Bầu cử Mỹ: Chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin

HỮU NGHỊ 16/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ đang chìm trong cơn lũ thông tin. Chính phủ tố các “thế lực thù địch” nước ngoài và trong nước chủ xướng tung tin giả bôi nhọ nhà nước, song cũng có khi chính nhà nước liên bang ra tay “định hướng dư luận”.

Ảnh: The Ispot
Ảnh: The Ispot

Nếu như tin Tổng thống Donald Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania Trump vướng dịch COVID-19 tối thứ năm 1-10 đã gây nháo nhào dư luận Mỹ, thì tin về việc ông ra viện tối thứ hai 5-10, do chính ông loan báo trên Tiwtter, lại cũng làm một nửa xã hội Mỹ rộn ràng hân hoan.

Kỷ lục hồi phục

Thật vậy, những tin tức đầu tiên về bệnh tình của ông nghe như ghê gớm lắm: “Trong cuộc vận động với cử tri Iowa và cuộc phỏng vấn với Sean Hannity trên Fox News, giọng ông Trump có vẻ khó nghe.

Tối khuya hôm đó, ông Trump và đệ nhất phu nhân Melania đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Tổng thống bị ho nhẹ, nghẹt mũi và mệt mỏi”. Tin tức sau đó cho biết ông sẽ tự cách ly ở Nhà Trắng, rồi sau đó phải nhập viện, hai lần bị giảm chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) càng cho thấy tình hình trầm trọng.

The New York Times ghi chép về diễn biến bệnh tình của ông: “Độ bão hòa oxy của ông ấy giảm xuống dưới 94%, tiến sĩ Sean Conley, bác sĩ Nhà Trắng, cho biết”.

SpO2 là chỉ số oxy hóa máu, 97-99% nghĩa là chỉ số oxy trong máu tốt, xuống dưới 95% sẽ là dấu hiệu cảnh báo máu thiếu oxy. Từ 94-96% thì người bệnh cần thở thêm oxy, còn dưới 92% là suy hô hấp nặng.

Với chỉ số oxy máu dưới 94% (chính xác bao nhiêu không rõ), ông Trump rõ ràng phải thở oxy, sử dụng kháng viêm mà người Việt quen gọi là “dexa”, tức bệnh trạng không hề nhẹ song có lẽ chưa tới mức suy hô hấp.

Hai lần như thế đủ để tin rằng ông có dính COVID-19 song vẫn còn cứng cỏi, bằng cớ là hình ảnh ông vẫn làm việc không ngơi nghỉ trong bệnh viện, thậm chí lên xe ra ngoài gặp quần chúng, rồi thì ra viện chỉ sau bốn ngày.

Quả là “đầy ơn phước” và mang dáng dấp một “siêu nhân” như ông Trump vẫn thường căng bắp vai phải và tự đánh giá trong mẩu Twitter của chính ông lúc sáng sớm (giờ Việt Nam) thứ ba 6-10: “Nếu tổng thống trở lại đường tranh cử, ông [ông Trump vẫn quen gọi mình ở ngôi thứ ba] sẽ là một… anh hùng bất khả chiến bại, người không chỉ sống sót sau mọi thủ đoạn bẩn thỉu mà Đảng Dân chủ đã ném vào ông mà còn cả virus Trung Quốc. Ông sẽ cho nước Mỹ thấy chúng ta không còn phải sợ hãi ”.

Ông Trump đồng thời vận động tranh cử trở lại luôn ngay trong mẩu Twitter: “Các bạn thấy điều đó trong nhiệt tình dành cho tổng thống bên ngoài bệnh viện Walter Reed. Các bạn thấy điều đó qua thủ tục đăng ký (bầu cử), từ Florida đến Pennsylvania & West Virginia, nơi Đảng Cộng hòa bỏ xa Đảng Dân chủ với tỉ số 2/1”.

Tất nhiên, không phải mọi người trên Twitter đều là quần chúng của ông. Johanne Brunner (@JoBrunner), chỉ một phút sau khi ông Trump đăng bài, bình luận: “Các bạn có thấy những đoạn chiếu cảnh ông ta vô lại Nhà Trắng không? [Ý chỉ đoạn video được “đạo diễn” dựng lại hòng tả cảnh ông Trump vào Nhà Trắng cho nó oai phong, sau lần quay đầu không được như ý]. Đúng là một kẻ tự cao tự đại, mạo hiểm tính mạng để có được bức ảnh hoàn hảo”.

Một sự kiện như vậy quả là độc nhất vô nhị. Các “thế lực thù địch” lập tức dèm pha ông. China Daily ngay khi loan tin ông bị COVID-19 đã bình luận: “Việc ông Trump nhiễm virus corona có thể tạo thuận lợi cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới”.

Global Times (Hoàn cầu thời báo) ngày 2-10 thì đăng bình luận của một giáo sư Đại học Nhân Dân (Bắc Kinh) nói “nếu ông Trump hồi phục trước bầu cử, một số cử tri chưa dứt khoát có thể sẽ bày tỏ thiện cảm với ông ấy”. Cho dù China Daily hay Global Times không nói ra, song người đọc cũng hiểu ý ngầm thuyết âm mưu cho rằng vụ trúng COVID này là có thể “có ý đồ”!

Một trong những đồng tác giả của cuốn Ngôn ngữ trong thời đại Trump: Các vụ scandal và tình trạng khẩn cấp, giáo sư Norma Mendoza-Denton (ĐH California, Los Angeles) đã nhận xét như sau về chiến thuật thông tin của Tổng thống Mỹ: “Với Kamala Harris [ứng viên phó tổng thống Đảng Dân chủ] và thế hệ 2.0, ông ấy nói: “Tôi không biết, nhưng ai đó có trình độ rất cao nói rằng bà ấy không thể ra ứng cử”.

Khi ông ấy tiếp tục lặp lại điều đó và báo đài lặp lại điều đó, vì ông ấy chính là tin tức, do ông ấy là tổng thống - ngay cả khi điều đó không đúng, người bình thường hẳn sẽ phải nghi ngờ đôi chút: bà ấy có thực sự đủ tiêu chuẩn?”.

Theo giáo sư Mendoza-Denton, trong tâm lý học, đây là chiêu “dán nhãn định kiến”. Ông Trump gọi bà Kamala là thế hệ 2.0 rồi viện dẫn một người “có trình độ rất cao”, cũng như sự khả tín của chính ông trong vai trò tổng thống, để đưa đến kết luận “đóng đinh”: “Bà ấy không thể ra ứng cử”. Cứ lặp đi lặp lại miết sẽ có người tin.

Tất nhiên, trước một tập thể bị ông Trump dán nhãn “Fake News” hùng hậu đã ngả hẳn sang phe Dân chủ bao gồm The New York Time, The Washington Post, CNN cùng hàng ngàn báo đài lớn nhỏ khác, ông Trump phải cứng cựa và có một “team” hỗ trợ cực nhậy. Đó là chưa nói tới các “thế lực thù địch” bên ngoài.

Ảnh: NBC News
Ảnh: NBC News

Trong uống, ngoài xoa

Thế giới đang tràn ngập những trang web tuyên truyền chuyên tin tặc và tin giả. Mỗi nước đều phải có chính sách và công cụ phòng chống của riêng mình. Tất nhiên, trình độ thế nào thì chủ trương và công cụ như thế đó. Yoel Roth, chủ trì một trang chuyên theo dõi độ liêm chính của thế giới mạng, tối 1-10 đã đăng trên Twitter:

“Trong cuộc tranh luận [tổng thống Mỹ] đêm qua, chúng tôi đã nhận diện và xóa khoảng 130 tài khoản giả mạo tham gia các cuộc thảo luận về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, bắt nguồn từ Iran”. Roth không giấu giếm nhân thân: “Dựa trên thông tin được cung cấp bởi @FBI. Chúng tôi cảm ơn @FBI về những món quà này và luôn cảnh giác với các mối đe dọa với #Cuộc bầu cử 2020. Yoel Roth”.

Lần tiếp thì thấy trên Twitter của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) treo khẩu hiệu “Hãy tự bảo vệ trước những chiến dịch gây ảnh hưởng cử tri”, kèm cảnh báo “Các tác nhân nước ngoài và tội phạm mạng có khả năng phát tán thông tin sai lệch về kết quả bầu cử năm 2020” trong tag “#ICYMI”, tức “Bạn cần biết”.

Theo FBI, nguy cơ của cuộc bỏ phiếu năm nay khác với các kỳ bầu cử trước, đặc biệt là do có những lá phiếu gửi bưu điện mà các quan chức tiểu bang và địa phương có thể mất vài ngày đến vài tuần để xác thực kết quả cuối cùng một cách chính xác.

Từ đó, các tác nhân nước ngoài và tội phạm mạng có thể khai thác khoảng thời gian chờ đợi để phổ biến thông tin sai lệch, kể cả tin tức về gian lận bầu cử hay sự đàn áp cử tri, nhằm thuyết phục công chúng rằng cuộc bầu cử là bất hợp pháp, từ đó có thể ùn ùn dẫn đến biết bao vọng động.

Tình hình phức tạp vì tác động từ bên ngoài có thể nhắm vào việc “lựa gió đẩy thuyền” với bất ổn phát sinh trong nước. Cái chết của người đàn ông da đen George Floyd dưới đầu gối một cảnh sát viên Mỹ da trắng đã gây phẫn nộ khắp nước Mỹ, dẫn tới biểu tình và bạo động.

Song, Foreign Policy (FP) ngày 5-6-2020 cho rằng trong sự ủng hộ trên toàn cầu với phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen là quan trọng) ở Mỹ xuất hiện một gương mặt bất thường: Chính phủ Trung Quốc.

FP chì chiết: “Bắc Kinh đâu có là đồng minh của những người đấu tranh cho công lý”, mà chỉ đơn giản là dùng sự đàn áp người da đen ở Mỹ để biện minh cho những hoạt động tương tự trong nước.

Ngoài Trung Quốc, một kẻ “thuận thủ thôi châu” nữa là Nga, qua kênh mạng xã hội, theo Politico đầu tháng 6. Trang này tố cáo rằng từ hôm 30-5, tức 5 ngày sau cái chết của Floyd, các quan chức chính phủ, cơ quan truyền thông được Nhà nước hậu thuẫn và tài khoản Twitter có liên quan đến Bắc Kinh hoặc Matxcơva post tin bài liên quan Floyd và BLM với mật độ dày đặc, đưa ra các thông điệp gây chia rẽ và chỉ trích cách xử lý của Washington với cuộc khủng hoảng.

Cụ thể, trong ba ngày, Politico đếm được hơn 1.200 tin bài về Mỹ với những tag như #BlackLivesMatter (BLM) hoặc #Minneapolis (nơi xảy ra cái chết của Floyd). Chuyện Nga gây nhiễu thông tin về Mỹ là chuyện thường ngày và đã ầm ĩ suốt từ cuộc bầu cử trước, nhưng lần này, câu hỏi là tại sao Trung Quốc cũng rất tích cực.

Politico nêu câu trả lời từ Bret Schafer - chuyên gia truyền thông và thông tin kỹ thuật số tại Quỹ Marshall của Đức thuộc Liên minh Bảo vệ dân chủ - một think tank: “Nga chẳng qua vẫn đang làm ngay những gì mà họ luôn làm. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy Trung Quốc tham gia đầy đủ vào một trận chiến truyền thông không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc”.

Quả thật, BLM khó thể coi là lợi ích trực tiếp của Trung Quốc. Mạng xã hội ngày càng phổ biến có lẽ là một lý do, nhưng lý do quan trọng không kém có lẽ là ông Trump đồng thời là một “tổng tư lệnh Twitter” như dân Mỹ vẫn nhạo.

Âu cũng là thế thời phải thế!■

Ngay tại Hoa Kỳ, một “chân rết” của Bắc Kinh là Hiệp hội Tiến bộ Trung quốc (CPA) mà theo một nghiên cứu của Đại học Stanford từ năm 2009 là một tổ chức cánh tả ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thúc đẩy nhận thức về tư tưởng cách mạng của Trung Hoa đại lục và quyền của người lao động.

Chi hội CPA San Francisco hoạt động trong phong trào đòi nhà ở thập niên 1990 sau làn sóng người Trung Quốc nhập cư ồ ạt. Chi hội CPA Boston hiện đăng khẩu hiệu “Ngưng trục xuất hàng loạt” và đòi “Thông qua đạo luật ổn định nhà ở”, cũng có dính dấp với Chính phủ Trung Quốc.

Theo The Heritage, hai chi hội này có tên trong danh sách đóng góp cho phong trào BLM. Sự gắn bó giữa BLM với CPA, do đó, không chỉ có cơ sở tài chính hay địa chính trị, mà có cả cơ sở lý luận, tư tưởng và đường lối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận