Bản sắc của chúng ta là trái ngon

LÊ NGUYÊN MINH 29/01/2019 17:01 GMT+7

TTCT - ​Thế giới cần sống đẹp, khỏe và thọ, vậy chúng ta cung cấp sản phẩm gì cho họ? Bây giờ là thực phẩm hữu cơ nhưng tương lai không xa sẽ là thực phẩm sinh học.

Ông Nguyễn Lâm Viên giới thiệu sản phẩm hữu cơ tại một hội thảo. Ảnh: M.H.
Ông Nguyễn Lâm Viên giới thiệu sản phẩm hữu cơ tại một hội thảo. Ảnh: M.H.

 Công ty cổ phần Vinamit vừa được Trung Quốc cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm mít hữu cơ (mít sấy và mít tươi). Đây là công ty nông sản hiếm hoi của Việt Nam được cấp chứng nhận hữu cơ ở ba thị trường lớn: Mỹ, EU và Trung Quốc. Tin vui không chỉ cho Vinamit mà còn là động lực cho nông sản Việt trong bối cảnh mới. 

Nhưng ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Vinamit, nói với TTCT rằng chứng nhận hữu cơ chỉ là một phần trong hành trình xây dựng chiến lược thực phẩm sinh học của công ty cho tương lai.

“Tôi không nói chuyện viển vông, mà đó thực sự là bước song hành cùng chuyển động của thế giới. Bây giờ nói chuyện thực phẩm sinh học có lẽ sớm ở ta, cũng tương tự như vài năm trước nói chuyện thực phẩm hữu cơ, nhưng phải bắt tay ngay nếu không sẽ chậm...” - ông Viên chia sẻ.

Vinamit đưa mít sấy vào thị trường Trung Quốc cũng đã hơn thập niên, sao bây giờ mới được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ?

- Đúng là chúng tôi đã bán mít sấy, mít tươi ở Trung Quốc lâu rồi, từ siêu thị đến trên tàu lửa... Nhưng nguyên tắc là bán cái người tiêu dùng muốn. Không đi quá nhanh cũng không quá chậm. Sớm quá có khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng.

Với giấy chứng nhận này, giờ chúng tôi đường hoàng đi vào phân khúc cao hơn. Không chỉ là làm thương hiệu sẽ đỡ vất vả hơn mà chống hàng giả cũng sẽ dễ dàng hơn. Để được cấp giấy chứng nhận này cũng rất vất vả và Trung Quốc cũng làm khác với những nước khác.

Họ đến trang trại chúng tôi kiểm tra, cây phải cho trái mới được chấp nhận. Mỗi năm sẽ mời họ sang kiểm tra. Rồi còn phải mua tem của họ dán lên bao bì nữa mới đưa vào thị trường được... Họ khó hơn, không có cửa để lách đâu, nhưng cũng có cái hay.

Nhưng Vinamit đã có kinh nghiệm làm ở thị trường Mỹ và châu Âu...

- Vâng. Nhưng vẫn có những quy định và cách làm khác cho mỗi thị trường. Thế nên mới có người nhầm tưởng được chứng nhận ở thị trường Mỹ rồi sẽ dễ ở thị trường châu Âu, không ngờ hàng bị trả về vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn...

Chúng tôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho dây chuyền sản xuất, chế biến, đóng gói tại nhà máy với nguồn nguyên liệu trái cây tại các nông trang đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Liên minh châu Âu. Nhưng với châu Âu thì được chứng nhận 73 hạng mục, Mỹ thì 81 hạng mục...

Cách làm, cách hiểu khác nhau cũng bình thường. Như ở Việt Nam, chúng tôi thuê đất để sản xuất rau sạch. Chúng tôi cày xới đất lên, phun vi sinh, bón phân hữu cơ, cho đất nghỉ một thời gian... Nhưng có người bảo chúng tôi thuê đất rồi để đó chứ có làm gì đâu, lãng phí đất... rồi thưa kiện chúng tôi...

Hay như khi chúng tôi làm rau sạch bỏ vào bao nilông cũng bị hạch hỏi. Tôi phải giải thích, dùng bao nilông bơm oxy căng lên để giữ rau tươi và khi chuyên chở không bị giập... Rồi phải giải trình vì sao dùng từ “organic” trên bao bì...

Có khi nào ông cảm thấy... đơn độc?

- Có chứ. Mình làm thật nhưng không được hiểu đúng, nhất là các nhà quản lý địa phương. Đôi khi đi chinh phục thị trường nước ngoài dễ hơn trong nước vì họ có quy định và minh bạch tất cả, nhà sản xuất cứ thế mà làm theo, đúng quy chuẩn thì được chấp nhận. Hàng lên kệ rồi, người tiêu dùng yên tâm mua.

Trên thị trường trái cây thế giới, người ta biết nhiều đến Thái Lan vì doanh nghiệp được chính phủ quan tâm, hỗ trợ nhiều phương diện, hiệp hội của họ mạnh, có tiếng nói và họ làm truyền thông tốt. Còn ở ta, anh biết đấy, doanh nghiệp tự bươn chải là chính.

Hiệp hội thì dường như không có tiếng nói gì. Ở Việt Nam, tôi thấy Chính phủ cũng đã bắt đầu hành động rồi, có nhiều chuyển động nhưng thật sự là chưa đủ.

Dường như Vinamit đầu tư trang trại, làm khép kín mà ít liên kết với nông dân?

- Chúng tôi làm với nông dân nhiều rồi, nhưng phải nói thật làm với họ tính rủi ro cao quá, đâm ra e ngại. Nhiều người lúc ban đầu hợp tác rất tốt, nhưng rồi làm không đúng với những gì chúng tôi hướng dẫn về trồng trọt hữu cơ, không giữ cam kết... Họ có thể đột ngột ngưng bán, chuyển qua bán cho thương lái khi thấy có lợi hơn... Họ không quen với việc sản xuất cần có kế hoạch và tuân thủ nó.

Chẳng hạn, chúng tôi phải đầu tư một trang trại là đầu tư cho một hệ sinh thái chứ không chỉ trồng để khai thác. Cây cũng như người, cần một hệ miễn dịch mạnh mới tránh được bệnh nên phải cung cấp dưỡng chất cho cả bộ rễ và bộ lá đúng cách. Trong trang trại không dùng hóa chất thì cây cỏ hoa lá phải sống cùng với chim trời, sâu và vi sinh vật...

Vài người làm, làm được một thời gian rồi nản chí vì phải tuân thủ quy trình chặt chẽ và chịu sự kiểm soát của chúng tôi... Họ nói “đất tui, tui có quyền...” thì mình chịu. Nên giờ chúng tôi chỉ làm với những người thật sự am tường về nông nghiệp hữu cơ và biết phải công bằng với muôn loài.

Phải trên tinh thần đó mới xây dựng và kiểm soát được hệ sinh thái đó. Và có như vậy chúng ta mới sản xuất được sản phẩm hữu cơ mà những thị trường khó tính nhất cũng chấp nhận, sau đó còn có thể đi xa hơn.

Chúng tôi đã thấm thía với bài học ngưng sản xuất hồi thập niên 1980 khi làm hàng mây tre lá xuất khẩu. Ngưng vì thiếu nguyên liệu để sản xuất. Hồi đó sản xuất là cứ cắm đầu làm mà không có kế hoạch, hết nguyên liệu là cho công nhân nghỉ, không biết chuẩn bị để vòng sản xuất được liên tục, đáp ứng các đơn hàng bên ngoài...

Thị trường xuất khẩu dường như đang dễ dàng hơn cho Vinamit nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung, khi những hiệp định thương mại tự do, như CPTPP, mở ra nhiều cơ hội?

- Đúng như thế nếu nhìn từ góc độ thuế quan. Còn những quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ vẫn là khó khăn nếu chúng ta không chịu thay đổi. Thế giới cần sống đẹp, khỏe và thọ, vậy chúng ta cung cấp sản phẩm gì cho họ? Bây giờ là thực phẩm hữu cơ nhưng tương lai không xa sẽ là thực phẩm sinh học. Người ta cần ăn những thực phẩm để không cần phải uống kháng sinh, chẳng hạn.

Tôi nghĩ 10-20 năm nữa thực phẩm sinh học sẽ bùng nổ. Hiện giờ thị trường đã có nhưng chưa được nói nhiều thôi. Bản thân tôi cũng đang tự thử nghiệm bằng việc ăn thực phẩm sinh học, đưa vi khuẩn có lợi vào cơ thể và kiểm soát hằng ngày...

Như vậy, trong bối cảnh mới đó cái gì sẽ tạo nên bản sắc cho nông sản Việt?

- Ngon. Anh biết không, người tiêu dùng thế giới đã nhận ra trái cây, rau củ của Việt Nam rất ngon. Bây giờ bán hàng mà sản phẩm gắn với chữ Việt Nam là bán được, rất khác với trước đây, vì giờ người ta hiểu hơn về Việt Nam, về trái cây ngon của Việt Nam.

Chúng tôi mời họ qua đây để họ chứng kiến chúng tôi trồng và chế biến như thế nào, sản phẩm tốt cho sức khỏe ra sao... Mít Việt, cà phê Việt là câu chuyện được thừa nhận ở bất kỳ thị trường nào chúng tôi bán hàng.

Chữ ngon kia, nó đơn giản, dễ hiểu là thế, nhưng với nhà chuyên môn, đó là sản phẩm tự nhiên, không hóa chất, nhiều vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Bản sắc của chúng ta là những thứ thuần giống như đu đủ, mít hay mía, chuối... Chúng tôi sẽ cho “Tây” uống nước mía mà không phải uống đường!

Cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Cao Trí (tổng giám đốc Công ty NS BlueScope Lysaght Việt Nam):

Rủi ro nhiều hơn cho ngành chăn nuôi

Các nước trong Hiệp định CPTPP như New Zealand, Mexico, Canada có nhiều điểm mạnh về thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng... nên sẽ tạo ra những áp lực cạnh tranh rất lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Người Việt có thói quen ăn thịt tươi mới giết mổ, nên ngành chăn nuôi có thể sẽ ổn trong thời gian ngắn. Về lâu dài, đồ ăn lạnh, thịt nhập khẩu sẽ có lợi thế hơn vì thói quen đang thay đổi. Đặc biệt khi những thành viên khác có thế mạnh chăn nuôi có thể sắp tới sẽ gia nhập CPTPP. Gần đây kim ngạch nhập khẩu cho sản phẩm chăn nuôi cũng nhiều hơn số lượng ta phải xuất đi.

Tại sao ta có năng lực sản xuất và tiêu thụ nhưng năng lực cạnh tranh chưa đủ lớn? Nguyên nhân là giá thành chưa cạnh tranh. Điều này đến từ năng suất, khi nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu đến 80-90%, nguồn giống chưa có năng suất cao, chưa có hệ thống quản lý trang trại tối ưu...

Thứ hai, khả năng truy xuất nguồn gốc, thức ăn sạch... của Việt Nam dù có cải thiện nhưng hạn chế nên khả năng xuất đi các nước phát triển là yếu. Ngoài ra, thương hiệu chưa đủ lớn, nhân lực, trang trại nhỏ, manh mún... Hơn 400 triệu gia súc, gia cầm nhưng hầu hết đến từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chưa đủ sức cạnh tranh.

Do đó, cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin về con giống, huấn luyện đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, công nghệ mới. Điều quan trọng là làm sao để tạo ra chuỗi, vùng trọng điểm trong chăn nuôi, chuỗi liên kết hợp tác xã như mô hình của các nước tiên tiến đã làm, từ nguồn cung cấp thực phẩm đến xử lý vi sinh. Để làm điều này cần có sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ. N.An (ghi)

Ông Đỗ Văn Huệ  (ủy viên thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam):

Doanh nghiệp chăn nuôi còn bị động

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Đa số các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa thể chủ động được thị trường mà đang chờ khách nước ngoài đến. Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết. Doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin nên trông chờ vào các doanh nghiệp nước ngoài sang tìm kiếm, khi đó rơi vào vị thế là người gia công cho họ. Đây là điều rất rủi ro và bị động. Ngành nông nghiệp đang sản xuất những cái mình có chứ chưa đáp ứng sát sườn những gì thị trường nhập khẩu lớn cần.

NGỌC AN (ghi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận