TTCT - Với nhiều người, thế giới mạng là ảo, nơi họ có thể có một hay nhiều nhân dạng khác nhau, giúp họ dễ dàng "vẫy vùng" qua những danh tính khác với bản ngã đời thực. Nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời cũng xảy ra từ đây. Hệ thống căn cước số sẽ giúp xác thực tất cả mọi người trên mạng không khác gì căn cước giấy. Ảnh: X.com Thế giới mạng có thể ảo, nhưng con người là thật, và họ phải chịu trách nhiệm cho hành vi trên mạng. Trung Quốc từ lâu đã áp dụng hệ thống đăng ký tên thật cho điện thoại di động và dịch vụ Internet. Ngay từ năm 2010, số điện thoại di động được yêu cầu liên kết với danh tính thực của người dùng, mà ở Việt Nam ta hay gọi là số chính chủ. Năm 2017, điều này mở rộng áp dụng cho tất cả dịch vụ Internet khi Luật An ninh mạng Trung Quốc ra đời. Với dịch vụ trực tuyến cho phép người sử dụng Internet đăng thông tin ra công chúng, như mạng xã hội Weibo, người dùng phải gửi "thông tin nhận dạng thực", thường là số điện thoại được liên kết với căn cước công dân.Chuyển sang tay nhà nướcNhưng điều này chưa đủ khi chính quyền chưa thật sự quản lý những thông tin này. Vì vậy, một hệ thống căn cước số tập trung mới có thể cung cấp cho chính quyền cái nhìn trực tiếp và đầy đủ hơn về cuộc sống trực tuyến của người dân. Cuối tháng 7 vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất xây dựng hệ thống ID Internet mới yêu cầu các cá nhân phải có "căn cước không gian mạng" và "chứng nhận không gian mạng" qua ứng dụng "Xác thực danh tính mạng quốc gia" (NNIA). Đề xuất này đã được công bố để lấy ý kiến công chúng đến ngày 25-8, và nhiều khả năng sẽ sớm được triển khai.Giống như thẻ căn cước với mã số định danh riêng biệt cấp cho mỗi công dân dùng vào đủ loại hoạt động trong đời sống thực, căn cước số sẽ được cấp cho từng cá nhân khi tham gia hoạt động trên mạng. Dự thảo về hệ thống mới tin rằng nó sẽ "giảm thiểu việc thu thập và lưu giữ quá mức thông tin cá nhân của công dân trên các nền tảng Internet dưới lý do thực hiện đăng ký tên thật". Ngoài ra, khác với căn cước công dân ngoài đời thực, căn cước số là tự nguyện.Để có được căn cước số, người dùng cần tải lên NNIA thẻ căn cước, quét sinh trắc học khuôn mặt và liên kết số điện thoại của họ. Tất cả thông tin sau đó được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của chính phủ. Căn cước số được chính phủ cấp sẽ được dùng để xác thực trên các nền tảng Internet. Mỗi người chỉ cần một căn cước này là đủ. Theo đề xuất, các nền tảng Internet không nên yêu cầu thông tin cá nhân khác nữa sau khi người dùng đã được xác thực qua NNIA.Điều đó có nghĩa cư dân mạng ở Trung Quốc trong tương lai nhiều khả năng không thể đăng bình luận trên Weibo, mua đồ trên Taobao, hay đặt xe qua Didi mà không sử dụng căn cước số quốc gia để đăng ký với các nền tảng đó.Chính phủ Trung Quốc, ở đây vai trò chính là Bộ Công an và Cục Quản lý không gian mạng, lập luận rằng một số nền tảng Internet lạm dụng hệ thống đăng ký tên thật hiện tại để ép người dùng thường xuyên khai thông tin cá nhân, dẫn tới các hệ thống này nắm quá nhiều thông tin cá nhân của người dùng, gây ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư và thu lợi bất chính.Ảnh: BloombergNhà nước sẽ đáng tin cậy hơn?Lấy ví dụ, Tencent, gã khổng lồ kỹ thuật số, thu thập dữ liệu về người nhắn tin, chơi game, đầu tư và gọi xe thông qua nhiều nền tảng của họ. ByteDance thì thu thập dữ liệu người cài ứng dụng Douyin (TikTok). Các công ty công nghệ tư nhân khác có được cơ sở dữ liệu lớn của người dùng cũng đã bị giám sát chặt chẽ hơn những năm gần đây. Năm 2021, Cơ quan Giám sát Internet Trung Quốc chỉ trích các công ty Internet đã thu thập dữ liệu quá mức và nêu tên 105 ứng dụng vi phạm, bao gồm Douyin và LinkedIn.Đề xuất căn cước số, do đó, là cơ hội để họ chứng minh sự tuân thủ với nhà nước. Ngày 1-8, tờ South China Morning Post cho biết hơn 50 ứng dụng phổ biến, gồm những ứng dụng do Tencent, Alibaba và ByteDance điều hành, như mạng xã hội WeChat, trang thương mại điện tử Taobao và trang tuyển dụng Zhaopin đều đã thử nghiệm beta hệ thống xác thực căn cước số.Chính phủ tuyên bố mục đích tối hậu của chương trình là giảm thiểu "việc thu thập quá mức" và lưu giữ dữ liệu cá nhân của các tổ chức thương mại, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư hơn cho thông tin cá nhân nhạy cảm. Triệu Bằng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quy định và luật Internet tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc, nói căn cước số sẽ là một cách khác để xác minh danh tính trên Internet. Còn giáo sư luật Thẩm Khuy của Đại học Bắc Kinh tin rằng hệ thống mới có thể bảo mật dữ liệu cá nhân tốt hơn.Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng nghĩ như vậy. Các ý kiến phản biện cho rằng nó chưa chắc an toàn hơn. Ngoài ra, hệ thống mới có thể gia tăng sự kiểm soát của chính phủ với Internet. Triệu Hồng, giáo sư Trường Luật Đại học Bắc Kinh, bình luận: "Giả định ngầm là thông tin do các cơ quan nhà nước thu thập sẽ an toàn và đáng tin cậy hơn so với các nền tảng Internet khác. Nhưng điều này không nhất thiết đúng". Lo ngại của giáo sư Triệu không phải là không có cơ sở. Năm 2022, một hacker tuyên bố đã lấy được thông tin về 1 tỉ công dân Trung Quốc từ cơ sở dữ liệu của cảnh sát Thượng Hải.Một mối lo khác là chính phủ sẽ bắt buộc áp dụng hệ thống mới. Giáo sư Thẩm Khuy cho biết dù dự thảo hiện nói chỉ khuyến khích, trên thực tế hệ thống có thể biến thành bắt buộc. Giáo sư Thẩm cũng dẫn trường hợp ứng dụng chống lừa đảo mà Bộ Công an Trung Quốc giới thiệu vào năm 2021. Mặc dù chính thức thì cài ứng dụng này là tự nguyện, nhiều người cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tải xuống. ■ Lao Đông Yến, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, viết trong bài đăng trên Weibo: "Mục đích thực sự là điều chỉnh hành vi của mọi người trên mạng. Yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân chỉ là bề ngoài, ít nhất không phải là mục tiêu chính". Đồng quan điểm với bà Lao, tiến sĩ Lư Khiêu Lộ Vy tại Trường Báo chí Đại học Baptist Hong Kong, nói "với ID Internet, mọi hoạt động trực tuyến và dấu vết số của người dùng sẽ được các cơ quan quản lý giám sát. Điều đó chắc chắn sẽ tác động đến hành vi của mọi người". Điều này dấy lên lo ngại căn cước số quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng giám sát toàn diện, trong đó cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi mọi chi tiết về thông tin cuộc sống trực tuyến của một người.Giáo sư Lao cũng cho rằng cái thiếu vắng chính là luật pháp để đảm bảo các cơ quan nhà nước không lạm dụng năng lực kiểm soát được người dân trên mạng, khi các công ty tư nhân thu thập thông tin người dùng Internet khó khăn hơn nhưng nhà nước lại làm chuyện đó dễ dàng hơn. Tags: Trung quốcTrực tuyếnCăn cước công dânChính phủ Trung QuốcThẻ căn cước
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".