (tháng 7-2017, VN ngừng nhận tín dụng bao cấp từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA, thuộc WB, sau khi thu nhập bình quân đầu người vượt mức trần 1.200 USD).

Hiện mỗi năm, bình quân VN trả nợ cho WB từ 300-500 triệu USD, nhưng từ năm sau thì số tiền trả nợ gốc tăng gấp đôi, tức là 600 triệu - 1 tỉ USD, tương đương 15.000-23.500 tỉ đồng. Do đó, chúng ta phải bố trí nguồn để trả nợ cho WB.

Thế còn nợ trong nước thì sao, thưa ông?

- Đúng là một phần khoản vay mới trong nước sẽ được dùng để trả nợ cho khối lượng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm được phát hành trong 2 năm 2015 và 2016. Như năm 2015, Chính phủ phát hành 137,1 nghìn tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, đến năm 2020 sẽ đáo hạn toàn bộ số tiền này.

Còn năm 2016, Chính phủ phát hành 162,4 nghìn tỉ đồng trái phiếu và đến năm 2021 cũng phải trả nợ đủ số vốn huy động đó. Chính vì vậy đỉnh nợ rơi vào năm 2020-2021. Còn từ năm 2017 đến nay, chúng ta có đột phá trong kéo dài kỳ hạn trái phiếu thông qua việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm. Nên sau năm 2022, áp lực trả nợ trái phiếu sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, trước đây đến hạn trả nợ 10 đồng thì ngân sách vẫn bố trí để trả nợ một phần, còn một phần là đi vay. Nhưng theo quy định Luật ngân sách 2015 có hiệu lực từ năm 2017, tổng mức vay của ngân sách nhà nước gồm vay bù đắp bội chi và vay trả nợ gốc.

Ngân sách chỉ chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi, chi thường xuyên... Như vậy, toàn bộ số nợ gốc đến hạn trả là phải đi vay, còn tiền thuế thu được là để trả lãi vay thôi.

 

Dự kiến tiếp tục hoán đổi và mua lại nợ để giãn thời gian trả

Ngân sách có quá khó khăn đến mức không trả được nợ cũ mà phải vay nợ mới để trả nợ cũ không, thưa ông?

- Chúng ta vay nợ mới để trả nợ cũ nhưng nguyên tắc là đảo nợ mà không làm tăng nợ. Dư nợ vẫn như thế nhưng chỉ giãn nợ để không dồn việc trả nợ vào một thời điểm, không gây áp lực cho ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Đây là nghiệp vụ thường xuyên của cơ quan quản lý nợ trên thế giới, trong đó VN từng bước tiếp cận. Ví dụ năm 2021, chúng ta phải trả 100 đồng. Để giảm áp lực trả nợ vào năm 2021, dự kiến năm nay chúng ta sẽ mua lại 20 đồng để đến năm 2021, số tiền phải trả nợ chỉ còn 80 đồng thôi.

Tôi cũng xin nói thêm là không phải ngân sách quá khó khăn, hết tiền mới phải đảo nợ mà ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, cơ quan quản lý nợ của các nước này cũng thường xuyên làm như vậy.

Ví dụ nợ công của Nhật Bản là khoảng 250% GDP, nhưng họ chỉ sử dụng 27% nợ công để đầu tư cho hạ tầng, còn 63% nợ công là để tái cơ cấu trên thị trường. Khi nào lãi suất trên thị trường thấp thì họ phát hành trái phiếu để mua lại những khoản nợ có lãi suất cao hơn.

Còn với VN, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại nợ. Theo đó, dự kiến thời gian tới sẽ thực hiện việc hoán đổi, mua lại một số khoản trái phiếu đến hạn của năm 2020, 2021.

Mình đẩy các khoản nợ sắp đến hạn phải trả càng xa càng tốt, nếu 20-30 năm nữa mới phải trả nợ sẽ giảm áp lực cho ngân sách ngắn hạn. Các khoản nợ được hoán đổi, mua lại sẽ phải cân đối tính toán sao cho có lợi nhất về chi phí - rủi ro.

Nếu đánh giá năng lực trả nợ thì cần xem xét trên một số chỉ tiêu. Ví dụ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ hằng năm chiếm 15-16% tổng thu ngân sách, vẫn dưới mức trần quy định và khuyến nghị của quốc tế là 25%. Điều đó cho thấy năng lực trả nợ của VN vẫn đảm bảo, ngân sách không quá khó khăn.

 

Trả nợ cho những khoản vay cách đây 40-50 năm

Tỉ lệ nợ công giảm nhưng trái lại, tổng số tiền nợ vẫn tăng đều trong mấy năm trở lại đây. Theo ông, nhiều người lo ngại có hợp lý khi ước tính mỗi công dân đang phải gánh nợ khoảng 30 triệu đồng?

- Nợ không phải tự nhiên trên trời rơi xuống mà có những khoản vay cách đây vài chục năm. Như Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công xây dựng từ năm 1976, thời đó chúng ta vay và đến giờ vẫn đang còn nợ. Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), cầu Thăng Long (Hà Nội)... được xây dựng cũng từ vốn đi vay.

Hay thời kỳ chiến tranh, nếu không có khoản vay này thì chúng ta không có vũ khí đạn dược. Đối với việc khôi phục đất nước trong và sau chiến tranh, có bao dự án cầu cống đường sá, các nhà máy... được xây dựng từ tiền đi vay, thậm chí lúc đó thiếu ăn phải vay về để mua lương thực thực phẩm...

Có những khoản vay để phục vụ phát triển từ trước năm 1975 thì đến sau này được cơ cấu lại và hiện vẫn phải trả. Do bị cấm vận, phải tái thiết kinh tế sau chiến tranh, VN chưa trả được nên nợ tích vào gồm nợ gốc, lãi rồi cả phạt chậm trả tiền gốc, tiền lãi...

Đến năm 1993, nợ của VN lên đến 174% GDP và trên 75% các khoản nợ này là quá hạn. Do đó, năm 1993 buộc Chính phủ phải tuyên bố đưa các khoản nợ này ra xử lý tại Câu lạc bộ Paris, Câu lạc bộ London, đồng thời đã diễn ra hội nghị các nhà tài trợ mới cho VN.

Thời gian đàm phán suốt từ năm 1993 đến tận năm 2000 mới hoàn tất với kết quả là hầu hết các khoản nợ được các nhà tài trợ xóa cho VN, phần còn lại là cho giãn ra trong 30 năm. Nên trả từ năm 2000 thì đến năm 2030 chúng ta mới hết các khoản nợ này.

Và cũng chỉ từ năm 1993 thì phía các nhà tài trợ mới bắt đầu cho VN vay ODA với 1,86 tỉ USD. Sau đó, mỗi năm các nhà tài trợ họp một lần và cam kết cho VN vay. Có năm số vốn ODA lên đến 7 tỉ USD.

Đến năm 2012, tổng số vốn ODA cho VN vay là khoảng hơn 85 tỉ USD. Và như tôi nói ở trên, dư nợ vốn ODA đến nay còn 48 tỉ USD. Vì một số khoản vay có thời hạn là 40 năm nên đến năm 2052 thì chúng ta mới trả hết vốn vay ODA và ưu đãi.

Đối với khoản ODA mới vay từ năm 1993 đến nay thì chủ yếu được sử dụng cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tất cả đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, cao tốc, cảng biển, sân bay hay các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nước sạch, hệ thống y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... cũng dùng vốn ODA.

Hay một loạt dự án ở TP.HCM, từ tàu điện ngầm, đại lộ Võ Văn Kiệt, dự án cấp nước sạch, dự án thoát nước, sân bay Tân Sơn Nhất... đều là Chính phủ vay về rồi cấp phát vốn đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai.

Như vậy, nợ công không phải được vay trong một vài năm mới đây mà hình thành qua các thời kỳ từ chiến tranh, đến tái thiết đất nước, cho đến thời xây dựng, phát triển đất nước.

 

Giảm bội chi thì mới giảm vay nợ

Liệu có cách nào để giảm nợ không, thưa ông?

- Đương nhiên là số nợ Chính phủ tăng ròng chủ yếu là do bội chi mỗi năm tăng lên. Để giảm nợ công thì phải giảm bội chi ngân sách nhà nước và tiến tới cân bằng thu chi, tức là thu bằng chi. Vì nguyên tắc cứ có bội chi là phải vay vì chi cao hơn thu. Thực tế, do bội chi nên dư nợ Chính phủ từ năm 2016 đến nay tăng thêm gần 700 nghìn tỉ đồng, tương ứng từ 2,37 triệu tỉ lên hơn 3 triệu tỉ đồng.

Ngoài ra, dư nợ vốn ODA vay bằng ngoại tệ đến thời điểm năm nay là 48 tỉ USD cũng tăng lên do biến động tỉ giá khoảng 2-3% mỗi năm. Do đó, mấy năm gần đây Bộ Tài chính đã chuyển sang vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Hiện tỉ lệ dư nợ vay trong nước chiếm hơn 60% tổng dư nợ.

Mặt khác, lãi suất vay ODA hiện đang tăng lên, bình quân 3-4%/năm, thậm chí có khoản vay có lãi suất hơn 4%/năm. Vì VN đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ tháng 7-2017 nên không còn được vay bằng USD với lãi suất thấp nữa.

Trong khi đó, vốn vay phát hành trong nước bằng tiền đồng có lãi suất khá hợp lý, kỳ hạn 10-20 năm khoảng 5%/năm. Với mức lãi suất USD cao như vậy, cộng với rủi ro tỉ giá thì vay trong nước có lợi hơn. Thời gian gần đây Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ từ chối không vay hơn chục khoản vay nước ngoài có lãi suất cao, có điều kiện ràng buộc.

Về kế hoạch vay nước ngoài, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội là trong 5 năm tới, VN vay ODA, vay ưu đãi bao nhiêu là phải tính. Trường hợp chi phí quy đổi khi vay ODA mà đắt hơn vay trong nước thì khi vay ODA, vay ưu đãi phải tính kỹ hiệu quả. Đó là chưa kể chúng ta phải chịu những ràng buộc đối với khoản vay ODA như phải sử dụng tư vấn, kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài...

Đồng thời, trong kế hoạch tài chính trung hạn 2021-2025, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét cơ chế ngân sách nhà nước phải bố trí nguồn để trả một phần nợ gốc.

Mức bao nhiêu thì phải cân đối nhưng cần dành một tỉ lệ phân bổ ngân sách nhà nước trong kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2021-2025 để trả một phần nợ gốc đến hạn. Lúc đó nợ công mới có thể giảm được.

Ngoài việc hoán đổi, mua lại khoản nợ như tôi nói ở trên thì một trong những giải pháp để hạn chế vay nợ là phải kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, nợ Chính phủ theo hướng tốc độ gia tăng nợ của năm sau tương đồng với tăng trưởng GDP.

Trước đây dư nợ công, nợ Chính phủ tăng hơn 18,1%/năm, giai đoạn 2011-2015, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng 14% thôi. Nhưng đến nay, giai đoạn 2016-2018, GDP danh nghĩa tăng khoảng 9,7% (tốc độ tăng trưởng cộng với chỉ số giá tăng 4%) trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ công giai đoạn này bình quân giảm xuống còn 8,2%/năm. Như vậy, trong tương lai chúng ta cần phải kiểm soát dư nợ công không vượt quá tỉ lệ này.

Mấy năm gần đây, toàn bộ khoản vay mới là để đầu tư cho dự án, công trình. Theo ông, có nên tiếp tục đi vay khi giải ngân nhỏ giọt, không tiêu nổi tiền trong khi vẫn phải trả phí và lãi vay?

- Nếu phát hành trái phiếu thì phải có kế hoạch hằng năm, hằng quý và công bố cho các nhà đầu tư rồi tổ chức đấu thầu. Nghị quyết Quốc hội giao trong năm nay phải huy động bao nhiêu vốn thì Bộ Tài chính phải thực hiện.

Không thể hôm nay nói vay rồi mai lại bảo không vay nữa, vì làm như thế sẽ gây rối loạn thị trường. Chúng ta vẫn phải phát hành để duy trì chuẩn trái phiếu trên thị trường. Nước nào cũng làm như vậy. Còn việc sử dụng không được như thế nào thì do trách nhiệm của cơ quan phân bổ và sử dụng vốn.

Dư nợ bảo lãnh Chính phủ khiến nợ công phải gánh ra sao, thưa ông?

- Về dư nợ bảo lãnh thì cả quy mô lẫn tốc độ đều giảm từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2016, đỉnh cao của nợ công là 63,7% GDP thì dư nợ được bảo lãnh là 461,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,3% GDP.

Năm 2017, dư nợ bảo lãnh còn 455,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 9,1% GDP. Năm 2018, bảo lãnh Chính phủ còn 437,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 7,9% GDP. Dự kiến năm 2019, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh ước 403,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 6,6% GDP.

Từ năm 2016 đến nay, dự án được Chính phủ bảo lãnh rất ít, chỉ có dự án nhiệt điện Vĩnh Tân và đường dây truyền tải điện của EVN. Doanh nghiệp có định giá tín nhiệm rồi thì phải tự đi vay chứ Chính phủ không đứng ra bảo lãnh nữa. Dư nợ bảo lãnh hiện nay là những khoản Chính phủ bảo lãnh trước đây cho dầu khí, ximăng, hàng không..., đặc biệt là các dự án của ngành điện.

Xin cảm ơn ông!■

 

* Được biết, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế phát hành trái phiếu trong nước rồi cho các doanh nghiệp vay lại để đầu tư cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Như vậy nợ công sẽ tăng thêm?

- Hiện chỉ có quy định Chính phủ huy động vốn nước ngoài về cho doanh nghiệp vay lại, còn vay trong nước thì chưa có quy định. Nếu Chính phủ muốn phát hành trái phiếu trong nước để cho doanh nghiệp vay thì phải sửa luật.

Tuy nhiên, chúng ta đang quản lý nợ công đảm bảo theo các quy định đặt ra như trần không quá 65% GDP nên theo quan điểm cá nhân của tôi, tổng vốn trái phiếu Chính phủ phát hành hằng năm nên tập trung cho một số công trình trọng điểm. Làm công trình nào dứt điểm công trình đó để dự án đảm bảo đủ vốn và đúng tiến độ, và được khai thác hiệu quả nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận