Tinh giản bộ máy: Vẫn chưa thấy tinh thần cải cách

TRUNG TRẦN 09/10/2022 15:25 GMT+7

TTCT - Hiện tượng số lượng lớn công chức rời nhiệm sở, lên đến 40.000 người trong hơn hai năm qua, đặc biệt sự dứt áo ra đi của nhân lực hai ngành dịch vụ công trụ cột giáo dục và y tế, thực sự là thách thức cho hoạt động quản trị nhân lực của Chính phủ.

Tinh giản bộ máy: Vẫn chưa thấy tinh thần cải cách - Ảnh 1.

Ảnh: Bayan Center

Vấn đề ai cũng thấy, cả bộ quản lý định biên công chức của quốc gia là Bộ Nội vụ cũng chỉ ra điểm thắt nút cần gỡ: Thu nhập của công chức. Giải pháp để xử lý cũng rất rõ ràng: Tăng thu nhập bằng cách tăng ngân sách, hoặc giảm biên chế, hoặc lý tưởng là cả hai.

Sớm muộn công chức cũng sẽ được tăng lương, nhưng nếu tăng kiểu từ 3,5 triệu lên 3,9 triệu/tháng thì liệu có thể giữ được họ ở lại? Hay người ở lại sẽ là những người khó có thể kiếm được việc ở nơi khác - tức chất lượng nền công vụ vì thế càng đi xuống? Phải chăng đồng lương không đủ sống là đặc điểm riêng biệt của công chức Việt Nam và việc giải quyết nó cấp thiết tới mức nào?

Vấn đề thu nhập

Thu nhập chính thức của khối hành chính công, so sánh với mức lương trung bình của xã hội, ở các nước Đông Nam Á được coi là đối thủ cạnh tranh trong việc mời chào các công ty đa quốc gia đến đầu tư, cũng không khác Việt Nam là bao nhiêu. Nó rơi vào khoảng 80% mức thu nhập trung bình của xã hội. Nhìn xa hơn ở bên Trung Quốc hay Nga cũng thế.

Nên minh định một điều rằng, nếu đi làm công chức sẽ khó lòng có thu nhập kỳ vọng được như đi làm kinh doanh, làm cho công ty tư nhân hay làm thuê cho nước ngoài. Cái được hơn sẽ là thời gian và các lợi ích có được từ vị trí mà cơ quan công quyền nơi họ làm việc mang lại.

Đây cũng là đặc điểm chung của các quốc gia trong khu vực, khi so sánh về mức độ minh bạch của cơ quan hành chính công ở các nước láng giềng gần gũi với Việt Nam (bảng). Ngoài ra có một thực tế không thể phủ nhận: tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn còn là một vấn nạn của Đông Nam Á. 

Thứ hạng của một số nền kinh tế lớn trong khu vực trên bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2021 lần lượt là: Việt Nam: 87, Indonesia: 96, Thái Lan: 110, Philippines: 117...

Sự nhũng nhiễu này - nhiều khi vẫn được coi là dung dịch bôi trơn cho cỗ máy xã hội vận hành - chỉ có thể giảm đi theo năm tháng, bằng rất nhiều nỗ lực mang tính tiệm tiến của toàn xã hội.

Trong khi các nỗ lực chống tham nhũng tiếp tục, thì điều quan trọng cần hướng tới ngay là ở năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua bộ máy công vụ. Với mức thu nhập nào thì đội ngũ công chức tận tâm phục vụ xã hội và nhờ đó, chính quyền hoạt động hiệu quả hơn, đem lại cho quốc gia một khả năng cạnh tranh tốt hơn?

Nền công vụ và năng lực cạnh tranh

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực này của Việt Nam đứng sau xa Malaysia, xấp xỉ Indonesia, Thái Lan. Những con số không bi quan, nhưng cũng không thể lạc quan. 

Còn đáng lo ngại hơn là chỉ số năng suất lao động: giá trị lao động quy đổi thành USD mà một lao động Việt Nam tạo ra được trong một giờ lao động chỉ bằng một nửa so với Thái Lan và chưa được 1/3 so với Malaysia.

Sự thật này có lẽ vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm nhiều năm nữa, nếu bộ máy công vụ tiếp tục hoạt động ì ạch. Tác động có tính cộng dồn. Ví dụ như ở Bộ Giáo dục - Đào tạo, việc loay hoay với các dự án cải cách vừa khiến hiệu quả hoạt động của chính ngành giáo dục thấp, giáo viên bỏ việc hàng loạt, đồng thời làm giảm chất lượng đào tạo - điều sẽ trực tiếp tác động lên năng suất lao động.

Tương tự, các chương trình sắp xếp các cấp hành chính hay cắt giảm biên chế thiếu linh hoạt của Bộ Nội vụ, như thể hiện qua cuộc tranh cãi về biên chế và bộ máy hành chính của TP Thủ Đức hay TP.HCM: nhân sự cần thêm nhưng cấp trên lại yêu cầu giảm định biên, bất chấp thực tế công chức ở một siêu đô thị có những yêu cầu và khối lượng công việc hoàn toàn khác, nói ví dụ, một công chức cũng cùng ngạch, bậc, nhưng ở một xã vài nghìn dân.

Cho tới nay, các giải pháp giảm biên chế đã không mang lại hiệu quả thực tế như kỳ vọng. Phải chăng vì vậy đã dẫn tới định hướng chính sách kiểu "hạ cánh cứng": quy định về quy mô diện tích và dân số cần thiết cho các cấp hành chính, hay ấn định luôn con số giảm 5 - 10% cho một số cơ quan công vụ và để họ tự tìm cách giải quyết.

Cần những cải cách lớn

Rõ ràng không thể có một giải pháp duy nhất cho tất cả các địa phương, nên sự áp đặt nhiều khả năng dẫn tới tình trạng "gọt chân cho vừa giày": chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Một ví dụ điển hình: Cả nước hiện có xấp xỉ 10 tỉnh có dân số thấp hơn số dân của một quận trung bình ở TP.HCM - tức dưới 700.000 dân, và có những tỉnh có diện tích chỉ bằng 1/20 tỉnh Nghệ An.

Sau 30 năm tách, nhập từ 38 lên 63 tỉnh - thành phố, rất nhiều đô thị nhỏ và vừa, và một tầng lớp công chức, thị dân hưởng lợi từ việc ra đời các tỉnh lỵ vốn trước kia là những thị xã bị bỏ quên. Nhưng sự manh mún về diện tích và cát cứ về quản lý hành chính đang trở thành lực cản cho chiến lược phát triển vùng, vốn luôn được hô hào và cổ vũ.

Câu chuyện sẽ bắt đầu từ việc sáp nhập đơn vị xã, rồi huyện, hay là những kế hoạch tham vọng hơn như TP Thủ Đức, hay đề xuất được nhắc mới đây ở Quảng Nam là nhập ba đơn vị huyện và TP để hình thành nên một đô thị cấp 1 mới. Những kế hoạch tham vọng đấy dễ hiểu gây ra nhiều xáo trộn và hệ lụy cho một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, đồng thời đặt ra thách thức về năng lực quản trị hành chính.

Nếu muốn có một bước nhảy về tinh giản bộ máy quản lý, muốn đồng lương cho công chức thực sự là nguồn thu nhập chính đủ sống, để họ tận tụy chăm chỉ với công việc, để cho bộ máy vận hành thông suốt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các biện pháp cải tiến, vun vén đắp đổi kiểu như đang được áp dụng như hiện tại, là không đủ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận