Mùa ân điển ở hai nhà thờ Đức Bà

DANH ĐỨC 23/12/2024 09:37 GMT+7

TTCT - Đêm hôm trước, ngồi coi tivi trực tiếp lễ mở cửa lại nhà thờ Đức Bà Paris mà bồi hồi đồng cảm, giông giống như khi hay tin nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng sắp trùng tu xong. Những ký ức cứ tràn về.

Hồi còn nhỏ, mỗi lần được cha mẹ chở đi nhà thờ Đức Bà, tôi đều hân hoan. Vì được ra khỏi cái khuôn khổ khó khăn và nhàm chán của nhà thờ... gần nhà - trong đầu óc trẻ con, tất nhiên. 

Thú thiệt, không gì trói chân trói tay cho bằng xếp hàng, đồng phục nhà trường bắt buộc, vô nhà thờ, cứ thế mà lần lượt điền vào dãy trống, im lặng tuyệt đối.

Mùa ân điển ở hai nhà thờ Đức Bà - Ảnh 1.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn rực sáng từ trên cao mùa Giáng sinh. Ảnh: VĂN TRUNG

Âm nhạc nâng tâm hồn lên

Đi với cha mẹ, thường là lễ 9h sáng hay hơn, mấy mươi năm rồi không nhớ rõ nữa, xe đậu bên đường Hàn Thuyên đầy bóng mát, cả nhà dắt nhau băng qua đường. Thời đó, nam nữ ngồi riêng trong nhà thờ, nữ bên trái, nam bên phải, chưa có vụ ngồi chung như sau này. Thường thì gia đình tôi chọn bên cánh.

Bữa nào lễ trọng, có giám mục chủ sự lễ thì thằng bé thích ngồi ở vòng quanh cung thánh. Thời đó, cung thánh vẫn còn uy nghi "kín cổng cao tường" bằng một vòng rào bằng sắt chạm trổ cao ngất, khu vực "tòa (ngai) giám mục" càng chạm trổ hơn, sau này gỡ bớt. 

Những lễ đại triều với giám mục áo mão, trượng và các phụ tá oai phong, cử hành những nghi thức đầy trọng vọng, càng khiến thằng bé ngất ngây hơn. Lễ vẫn còn bằng tiếng Latin, một số thánh ca cũng bằng tiếng Latin.

Hiểu thì chắc là không, nhưng nghe trầm hùng như tiếng đại phong cầm với mấy chục ống "pipe" tạo nốt càng tăng cảm nhận tính linh thiêng, khiến người nghe càng thấy bé nhỏ trước Thượng đế. 

Thời đó chưa sử dụng các phong cầm điện tử như sau này, nên cảm nhận bè trầm bằng chân cứ như từng tảng mây lượn trên đầu, hòa hợp với các dàn hợp xướng. Huy hoàng nhất là những khúc Hallelujah của Handel, mà xin thật thà khai báo, tôi đã mê mẩn từ Noel 1972 ở một Hội thánh Tin Lành Sài Gòn, chớ không phải ở một ngôi nhà thờ Công giáo. 

Giờ đây, mỗi năm chỉ đợi tháng Vọng Giáng sinh để nghe lại từ mấy cái dĩa CD và đĩa vinyl Handel từ các ca đoàn và cầm thủ khác nhau.

Cảm giác chìm đắm trong tiếng đại phong cầm này tiếp tục sau này khi sang Pháp đi học. Làm gì thì làm, 4h45 chiều chúa nhật cũng phải ra nhà thờ Đức Bà Paris, dự buổi trình diễn đại phong cầm cho bằng được. 

Ở đó, mỗi tuần một đại phong cầm thủ (có danh phận gắn với một nhà thờ) trình bày tập nhạc chọn lọc của mình. 

Người nghe ở xứ này, phải thừa nhận rằng cũng lắm công phu, học (nhạc) hành (đàn), vác tập chép nhạc của họ tới (thời đó, chưa có laptop) - quay ngược lưng ghế vô cung thánh, hướng ra bao lơn trên lầu, nơi ngự trị cây đàn cùng cầm thủ - mở ra lắng nghe.

Mùa ân điển ở hai nhà thờ Đức Bà - Ảnh 2.

Giàn đại phong cầm ở nhà thờ Đức Bà Paris, ảnh chụp năm 2014. Ảnh: Wikimedia

Hết buổi, số người ở lại dự lễ do Hồng y Marty cử hành chỉ chục hàng ghế, quỳ. Cũng dễ hiểu thôi, kể từ những năm 1980, số người tuyên bố mình là Công giáo ở Pháp đã giảm rất mạnh, từ 70% năm 1981 xuống còn 32% năm 2018. 

Trong khi ngược lại, tỉ lệ những người cho biết họ không thuộc bất kỳ tôn giáo nào tăng từ 26% lên thành 58%, số liệu của Centre d'Observation de la Société 9-11-2021. 

Cũng theo Trung tâm Quan sát xã hội này, nhìn chung, người theo đạo từ lâu chỉ đại diện cho một thiểu số rất nhỏ trong xã hội Pháp. 

Tổng cộng, chỉ 8% dân số tham gia lễ tôn giáo ít nhất mỗi tuần một lần, và 12% mỗi tháng một lần (dữ liệu năm 2018). Trước đó vào năm 1981, tỉ lệ này lần lượt là 12% và 18%.

Có lẽ không siêng đi nhà thờ, nhà thánh, song vẫn có những người tìm đến nhà thờ vì đam mê âm nhạc, nhất là nhạc đại phong cầm. Bản thân tôi mê vô cùng. 

Lần trước qua Pháp, máy bay hạ cánh lúc 6h sáng, đọc trên mạng rao tối đó, tối thứ tư, có một buổi trình diễn đại phong cầm có thu phí ở một nhà thờ nhỏ khu quận 5, từ bờ sông Seine đi vô, bèn lội bộ từ khách sạn đến nghe, thấy cũng đông hơn nửa nhà thờ.

Hồi những năm 1970, qua Pháp trọ ở một ký túc xá nguyên là cựu chủng viện V. Trong khuôn viên, vẫn còn nhà nguyện và dàn đại phong cầm. 

Mê mẩn quá, thấy có biển ghi "một giờ 5 quan", có bữa đánh bạo mướn đánh thử cho biết cảm giác đàn đại phong cầm nhà thờ khác đàn điện tử thế nào. Trong bối cảnh đó, nhà thờ Đức Bà Paris càng là "đại thánh thất" của đại phong cầm với những đại cầm thủ hằng tuần.

Mới hôm 7-12 vừa rồi, một đĩa CD gồm các ghi âm của 4 đại cầm thủ thuộc mấy thế hệ từ những năm 1970 tới giờ, đã được phát hành nhân dịp mở cửa lại nhà thờ Đức Bà Paris, gồm Michel Chapuis, André Isoir, Odile Pierre cùng Xavier Darasse thuộc thế hệ sau này. 

Nhân dịp này, nhà bình luận âm nhạc Frédéric Muñoz viết: "Phong cầm của nhà thờ Đức Bà dường như là vật tải lý tưởng cho bức bích họa khổng lồ bằng âm thanh ấn tượng này".

Nói cho ngay, có lẽ bên Công giáo "năng" về đàn nhà thờ và hát kiểu Gregorian (ca bè bình ca), còn về khoản hát như một sinh hoạt và biểu diễn ngoài buổi nhóm, anh chị em bên Tin Lành thoáng hơn, sử dụng nhiều thánh ca tiếng Anh và những tác phẩm kinh điển. 

Ở Việt Nam, Hội thánh Hòa Hưng, Hội thánh Phú Nhuận hầu như hát hay cả năm chớ không chỉ mùa Giáng sinh.

Mùa ân điển ở hai nhà thờ Đức Bà - Ảnh 3.

Ảnh: Wikipedia

Chung quanh nhà thờ

Một kỷ niệm không bao giờ quên của thằng bé chục tuổi năm xưa là sau lễ, cha tôi dắt mấy anh em tôi qua đường, tìm đến ki ốt bánh mì Hương Lan ở bên phải bưu điện. 

Tuần nào điểm cao thì một ổ bánh mì tôm, kha khá thì bánh mì gà xé hay jambon & patê, còn điểm thấp thì bánh mì patê rẻ hơn. Chẳng phải là trừng phạt gì mà là khuyến khích cổ võ, nhất là giữ kỷ luật đừng để có tên trong "sổ đỏ" mỗi sáng thứ hai hằng tuần. 

Điểm cao còn được lấy một cái bánh baba au rhum, kem trắng phủ một vầng trên nóc bánh, đẫm mùi rượu rhum hay một bánh mille feuilles nhiều lớp; điểm thấp thì một bánh bông lan có kem thường thôi.

Ki ốt bánh bên trái nhà bưu điện, giăng bảng "pâtisserie Bưu điện", không được anh em nhà tôi chuộng. Hình như điều này cũng đúng với nhiều người khác. Thời đó không có xe bán hàng san sát như sau này. 

Ở tiệm bánh cũng như khoảng trước nhà thờ, cha mẹ tôi thường tay bắt mặt mừng những người quen biết. Đây là sinh hoạt đi kèm động tác được thể hiện bằng động từ "s'endimancher": "trau chuốt ngày chúa nhật". 

Toàn cảnh khu vực nhà thờ Đức Bà Sài Gòn phần nào thể hiện công thức quen thuộc của một đơn vị cư dân Pháp: nhà thờ, cơ quan nhà nước, tiệm bánh mì, trường học (trường Nữ vương Hòa Bình).

Còn nhớ từ năm 1959, cha tôi thường viếng tượng Nữ vương Hòa Bình được dựng tại vườn kiểng trước nhà thờ nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, 300 năm bổ nhiệm hai giám mục tiên khởi tại Việt Nam (9-9-1659), được Hồng y Agagianian, đặc sứ của Giáo hoàng Gioan XXIII từ Roma qua chủ tọa, và làm phép bức tượng Đức Mẹ. 

Bộ nhớ khi đó và sau này, chắc không chỉ mình tôi chỉ nhớ tên Hồng y ấy là Agagianian, không nhớ tên đệm là gì. Một sự kiện nhớ đời đối với thằng bé ở chỗ lần đầu tiên một Hồng y từ Vatican tới Sài Gòn.

Mấy năm trước, được tin tu sửa mái ngói rồi đôi tháp nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Mấy bữa nay, nghe Linh mục Đại diện Ignacio Hồ Văn Xuân loan báo sẽ mạ vàng cặp thánh giá mới trên nóc nhà thờ để bền hơn. 

Cũng hay, một cơ sở tôn giáo không chỉ là cơ sở của tôn giáo ấy, mà còn là một trong những biểu hiện văn hóa đa dạng, đa nguồn của một xã hội, là dấu chứng của một thời đại, một giai đoạn lịch sử. ■

Mở cửa lại

Mấy bữa nay, lại coi tivi thấy tin nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa lại sau vụ cháy cách đây hơn 5 năm.

Mùa ân điển ở hai nhà thờ Đức Bà - Ảnh 4.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại. Ảnh: AFP

Thiệt là vui vì đây cũng là nơi vẫn thăm viếng thời đi học do bắt trúng một bài thuyết trình có đề tài là cổ ngữ Pháp trong đời sống xã hội. Tìm đâu bây giờ, chi bằng nghiền ngẫm các tấm bia đá thuật lại hạnh các Thánh gắn trong nhà thờ Đức Bà Paris. Chừng đó bức tượng hay bức tranh thánh là chừng đó tấm bia đá, có khi bằng tiếng Latin, có khi tiếng Pháp cổ.

Mày mò theo quy luật "trượt" từ tiếng Latin sang tiếng Pháp hồi thế kỷ bao nhiêu, tới thế kỷ bao nhiêu thành chữ gì, bao giờ có dạng như ngày nay. Cũng may là năm cuối, đậu môn ngữ học Pháp với 16/20 điểm, nên cũng khá cứng.

Còn nhớ đề thi là dịch một đoạn trích từ quyển sử của Joinville, thời Trung cổ, với những câu tỉ như "Ce fu escript en l'an de grâce mil .CCC. et .IX. [1309], ou moys d'octovre" (được viết vào năm ân sủng 1309 vào tháng 10), thành tiếng Pháp hiện đại, dịch thì dễ, nhưng giải thích bằng cách nào các từ "fu" biến thàng "fut", "mil" biến thàng "mille", "ou" biến thành "au", "moys" biến thành "mois", "octovre" thành "octobre"..., chứng minh bằng quy luật ngôn ngữ học mới là khó.

Vốn liếng cổ ngữ Pháp đó khiến chàng trai say mê tới nhà thờ Đức Bà Paris, giải mã các tấm bia văn, hiểu các sự tích. Riết rồi mê ngắm các tấm bia ngang với chiêm ngưỡng các tranh tượng, thậm chí có khi còn hơn là học chữ.

Mê mẩn vì câu chuyện tấm bia văn kể lại. Song, quan trọng nhất vẫn là bức tượng Đức Trinh nữ và Hài đồng, từ thế kỷ 14, từ đó mới có tên "Nhà thờ Đức Bà". Bức tượng này, từ vụ hỏa hoạn năm 2019, đã được di tản sang nhà thờ Saint-Germain-l'Auxerrois, một nhà thờ khác cũng thời Trung cổ, hôm 15-11 vùa rồi được đưa về lại trụ cột trung tâm nhà thờ Đức Bà Paris.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận