TTCT - Cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, được cho là bị tình báo Israel ám sát ngay giữa thủ đô Iran hôm 31-7, làm dấy lên những đe dọa trả thù. Vấn đề đặt ra là liệu các bên sẽ tự kiềm chế được đến bao lâu. Ảnh: Telegraph Trong lúc này giữa Israel và Iran vẫn là những đe dọa chiến tranh. Các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi các bên "bớt giận", đồng thời "sẵn sàng ứng phó", nhất là Hoa Kỳ. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ ba 7-7 cũng lên tiếng can ngăn đồng minh Iran. Phía Iran, sau những giận dữ ban đầu, qua đầu tuần này tỏ ra mềm mỏng hơn. Phía Israel cũng thế, tuy vẫn hung hăng như thường thấy, song đã thôi không kích.Bùng nổ từ thực địa tới phòng họpTrước vụ ám sát một ngày, Iran vẫn đang hân hoan với lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Hơn 100 đại biểu nước ngoài đến dự, trang X của Thông tấn xã FARS (Iran) đưa tin. Vậy mà hôm sau 31-7, FARS đột ngột loan tin: "Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) xác nhận Haniyeh và một vệ sĩ đã thiệt mạng khi nơi ở của họ bị tấn công tại thủ đô Iran".Điều gì đã xảy ra? Số là hôm 27-7, một quả tên lửa đã "rơi" trúng một sân bóng đá ở Majdal Shams thuộc cao nguyên Golan của Syria do Israel chiếm đóng, khiến 12 trẻ em và thanh niên Syria thuộc cộng đồng người Druze thiệt mạng, ít nhất 42 trẻ em khác hầu hết ở độ tuổi từ 10 - 16 bị thương. (Người Druze ở Israel là nhóm thiểu số dân tộc - tôn giáo trong nhóm người Ả Rập. Cộng đồng này còn sống ở Syria, Lebanon và Jordan).Theo phía Israel, phe Hezbollah tấn công bằng tên lửa Falaq-1 do Iran sản xuất, được trang bị đầu đạn nặng 53kg, nên gây thương vong lớn. Hezbollah thì nói họ đã nhắm vào một căn cứ quân sự gần đó, còn sân bóng đá trúng đạn phòng không từ hệ thống Vòm sắt của Israel. Các nguồn tin phương Tây đã bác bỏ tuyên bố này, trích dẫn ý kiến của các chuyên gia rằng tên lửa đã được Hezbollah hoặc một nhóm "kháng chiến" khác ở Lebanon bắn (Al Jazeera 28-7 đưa chi tiết).Trong phiên họp ngày 31-7 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đại diện Israel tố cáo: "Tehran đã sử dụng các lực lượng ủy nhiệm - Hamas và Hezbollah - để nhắm vào Israel và thường dân từ mọi hướng. Chỉ tuần trước, trẻ em vô tư chơi bóng đá ở thị trấn Majdal Shams của người Druze thì một quả tên lửa do Hezbollah cung cấp đã giết chết 12 em", trích biên bản phiên họp.Đại diện của Hoa Kỳ và Anh cùng lập luận với Israel. Người phát ngôn của Hoa Kỳ nhắc lại quyền tự vệ của Israel trước cuộc tấn công của "những kẻ khủng bố": "Đó chính xác là những gì họ đã làm vào ngày 30-7 khi họ phản ứng độc lập với cuộc tấn công ngày 28-7 của Hezbollah khiến 12 trẻ em thiệt mạng". "Độc lập" ở đây có nghĩa là không liên quan tới Hoa Kỳ: Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington không dính dấp đến cái chết của thủ lĩnh Hamas. Nhân dịp này, đại diện Hoa Kỳ tố cáo: "Hezbollah không phải là nhóm duy nhất được Iran hậu thuẫn lợi dụng tình hình Gaza để phá hoại hòa bình và an ninh khu vực. Phe Houthi đang trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ".Tất nhiên, bên kia chiến tuyến cũng nổi lên những tố cáo ngược chiều. Đại diện Nga, chủ tịch luân phiên tháng 7 của HĐBA, răn đe: "Những ai đứng sau vụ ám sát chính trị này phải biết hậu quả có thể nguy hiểm như thế nào đối với toàn bộ khu vực". Ông cảnh cáo đây là "đòn nghiêm trọng giáng vào cuộc đàm phán hòa giải giữa Hamas và Israel hướng tới lệnh ngừng bắn ở Gaza". Ông cũng nói về nỗ lực kéo Iran vào một cuộc đối đầu khu vực, điều sẽ làm mất ổn định một khu vực vốn đã sôi sục. Cuối cùng ông nhấn mạnh "chìa khóa để giảm leo thang là chấm dứt đổ máu ở Gaza".Đại diện của Iran cho rằng ngoài mục tiêu khủng bố, Israel cũng theo đuổi mục tiêu chính trị là phá hoại ngày đầu tiên của chính quyền mới ở Iran. Từ đó, ông "hệ thống hóa" vấn đề: "Tội ác này không phải đơn lẻ mà thuộc về mô hình xâm lược rộng hơn với các quốc gia trong khu vực. Vài giờ trước tội ác tàn bạo này, chế độ Israel đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố hèn nhát ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự".Đại diện Iran, với vị thế "người trong cuộc", không dừng lại ở chỉ trích Israel: "Hoa Kỳ có trách nhiệm, với tư cách đồng minh chiến lược của Israel. Hành động này không thể xảy ra nếu không có sự cho phép và hỗ trợ của Hoa Kỳ". Đại diện Iran còn cáo buộc cả HĐBA: "Bất chấp sự mất mát bi thảm về sinh mạng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc ở Gaza, Hội đồng đã không có bất kỳ hành động nào, từ đó dung dưỡng chế độ vô cảm này thực hiện các cuộc tấn công vào các quốc gia khác trong khu vực".Ông cũng khẳng định Iran "bảo lưu quyền tự vệ theo luật pháp quốc tế, để phản ứng quyết liệt với hành động khủng bố và tội phạm này khi thấy cần thiết và phù hợp".Ảnh: Tehran TimesVòng xoáy trả thùCũng trong ngày 31-7 từ Tehran, trong một thông điệp trên X, tân Tổng thống Pezeshkian gọi cố thủ lĩnh Hamas Haniyeh là "người bạn đồng hành trung thành và tự hào của con đường kháng chiến, nhà lãnh đạo dũng cảm của phong trào kháng chiến Palestine và người tử đạo của al-Quds [tên của thánh địa Jerusalem trong tiếng Ả Rập]".Có thể thấy tân tổng thống Iran, vừa nhậm chức hôm 30-7, tức mới được một ngày, cũng đã rơi vào vòng xoáy trả thù mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quen từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 1996. Đây là cả một đề tài nghiêm túc từng được nghiên cứu. Gần đây nhất, công bố trong năm nay, là "Netanyahu đằng sau sự giận dữ và trả thù: một phân tích tính tình" của giáo sư M. Murat Yesil, Đại học Istanbul Ticaret.Tác giả giải mã tâm lý ông Netanyahu: "Tính cách của Netanyahu rất phức tạp, được hình thành từ những đặc điểm quan trọng định hình phong cách lãnh đạo của ông. Ông được biết đến với bản tính mạnh mẽ và có xu hướng cứng rắn trong các cuộc xung đột". "Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng sự quyết đoán này đôi khi gần giống với sự kiêu ngạo, dẫn đến các mối quan hệ căng thẳng trong nước và quốc tế. Ông cũng bị cáo buộc là người ham quyền lực, điều này đã được thảo luận rộng rãi trong các giới chính trị".Một nghiên cứu khác, của Jessica Stern và Bessel van der Kolk, công bố hôm 10-1 năm nay xoáy vào "Góc nhìn: Xung đột Israel - Palestine và tâm lý chấn thương". Các tác giả cho rằng mọi thủ phạm khủng bố đều tự coi mình là nạn nhân. Không chỉ những kẻ khủng bố cá nhân, mà cả các nhóm khủng bố và quốc gia, thường "cạnh tranh" với nhau và với kẻ thù về việc ai là nạn nhân nhiều hơn. Thành ra, khủng bố còn là chiến tranh tâm lý, đòi hỏi phản ứng có hiểu biết về mặt tâm lý.Các tác giả nhìn lại những vụ khủng bố ở Trung Đông và rút ra kết luận: "Mặc dù những kẻ khủng bố hiếm khi đạt được mục tiêu chính trị, chúng thường thành công ở một mục tiêu khác: buộc kẻ thù phải phản ứng thái quá". "Những kẻ khủng bố cố gắng kích động một phản ứng không cân xứng, hy vọng giành được sự đồng cảm và cực đoan hóa một thế hệ thanh thiếu niên mới". Tuần hành tưởng niệm ông Haniyeh ở Iran. Ảnh: NY TimesCác tác giả dẫn chứng Hamas: vụ tấn công Israel ngày 7-10-2023 đã khơi dậy nơi nhiều người Israel ký ức về sang chấn tinh thần từ các cuộc tàn sát người Do Thái trong lịch sử, từ đó dẫn tới các cuộc không kích trả đũa bừa bãi của Israel ở Gaza, giết chết hàng nghìn người và khiến hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa.Tiếp đến, cuộc tấn công và vây hãm của Israel làm sống lại nơi người Palestine ký ức về Nakba (tiếng Ả Rập có nghĩa là "thảm họa"), cuộc cưỡng ép di dời thảm khốc và đẫm máu với người Palestine trong quá trình thành lập nhà nước Israel vào năm 1948. Các tác giả kết luận: Cả người Israel và người Palestine đang kẹt trong vòng xoáy hận thù: trong đau thương của cái chết và nỗi tuyệt vọng, mỗi bên tự coi mình là nạn nhân, cảm thấy giận dữ là chính đáng và mong muốn trả thù cũng như tranh giành sự cảm thông của thế giới.Các tác giả do đó khuyến nghị "cần những nhà lãnh đạo có thể tiếp cận các cộng đồng chia rẽ và mang lại hy vọng trong thời điểm dường như vô vọng để vượt qua động lực trả thù của con người. Họ phải hiểu rằng di sản chấn thương khiến người Do Thái ở Israel và người Palestine dễ bị bạo lực phản ứng, dẫn đến một chu kỳ đổ máu dường như vô tận". ■ Các nhà chấn thương học đều biết rõ rằng "người bị tổn thương sẽ làm tổn thương người khác". Nhận xét này, theo hai tác giả Jessica Stern và Bessel van der Kolk, cũng đúng với những kẻ khủng bố. Trong trạng thái lo lắng sinh tồn, họ có xu hướng hạ thấp nhân tính của người khác. Ví dụ, phe Hamas gọi người Israel là "kẻ ngoại đạo", trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant gọi các thành viên Hamas là "động vật người", và cả hai bên đều gọi bên kia là "quân phát xít". Ngôn ngữ hạ thấp nhân tính như vậy giúp dễ dàng vượt qua ức chế khi phạm tội tàn bạo. Tags: Trung ĐôngNhà lãnh đạoTổng thống Nga Vladimir PutinHồi giáo HamasIsrael
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm ngã đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Quảng Ninh: 3 người chết, 6 người mất tích do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Đến 16h chiều 7-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu mất tích.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.