Vaccine: Ai bán mà mua?

LÊ QUANG 25/03/2020 21:03 GMT+7

TTCT - Trong hoạn nạn mới dễ nhận chân tướng, một số biến cố mà ta chứng kiến và lượm lặt hoặc đơn giản là dễ dàng bỏ qua trong cuộc sống gấp gáp thường nhật, nhất là trong thế giới lạm phát thông tin hôm nay, chợt hiển hiện rành rành như dưới cái “kính chiê

Xã hội con người tiến triển nhờ cạnh tranh, trên bình diện trí tuệ cũng như đạo đức, và cuộc ganh đua ấy không hiếm khi làm lộ ra những nét xấu xí vốn hay được che đi trên khuôn mặt người. Dù vậy, cuộc sống phải tiếp diễn và sẽ tiếp diễn.

Tham, sân, si

Cái “tam độc” ấy vốn hay được nhà Phật nhắc đi nhắc lại để răn người đời, và ta lờ mờ nhận ra rằng con người có thể ngộ ra và gọi tên, nhưng khó mà gột bỏ các thuộc tính đó khỏi bản đồ gen của mình.

Đại dịch corona chứng kiến một cuộc chạy đua tàn khốc giữa các công ty dược phẩm có máu mặt toàn cầu. Hoa Kỳ, Cuba, Trung Quốc, Nga… là những ứng viên sáng giá trong nghiên cứu và phát triển một loại vaccine khả dĩ ngăn cuộc tàn sát của con virus.

Gọi là cuộc đua tàn khốc vì không chỉ các nhà khoa học đua trí tuệ, mà người nào phát triển được loại vaccine đó sẽ chẳng khác sở hữu một cỗ máy in tiền. Lấy một ví dụ: đầu tháng 3, Bộ Y tế Đức kêu gọi mọi người trên 60 tuổi đi tiêm chủng chống phế cầu khuẩn (streptococcus pneumoniae).

Loại vi khuẩn này chủ yếu gây viêm màng não, viêm phổi, viêm xoang… nhưng tiêm chủng hứa hẹn giúp nhóm người có tiềm năng mắc virus corona tránh được phần nào nguy cơ nhiễm bệnh. Ai ngoài nhóm trên muốn tiêm chủng phải trả 108 euro. Giờ hãy làm một phép nhân đơn giản: có ai mà không sợ virus corona và nếu cả 7,7 tỉ người trên Trái đất này muốn được tiêm chủng…

Vẫn trong cuộc đua nói trên, dường như một vận động viên Đức đã gần tới đích. CureVac - công ty sinh dược ở Tuebingen (Đức) và công ty con ở Boston (Mỹ) từng nổi danh với các vaccine chống sốt Lassa, sốt vàng da và bệnh dại - tuyên bố sắp thử nghiệm vài loại vaccine phòng ngừa virus corona.

Chủ tịch hội đồng quản trị Daniel Menichella hồi đầu tháng 3 được mời tới Nhà Trắng gặp các sếp đầu ngành dược của Mỹ trong sự hiện diện của cả Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence.

Tờ Die Welt sau đó vạch ra âm mưu của Mỹ định mua đứt bản quyền để sản xuất vaccine cho riêng thị trường Mỹ - “America first”, hay “dân Mỹ làm cha”, theo đúng kiểu Trump. Nếu tin đó chính xác, hãy tìm một lời giải thích khác với lòng tham, bất kể tham tiền hay tham quyền lực, ở nhiệm kỳ kế tiếp hay tham danh vọng là kẻ cứu rỗi thế giới của Donald Trump!

Chủ nghĩa quốc gia

Cái khái niệm ít nhiều tiêu cực trên bắt nguồn từ ý thức quốc gia thái quá, hôm nay càng u ám hơn trong thời đại toàn cầu hóa. Bất kể công ước nào, hiệp ước quốc tế nào được xướng lên để bàn luận, bao giờ cũng có vài kẻ phá ngang bởi lợi ích quốc gia vẫn được đặt cao hơn cộng đồng lớn là nhân loại. Có nên sợ bánh xe lịch sử bị đẩy lùi một đoạn ngắn bởi con virus bé xíu nọ khi ai cũng bo bo lo cho chính mình trước?

Ông Trump trèo được lên ghế chủ soái ở Nhà Trắng nhờ khẩu hiệu “America first”, và ông toan minh chứng trước cử tri ý chí giành phần ngon nhất cho Hoa Kỳ với vaccine của Đức. Việc Chính phủ Đức “vận động” được CureVac không bán bản quyền cho Trump là một sự kiện sáng láng trong đại dịch này, và câu trả lời của Đức qua Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmeier thật hợp lòng người: “Nước Đức không để đem bán!”.

Nhưng có phải đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) luôn cứng rắn được như vậy trước chủ nghĩa quốc gia? Người Đức chưa quên vụ đại bại hồi năm 2001, khi dịch bệnh than hoành hành ở Mỹ. Hãng thuốc lớn của Đức là Tập đoàn Bayer tung ra dược phẩm Ciprobay với giá 1,83 USD/viên và ký nháy hợp đồng cung cấp 10 triệu viên sang Mỹ. Giá ở hiệu thuốc sẽ là 4,67 USD/viên.

Helge Wehmeier, giám đốc chi nhánh Bayer USA, hớn hở đi gặp Bộ trưởng Y tế Mỹ Tommy Thompson để rồi vài tiếng sau “cụp đuôi” ra về với giá thỏa thuận dưới 1 USD/viên. Canada còn tệ hơn khi dọa mua thuốc nhái công thức của Ấn Độ, và nhận được giá do Bayer mời chung cuộc là 1,3 USD/viên.

Các ví dụ đàm phán quốc tế về giá cả, mức thuế, rào cản hải quan… có thể tiếp tục kéo dài vô tận. Người ta có thể kiêng nhắc đến khái niệm chủ nghĩa quốc gia, nhưng nó lập lờ ẩn hiện giữa các dòng chữ trong hợp đồng được ký kết. Sẽ không ngạc nhiên khi trong tương lai gần sẽ phải mua vaccine corona của CureVac nhưng từ chi nhánh Boston. Ai biết chỗ ma ăn cỗ?

Năng lực và nghĩa vụ

Năm phút trước khi tôi viết mấy dòng này (ngày 16-3), Thủ tướng Đức Angela Merkel lên sóng trực tiếp để công bố một số dự định của Đức và EU. Châu lục này sẽ tạm khóa biên giới 30 ngày, đồng thời cấm mọi hình thức tụ tập đông người. Cửa hàng, cửa hiệu - trừ nơi bán thực phẩm và thuốc men - sẽ bị đóng, hàng không giảm một nửa các chuyến bay… Đây là gói biện pháp với quy mô chưa từng có trong lịch sử chống dịch bệnh của thế giới.

Nhưng bây giờ đã đến lúc thoát khỏi cái không khí u ám của bệnh tật vì như đã thấy trong lịch sử, dịch bệnh song hành với giống người từ khi biết đi thẳng lưng, và trước đó nữa. Nó đến rồi đi, khoa học được thúc đẩy bởi những biến cố ấy và cả con virus corona chắc chắn cũng sẽ bị chinh phục, dù cái giá phải trả khá cao.

Chưa bao giờ các loại vũ khí như thuốc điều trị và vaccine được nghiên cứu sâu và phát triển nhanh chóng như hôm nay. Dịch Ebola bùng phát ở châu Phi năm 2013 với tỉ lệ tử vong hơn 53% (ở Sudan) hay đỉnh điểm 79% (Zaire), mà mãi đến năm 2019 mới có được thuốc tiêm chủng rVSV-ZEBOV và cũng chỉ khi Hội đồng đạo đức nhắm mắt cho phép lưu hành khi thuốc chưa qua hết thử nghiệm lâm sàng.

Trong khi virus corona mới bắt đầu tác quái được mấy tháng mà các trường hợp chữa khỏi bệnh tuyệt đối từ Trung Quốc và Thái Lan đã lên mặt báo. The New York Times số 14-3 đăng tin các nhà khoa học Canada nhân bản vô tính được virus corona, nghĩa là cả thế giới có thể nghiên cứu nó mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Có đủ cơ sở để tin vào các dược phẩm hữu hiệu sắp ra đời, bất kể của CureVac hay từ 40 cơ sở khác đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận như BioNTech (Đức), Biological Research Institute (Israel), Inovio (Mỹ), Đại học Queensland (Úc), Expres2ion (Đan Mạch) hay Đại học Hong Kong.

Vấn đề chỉ là kết nối các năng lực vĩ đại ấy với trách nhiệm xã hội. CureVac không phải hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng, sẽ có một ngày số đông loài người phải nhận ra rằng chúng ta chia nhau một hành tinh, chứ không có cửa thoát hiểm cho riêng quốc gia nào cả. Chúng ta cùng ngồi một con thuyền và khi nó chao đảo trước sóng lớn thì số mệnh sẽ không phân biệt kẻ giàu, người nghèo trên đó.

Cái khó và cái khôn

Hai tuần trước khi Việt Nam ngưng cho nhập cảnh từ EU, tôi tiễn một đoàn công tác của Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Đức ra sân bay. Hôm sau, một loạt tiếng “kêu cứu” qua e-mail hiện lên trên màn máy tính: cả đoàn phải tự cách ly ở nhà riêng 14 ngày, chứ không được đến cơ quan làm việc ngay vì cả vùng Đông Nam Á bị coi là quá gần Hồ Bắc.

Xin rút ngắn câu chuyện bằng thư điện tử nhận được hôm nay: tất cả đều hài lòng với cơ chế “cưỡng bức” phải cách xa văn phòng. Họ tiết kiệm mỗi ngày hai tiếng đồng hồ đi lại trên phương tiện giao thông nội ô, hoặc hơn nữa nếu đi ôtô riêng và len lách qua dòng xe cộ dày đặc của thủ đô Berlin. Ai cũng kể là làm được nhiều việc hơn mà tinh thần còn thoải mái hơn.

Những thuận lợi ấy dĩ nhiên không phải ở mọi ngành nghề, và cũng chỉ khả thi khi có hạ tầng thông tin hữu hiệu. Người ta đã biết điều đó từ lâu, từ khi phát minh ra khái niệm “home office” (văn phòng tại gia), nhưng quán tính nặng nề của “cỗ xe tăng” Đức ưa kỷ luật và quy trình đã được tối ưu hóa qua thử thách khiến họ trùng trình mãi, dù Luật lao động đã điều tiết rất cụ thể phương cách làm việc mới này.

Hai tháng corona và hơn 6.000 người lây nhiễm đã thay đổi bộ mặt công việc của Đức, home office tránh cho các bậc cha mẹ tình thế gay cấn khi vườn trẻ tạm đóng và họ phải trông con ở nhà, chủ lao động suy tính trả bớt diện tích thuê nhà, nơi năm chục nhân viên với năm chục máy tính cùng gõ lách cách trong một phòng lớn và không bao giờ dứt tranh cãi về lò sưởi quá nóng hay máy điều hòa quá lạnh, đường phố bớt hẳn xe cộ và khí thải…

Bộ trưởng Giáo dục tổ chức tập huấn ngắn về giảng bài online cho giáo viên để tiếp tục dạy học khi trường bị đóng cửa đến lễ Phục sinh (12-4), và phải hứa không đưa nội dung trong các tuần học online vào đề thi. Tất nhiên đó không phải tình trạng lý tưởng, nhưng năm 2020 sẽ đi vào lịch sử như năm có các kỳ nghỉ dài nhất và có lẽ rất ít học sinh muốn phản đối!

Ngành sản xuất thì khác, ở đây công nhân giảm giờ làm vì thiếu nguyên vật liệu và sản phẩm phụ trợ từ châu Á. Nhà nước phải gồng mình nghĩ ra biện pháp bù đắp phần nào cho các doanh nghiệp bị tổn hại bằng cách giảm lãi tín dụng và trả trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên.

Đợi bão qua

Sẽ rất ngây thơ nếu tin rằng dịch corona qua đi không dấu vết. Hàng không Anh dự tính lỗ 100 tỉ euro, kinh tế Trung Quốc tụt xuống mức của năm 2014, Đức bán ôtô ít hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết các dây chuyền sản xuất xe hơi của Hàn Quốc như Renault-Samsung, General Motors, SsangYong, Hyundai và Kia ngừng chạy…

Trên chính trường cũng xảy ra nhiều thăng trầm. Khủng hoảng nào cũng là phép thử cho các nhà lãnh đạo. Châu Âu mới chỉ đặt một chân vào thảm họa, chứ ở châu Á corona đã kịp gây ra nhiều tác hại. Ngay từ đầu đại dịch, cả Thủ tướng Nhật Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mất uy tín liên tục vì tỏ ra lúng túng trong quản lý khủng hoảng.

Theo kết quả thăm dò dư luận của Thông tấn xã Kyodo, mức ủng hộ ông Abe vào giữa tháng 2 sụt 8 điểm, xuống 41%. Có nhiều nguyên nhân khác nữa, song người Nhật không tha lỗi cho thủ tướng hầu như vắng mặt trên màn hình tivi khi đất nước run rẩy trước làn sóng nhiễm bệnh. Ông còn ra lệnh đóng các trường trung học mà không hỏi trước ý kiến chuyên gia y tế.

Trong nội bộ Đảng Dân chủ tự do của ông Abe cũng rộ lên chỉ trích khi ông dùng dằng, ngại mếch lòng người hàng xóm lớn mà không đóng hết biên giới với Trung Quốc, chỉ cấm nhập cảnh du khách từ Vũ Hán.

Thêm vào đó là vụ tàu du lịch Diamond Princess bị nước ngoài chê là xử lý quá chậm chạp. Ở Hàn Quốc, làn sóng phản đối còn mạnh mẽ hơn vì tình hình nội chính trước cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 4 đã nóng sẵn.

Trong vòng vài ngày, đối thủ của Tổng thống Moon đã thu thập hơn 1 triệu chữ ký để tiến hành luận tội và truất phế ông với lý do chủ yếu là không cấm ngay du khách Trung Quốc nhập cảnh, để Hàn Quốc hôm nay có số người nhiễm bệnh rất cao và hơn 80 quốc gia buộc phải cấm dân Hàn nhập cảnh.

Cuộc chiến chống corona còn tiếp diễn, nhiều người bỏng tay khi chạm vào lửa và từ đống tro tàn sẽ có những người thắng cuộc mới vươn lên, đó là những lực lượng nhìn ra trong thử thách này nhiều cơ hội mới. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận