TTCT - Thầy Ngộ ngồi im nghe phán xử. Miệng thầy dường nhăn nhở nụ cười thường trực, nhưng nhìn kỹ lại giống như đang... sắp khóc! Thầy từ từ đảo mắt lại qua, đôi mắt to bụp nhìn lần lượt các đồng nghiệp từ nữ đến nam với ánh nhìn cầu cứu. Chắc thầy đang hi vọng sẽ có ai đó đứng dậy, nói lời thanh minh cho thầy như thường lệ. Không, không ai hết. Tất cả ngồi im như tượng, mặt cúi gằm... Minh họa: Yến Yến Thầy Ngộ về xã S nhận công tác từ khi trường tiểu học còn y hệt cái chòi. To con nhưng tướng mạo không giống ai, trán dồ mặt gãy, hai mắt vừa bụp vừa to, tròng đen bạc phếch, má thõng phinh phính, đôi môi dày vểnh. Chưa hết, thầy còn nói đớt, giọng chuông rè. Giỏi thầy kêu giổ, thường thành hường hay a lô thành a zô. Không sao, nghe lâu quen, không chỉ đồng nghiệp mà cả học trò đều hiểu. Có điều xét ở góc độ... phong nhã trong mắt quý bà quý cô thì nó mất điểm nặng. Vùng biên địa này, dân mười phần hết chín thất học, người có chữ quý lắm, huống chi đây hẳn hoi là một ông thầy. Vậy nhưng nghe nói tới thầy Ngộ thì các bà các cô hết thảy đều ẹ... Không chỉ ẹ vì cái dáng dấp cổ quái, tác phong của thầy Ngộ cũng quái không kém. To con nhưng bộ dạng thầy lại rất con nít. Với thầy, dường như không tồn tại các khái niệm về ý tứ hay chuẩn mực, cả với người trên lẫn kẻ dưới, nữ hay nam. Thầy cười nói, giỡn cợt, vỗ vai vỗ vế các đồng nghiệp rất tự nhiên. Đồng nghiệp nữ chưa quen, gặp thầy lần đầu rất dễ hãi với cái vụ trên. Có cô khó tính, nặng lời còn rủa ngay tại trận thầy là “đồ biến thái!”. Bị mắng xơi xơi nhưng thầy cứ giương đôi mắt to bụp nhìn đối phương bằng một vẻ sửng sốt rất vô tội, cho đến lúc có người quen tới “giải vây”. Tính ổng vậy mà! Thiếu ý tứ thôi, không “ý đồ” gì đâu... Cô giáo Thùy, dân Nam Bộ, lúc mới về trường nghe đồng nghiệp cũ giới thiệu chân dung thầy cứ rũ ra mà cười: thiệt dậy hả anh, ngộ quá heng! Đồng nghiệp với lũ học trò chớp lấy thời cơ, đặt luôn cho thầy cái hỗn danh “ông thầy Ngộ quá heng”. Thời gian sau mới rút gọn lại còn: thầy Ngộ! Ban đầu họ còn nói vụng, sau công khai kêu. Không sao, thầy Ngộ nghe, có ngỡ ngàng chút xíu nhưng sau đó khoái ra mặt, cứ hề hề không thèm phân bua. Vụ này kể cũng không quá “ngộ” nếu ta biết cái tên Khuynh do cha mẹ đặt cho thầy hơi khó phát âm. Người Nam Trung Bộ đa phần không nói được âm “khuynh”, cứ kêu trại thành “khinh” nghe rất... bất tiện. Khinh dể gì đâu, tên dậy thâu (vậy thôi) chớ ổng hiền khô hà..., không ít lần chiến hữu nhậu chung phải giúp thầy thanh minh thanh nga, không thôi sợ đám tửu đồ “đá cá lăn dưa” hiểu lầm sinh sự. Xã S là vùng kinh tế mới, quy tập đủ thành phần; không thiếu cả các thành phần giang hồ tứ chiếng! ------------------------------------------------------- Về trường khi đã ở tuổi “nhi lập”, không ai biết quá khứ thầy Ngộ méo tròn ra sao ngoài thông tin quê thầy ở một tỉnh xa lắc xa lơ đâu tuốt ngoài Bắc. Những năm xã mới thành lập, trường tiểu học thiếu giáo viên trầm trọng. Mà cũng không phải thiếu, chính cơn bão giá - lương - tiền cuối thập niên 1980 đã khiến các nhà giáo lao đao, bỏ ngành hàng loạt. Miền xuôi còn bỏ thì thiết chi cái chốn tận nơi hóc núi này. Trường sở loe hoe năm sáu lớp học, vậy mà cũng không có thầy trông. Lương, gạo ngành còn nợ hai ba tháng dồn cục: không có gì ăn, quý thầy đành bỏ lớp chạy về xuôi kiếm cái ăn. Còn lại một hai thầy “bản địa” phải gồng lưng ôm tất tật lớp lớn tới lớp bé. Cơm độn củ mì ăn với cá mắm phơi khô chan nước muối mà phải làm việc bằng ba thì cha mẹ ơi, sức thánh thần lâu cũng xụi nói gì chúng sinh? Thầy Ngộ được điều về đúng lúc nước sôi lửa bỏng, khi những “chiến sĩ” cuối cùng nơi cái “tiền đồn giáo dục” xã S đang rục rịch bỏ trường, chạy lấy người. Cái bóng cao to vững chãi của thầy cùng nụ cười nhăn nhở thường trực trên môi như không biết buồn đã lên dây cót tinh thần cho anh em không ít. Chưa hết, thầy Ngộ còn khỏe “cày cuốc”: anh em nào mỏi mệt, ươn yếu, cứ giao lớp thầy ôm; miễn có cơm ăn ngày ba bữa no bụng cho thầy là được. Cơm ăn ư, cũng tự đi mà lo chớ sao nằm chờ? Thầy Ngộ nhăn nhở mò ra ủy ban xã, vỗ vai vỗ vế chủ tịch, bí thư thế nào mà cuối cùng được “cứu trợ” nửa bao gạo đỏ năm mươi cân kèm thêm túi khoai mì lát. Chưa đủ? Thì đi “dân vận” thêm cho đủ. Cũng lại thầy Ngộ lãnh phần tiên phong nhăn nhở vác xác tới từng nhà phụ huynh. Đói nghèo cả lũ chớ mấy ai no, vậy nhưng trọng thầy quý thầy vẫn là cái nếp truyền tử lưu tông mà người Việt tử tế khó lòng quên. Lâu lâu thấy thầy giáo vô cớ vô can “đi thăm” học trò là biết ý ngay. Ngồi chuyện Đông chuyện Tây, nước non có gì mời nấy, gặp bữa đương nhiên sẽ mời thầy cùng dùng cơm. Nhưng cái lệ (bắt buộc) bất thành văn là lúc thầy cáo từ về, em học trò cũng chạy theo, dúi vào tay thầy bịch nilông chứa vài ba bơ gạo. Bố (mẹ) em gửi thầy nấu cháo sáng! Thầy sẽ cảm ơn, nhận ngay không màu mè từ chối. Hiểu và thương nhau đến vậy. Ai chả biết dân kinh tế mới vợ chồng con cái phải ngày ngày địu nhau lên rẫy sém mặt kiếm cái ăn, vậy nhưng ông thầy khả kính của con cũng đang đói, biết làm sao. Nghèo cực cưu mang khốn khó, lá rách đùm nhau... Những bậc làm mẹ làm cha lúc nào cũng đau đáu thiết tha cái nỗi niềm muốn con hay chữ. Mà đã vậy, không thể không thương những ông thầy... Có gạo, nhưng còn “chất tươi” đâu để cải thiện bữa ăn, có sức mà đứng lớp? Lại cũng mấy đứa học trò canh me chủ nhật dắt thầy lên rừng bẻ măng, bẻ bắp chuối, ra suối câu cá, mò cua hay tìm tấm vải mùng giăng đáy vợt tôm. Đi rừng, lỡ gặp rắn rít cũng tai (đập chết) luôn mang về nấu ăn. Không thôi bữa cơm chung chỉ toàn muối hột! Ngắc ngoải chịu đựng mấy tháng trường, cuối cùng lương gạo các thứ cũng bò về tới nơi. Giáo viên từ xuôi lên đủ, trường sở lại hồi sinh. Thầy Ngộ được “giải phóng”: không còn phải lo ngược xuôi kiếm gạo hay ôm lớp dạy thay. Cũng vậy thôi, ngoài hai buổi lên lớp thầy lại tiếp tục hề hề đi chơi với học sinh hay vỗ vai vỗ vế từng đồng nghiệp mới, cũ, lạ, quen. -------------------------------------------------- “Cổ quái” hình hài, “cổ quái” tác phong, thầy Ngộ còn “cổ quái” luôn trong cách dạy! Thử tạt vào lớp thầy giữa buổi, chẳng ai biết học sinh đang giờ học hay... giờ chơi. Thầy Ngộ chong mắt theo một em lui cui giải toán trên bảng, sau lưng, học trò đứa đứng đứa ngồi. Vài đứa nghễu nghện kéo nhau đi lại đi qua. Hứng chí, chúng còn đứng sau lưng thầy trợn mắt nhành mồm, giễu nhại bộ điệu thường ngày của ông thầy “ngộ quá”! Quay lại bắt gặp, thầy Ngộ cũng trợn mắt nhành mồm y hệt, cây thước kẻ dài vung lên đét vào mông mấy ông học trò quỷ sứ. Chúng rụt cổ nhăn mặt, tay xoa xoa mông lùi về chỗ nhưng mặt mày chẳng có vẻ gì là sợ. Thầy Ngộ đánh xong thu roi, lại quay lên bảng, miệng còn thoáng nét cười... Lũ học trò ưa thầy ra mặt. Ngoài giờ học, mấy đứa lớp lớn bạo gan đu theo thầy, bá cổ bá vai thân mật. Đồng nghiệp bảo coi chừng học sinh lờn mặt, thầy Ngộ cứ hề hề rồi để ngoài tai. Hứng chí lên, thầy còn đi đánh trổng (đánh cù), bắn bi say mê với mấy nhỏ. Vào lớp thì hò nhau học lẹ rồi... chơi. Thầy giao hẹn: đứa nào học/làm bài xong trước có quyền chơi trước, không làm ồn là được! Không ít lần phụ huynh tới trường la ó chuyện thầy Ngộ... đánh học trò. Đánh đấm gì trời, thầy Ngộ hơ hơ đứng gãi đầu trong khi thầy hiệu trưởng ra sức thanh minh: Cô (chú) thông cảm, ổng… gãi ngứa, hù cho tụi nó sợ thôi chớ đánh đấm gì. Không tin cô (chú) về hỏi lại mấy em coi, thiệt đánh sao không thương tích? Cũng phải, mới nghe nóng quá tới trường làm reo, giờ bình tĩnh coi quả không thương tích thiệt. Vậy được, lần sau nó còn biếng nhác thầy cứ... đánh tiếp giùm tui! Phụ huynh với thầy lại bắt tay nhau, tình thương mến thương như chưa hề có chuyện lớn tiếng vì con. Hết chuyện phụ huynh lại sang chuyện mấy đồng nghiệp khó tính. Bực mình với kiểu dạy dỗ quái chiêu, phản ánh lên, thầy hiệu trưởng lại xua tay, biết rồi, khổ lắm, anh em nghe tui, nể cái thân phận “tiền hiền” của ổng một chút. Dù gì cũng “cựu binh”, về từ lúc trường sở còn xập xệ khó khăn. Với lại ổng dạy kiểu gì mà học sinh tiếp thu tốt thì thôi. Nhưng lên lớp kiểu ấy là sai tác phong sư phạm! “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”; đừng nên máy móc quá. Đã đi làm giáo dục thì hiệu quả giáo dục là trên hết; huống chi... Phải, lý là một chuyện, nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng có thể đem lý căng ra mà xử. Người với người sống phải tình nghĩa, biết trước biết sau. Mấy ông giáo cựu của trường từng kinh qua thời khốn khó lập tức nhớ lại chuyện thầy Ngộ cưu mang gồng gánh chuyện dạy dỗ, nhớ chuyện thầy hùng hục lặn lội đi xin gạo muối, bắt cá mò tôm khi xưa, hơi thẹn. Thôi, trường vùng biên địa, xa “mặt trời”, chẳng mấy khi phòng, sở kiểm tra. Mà có kiểm tra, dự giờ thì anh em liệu “quyền biến” chút cho qua là xong; tránh để cấp trên biết, làm khó dễ! Thầy Ngộ vẫn hề hề ngây thơ vô tội như không hề biết suýt chút mình đã bị lôi ra “vành móng ngựa”. Thầy Tâm, biệt hiệu Tâm “triết gia”, vẫn thường phán nửa thiệt nửa chơi: ổng “Ngộ” lâu rồi nên không còn tâm phân biệt thầy/trò hay chấp nê quy tắc... ----------------------------------------------------- Trường S lên trường chuẩn quốc gia, đón hiệu trưởng mới. Sếp mới nghe nói bằng cấp đầy mình, không phải “từ nhân dân mà ra” như người tiền nhiệm. Và nguyên tắc, hết sức nguyên tắc! Buổi họp hội đồng sư phạm đầu tiên, sếp tuyên bố thẳng thừng: sẽ dọn dẹp hết mọi tàn dư vô tổ chức vô nguyên tắc, thiết lập lại kỷ cương trường sở cho xứng tầm chính quy, hiện đại. Ngành đang mạnh tay thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế, đưa ra khỏi ngành tất cả những cán bộ, nhân viên không đủ chuẩn... Đương nhiên, thầy Ngộ là đối tượng đầu tiên lọt vào tầm ngắm! Buổi họp kế tiếp, đùng cái thầy Ngộ được công khai “lên thớt”. Không biết sếp mới âm thầm điều tra lúc nào mà “cáo trạng” nêu vanh vách. Hàng loạt sai phạm: vô nguyên tắc trong giảng dạy, vô tổ chức khi không thèm lưu tâm tới góp ý chấn chỉnh của lãnh đạo, của tổ trưởng chuyên môn, vi phạm đạo đức tác phong nhà giáo khi giao tiếp cùng đồng nghiệp nữ... Còn nữa: nghe dư luận phong thanh phản ánh thầy có... đánh học sinh, chuyện này mới cực kỳ nghiêm trọng! Không thể để con sâu làm rầu nồi canh, giọng thầy hiệu trưởng quyết liệt, nghiêm trang, tôi dứt khoát phải trình báo tất cả vụ việc này lên lãnh đạo phòng giáo dục. Một ngôi trường chuẩn quốc gia không thể dung dưỡng, bao che tệ nạn... Thầy nhấn mạnh hai chữ “tệ nạn”, nhìn quét một lượt các ông “giáo cựu” với đôi mắt đầy trách móc. Thầy Ngộ ngồi im nghe phán xử. Miệng thầy dường nhăn nhở nụ cười thường trực, nhưng nhìn kỹ lại giống như đang... sắp khóc! Thầy từ từ đảo mắt lại qua, đôi mắt to bụp nhìn lần lượt các đồng nghiệp từ nữ đến nam với ánh nhìn cầu cứu. Chắc thầy đang hi vọng sẽ có ai đó đứng dậy, nói lời thanh minh cho thầy như thường lệ. Không, không ai hết. Tất cả ngồi im như tượng, mặt cúi gằm... ------------------------------------------- Thầy Ngộ bị chuyển công tác: từ giáo viên đứng lớp xuống chân... giữ phòng thiết bị! Đó xem như là một quyết định nương tay của lãnh đạo, chiếu cố tới cống hiến bao năm của thầy cho ngành giáo dục: ngồi giữ phòng thiết bị chờ cho đủ tuổi để về hưu. Đồng nghiệp an ủi: thôi, vậy dù gì cũng đỡ hơn cảnh hưu non. Thầy Ngộ lại nhăn nhở cười, cái cười như sắp khóc! Ít ai biết thầy buồn tới mức nào khi không được đứng lớp. Lũ học trò hay bá cổ bá vai thầy cũng đổ buồn ngơ ngác. Mỗi lúc ra chơi chúng lại rủ nhau chạy lên phòng thiết bị; ngoắc ngoắc tay rủ thầy lẻn ra sân sau chơi bi, chơi trổng. Vụng trộm lát thôi, chứ thầy hiệu trưởng mà phát hiện là cả đôi bên chắc chắn no đòn! Trường S đang có kế hoạch thành lập, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi toán lớp 5. Họp hội đồng, thầy hiệu trưởng hỏi: trong số các đồng chí, ai có thể đứng ra nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi? Lặng tờ, không một cánh tay giơ. Thầy hiệu trưởng hơi bực, gằn giọng hỏi hiệu phó chuyên môn: vậy các năm trước công tác này trường ta ai lãnh? Hiệu phó chuyên môn lúng túng trả lời: dạ thưa, là... là thầy Ngộ, à quên, thầy Khuynh ạ!■ Tags: Truyện ngắnTuổi Trẻ Cuối TuầnY NguyênThầy Ngộ
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.