TTCT - Một kỹ thuật mới triệt sản muỗi đực bằng bức xạ sẽ sớm được thử nghiệm trên quy mô lớn trong năm 2020, trong một nỗ lực y tế toàn cầu kiểm soát các bệnh lây truyền qua muỗi Aedes như sốt chikungunya, sốt xuất huyết và Zika. Một cặp muỗi vằn Aedes albopictus đang giao phối, đây là chủng muỗi gây truyền nhiễm các bệnh sốt xuất huyết, Zika và sốt vàng. Con muỗi cái lớn hơn muỗi đực nhiều. Ảnh: Wikimedia Commons Các bệnh do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết (SXH), Zika, sốt chikungunya và sốt vàng chiếm khoảng 17% tổng số bệnh lây nhiễm toàn cầu, cướp đi hơn 700.000 sinh mạng mỗi năm và khiến hàng triệu người lao đao vì bệnh tật. Vật chủ trung gian truyền bệnh, tác nhân chính gây ra các đại dịch này, là muỗi Aedes, gồm hai loài Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là vector chủ yếu gây bệnh. Nửa thế giới “sợ” sốt xuất huyết Kiểm soát “dân số” muỗi hiện là biện pháp được kỳ vọng nhất nhằm giảm nguy cơ và quy mô ảnh hưởng của các bệnh lây truyền. Cho tới nay, sử dụng thuốc diệt côn trùng vẫn là phương pháp chính. Tuy nhiên, do xu hướng kháng thuốc của côn trùng ngày càng tăng cũng như tác động tồn dư tiêu cực tới môi trường của những thuốc này, thế giới ngày càng sốt ruột tìm kiếm những giải pháp an toàn, bền vững hơn. Bác sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhận định: “Một nửa dân số thế giới đang có nguy cơ bị SXH. Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chúng ta, các sáng kiến hiện nay nhằm kiểm soát bệnh vẫn chưa hiệu quả. Chúng ta vẫn đang rất cần những cách tiếp cận mới và sáng kiến này (tức Sterile Insect Technique - SIT) vừa hứa hẹn vừa hứng thú”. Kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) là một dạng thức kiểm soát sinh sản của côn trùng. Với muỗi, quá trình thực hiện bao gồm việc nuôi một số lượng lớn muỗi đực đã triệt sản trong các cơ sở thí nghiệm chuyên dụng, sau đó thả chúng ra và để chúng giao phối với muỗi cái trong tự nhiên. Vì chúng không thể tạo ra các thế hệ muỗi tiếp theo, số lượng côn trùng sẽ giảm dần theo thời gian. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang hợp tác với Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), trong tương lai sẽ hợp tác với Chương trình đặc biệt chuyên nghiên cứu và đào tạo về các bệnh nhiệt đới (TDR) và WHO tìm cách cải tiến SIT ứng dụng với loài muỗi Anopheles để ngăn chặn bệnh sốt rét. Trong năm 2020, IAEA và các đối tác sẽ tập trung cho những chương trình thử nghiệm quy mô lớn ứng dụng SIT vào kiểm soát các loài muỗi Aedes chuyên gây bệnh SXH. Drone đã được sử dụng để phát tán muỗi đực đã triệt sản trong các thử nghiệm và cho thấy những hiệu quả trên thực tế ở Brazil - Ảnh: FRUIT GROWNERS NEWS An toàn, thân thiện môi trường SIT do Bộ Nông nghiệp Mỹ phát triển đầu tiên vào cuối thập niên 1950, được ứng dụng thành công tại nhiều nước trong việc diệt trừ các loài côn trùng gây hại cho mùa màng và vật nuôi như ruồi đục quả Địa Trung Hải (Mediterranean fruit fly), ruồi giun đinh vít (New World screwworm fly), ruồi ngủ xê xê (Tsetse fly). Kỹ thuật này hiện được sử dụng trên toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở cả 6 châu lục. SIT không liên quan tới kỹ thuật chỉnh sửa gen được ứng dụng để ngăn chặn các bệnh lây truyền qua muỗi như SXH, sốt rét đã và đang được thử nghiệm tại một số nước. Theo quan sát của các chuyên gia IAEA sau nhiều thập kỷ ứng dụng SIT trên các loại côn trùng, họ không phát hiện trường hợp đột biến gen nào xảy ra ở những côn trùng đã bị triệt sản bằng phương pháp này. Bà Florence Fouque, nhà khoa học thuộc TDR, cho biết: “Các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh SXH và Zika rất quan tâm tới việc thử nghiệm công nghệ này, vì có thể hạn chế số muỗi sinh sôi mà không phải dùng tới thuốc diệt côn trùng vốn gây hại cho môi trường”. Trong khi đó, ông Jérémy Bouyer, nhà côn trùng học thuộc ban kỹ thuật hạt nhân hợp tác của FAO/IAEA, khẳng định: “Việc sử dụng SIT ở lĩnh vực nông nghiệp trong 60 năm qua đã chứng minh đó là phương pháp an toàn và hiệu quả”. IAEA đã phối hợp với FAO cải tiến, nâng cấp SIT để biến nó thành giải pháp thân thiện môi trường nhằm chống lại các bệnh do muỗi truyền. Hai đơn vị này đã thử nghiệm SIT trên quy mô nhỏ ở nhiều nước, trong đó có Brazil, Cuba, Ý, Mauritius, Mexico và Đức. Các thử nghiệm quy mô lớn hơn đã được lên kế hoạch triển khai trong năm 2020, thuộc các hoạt động hợp tác về nghiên cứu và kỹ thuật của IAEA. Tài liệu cung cấp trên trang web của WHO cũng giải đáp thắc mắc: SIT có nguy hiểm không, có ảnh hưởng gì tới con người cũng như các loài vật khác? WHO khẳng định những loài côn trùng đã qua xử lý bức xạ không trở thành những vật phát xạ, bởi lượng phóng xạ được đưa vào muỗi đực chỉ vừa đủ để chúng bị triệt sản. Việc thả số muỗi đực đã triệt sản này vào môi trường cũng không gây nguy cơ cho sức khỏe con người cũng như môi trường sống. Còn lý do vì sao chỉ thả muỗi đực mà không thả muỗi cái là bởi chỉ muỗi cái mới đốt và hút máu, vì thế mới tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Muỗi đực triệt sản không đốt và cũng không lây bệnh, “nhiệm vụ” của nó chỉ là giúp kiểm soát và giảm dần “dân số” muỗi một cách tự nhiên vì không còn khả năng sinh sản. Lần đầu tiên ứng dụng quy mô lớn Trong các thử nghiệm đã và đang diễn ra, muỗi đực triệt sản thường được thả ngay trên mặt đất, tại khu vực mong muốn. Tuy nhiên, những kết quả thu được gần đây tại Brazil cho thấy hiệu quả hứa hẹn hơn khi sử dụng hệ thống thả muỗi bằng máy bay không người lái (drone), do IAEA phát triển trên cơ sở hợp tác với FAO và các tổ chức khác. Trước vấn đề một số chuyên gia sinh thái học đặt ra như việc giảm số lượng muỗi bằng SIT liệu có gây hại gì cho những loài như dơi, chim chuyên ăn muỗi, WHO cũng đã nêu ra những luận cứ xác đáng chứng tỏ phương pháp này không tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái. Thực tế hiện có hơn 3.500 loài muỗi có thể là nguồn cung thức ăn dồi dào cho các loài vật và các loài côn trùng lớn hơn. Như thế, việc giảm bớt một loài (cụ thể là muỗi Aedes chuyên gây bệnh SXH, Zika, chikungunya cho người) sẽ không ảnh hưởng tới môi trường cũng như chuỗi thức ăn của các loài khác. Ngoài ra, việc thả một lượng lớn muỗi đực đã triệt sản cũng sẽ được triển khai chỉ tại một số khu vực mục tiêu có người dân sinh sống nhằm kiểm soát bệnh tật. Theo WHO, SIT đã được sử dụng trong gần 70 năm qua và được đánh giá là một công nghệ thân thiện môi trường, vì chỉ nhắm vào một loài côn trùng và giúp giảm bớt nhu cầu sử dụng các phương pháp kiểm soát côn trùng gây hại như phun thuốc diệt muỗi, thuốc trừ sâu.■ Muỗi Aedes gây khổ cho nhân loại như thế nào? Số liệu mới nhất WHO công bố trên trang web của tổ chức này, cập nhật tới năm 2016 cho thấy muỗi đã gây ra 3,34 triệu ca SXH tại 128 quốc gia. Theo WHO, mặc dù chưa có số liệu thống kê năm 2019, nhưng các dữ liệu tới nay cho thấy dịch SXH năm nay cũng tương đương hoặc nghiêm trọng hơn so với năm 2016. Năm 2015, loài muỗi còn gây ra 1,2 triệu ca sốt chikungunya và giai đoạn 2015-2016 là 1,5 triệu ca nhiễm Zika. (Nguồn: WHO, CDC, ECDC) Trung Quốc gần như xóa sổ muỗi vằn trên 2 hòn đảo bằng SIT cải tiến Các nhà nghiên cứu đã kết hợp kỹ thuật triệt sản cho muỗi và sử dụng một loại vi khuẩn để tăng cường hiệu quả kiểm soát lượng muỗi Aedes albopictus, giúp giảm tới 94% số muỗi này trên hai hòn đảo thuộc thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Theo kết quả nghiên cứu được trình bày trên tạp chí Nature ngày 17-7, đây là thử nghiệm trên thực tế lần đầu tiên phương pháp kết hợp hai kỹ thuật kiểm soát muỗi hứa hẹn khác. Theo đó, họ kết hợp phương pháp triệt sản cho muỗi, nhưng là với muỗi cái, và cấy vi khuẩn Wolbachia pipientis vào muỗi đực. Đây là loại vi khuẩn giúp ngăn chặn khả năng sinh sản của côn trùng và có sẵn tự nhiên trong nhiều loại côn trùng, trong đó có muỗi Aedes albopictus. Loài muỗi Aedes albopictus trong tự nhiên thường nhiễm sẵn 2 chủng vi khuẩn Wolbachia. Khi muỗi đực nhiễm một kết hợp cụ thể của các chủng vi khuẩn Wolbachia pipientis giao phối với muỗi cái nhiễm một kết hợp chủng vi khuẩn Wolbachia khác, muỗi cái không thể sinh sản. Theo ông Peter Armbruster - chuyên gia sinh thái học về muỗi tại ĐH Georgetown ở Washington DC, đây là một trong những thử nghiệm diệt muỗi thành công nhất tới nay. Chỉnh sửa gen để triệt sản muỗi sốt rét Tháng 9 năm ngoái, theo Fox News, các nhà khoa học thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Biotechnology cho biết đã chỉnh sửa gen thành công, giúp ngăn chặn khả năng sinh sôi của muỗi Anopheles gambiae chuyên truyền bệnh sốt rét ở châu Phi. Trước đó, hồi đầu năm, các nhà khoa học thuộc ĐH Johns Hopkins cũng đã triển khai nghiên cứu chỉnh sửa gen để tạo ra những con muỗi kháng lại bệnh sốt rét. Tags: Sốt xuất huyếtZikaMuỗi đựcTriệt sản muỗiMuỗi Aedes
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Xe Phương Trang tông vào đuôi xe Hồng Sơn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 2 người chết tại chỗ ĐỨC TRONG 19/09/2024 Vụ tai nạn nghiệm trong giữa 2 xe giường nằm hãng Phương Trang và Hồng Sơn vừa xảy ra khoảng 0h ngày 19-9 tại Km191+500 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Tập đoàn của ông Donald Trump đề xuất đầu tư sân golf, tổ hợp vui chơi, giải trí tại Hưng Yên BẢO NGỌC 18/09/2024 Tập đoàn The Trump Organization thuộc sở hữu của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bày tỏ mong muốn được đầu tư khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí tại Hưng Yên.
Diễn biến áp thấp nhiệt đới rất phức tạp, có thể thay đổi cấp độ, hướng di chuyển NGỌC AN 18/09/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 98 ngày 18-9 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Thiết bị liên lạc của Hezbollah lại phát nổ, 9 người chết, hơn 300 người bị thương THANH HIỀN 18/09/2024 Các thiết bị liên lạc do nhóm Hezbollah đóng tại Lebanon sử dụng lại phát nổ vào chiều muộn 18-9, lần này là bộ đàm. Vụ nổ mới nhất khiến 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.