TTCT - Nếu coi nhiếp ảnh là lịch sử bằng hình ảnh thì Hà Tường là một sử gia. Hà Tường coi ống kính như cây bút để ghi chép trung thực những gương mặt của một thời, những chân dung văn nghệ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng nhất của khoảng 20 năm, 1975-1995. Những năm hậu chiến, bao cấp, đói nghèo vắt qua 10 năm sau đổi mới. Phần lớn họ đều đã là “những người muôn năm cũ”, như cách ông gọi. Họa sĩ Bùi Xuân Phái tại xưởng vẽ ở nhà riêng, phố Thuốc Bắc (Hà Nội) năm 1986. Hà Tường sống trong lòng phố cổ Hà Nội. Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội như một cục nam châm hút tinh hoa của mọi miền về với nó, tinh hoa nghề, tinh hoa người. Không phải Hà Nội không sinh ra những văn nhân tài tử nhưng cha sinh mẹ dưỡng, cái chất đất của Hà Nội là âm thổ, nhiều dưỡng hơn sinh. Hà Nội là đất văn chương nghệ thuật, tao nhân mặc khách, anh tài đều tụ về đây, tụ thủy, tụ thổ, tụ nhân, Hà Nội luôn dung dưỡng họ. Hà Tường là người quảng giao, đi nhiều chơi rộng. Ống kính của ông đã thu vào hầu hết những gương mặt ấy từ văn chương thi ca, báo chí, dịch thuật, hội họa, sân khấu, điện ảnh đến những học giả, nhà khoa học, người nghiên cứu sử, triết, dân tộc học… Đâu chỉ là những chân dung người, đằng sau mỗi bức ảnh là câu chuyện cuộc đời và số phận của họ, vui buồn, được mất, hạnh phúc và bất hạnh…của họ. Cuộc đời của những kẻ tài danh, những sắc nước hương trời ấy vốn đã là những nhân vật điển hình, những câu chuyện điển hình, chất chứa trong đó không chỉ chuyện của cá nhân họ mà chắc chắn còn là câu chuyện của số đông, của “cõi người ta”, của Hà Nội, của đất nước, của cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động, buồn bã, đau thương nhưng cũng đầy an lành và thiện tâm, tựu trung đọng lại ở chữ tình. Điều mà cho đến hôm nay đã phai nhạt quá nhiều. (Từ trái qua phải) Vợ chồng họa sĩ Phạm Văn Hạng - Trần Thị Niêm và vợ chồng họa sĩ Trần Văn Cẩn - nhà điêu khắc Nguyễn Thị Hồng. Nói thế để thấy cách Hà Tường chọn đề tài, chọn nhân vật và chọn điểm nhìn ảnh tư liệu là cực kỳ chính xác. Giả sử Hà Tường không theo nhiếp ảnh hoặc không chọn điểm nhìn ảnh tư liệu mà lại chụp kiểu ảnh nghệ thuật thì những trang sử - ảnh giai đoạn ấy của văn nghệ Hà Nội đã bị khuyết đi một phần quan trọng. Vì ông là người duy nhất chụp như vậy trong suốt hai chục năm (1975-1995) và gần như không chụp đề tài nào khác. Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng Nhà phê bình Roland Barthes nói: “Một tấm ảnh giao tiếp theo cách khác. Nó “hàm chứa thông điệp mà không cần đến mật mã”, và ở điểm đó, nó trái ngược ngôn từ. Một tấm ảnh sao lưu hiện thực, còn ngôn từ thì diễn giải hiện thực và mã hóa hiện thực bằng những chữ cái và ngữ pháp”. Nếu không có người như Hà Tường làm công việc “sao lưu hiện thực” ấy thì cuốn sử sẽ có nhiều trang trắng và hiển nhiên là không thể có cách gì viết lại được. Đơn giản vì cái ngày hôm qua, cái thời điểm ấy, cái 1/125s ấy không bao giờ quay lại. Thời điểm là cốt lõi, là xương sống, là bản chất của nhiếp ảnh. Không có nó thì không có nhiếp ảnh. Đặc trưng cơ bản ấy làm cho nhiếp ảnh là chính nó và không có bất kể loại hình nào thay thế được. Ở những tác phẩm nhiếp ảnh lớn, thời khắc bấm máy đã được tác giả đóng băng nó, hóa đá để nó thành vĩnh cửu. (Từ trái qua phải) Nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên điện ảnh Phương Thanh (đóng vai Hiền Cá Sấu trong phim Tội lỗi cuối cùng), nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (đứng sau), vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng. Hà Tường được gia đình tạo cho một đời sống tự do, đủ vật chất để chỉ chuyên tâm cả đời bấm máy, nay đây mai đó, nay chụp người này mai người khác. Ai từng sống trong cái thời cơ cực ấy mới thấy Hà Tường đã may mắn có được một hoàn cảnh tuyệt vời. Nhưng chỉ từng ấy chưa đủ để có được những khuôn hình quý giá. Phải nói rằng Hà Tường có một tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh, nhiếp ảnh tư liệu/lịch sử/chân dung/con người. Chính tấm tình và duyên tình nghệ sĩ của Hà Tường với các nhân vật của mình và ngược lại mới là yếu tố cuối cùng quyết định làm cho những trang sử bằng ảnh của ông, những khoảnh khắc của ông sẽ còn sống mãi. “Những người muôn năm cũ” ấy và những bức ảnh chụp họ cũng sẽ còn sống mãi. ■ (Từ trái qua phải) Nhiếp ảnh Hà Tường - họa sĩ Trần Trung Tín - họa sĩ Thái Tuấn - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà họa sĩ Trần Trung Tín (Sài Gòn) năm 1977. Tags: Nhiếp ảnh giaHà TườngChân dung Nguyễn SángẢnh họa sĩ Bùi Xuân PháiVăn nghệ sĩ một thời
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước nào làm ăn với Nga DUY LINH 14/07/2025 Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước giao thương cùng Nga nếu Matxcơva không đạt thỏa thuận ngừng bắn Ukraine trong 50 ngày.
Khởi tố 18 bị can ở Cục An toàn thực phẩm nhận hối lộ hơn 75 tỉ đồng để cấp khống giấy tờ DANH TRỌNG 14/07/2025 Tối 14-7, Bộ Công an cho biết văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Biển báo giao thông: Đừng đánh đố tài xế TRỊNH MINH GIANG 15/07/2025 Tài xế lái xe qua một số tuyến quốc lộ ở khu vực Bình Thuận cũ (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) thường cảm thấy bất an, bức xúc vì các biển báo tốc độ và cấm vượt thay đổi rất đột ngột, có mật độ rất dày. Biển báo chưa thực sự hợp lý có thể gây mất an toàn.
Giám đốc Công an Hà Nội: Ở thủ đô sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài phố, thay thế bằng camera AI PHẠM TUẤN 14/07/2025 Giám đốc Công an Hà Nội cho biết dự kiến đến 18-12, khi lắp đủ camera AI, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.