Tự làm chủ đang là xu hướng?

TỊNH ANH 10/12/2018 22:12 GMT+7

TTCT - Nhiều nghiên cứu cho thấy làm việc cho chính mình (self employed) đang là xu hướng mới, mà ở Việt Nam rất nhiều người cũng đang quả quyết tiến vào. Bên cạnh khía cạnh hấp dẫn của nó - sự linh hoạt, tự do theo đuổi lựa chọn và đam mê, cảm giác tự quyết định và làm chủ - tất nhiên là những rủi ro chưa được nhận diện hết.

Ảnh: Medium

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa self-employment là những người tự làm việc cho mình, thành viên của các hợp tác xã sản xuất, hoặc làm việc cho (cơ sở) gia đình và không nhận lương tháng. Tiếng Việt có nhiều cách gọi: tự kinh doanh, tự làm chủ, làm việc cho chính mình, người làm việc độc lập, hành nghề tự do hay thường thấy hơn là lao động tự doanh.

Bức tranh tương phản 

Tổ chức Lao động thế giới (ILO) xem bất kỳ ai làm việc hơn một giờ một tuần là “có việc làm” (employed). Vì thế, tỉ lệ lao động tự doanh thường rất cao tại một số quốc gia - nơi phần lớn lực lượng lao động vẫn làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, không phải chỉ có làm nông hay công việc chân tay mới là lao động tự do. Theo Forbes, trong khi lao động tự do là chiến thuật sinh tồn tại các quốc gia nghèo đói - nơi người ta không có cách nào để tạo thu nhập, hình thức này lại đang đánh dấu sự sáng tạo và tinh thần doanh nhân ở các nền kinh tế phát triển hơn.

Có thể thấy bức tranh tương phản này trong số liệu về lao động tự doanh mới nhất (năm 2016) của OECD. Theo đó, hơn một nửa lực lượng lao động ở Colombia là lao động tự do với các vấn đề như lao động không chính thức, bất bình đẳng thu nhập rất phổ biến ở quốc gia Nam Mỹ này.

Ở châu Âu, các quốc gia phía nam lục địa già thường có tỉ lệ lao động tự do cao (chẳng hạn Hi Lạp 34,1%), trong khi về phía bắc, nhất là các nước Scandinavia, tỉ lệ người “tự làm chủ chính mình” thấp hơn rất nhiều (Đan Mạch 9,1% và Thụy Điển 10%). Tỉ lệ lao động tự doanh ở Nhật là 10,6%, trong khi ở Mỹ là 6,4%.

Mức lương trung bình cũng là yếu tố quan trọng và tỉ lệ nghịch với tỉ lệ lao động tự doanh. Mỹ có thu nhập hộ gia đình trung vị (median household income) năm 2016 xấp xỉ 60.000 USD, so với chỉ 6.000 USD của Colombia. Điều này đúng với các “nước giàu” khác như Canada, Đan Mạch, Na Uy...

Xu hướng mới

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy làm việc cho chính mình đang là xu hướng mới. Tờ New York Post dẫn thông tin từ báo cáo Self-Employment Report của Hãng tư vấn kế toán FreshBooks cho biết “hàng triệu người lao động Mỹ đang vui vẻ rời bỏ các công ty, tập đoàn về làm thuê cho chính mình”.

Báo cáo nhấn mạnh xu hướng chuyển dịch sang lao động tự doanh chỉ mới bắt đầu ở Mỹ vài năm trở lại đây. “Leo cao trên nấc thang sự nghiệp tại các công ty không còn là giấc mơ Mỹ nữa. Trong vài năm qua đã có sự thay đổi đáng kể về tư duy và nổi lên một lực lượng lao động mới, vốn xem trọng tính linh hoạt hơn sự ổn định” - báo cáo viết.

Theo FreshBooks, khoảng 27 triệu người Mỹ sẽ từ bỏ công việc toàn thời gian chính thức của mình từ đây đến hết năm 2020, đưa tổng số người lao động tự thân lên 42 triệu. Năm 2017, số người Mỹ có việc làm toàn thời gian là 126 triệu, theo Văn phòng Thống kê lao động Hoa Kỳ.

Tại Anh, số người lao động tự doanh đã tăng mạnh trong vòng hai thập niên qua. BBC dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết năm 2017, nước này có 4,8 triệu người tự làm việc cho mình, so với chỉ 3,3 triệu năm 2001. Số người lao động tự doanh chiếm khoảng 15% lực lượng lao động ở Anh, vẫn theo BBC. Các số liệu này khớp với báo cáo nói trên của OECD.

Theo ONS, lực lượng người lao động tự doanh lớn nhất ở Anh là những người 45-54 tuổi. Song nhóm tăng trưởng mạnh nhất là những người 65 tuổi trở lên (từ 159.000 người năm 2001 lên 469.000 năm 2016), tiếp theo là những người trẻ, từ 16-24 tuổi (từ 104.000 lên 181.000 người trong giai đoạn 2001-2016).

Một nghiên cứu của Eurofound, cơ quan giám sát thị trường lao động thuộc Liên minh châu Âu, cho thấy vào năm 2016, toàn EU có khoảng 33 triệu người tự làm việc cho mình so với số người làm thuê ăn lương là 199 triệu.

Mở cửa hàng, kinh doanh tiệm cắt tóc và lau dọn nhà cửa là các nghề lao động tự do phổ biến nhất khi người chủ cũng là nhân viên duy nhất. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ như lưu trữ đám mây và gọi điện video giúp người “tự làm chủ” dễ dàng thực hiện công việc mọi lúc mọi nơi.

“Tự làm việc cho mình cho phép người trẻ thực hiện các dự án mà họ thật sự đam mê và chủ động được thời gian với địa điểm làm việc - Jordan Marshall, giám đốc phát triển chính sách thuộc Hiệp hội những người làm việc độc lập và tự doanh (IPSE), nói với BBC - Công nghệ đã biến điều này dễ dàng hơn bao giờ hết, dù là để tìm việc trên các chợ việc làm trực tuyến hay trở thành một “du mục thời đại số”, tức vừa chu du khắp thế giới vừa làm việc tự do”.

Ảnh: The Atlantic
Ảnh: The Atlantic

 

Chuyện thuế và lương hưu

Mục “self-employment” trên Wikipedia, sau khi đưa định nghĩa ngắn gọn về khái niệm này thì bàn ngay đến chuyện thu thuế với đối tượng này như thế nào. Điều này cho thấy thuế là vấn đề quan trọng với người lao động tự doanh.

Tại Mỹ, theo trang Investopedia, trường hợp người làm thuê cho người khác thì đơn vị thuê sẽ khấu trừ thuế an sinh xã hội và y tế (6,2% và 1,45%) để đóng cho Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Đơn vị thuê lao động cũng sẽ đóng số tiền thuế tương đương cho mỗi người lao động. Khi người lao động về hưu hay bị tai nạn, chính phủ sẽ xem xét lịch sử đóng thuế an sinh xã hội và mức thuế đã đóng để tính toán mức chi trả.

Theo trang web của IRS, người lao động tự doanh sẽ phải đóng thuế lao động tự doanh (self-employment tax) với mức 12,4% thuế an sinh xã hội và 2,9% thuế y tế. Các mức thuế này gấp đôi mức dành cho cá nhân, do lẽ người tự làm thuê cho mình sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho cả hai vai trò người thuê lao động và người lao động.

Trong khi đó, Hãng thông tấn PRIME (Nga) ngày 23-11 cho biết Hội đồng liên bang đã thông qua việc đánh thuế người lao động tự doanh trong chương trình thí điểm từ năm 2019-2028. Theo đó, người tự làm việc cho mình có thu nhập ít nhất 200.000 rúp một tháng sẽ phải đóng thuế 4-6%, đổi lại họ sẽ không phải đóng mức thuế thu nhập cá nhân 13%.

Còn tại Anh, một báo cáo do ONS công bố hồi tháng 2-2018 cho biết lực lượng lao động tự doanh nước này có thể sẽ phải đối mặt khủng hoảng tài chính lớn khi về hưu, do số lượng người tiết kiệm tiền để đóng cho các quỹ lương hưu tư nhân ngày càng giảm.

Cụ thể, khoảng 45% số lao động tự do từ 35-55 tuổi không có tiền đóng cho quỹ lương hưu tư nhân, so với 16% của những người làm công ăn lương. Tỉ lệ người lao động tự do tiết kiệm tiền cho lương hưu ở Anh hiện chỉ có 25%, so với 40% hồi năm 2008.

Trang ThisMoneyUK dẫn lời chuyên gia tài chính Sean McCann cho biết trong khi những người làm việc cho công ty được tự động khấu trừ thu nhập cho lương hưu, những người lao động tự doanh buộc phải tự quyết định có nên tiết kiệm hay không. “Và nhiều người quyết định dùng số tiền dành dụm để tái đầu tư cho công việc của mình (thay vì gửi dịch vụ lương hưu tư nhân)” - McCann nói.■

Nguồn: OECD

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận