Trận đấu của các nhà tài trợ

HUY ĐĂNG 13/02/2023 08:57 GMT+7

TTCT - Nhìn nhận ở góc độ tích cực, vụ xung đột giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai và VPF mới đây cho thấy thể thao Việt Nam đã bắt đầu gia nhập cuộc chơi thương mại hóa.

Nhiều thập niên qua, những xung đột như vậy xuất hiện liên miên không ngớt, ở ngay những nước rất phát triển nơi pháp luật kinh tế và hợp đồng tưởng như đã hoàn chỉnh.

Nhà tài trợ Standard Chartered của Liverpool vẫn hiện diện ở Premier League suốt nhiều năm dù là đối thủ của nhà tài trợ chính cho giải đấu là Barclays. Ảnh: REUTERS

Nhà tài trợ Standard Chartered của Liverpool vẫn hiện diện ở Premier League suốt nhiều năm dù là đối thủ của nhà tài trợ chính cho giải đấu là Barclays. Ảnh: REUTERS

Trăm cách lách luật

Một trong những vụ nổi tiếng nhất là sự cố "mặc nhầm áo" của tiền vệ ngôi sao người Đức Mario Gotze khi ra mắt CLB Bayern Munich năm 2013. Năm đó, Gotze gia nhập CLB hùng mạnh nhất nước Đức với bản hợp đồng cực kỳ đắt giá. Nhưng rồi ngay sự kiện ra mắt, anh lại làm mất lòng nhà tài trợ chính của đội là Adidas, khi mặc áo có in logo Nike!

Munich sau đó phải lập tức xin lỗi nhà tài trợ và cam kết không để sự cố kiểu đó tái diễn. Nhưng chỉ một tuần sau, Gotze lại thách thức cả hai bên khi tham gia sự kiện của đội nhà với chiếc áo Adidas nhưng chân đi giày Nike. Lần này chẳng thể biện bạch gì được nữa, Gotze rõ ràng đã xem trọng hợp đồng tài trợ cá nhân hơn đội bóng, và anh phải nhận án phạt nội bộ từ ban lãnh đạo "Hùm xám".

Có hàng tá những câu chuyện na ná như vậy trong làng thể thao đỉnh cao. "Độc quyền" là một khái niệm quan trọng trong những cam kết về tài trợ. Các ngôi sao thể thao - với đội ngũ tư vấn hùng hậu bên cạnh - chắc chắn hiểu rõ vấn đề này. Thế nhưng vẫn có vô vàn cách lách luật vì yếu tố khoảnh khắc của thể thao.

Điển hình như ở giải đua xe Nascar Pepsi 400 ở Mỹ, do hãng đồ uống Pepsi tài trợ chính, tay đua Jamie McMurray sau khi giành chiến thắng đã đi thẳng lên bục trao thưởng và nốc một chai… Coca-Cola. Hành động này khiến tất cả phải ngỡ ngàng và hiển nhiên làm nhà tài trợ chính tức điên. Một năm sau, giải đấu danh giá này đổi tên thành… Coke Zero 400 (Coke Zero là loại sản phẩm không đường của Coca-Cola)!

Một trường hợp khác nữa xảy ra vào năm 2007 cũng ở Mỹ, VĐV bóng bầu dục Brian Urlacher đã nhìn thẳng camera truyền hình khi đội trên đầu chiếc mũ của hãng đồ uống Vitaminwater. Đây là đối thủ của Gatorade - hãng đồ uống tài trợ chính thức cho sự kiện bóng bầu dục lớn nhất nước Mỹ Super Bowl. Urlacher nhận án phạt cực nặng, lên đến 100.000 USD, vì hành vi đó, nhưng anh chẳng lo vì chính Vitaminwater sẽ đứng ra trả tiền phạt.

Với những ngôi sao đỉnh cao, thật khó có chuyện họ vi phạm hợp đồng tài trợ độc quyền chỉ vì sơ suất. Như đã nói ở trên, chỉ thông qua một hành động ăn mừng, McMurray đã thay đổi nhà tài trợ của cả giải đấu, còn Urlacher được nhà tài trợ cá nhân đứng ra "bảo lãnh". Đằng sau những hành động kiểu đó thường luôn là cả một chiến dịch quảng cáo và đã trở thành chuyện muôn thuở ở các nền thể thao lớn được thương mại hóa sâu rộng.

Độc quyền liệu có sai?

Trong những trường hợp kể trên, khi VĐV vi phạm quy định độc quyền của nhà tài trợ, người ta dễ dàng nhận thấy phần sai thuộc về họ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các hợp đồng tài trợ độc quyền có luôn hợp lý?

Hơn 10 năm trước, Liên đoàn Cầu lông Hà Lan (NBB) từng trải qua một vụ kiện tụng phức tạp. Khi đo, NBB ký hợp đồng với hãng dụng cụ thể thao Yonex, và theo hợp đồng, NBB cấm các tay vợt tuyển quốc gia sử dụng bất kỳ thương hiệu trang phục, dụng cụ nào khác ngoài Yonex khi thi đấu các giải quốc tế. Dunlop - hãng đối thủ của Yonex trong môn cầu lông - đã khởi kiện vì cho rằng hợp đồng này vi phạm luật cạnh tranh.

Sau thời gian dài kiện tụng, tòa án quận Utretch (Hà Lan) kết luận hợp đồng NBB - Yonex không sai phạm. Tòa cho rằng lý lẽ của Dunlop không hợp lý, bởi họ không đưa ra được dẫn chứng cụ thể cho thấy khả năng cạnh tranh bị sụt giảm. Ngoài ra, hợp đồng NBB - Yonex cũng chỉ hiệu lực ở các trận đấu quốc tế, nên Dunlop vẫn còn nhiều cơ hội để cạnh tranh như trong khuôn khổ các giải đấu quốc nội.

Theo hãng luật Telfa, dù Dunlop bị xử thua trong vụ kiện, tranh cãi về độc quyền trong tài trợ thể thao sẽ không bao giờ dứt. "Nếu không có yếu tố độc quyền thì sẽ chẳng có nhà tài trợ. Nhưng những hợp đồng tài trợ độc quyền cũng sẽ phạm luật trong một số trường hợp. Chẳng hạn như thời hạn hợp đồng quá dài hoặc phạm vi quá rộng", luật sư Sjaak van der Heul của Telfa nói.

Trong xu hướng thương mại hóa toàn diện của thể thao đỉnh cao, quyền lợi của nhà tài trợ thường chồng chéo và xung đột. Nhưng những mâu thuẫn ở cấp độ CLB, liên đoàn, hiệp hội hay giải đấu thường được giải quyết êm đẹp ngay từ đầu. Như lời luật sư Van der Heul, không thể có chuyện toàn bộ giải đấu bị khuynh loát bởi chỉ một bản hợp đồng độc quyền. Một ví dụ là Barclays, nhà tài trợ chính của Premier League suốt giai đoạn 2007 - 2016, đã không thể ngăn cản những đối thủ lớn khác trong ngành ngân hàng tham gia tài trợ cho các CLB của giải như Standard Chartered của Liverpool.

Esteve Calzada, cựu giám đốc thương mại của Barcelona và Manchester City, cho biết hợp đồng tái ký giữa Barclays và Premier League năm 2012 có điều khoản về việc không cho phép các ngân hàng khác tham gia tài trợ cho CLB. Dù vậy, họ vẫn phải chừa ra ngoại lệ khi có một ngân hàng trở thành nhà tài trợ chính thức của đội bóng (như trường hợp Liverpool - Standard Chartered), và điều này còn tùy thuộc vào quy mô hợp đồng. Theo Calzada, ban tổ chức giải đấu cũng ý thức rằng những hợp đồng độc quyền sẽ ngăn cản khả năng kiếm tài trợ của các đội bóng. ■

"Đụng" nhau là chuyện thường

Như đã nói ở trên, dù muốn, các nhà tài trợ chính của những giải đấu hàng đầu thế giới không thể tạo ra tình trạng độc quyền hoàn toàn. Có thể kể ra những trường hợp như Bia Saigon (thuộc Tập đoàn Thai Beverage của Thái Lan) là nhà tài trợ tay áo cho Leicester, trong khi Budweiser lại là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Premier League. Hay tập đoàn tài chính Barclays không thể ngăn những hãng tài chính khác như Whale Fin (tay áo của Chelsea), American Express (áo đấu của Brighton), Astro Pay (áo đấu của Wolverhampton) tham gia cuộc chơi. Tương tự, Tập đoàn Santander của La Liga đành chấp nhận chung sống với hàng loạt đối thủ mạnh trong lĩnh vực tài chính khi bước vào thế giới bóng đá, như Kutxabank (áo đấu của Bilbao), Whale Fin (áo đấu của Atletico), AIX (tay áo của Celta Vigo)… Gần gũi hơn là Giải vô địch Thái Lan, có tên là Toyota Thai League, còn Mazda lại là nhà tài trợ chính thức cho CLB Nakhon Ratchasima.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận