Ao nhà lại trong

THÁI BÁ DŨNG - QUỐC NAM 23/05/2020 23:05 GMT+7

TTCT - Gắng gượng dậy sau đại dịch COVID-19, khi dòng khách nước ngoài không còn, ngành du lịch VN đang thay đổi cách quảng bá để thu hút khách nội địa trong thời gian trước mắt.

Hiện khách du lịch tại Quảng Bình còn thưa thớt và đang trông chờ vào nguồn khách nội. Ảnh: Quốc Nam
Hiện khách du lịch tại Quảng Bình còn thưa thớt và đang trông chờ vào nguồn khách nội. Ảnh: Quốc Nam

Khi dịch COVID-19 tại Việt Nam dịu đi, một cuộc chuyển dịch lớn trong ngành du lịch của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là phố cổ Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng bắt đầu.

Nhìn lại khoảng trống khách nội

Đi lên từ dòng khách nội nhưng sau một thời gian tăng trưởng nóng với doanh thu tăng vọt cùng nguồn khách quốc tế đến hằng năm nườm nượp đã khiến mục tiêu chăm chút, việc xây dựng định hướng sản phẩm của các doanh nghiệp dần “ưu ái” nhiều hơn đối với khách nước ngoài. Dòng khách nội đã bị bỏ rơi một giai đoạn dài và qua đại dịch COVID-19, khoảng trống này xuất hiện rõ hơn.

Các doanh nghiệp kinh doanh qua nhiều biến cố, trong đó có đại dịch SARS 2003, đều nhận định: không có “ngoại” thì phải o bế nội. Ngay cả khi dịch đã tạm lắng ở VN, các nhà hàng, khu lưu trú, các thành phố du lịch mở cửa lại nhưng biên giới vẫn bị đóng kín, các đường bay xuyên quốc gia đều tạm dừng, việc “mở cửa nằm dài ngóng đợi khách” là tình cảnh chung.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho biết tại Quảng Nam, một số dòng sản phẩm đặc trưng đã được thiết lập cho riêng khách Tây nên khi dịch chưa qua, khách Tây không đến, các doanh nghiệp theo đuổi dòng khách này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa tiếp tục “ngủ đông” đợi dịch qua đi.

Đặc trưng của dòng sản phẩm cho khách Tây là chi phí đầu tư ban đầu dẫu không cao thì cũng phải có “chất”. Nhưng đa số doanh nghiệp phục vụ dòng khách này thiếu “chất” nên lấy chi phí để lấp khoảng trống.

Trong khi đó, dòng khách nội địa thường có mức chi tiêu ít, tỉ lệ sử dụng dịch vụ thấp, rất khó tính trong lựa chọn những dịch vụ đắt đỏ. Đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp đi dòng khách Tây rất khó chuyển sang chăm sóc khách nội.

Dẫu khó, nhưng đó là điều hầu hết doanh nghiệp du lịch bắt đầu thực hiện, nhất là tại Đà Nẵng, Hội An. Nhiều doanh nghiệp lâu nay chuyên dòng khách nước ngoài đã bước vào cuộc thử thách tham gia chuyển dịch sản phẩm, cạnh tranh “miếng bánh” dòng khách nội.

Ông Trần Văn Khoa, giám đốc điều hành Công ty du lịch Jack Trần Tours Hội An, cho biết trước nay công ty tập trung phục vụ khách nước ngoài, việc đón khách VN khá hạn chế. Nhưng nay, đây là dòng khách mà họ chăm chút trong hy vọng.

“Chúng tôi không thể nằm đợi để rồi doanh nghiệp bị lãng quên. Chúng tôi phải tái khởi động” - ông Khoa nói và cho biết khi đón khách nội địa, sản phẩm, cung cách phục vụ, giá cả và kênh quảng bá của họ cũng sẽ hoàn toàn khác so với trước đây.

Một trong các điểm du lịch làng quê tại Hội An (Quảng Nam) đang được tổ chức lại để hướng vào khách nội địa. Ảnh: T.B.D.
Một trong các điểm du lịch làng quê tại Hội An (Quảng Nam) đang được tổ chức lại để hướng vào khách nội địa. Ảnh: T.B.D.

Thiết kế lại

Chủ nhiều khách sạn lớn ở Hội An cho biết họ buộc phải thiết kế lại sản phẩm để thu hút khách nội. Một khu lưu trú 5 sao ở Hội An nhiều ngày qua rao giá phòng ở mức chưa từng có: 750.000 đồng/hai ngày một đêm và các dịch vụ đi kèm, với hy vọng hút được khách nội địa tới nghỉ dưỡng.

Tình trạng đại hạ giá phòng và dịch vụ như trên cũng đang diễn ra ở Hội An nhằm hướng vào khách nội. Chủ Villa Santa Hội An Lê Quốc Việt nói villa của ông đã hạ giá phòng, sửa lại dịch vụ, quảng bá các kênh trong nước để mời khách nội địa tới.

“Tôi giảm giá phòng chỉ còn 1/2, tăng dịch vụ theo hướng thuần Việt, quảng bá trên các hội “đồng hương” Hà Nội, TP.HCM để kéo khách tới”, ông Việt nói.

Phó tổng giám đốc khu phức hợp cao cấp Furama Resort (Đà Nẵng) Nguyễn Đức Quỳnh cho biết lúc cao điểm đơn vị này có hơn 800 nhân viên làm việc nhưng hiện mọi thứ gần như tê liệt, có ngày khách sạn không đón được khách nào.

Tình thế này buộc Furama Resort phải chuyển hướng hoạt động sang tập trung đào tạo nhân viên, xây dựng kế hoạch marketing mới, làm mới các sản phẩm để kích cầu. Furama cũng sẽ chăm chút đầu tư nhiều hơn để khai thác dòng khách nội địa giàu có. “Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tự làm mới mình”, ông Quỳnh nói.

Nhận định bức tranh du lịch sẽ hoàn toàn khác sau đại dịch COVID-19 và với những trải nghiệm từ đại dịch SARS 2003, ông Phan Xuân Thanh nói gần như toàn ngành du lịch đã “thay mới dòng khách”. “Sau dịch, chỉ người có điều kiện mới đi du lịch.

Bởi vậy, sản phẩm dành cho dòng khách này sẽ không còn theo kiểu “đại trà”, khách chen chân nườm nượp tại các điểm đến như trước. Doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động tốt nếu tung ra được các sản phẩm đáp ứng nhu cầu dòng khách “có tiền” này. Nếu nhìn hướng tích cực, đây là cơ hội để thải loại những sản phẩm cũ, đưa du lịch theo hướng thực chất, mang giá trị hơn”, ông Thanh nói.

Quảng Bình nhiều năm qua lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn nên khi dịch đi qua, tỉnh này gấp rút thực hiện các giải pháp để lấy lại sức sống cho ngành du lịch. Chiến lược ngắn hạn được tỉnh xác định cũng là tập trung vào khách nội địa. Từ cuối tháng 4, hầu hết các điểm du lịch chính của tỉnh đã mở cửa trở lại.

Ông Đặng Đông Hà, phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, nói để kéo khách du lịch trở lại, đa số điểm du lịch cũng như các đơn vị tổ chức tour đã giảm giá vé. Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã quyết định giảm sâu giá vé dịch vụ tại các khu du lịch ở sông Chày - hang Tối và suối Nước Moọc, đến mức 50%.

Đại diện trung tâm này cho biết đây cũng là cách chia sẻ khó khăn với khách du lịch sau mấy tháng liền ngưng đọng vì dịch. Nhiều công ty, khu du lịch khác cũng công bố giảm giá vé 10-50% cho các tour khám phá hang Trạ Ang, hang Chà Lòi, tham quan di sản Phong Nha - Kẻ Bàng...

“Tỉnh cũng giảm giá các tour VIP như Sơn Đoòng và một số điểm đến khác để khách nội địa có thể tiếp cận và sử dụng. Ít nhất phải qua năm tới ngành du lịch Quảng Bình mới hồi phục như cũ”, ông Hà cho hay.■

"Sở Du lịch TP.HCM đang cùng Hiệp hội Du lịch TP, các doanh nghiệp tại TP triển khai thực hiện các tiêu chí an toàn cho khách - một tiền đề quan trọng để du lịch TP.HCM có thể triển khai chương trình kích cầu du lịch vào cuối tháng 5-2020.

Chương trình này bao gồm cả việc tái cơ cấu thị trường, vẫn chú trọng những thị trường quan trọng hiện hữu như thị trường Đông Bắc Á nhưng sẽ làm giảm sự lệ thuộc vào một vài thị trường.

Hiện top 3 thị trường khách quốc tế của TP.HCM là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều đang bị ảnh hưởng dịch nặng nề. TP sẽ theo sát diễn biến đóng mở của các thị trường truyền thống và nghiên cứu những thị trường mới như Trung và Đông Âu, Ấn Độ…

Du lịch TP.HCM sẽ sớm công bố chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 và chuẩn bị lộ trình, các bước triển khai, trong đó có những kế hoạch trọng tâm trong năm 2021 nhằm phục hồi ngành du lịch của TP sau dịch. Chúng tôi cũng sẽ thành lập Hội đồng phát triển du lịch".

Bà VÕ THỊ NGỌC THÚY (Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM)

N.BÌNH ghi

Đề xuất giảm giá vé từ 1-2 tháng

Ông Bùi Quốc Thái, phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện tỉnh đã có kế hoạch cơ cấu lại nguồn lực, thị trường của chương trình xúc tiến du lịch. Trong đó ưu tiên tthu hút du khách nội địa thông quachương trình kích cầu, giảm giá du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…

“Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tại các địa điểm tham quan, khu vui chơi giải trí từ 1-2 tháng để kích cầu du lịch”, ông Thái nói.

Dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua, tổng lượt khách đến các điểm tham quan du lịch tại Kiên Giang (Kiên Hải, Hà Tiên, Phú Quốc…) đạt 36.713 lượt, chỉ bằng 13,6% so với cùng kỳ 2019. K.NAM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận