Giới siêu giàu mê khủng long, nhà khoa học buồn lòng

TRỌNG NHÂN 19/12/2024 06:01 GMT+7

TTCT - Các tỉ phú đang rót hàng đống tiền cho thú vui sưu tập hóa thạch hàng trăm triệu năm của khủng long, khiến giới khảo cổ học cảm thấy bị "ra rìa".

Chủ nhật 8-12, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ (AMNH) chính thức mở cửa tham quan bộ xương khủng long thuộc chi Stegosaurus dài 8,2m, nickname Apex. 

Theo tạp chí Science, với gần 80% trong số 320 xương được bảo tồn nguyên vẹn, Apex là một trong những mẫu vật hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện của loài khủng long ăn thực vật có bộ giáp đặc trưng sống cách đây khoảng 150 triệu năm ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Giới siêu giàu mê khủng long, nhà khoa học buồn lòng - Ảnh 1.

Hóa thạch Apex trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Ảnh: AP/Richard Drew

Nhưng Apex không thuộc sở hữu của AMNH. Bộ xương này được một nhà cổ sinh vật học thương mại (chuyên săn lùng hóa thạch trên đất tư nhân rồi đem bán) phát hiện cách đây 2 năm tại hệ tầng Morrison - vùng địa chất giàu hóa thạch ở Colorado - sau đó được đưa ra đấu giá vào đầu năm nay. Tỉ phú Kenneth Griffin, nhà sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu tư Citadel, mua nó với mức giá kỷ lục 44,6 triệu USD và cho AMNH mượn để trưng bày trong 4 năm.

Thú sưu tập mới

Trên thế giới hiện có hơn 80 mẫu hóa thạch Stegosaurus nhưng rất ít mẫu đạt độ hoàn chỉnh như Apex - còn khoảng 254 xương trong tổng số 320 xương, bao gồm cả nhiều tấm giáp đặc trưng trên lưng. 

Ngoài cho mượn hóa thạch hiếm, Kenneth Griffin sẽ tài trợ thêm một chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ kéo dài 3 năm để xác định danh tính, gốc gác của Apex, đồng thời tìm hiểu quá trình tăng trưởng, tốc độ trao đổi chất và sự phát triển bộ xương của Stegosaurus.

Ngày nay hóa thạch khủng long đang có sức hút mãnh liệt với nhiều người lắm tiền nhiều của, "biến lĩnh vực từng thuộc về các học giả thành một trong những thị trường sưu tập sôi động nhất", theo The Wall Street Journal. 

Những người nổi tiếng như Nicolas Cage, Russell Crowe và Leonardo DiCaprio đều đã từng tranh mua hay sang tay hóa thạch khủng long. Cage từng vượt qua DiCaprio, mua được một hộp sọ của loài Tyrannosaurus bataar với giá 276.000 USD, còn Crowe mua một hộp sọ hóa thạch thời tiền sử từ DiCaprio với giá 35.000 USD.

Có cầu ắt có cung. Năm 2021, nhà đấu giá Sotheby's đã thành lập bộ phận chuyên về khoa học và văn hóa đại chúng, bao gồm khủng long, đồ vật đã từng vào vũ trụ và đồ độc lạ từ phim ảnh. 

Chẳng mấy chốc, bộ phận này góp lợi nhuận nhất nhì cho công ty. Cá nhân Cassandra Hatton, người đứng đầu bộ phận, đã giúp đấu giá hoặc bán riêng hơn một chục mẫu vật, bao gồm hộp sọ khủng long thuộc các chi Triceratops, Gorgosaurus và Pteranodon.

Sức hút đến từ đâu?

Hatton cho rằng nhiều khách hàng giàu có là những người đam mê khoa học hoặc luôn mang theo những kỷ niệm xa xưa được người thân dẫn đi bảo tàng. Một số khác lại đơn giản muốn sở hữu "những gì tốt nhất trong số tốt nhất". 

Jethro Sverdloff, giám đốc phòng tranh ArtAncient (London), cho rằng loạt phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) có thể đã góp phần thúc đẩy trào lưu này. "Khi lớn lên, nhiều trong số những đứa trẻ từng yêu thích Jurassic Park đã trở thành các CEO hoặc doanh nhân thành công. Họ có nhiều tiền và muốn mua những thứ có ý nghĩa đặc biệt với mình" - ông nói với The Wall Street Journal.

Cũng theo Sverdloff, khách hàng hóa thạch khủng long ngày nay không còn giới hạn ở các nhà sưu tập học thuật, mà là những người săn "chiến tích" từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tâm lý này phổ biến ở những doanh nhân công nghệ ngoài 30 đến cả các tay kinh doanh có tuổi. 

Một hóa thạch được bảo quản tốt không chỉ là báu vật mà còn có thể kể một câu chuyện đặc biệt. Những hóa thạch này cho người xem những cảm giác rất đặc biệt, hùng tráng về một câu chuyện triệu năm lịch sử của một loài vật mạnh mẽ nhưng nay không còn trên Trái đất.

Giới siêu giàu mê khủng long, nhà khoa học buồn lòng - Ảnh 2.

Ảnh: bleedingcool.com

Như tờ Telegraph (Anh) ghi lại trường hợp của Stan - biệt danh bộ xương khủng long T-Rex được bán với giá 31,8 triệu USD năm 2020. James Hyslop, trưởng bộ phận khoa học và lịch sử tự nhiên tại Nhà đấu giá Christie's, cũng cảm giác "nổi da gà" khi đứng trước "Stan" trong phòng thí nghiệm. 

Tuy nhiên, ông cho rằng niềm đam mê hóa thạch nói chung không phải hiện tượng mới. Từ những phát hiện đầu tiên của nhà cổ sinh vật học Mary Anning ở Anh vào thế kỷ 19 cho đến "Cuộc chiến xương" tại Mỹ, hóa thạch từng được các bảo tàng lớn săn lùng không kém gì những bức tranh đắt giá nhất thế giới.

Tại Mỹ, không giống nhiều quốc gia khác coi hóa thạch là tài sản nhà nước, việc khai quật xương trên các mảnh đất tư nhân với sự cho phép của chủ đất và bán vì lợi nhuận là hợp pháp.

Chủ đất cũng được chia lời, tùy thỏa thuận. Cũng tại Mỹ, xuất khẩu hóa thạch được ghi nhận, nhưng không có quy định bắt buộc báo cáo các giao dịch bán. "Bạn có một con khủng long trong phòng khách, Chính phủ cũng không cần được biết" - luật sư Jennifer Morris nói.

Lo nhiều hơn vui

Trước đây, việc tìm hóa thạch ở Mỹ thường diễn ra theo cách: các nhà cổ sinh vật học gõ cửa chủ đất ở miền tây, nhắm đến những vùng đất "nghi" giàu hóa thạch rồi xin phép khai quật. 

Những nhóm học giả này thường kỳ vọng nếu phát hiện được những gì thú vị, họ sẽ được chủ đất hiến tặng lại những hóa thạch ấy cho mục đích nghiên cứu. Giờ thì xuất hiện thêm những nhóm thương mại - tìm hóa thạch khủng long để bán.

Điều tích cực là ngày càng có nhiều người tham gia việc khai quật và bảo tồn những mảnh xương khủng long vẫn đang còn nằm đâu đó ngoài tự nhiên. Nhiều mẩu hóa thạch quý giá nhờ vậy được bảo tồn tốt hơn, tránh được sự hủy hoại của thời gian. 

Tuy nhiên, mặt trái là các học giả chân chính mất quyền tiếp cận những vùng đất mà họ xem là "thánh địa săn lùng khủng long" vì chủ đất thích làm việc với giới cổ sinh vật học thương mại hơn. 

"Có vẻ chuyện tỉ phú vung tiền mua hóa thạch khủng long đã có cái kết đẹp với riêng Apex, nhưng không có gì đảm bảo rằng các hóa thạch tương tự khác sẽ được công chúng hoặc các nhà khoa học tiếp cận sau khi chúng được các nhà sưu tập tư nhân mua lại" - Telegraph đặt vấn đề.

Giới siêu giàu mê khủng long, nhà khoa học buồn lòng - Ảnh 3.

Bộ xương T-Rex 67 triệu năm tuổi có tên "TRX-293 TRINITY Tyrannosaurus" dài 11,6m và cao 3,9m, được trưng bày trong buổi xem trước tại nhà đấu giá Koller ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 29 tháng 3 năm 2023. Ảnh: Reuters

Nhìn chung, khi mọi thứ đã được thương mại hóa, giới học giả sẽ khó tiếp cận hơn, từ đó cũng không thể nghiên cứu gì về mẫu vật mới. Thomas Carr, giám đốc Viện Cổ sinh vật học Carthage, dẫn chứng: ít nhất 80 mẫu vật khủng long T. rex đã được các nhà sưu tập thương mại khai quật trong khoảng ba thập kỷ qua ở Mỹ, nhưng chỉ 9 mẩu được đưa vào kho lưu trữ của liên bang/tiểu bang, hoặc một bộ sưu tập của trường đại học hay bảo tàng.

Theo Carr, dù có tỉ phú cho các bảo tàng được mượn hóa thạch khủng long để trưng bày, không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau khi họ qua đời. "Liệu nó có được chuyển cho một chủ sở hữu tư nhân khác không?" - ông nói.

Trong khi đó, Steve Brusatte, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, phẫn nộ rằng khủng long đang trở thành "đồ chơi xa xỉ" của giới siêu giàu và "một khi chúng thuộc về tư nhân, khoa học coi như mất chúng mãi mãi". 

Theo The Guardian, dù các bộ sưu tập công cộng vẫn cố gắng mua hóa thạch khi có khả năng, nhưng giá cả thường vượt quá khả năng chi trả. Bởi không phải bảo tàng nào cũng có thể chi hàng triệu USD cho một hộp sọ khủng long được đưa ra đấu giá. 

Điều này đồng nghĩa với việc những hóa thạch có giá trị khoa học lớn chỉ xuất hiện thoáng qua trên trang web của nhà đấu giá và trên truyền thông, trước khi biến mất vào bộ sưu tập của tư nhân, không bao giờ thấy lại.

Dù còn nhiều gây tranh cãi, nhưng một điều khó thể xoay chuyển là đam mê hóa thạch khủng long của giới siêu giàu có thể vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Và điều khả dĩ nhất mà các nhà đấu giá, bảo tàng, cũng như các nhà khoa học có thể làm lúc này, chỉ là… chờ đợi để xem các mẫu hóa thạch tiếp theo sẽ được phát hiện ở đâu (và buồn thay, sẽ bán với giá bao nhiêu). 

Giới siêu giàu mê khủng long, nhà khoa học buồn lòng - Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Tại Pháp, Vulcain - bộ xương khủng long cổ Apatosaurus dài hơn 20m, do một nhóm các nhà cổ sinh vật học thương mại quốc tế phát hiện ở Wyoming (Mỹ) - được bán với giá 6,3 triệu USD vào ngày 16-11. Eric Mickeler, người thẩm định thương vụ này, cho biết ông đã giúp xuất khẩu hơn 10 con khủng long từ Mỹ sang Pháp để bán đấu giá công khai như thế trong suốt 30 năm qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận