Tình nghệ sĩ

NGUYỄN MỸ NỮ 02/06/2014 22:06 GMT+7

TTCT - Vậy là chú Sáu đã không thể qua khỏi như bao lần trước đó. Người đàn ông này đã trên tuổi bảy lăm và bị đến mấy căn bệnh ngặt nghèo nên từ đầu năm đến giờ không hiếm lần phải nằm viện.

Minh họa: viip

Lần này chú Sáu ở lâu nhất, ròng rã cả tháng trời và sức khỏe càng lúc càng suy kiệt. Chú được đưa về nhà đúng ba tiếng thì mất.

Chú Sáu là một kép hát, hồi còn trai trẻ chú và thím vẫn theo nghiệp diễn nhiều năm sau khi đã kết hôn rồi có con cái. Chắc do thừa hưởng đam mê và năng khiếu của ba mẹ nên các con của chú thím đều hát hò rất được. Có điều là tất cả đều hát tân nhạc. Tựa như chú mấy năm cuối đời, sau khi thím đã ra đi vì tai biến, cũng chỉ ôm micro ngồi trước màn hình. Chú cất tiếng hát lên mấy bản tình ca điệu bolero khi nhớ thím, khi cô đơn và thường là vào lúc cuối ngày.

Những chạng vạng nhiều khi có mưa, ẩm ướt và đẫm buồn. Tiếng hát trật nhịp, sai giai điệu nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm của chú lay động hồn người trong những lắt lay của buổi hoàng hôn. Nỗi hắt hiu cô độc của tuổi già với nhiều hoang mang lo sợ và một sự vịn níu thấy rõ. Âm nhạc là cần thiết với chú Sáu trong những khoảng thời gian như thế và tâm trạng như thế.

Tôi và những người hàng xóm quanh đây còn được nghe chú hát thêm mấy năm nữa, trước khi chú Sáu ốm nặng rồi mất. Con cháu của chú thím rất đông và đều về đủ cả. Số người đến phúng điếu cũng nhiều hơn những đám tang khác, chắc bởi vậy. Dàn nhạc đám ma làm việc không ngơi nghỉ, tiếng đàn cò xen lẫn với tiếng kèn nỉ non từ mờ sớm cho đến tận khuya đêm.

Thi thoảng, những âm thanh buồn thảm lại nín bặt và thay thế vào đó là vài làn điệu vọng cổ hoặc mấy câu trong một trích đoạn tuồng. Đó là khi những bạn nghề ngày xưa của chú thím đến phúng điếu, tiễn đưa chú theo cái cách của họ.

Cách của những con người đã lỡ vướng vào duyên nghiệp cầm ca với cuộc đời quá lắm những phong ba thăng trầm, khi cùng với gánh hát rong ruổi khắp nơi. Mà lại là những gánh hát nghèo. Nên túng ngặt và khó khổ đời thường, ắt hẳn, luôn song hành với những khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu.

Nhưng ngày rồi qua và đêm tới... Và đêm mới là của họ. Đêm thuộc về họ trong áo mão, son phấn rộn ràng thanh âm và chói lòa sắc màu. Đêm, họ buông bỏ bao bế tắc áo cơm, những khập khiễng đời chồng vợ. Đêm, họ không là những thằng, những con, những mụ, những gã. Đêm, họ áo choàng lẫm liệt những ông hoàng. Đêm, họ lóng lánh xiêm y những công nương, hoàng hậu.

Căn hộ của tôi rất gần với ngôi nhà của chú Sáu và những gì diễn ra ở bên đó lọt tất cả vào trong tôi. Tôi tự cho mình là một khán giả tuyệt vời trong hết thảy, những lần họ cất tiếng. Họ hút hồn tôi khi cất tiếng và tôi đắm nhìn họ trong bộ đồ người thường với những xúc cảm miên man và ngất ngưởng.

Sao lạ thật! Tôi đã thường xuyên thấy mình trơ khấc khi nghe một nghệ sĩ nổi tiếng cất giọng và... diễn. Vậy mà ngay nơi đám tang của một người hàng xóm lại rưng rưng với những nghệ sĩ vô danh như thế này. Lại muốn khóc vì cái tình họ dành cho một người bạn diễn và dành cho nhau.

Họ, người già nhất cũng phải cận tuổi tám mươi và kẻ trẻ nhất cũng bốn lăm, bốn bảy. Kép có đào có, nhạc công có và người nhắc tuồng có, kẻ làm hậu đài có và người lo trang phục cũng có. Họ cùng hối hả trở về quanh linh cữu của một bạn nghề. Đều thành kính thắp hương trên bàn thờ rồi ra hiệu cho dàn nhạc ngừng chơi và hát.

Đâu còn ai trẻ nữa nên cũng là điều tất nhiên khi không nghe được những làn hơi trong trẻo, những tiếng rung trọn vẹn và giọng ngân khỏe khoắn, điệu đàng. Chỉ là những giọng yếu mỏng lều phều, luyến láy không đủ hơi và ngân rung nửa vời, đứt gãy. Chỉ là những tiếng hát mảnh, đục, run rẩy và cả nữa tiếng đàn. Chẳng lẽ vì tuổi già mà tay không chuẩn xác? Bắt gặp trong tất cả là sự nuối tiếc thật thà dành cho người vừa nằm xuống.

Cái đời nghệ sĩ vốn bèo bọt và cay đắng nhưng sao nỗi bồi hồi này và cái tâm của những con người này đã khiến cho thứ tình này rất khác. Nâng lên hẳn một cấp độ, vút lên hẳn một thanh âm, lóng lánh và ngời ngợi bao sắc màu tươi tắn và ấm áp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận