Nghĩ về những vùng đất dễ bị tổn thương

TS VŨ NGỌC LONG * 17/11/2020 22:11 GMT+7

TTCT - Hàng loạt thảm họa xảy ra trong các đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung gây mất mát cả người và của, đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về những vùng đất, con người dễ bị tổn thương.

Toàn cảnh thôn A Lua cũ và mới (phía trên). Ảnh: Vũ Ngọc Long
Toàn cảnh thôn A Lua cũ và mới (phía trên). Ảnh: Vũ Ngọc Long

Chưa bao giờ chúng ta rơi vào tình trạng đau buồn như năm nay. Quá đau đớn khi mà nhiều người lao động vẫn còn nằm dưới lòng đất hay trong lòng hồ nước sâu chưa thể tìm ra. 

Hệ quả của nó sẽ còn để lại trong lòng con cháu của họ và những người còn sống bài học thực tế không thể nào quên. Người dân vùng cao vẫn còn nhiều lý do để lo sợ rằng thảm cảnh này sẽ còn tái diễn nếu chúng ta không hành động ngay.

Những con người dễ bị tổn thương

Tôi đã bắt đầu khảo sát và đánh giá những chương trình định canh định cư phát triển nông thôn miền núi từ năm 1993 đến giờ. Những gì của ngày hôm nay sau hơn 27 năm theo dõi, thảm cảnh của Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam), Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế)... có ngăn chặn được hay không, có khó hiểu không, hay do lỗi của ông trời?

Tôi nghĩ các nhà khoa học, lãnh đạo các cấp, những người có tiếng nói quyết định cần suy nghĩ về trách nhiệm của mình về những vùng đất dễ bị tổn thương và trên đó là những cộng đồng, những con người dễ bị tổn thương.

Họ là những người đồng bào dân tộc thiểu số sống trên vùng núi cao, có thói quen dựa vào đất rừng, sống dưới tán che của cây rừng, uống nước từ trong rừng chảy ra, lấy lá cây rừng làm thuốc, họ kiếm ăn hằng ngày từ rừng..., và hơn hết họ có nền văn hóa từ lâu đời “ăn rừng”.

Chúng ta có những chính sách quan tâm, ưu tiên rất nhiều cho những người đồng bào dân tộc thiểu số, không ai có thể phủ nhận được điều đó. Nhưng khi đi vào nơi tận cùng của mỗi con suối, trên đỉnh mỗi cánh rừng ở núi cao, chúng ta mới thấy còn nhiều điều cần phải quan tâm hơn nữa.

Từ chỗ là những người chủ thật sự của những mảnh đất màu mỡ từ chương trình định canh định cư của Chính phủ, có thể một ngày nào đó họ không còn là người chủ nữa, họ trở thành những người lao động làm thuê hằng ngày với đồng tiền trả theo ngày công ít ỏi.

Trước đây họ đã từng sống trong rừng sâu, trong cái nôi của chiến khu nuôi cách mạng. Rồi giải phóng, họ trở về làng cũ.

Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, các chương trình kinh tế mới, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao hình thành nên những trang trại trắng xóa núi rừng, các con đường xẻ núi băng qua những cánh rừng già nguyên sinh như quốc lộ 27C nối Đà Lạt với Nha Trang...

Càng ngày họ càng bị đẩy vào sâu trong rừng để “nhường” lại đất tốt trong các thung lũng rừng giàu có tài nguyên cho các công trình thủy điện, phát triển năng lượng.

Sự thật là người dân tộc sở hữu rất ít những mảnh đất màu mỡ. Họ chỉ còn những mảnh đất cằn cỗi, bạc màu mà thôi. Muốn có cái ăn, họ phải lặn lội vào sâu trong rừng xa, trên núi cao, những nơi có độ dốc hơn 50o để canh tác, trồng trọt lúa một vụ, trồng bắp...

Rồi khi đất bạc màu, họ lại đi tìm những khoảnh đất khác để trồng trọt. Hãy thử làm chuyến du lịch ngược dòng các con suối trên núi cao sẽ thấy rất nhiều mảnh ruộng da beo chạy dài theo các con đường mòn trên núi. Họ đi làm trên nương rẫy cả tuần lễ không về.

Ở dưới làng rất ít đất, mà đất cũng không trồng được gì nữa. Trong làng chủ yếu là đàn bà, người già và trẻ con. Những người chồng, con trai lớn, thanh niên trong buôn, trong làng đi làm xa hết. Họ đi đến những rẫy cà phê nhận chăm sóc cà phê, tỉa cành bón phân cho các chủ trang trại; hoặc đi chăn bò nuôi dê, phun thuốc diệt cỏ trừ sâu..., những công việc nặng nhọc và đầy rủi ro.

Những đứa con nhỏ thường được gửi cho ông bà chăm sóc. Nhiều người trong đó có thể là rất ít chữ nên họ không biết đến khái niệm hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội là gì!

Khu tái định cư A Lua mới xây trên nền đất mượn bạt từ sườn quả đồi xuống, taluy âm như vậy rất dễ bị xói lở và không thích hợp với truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Vũ Ngọc Long
Khu tái định cư A Lua mới xây trên nền đất mượn bạt từ sườn quả đồi xuống, taluy âm như vậy rất dễ bị xói lở và không thích hợp với truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Vũ Ngọc Long

Sai lầm về sinh thái học

Nhiều cánh rừng sản xuất được giao khoán cho đồng bào chăm sóc. Nhưng chất lượng của những khu rừng đấy cũng không thể thay thế những khu rừng tre nứa nghèo nàn như trước đây.

Chúng ta vui mừng vì độ che phủ rừng ngày càng tăng nhưng nếu nghiên cứu kỹ, những cánh rừng đó không hề có tầng thảm thực vật bên dưới. Để tăng năng suất gỗ của cây keo, người dân đã dùng thuốc diệt cỏ để làm sạch cây cỏ dưới tán rừng và bón nhiều phân bón chất tăng trưởng để mau chóng được thu hoạch rừng.

Chính sách thay thế rừng “nghèo” cây gỗ bằng rừng cao su hay rừng điều là một sai lầm về sinh thái học. Kết quả là nhiều khu rừng vùng cao có màu xanh nhưng lại không có khả năng trữ nước và rất nghèo về đa dạng sinh học.

Người dân không thể thu hái rau rừng, măng, cây thuốc hay lấy lâm sản gì (ngoài gỗ) trong những khu rừng đó để sinh sống như trước kia đã sống trong rừng già. An ninh lương thực của người vùng cao là vấn đề khó khăn, không bền vững.

Hãy nhìn vào một bữa ăn ngày nay của họ. Rất thiếu rau xanh và lượng vitamin tối thiểu cần thiết cho các cháu bé. Thức ăn chủ yếu là những con cá khô mua từ quán và muối ớt.

Chúng ta thiếu hẳn hệ thống hợp tác xã nông nghiệp vùng cao để hỗ trợ cho người đồng bào tiếp cận những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của cộng đồng. Nhiều người đồng bào ở vùng cao thường phải bán lúa non, điều non và cố gắng khai thác những của “độc” từ rừng, cây gỗ rừng về, những mong có cơ hội trả nợ.

Trong buôn, làng nào cũng có tình trạng như vậy. Và sổ đỏ ruộng đất là một trong những tài sản dễ nhất được đem đi cầm cố cho chủ quán từ năm này qua năm khác và dần dần biến mất khỏi quyền sử dụng của người đồng bào từ lúc nào không hay.

Chính điều này đã đẩy họ tiếp tục vào sâu hơn, lên cao hơn trong rừng già trên núi cao khai phá đất mới và chọc lỗ gieo hạt, lật đá giâm vài gốc khoai mì. Dường như núi cao, dốc sâu, sự nguy hiểm không thể cản được bước chân của người đồng bào.

Có ai nói với họ rằng canh tác như vậy là không thể vì không bền vững không? Cho dù có nói điều này nhưng họ không còn cách nào hơn cả khi mà cái nghèo đói, thiếu ăn vẫn luôn luôn hiện diện trong đời sống.

Năm 2005-2006, khi khảo sát khu tái định cư thủy điện A Vương (Quảng Nam), nhìn thấy ngôi làng cũ của thôn A Lua, xã Dang, huyện Tây Giang nằm bên dòng suối A Vương, sau đó nhìn thấy khu tái định cư vén trên cao của thôn A Lua đang xây dựng, tôi giật mình vì sự khác biệt quá lớn.

Làm sao người đồng bào Cơ Tu có thể sống được trong những ngôi nhà như chuồng chim bên sườn núi như vậy được.

Cả ngôi làng mới được thiết kế xây dựng trên nền đất mượn bạt ra từ sườn quả đồi trên cao. Người dân chưa vào ở, nhà đã bị sụt lún nứt nẻ vì mưa gió. Rất may là sau đó chính quyền đã nhận ra sự rủi ro nguy hiểm về môi trường và đã di dời người dân đi chỗ khác.

Thế mới tiếc cho sự hời hợt, thiếu cái nhìn văn hóa, nhân văn của những người quy hoạch và đầu tư lúc đó. Mà bài học này dường như cũng chưa thấm thía vì hậu quả của nó chưa xảy ra nghiêm trọng như ở Rào Trăng 3 hay Phước Sơn bây giờ.

Đi suốt các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và dọc theo dãy Trường Sơn còn rất nhiều công trình xây dựng dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số mà thiếu đi sự hiểu biết về văn hóa vùng cao hay tính đặc sắc riêng biệt của người dân tộc tại chỗ gắn liền với cây rừng và con nước.

Trong những chương trình hành động tái định cư của các dự án có nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức ngân hàng quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)..., chúng ta thấy có yêu cầu rất nghiêm ngặt, đó là thiết kế một chương trình phát triển người dân tộc bản địa.

Bởi vì những người dân tộc thiểu số tại chỗ là nhóm người rất dễ bị tổn thương trước những sự thay đổi về môi trường do các dự án phát triển gây ra. Nhiều khi bài toán đánh đổi môi trường để lấy kết quả phát triển kinh tế không thể so sánh được với cộng đồng, gây ra những tổn thất rất nặng nề mãi về sau này cho cộng đồng.

Cũng như những người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, thiên nhiên, đất đai, sông núi, cây rừng và các loài sinh vật vùng núi cao rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước sự tác động của con người.

Ngày nay, biến đổi khí hậu đã trở thành một nhân tố tác động xấu đến trái đất, Việt Nam là quốc gia sẽ chịu nhiều tác động vào hàng thứ 5 trên thế giới. Không chỉ vùng đồng bằng ven biển mà cả những khu rừng đầu nguồn trên núi cao và hệ sinh thái nhân văn của nó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự thay đổi môi trường này.

Xin hãy thận trọng và bảo vệ thiên nhiên và con người đang sống trong những vùng đất nhạy cảm như vậy.■

* Nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận