Bản đồ thế giới và chuyện bắc thượng, nam hạ

LÊ MY 25/08/2020 19:08 GMT+7

TTCT - Từ sách giáo khoa ra đời thực, gần như toàn bộ bản đồ thế giới đều thể hiện bắc bán cầu ở trên và nam bán cầu ở dưới. Quy ước bất thành văn đó đã khởi nguồn cách đây gần 5 thế kỷ và chẳng biết vô tình hay hữu ý, đã định hình cách con người nhìn nhận thế giới ngày nay.

Một bản đồ
Một bản đồ "lộn ngược". Ảnh: Đại học Cornell

“Tại sao bản đồ của anh lại lộn ngược thế kia?” - phóng viên tự do Gary Nunn nhận được một câu hỏi bất ngờ, chẳng mấy liên quan đến bài thuyết trình trực tuyến qua Zoom của anh. Kiểu hội họp online thời COVID-19 đã làm lộ bức tường phòng ngủ riêng tư và mở cửa cho những lời bình phẩm. Trong trường hợp của Gary Nunn, tấm bản đồ thế giới khổ lớn, được đóng khung treo trên tường, với nam bán cầu nằm trên và nước Úc ở trục giữa khiến không ít người khó hiểu.

Nunn đáp lại bằng một bài viết đăng trên trang ABC News. Câu trả lời của anh đơn giản như sau: “Nó chẳng hề bị lộn ngược”.

Một suy nghĩ rập khuôn

Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn Trái đất từ ngoài không gian. Đâu là “mái nhà” của hành tinh này? Nếu trả lời là cực bắc, bạn chắc không phải là người duy nhất. Mặc dù phần lớn chúng ta dễ dàng hình dung Trái đất “hướng lên” nhờ xem bản đồ thế giới và mô hình quả địa cầu, không có chân lý khoa học nào đứng sau quy ước này cả.

“Nhiều người không thật sự nghĩ về hành tinh này như một quả cầu đang di chuyển trong vũ trụ, nơi mà trên hay dưới vốn chỉ thuần là những quy ước - Nunn dẫn lời Chandra Jayasuriya, một chuyên gia về bản đồ học tại Đại học Melbourne (Úc) - Nhìn Trái đất từ các vị trí khác nhau trong không gian, bạn sẽ thấy những bề mặt khác nhau của nó, với trật tự các quốc gia khác với những gì thường thấy trên một bản đồ chuẩn”.

Vậy nhưng quy ước bắc thượng - nam hạ của loài người có vẻ đã làm lu mờ chân lý “bất phân thượng hạ” của một vật hình cầu. Theo Nunn, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn thường “xoay” các bức ảnh không gian sao cho bắc bán cầu nằm trên để tránh làm người xem rối trí. Trong số đó có bức ảnh nổi tiếng "Viên bi xanh" (The Blue Marble) năm 1972. Trong bức ảnh gốc, Nam Cực nằm ở phía trên, vì phi hành gia của tàu Apollo 17 khi đó đang xoay vòng trong vũ trụ.

Lịch sử của ngành vẽ bản đồ luôn là sự pha trộn phức tạp giữa các yếu tố chính trị, thiên văn và tâm lý. Vậy người xưa đã dựa vào điều gì để quyết định đâu là “đỉnh cao” của thế giới?

Ai đã đặt cực bắc nằm trên?

Một trong những kỹ năng sinh tồn cơ bản trong thế giới tự nhiên là xác định phương hướng. Vì thế, loài người đã tạo ra các loại bản đồ. Những bản đồ vẽ trong hang động cách đây 14.000 năm là phiên bản sớm nhất từng được phát hiện. Đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục công việc lập bản đồ trên máy tính.

Vậy từ khi nào mà nhân loại thống nhất chọn hướng bắc làm chuẩn? Phải chăng nguyên do là bởi những nhà thám hiểm châu Âu như Christopher Columbus và Fernão de Magalhães trong thế kỷ 15 - 16 đã sử dụng sao Bắc cực (North Star) để xác định phương hướng? Jerry Brotton, một sử gia về bản đồ tại Đại học Queen Mary (Anh), tác giả cuốn A History of the World in Twelve Maps (Lịch sử thế giới qua 12 bản đồ), không nghĩ thế.

Theo Brotton, mô tả của Columbus về thế giới cho thấy hướng đông nằm trên, khớp với cách thể hiện của các bản đồ Mappa Mundi. Cũng vì lẽ đó mà trong hành trình đông tiến của mình, Columbus tin rằng ông ấy đang trên đường hướng về thiên đường.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Jayasuriya, câu trả lời nằm ở thế kỷ 12, khi la bàn bắt đầu được sử dụng cho mục đích định hướng ở châu Âu, hướng bắc nghiễm nhiên nằm ở trên theo mũi kim la bàn, trở thành “nhân tố chính ảnh hưởng đến việc vẽ bản đồ với bắc bán cầu ở phía trên”.

Bản đồ thế giới Mercator ra đời năm 1569, được đặt theo tên nhà bản đồ học Geradus Mercator (người vùng Flanders ở Bỉ), gần như là cột mốc dẫn đến quy ước “hướng lên phía bắc” trong ngành lập bản đồ. Mercator nhanh chóng phổ biến vì là bản đồ đầu tiên tính đến độ cong của Trái đất, nhờ đó giúp các thủy thủ định hướng chính xác trong các chuyến vượt đại dương.

Bàn về sự kiện này, Brotton nhấn mạnh rằng trong bản mô tả của mình, Mercator nói rằng chuyện cực nào nằm ở đâu không hề quan trọng bởi vì họ không hề quan tâm việc du hành đến đó. “Mercator có thể vẽ bản đồ theo chiều ngược lại - nam bán cầu ở trên - nhưng ông ấy đã chọn khác đi, có lẽ bởi vì lúc bấy giờ người châu Âu chủ yếu thám hiểm bắc bán cầu” - ông lập luận.

Đến thế kỷ 15, châu Âu trở thành trung tâm sản xuất bản đồ, vì vậy quy ước “hướng bắc làm chuẩn” càng được củng cố. Mercator trở thành loại bản đồ thế giới phổ biến nhất đến ngày nay.

Bản đồ Mappa Mundi ở nhà thờ Hereford (Anh), khoảng năm 1300. Ảnh: UNESCO UK
Bản đồ Mappa Mundi ở nhà thờ Hereford (Anh), khoảng năm 1300. Ảnh: UNESCO UK

Có nên thay đổi trật tự?

Nhiều bằng chứng cho thấy quy ước về không gian có ảnh hưởng đến các định nghĩa giá trị của con người. Trong tiếng Anh, để miêu tả cảm xúc, người ta có thể dùng từ “up” (trên) thay cho hạnh phúc và “down” (dưới) khi họ đang buồn. Nhạc sĩ người Mỹ Billy Joel thì hát cho thế giới nghe về chàng trai “downtown” say mê một cô gái “uptown” giàu có và sang trọng.

Với nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, người ta thường mong “lên” thiên đường hay thiên đình, và luôn sợ “xuống” địa ngục. Kể cả Giáo hoàng Francis từng dùng cụm “phương bắc đích thực” (true north) để ám chỉ những giá trị chân chính.

Brian P. Meier, một nhà tâm lý học tại Đại học Gettysberg (Mỹ), đã thực hiện nghiên cứu về mối liên hệ giữa hướng bắc, nam và sự lựa chọn vị trí nhà ở, công bố năm 2011. Người tham gia thí nghiệm xem một bản đồ thành phố giả định và được hỏi về nơi họ muốn sinh sống. Phần lớn sự lựa chọn tập trung ở khu vực phía bắc thành phố giả này.

Một nhóm người khác lại được xem danh sách những nhân vật hư cấu thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, sau đó thử phân bố nơi sống của họ trên bản đồ. Kết quả là những nhân vật giàu nhất được cho rằng sống ở phía bắc và những người nghèo nhất thì ở phía nam. “Không quá đáng khi nghĩ rằng mọi người ít quan tâm đến những chuyện xảy ra ở các quốc gia hoặc khu vực “thấp hơn” họ trên bản đồ hoặc trên quả địa cầu” - tác giả bài viết trên BBC bình luận về nghiên cứu trên.

Tin tốt là trong thí nghiệm của Meier, quan niệm “phía bắc thì tốt” có thể được xóa bỏ bởi một cách đơn giản (mà có người đã làm): lộn ngược tấm bản đồ. Vì vậy, có lẽ thế giới sẽ trở nên công bằng hơn một chút nếu chúng ta bắt đầu nhìn nó từ những chiều hướng khác nhau.

Quay lại câu chuyện của Gary Nunn, tấm bản đồ ngược sau lưng anh có dòng chú thích: “Những bản đồ truyền thống được vẽ theo quan điểm của những nhà thám hiểm và nhà bản đồ học châu Âu đầu tiên, với bắc bán cầu nằm ở trên. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phá vỡ truyền thống này và cho thế giới thấy quan điểm của tất cả những người đang sống ở nam bán cầu. Suy cho cùng, chẳng có bằng chứng địa lý cổ đại nào nói rằng chỗ này thì ở trên!”.

Theo Jayasuriya, rời xa bản đồ Mercator và sử dụng những bản đồ khác nhau sẽ giúp mọi người nhìn thế giới từ nhiều góc độ khác nhau. Những bản đồ “lộn ngược” có thể biến thế giới trở nên mới mẻ thêm một lần nữa.

Khi không còn nhiều vùng đất trên Trái đất để thế hệ của chúng ta khám phá, tất cả những gì ta có thể làm là ngắm nhìn thế giới của chúng ta một lần nữa, nhưng lần này là bằng những con mắt khác, như Marcel Proust đã nói: “Hành trình thật sự không chỉ là ngắm nhìn những chân trời mới, mà phải mở ra những cái nhìn mới”.■

Mỗi nền văn minh có lý do khác nhau để sắp đặt 4 hướng trên bản đồ. Trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, phía trên của bản đồ là hướng đông, nơi Mặt trời xuất hiện. Bản đồ châu Âu thời Trung cổ, được gọi là “Mappa Mundi”, cũng hướng về phía đông nơi có Vườn Địa đàng, đồng thời đặt vùng đất linh thiêng Jerusalem ở trung tâm.

Trong khi đó, hướng nam giữ vị trí cao nhất trong những bản đồ đầu tiên của đạo Hồi, bởi vì đa số cộng đồng Hồi giáo thuở sơ khai nằm về phía bắc của thánh địa Mecca. Như vậy, khi hướng mắt về phía nam, họ tưởng tượng như đang “nhìn lên” thánh địa một cách đầy tôn kính.

Với kiểu lập luận khá tương đồng, người Trung Hoa lại lựa chọn “nhìn lên” phía bắc - nơi ở của hoàng đế. “Trong văn hóa Trung Hoa, hoàng đế nhìn về phía nam vì đó là hướng khởi nguồn của các con gió, đó là một hướng tốt. Tuy hướng bắc không tốt lắm nhưng phù hợp với hướng nhìn về hoàng cung của thần dân” - Brotton giải thích.

Những bản đồ thế giới “lộn ngược” với nam bán cầu bên trên đã có lúc trở thành những tuyên ngôn chính trị, với một trong những bản vẽ đầu tiên thuộc về Joaquin Torres Garcia, một họa sĩ người Uruguay.

Trong những năm 1940, ông gây chú ý với bức vẽ bản đồ tối giản: lục địa Nam Mỹ bị lộn ngược và được đặt phía trên chí tuyến bắc, tức vị trí của Bắc Mỹ trên các bản đồ thông thường. Garcia giải thích rằng miền Nam, nơi dồi dào năng lượng sáng tạo và những ý tưởng mới mẻ, là miền Bắc mới, hoặc ít nhất là sánh ngang với miền Bắc, theo New York Times.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận