TTCT - Gần một thế kỷ sau phong trào trao trả chủ quyền cho các dân tộc từng bị thực dân đô hộ, châu Âu chứng kiến sự lan rộng của phong trào đòi trao trả tài sản văn hóa cho các dân tộc này. Tượng báo đốm bằng đồng từng thuộc về kinh thành Edo, niên đại 1550 - 1680, kích thước 39,4 x 12,7 x 39,9cm, đang trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Mỹ)Kinh thành Edo của vương quốc Benin, vào thời hoàng kim đầu thế kỷ 17, là một đô thị đầy kiêu hãnh với cung điện từng được một người Hà Lan vào năm 1600 mô tả là “lớn đến mức như bất tận” với những bức tường lộng lẫy trang trí bằng phù điêu đồng tả cảnh triều chính, chơi nhạc, săn bắn và muông thú...Cướp phá tàn khốc ở EdoLà trung tâm của một cường quốc vùng Tây Phi, Edo cũng là trung tâm của một hệ thống tín ngưỡng phức tạp. Các Oba - người đứng đầu vương triều - khi lên ngôi luôn cho làm những bức tượng bằng đồng và ngà voi tưởng nhớ vị vua và hoàng hậu tiền nhiệm để đặt vào các đền thờ tiên đế trong cung. Những tượng vua có má phính và mắt sáng, những tượng hoàng hậu đeo vòng cổ tinh xảo và búi tóc cao. Việc xây dựng Edo tiêu tốn vật liệu nhiều hơn 100 lần so khu đại kim tự tháp Giza của Ai Cập.Nhưng vào tháng 2-1897, thành Edo hóa thành tro bụi. Khoảng 5.000 quân viễn chinh Anh đã trút đạn pháo xuống kinh thành này, trong khi một đội tàu chiến 10 chiếc tham gia tấn công từ các tuyến đường thủy gần đó. Những người bảo vệ vương quốc Benin, chiến đấu bằng dao và súng hỏa mai, nhanh chóng bị tàn sát. Quân Anh xông vào các đền thờ và cung điện, cướp đoạt hàng ngàn cổ vật quý giá. Kinh thành xây dựng trong hàng thế kỷ bị san phẳng trong vài ngày.Những báu vật của Benin vài tháng sau đó đã xuất hiện trong Bảo tàng Anh (British Museum) ở London. Những năm 1930, thị trường cổ vật thế giới sôi động lên, khi người Anh bắt đầu công khai bán chiến lợi phẩm cướp được từ Edo.Ngày nay, hàng ngàn cổ vật Benin nằm rải rác trong 160 bảo tàng và hàng trăm bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới. Một số phù điêu và tượng đồng Benin thế kỷ 16 được đánh giá là đẹp nhất và giá trị nhất trong nghệ thuật châu Phi được bán kín đáo vào năm 2016 cho một tay sưu tập tư nhân với giá đến 10 triệu USD/món.Kinh thành Edo, nay là thành phố Benin, những bức tường đất bao quanh cơ ngơi xưa của các Oba giờ đổ nát, đầy rác, và nồng nặc xú uế, theo mô tả của CNN.Của Benin phải trả lại cho BeninNgay khi giành độc lập từ Anh vào năm 1960, Nigeria đã tìm cách thu hồi cổ vật Benin và từng căng thẳng ngoại giao với Anh vào năm 1977 khi bị Bảo tàng Anh từ chối cho mượn lại một chiếc mặt nạ Benin để làm triển lãm.Nhưng sự thật về cuộc xâm lược tàn ác và số phận trôi dạt của các tác phẩm đồng Benin chỉ mới được kể chi tiết trong quyển sách xuất bản cuối năm 2020 có tên The Brutish Museums (Bảo tàng Tàn bạo), một công trình nghiên cứu có các bằng chứng khai thác từ hồ sơ quân sự và thương mại của Anh, do Dan Hicks, nhà quản lý cổ vật Benin của Bảo tàng Pitt Rivers, thực hiện.Nhiều thông tin mới về cuộc xâm lược Benin 1897 cũng được Barnaby Phillips, cựu phóng viên Anh hoạt động ở châu Phi và rất am tường về Nigeria, đưa vào quyển Loot (Cướp bóc) phát hành tháng 5-2021 này.Sách được xem là bản án kết tội quân viễn chinh Anh, đưa ra các tài liệu chứng minh rằng hầu hết phù điêu và tượng đồng Benin đã bị thu giữ và chia chác như các chiến lợi phẩm, trong những điều kiện mà ngày nay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mô tả là “sự phá hủy bất hợp pháp về di sản văn hóa”. Các tư liệu mới này tiếp tục đặt ra vấn đề đạo đức xung quanh việc sở hữu cổ vật Benin.Từng tuyên bố vào năm 1981 rằng các phù điêu và tượng đồng Benin được đưa về Anh hợp pháp, vì khi đó người Anh là nhà cầm quyền chính danh ở vùng bảo hộ Duyên hải Niger (nay là Nigeria), Bảo tàng Anh, nơi giữ đến 950 phù điêu Benin, giờ đuối lý trước quá nhiều bằng chứng lịch sử. Nhưng cơ quan chức năng Anh vẫn viện dẫn nhiều lý do, trong đó có các điều luật cấm hoàn trả hiện vật nằm trong bộ sưu tập. Chiếc mặt nạ Benin bằng ngà voi, được xem là một trong những tác phẩm nghệ thuật châu Phi cổ đẹp nhất, từng là nguyên nhân của cuộc căng thẳng ngoại giao giữa Nigeria và Anh năm 1977Phóng thích di sản bị giam cầmMặc dù vậy, tín hiệu tốt lành đã xuất hiện từ Đại học Aberdeen ở Scotland, nơi tuyên bố hôm 24-3 rằng sẽ đưa một cổ vật bằng đồng về Benin. Bảo tàng Quốc gia của Ireland mới đây cũng cam kết sẽ cho các tượng đồng Benin hồi hương. Làn sóng hoàn trả cổ vật bắt đầu lan từ Benin!Ngày 29-4-2021, Bộ Văn hóa Đức và các bảo tàng ở nước này ra tuyên bố chung cam kết hoàn trả hàng trăm cổ vật Benin bằng đồng và ngà voi. “Chúng tôi muốn đóng góp vào sự hiểu biết và sự hòa giải với hậu duệ của dân tộc có những kho báu văn hóa từng bị cướp trong thời thuộc địa” - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Monika Grütters nêu trong tuyên bố. Đức dự kiến bàn giao cho Nigeria những cổ vật đầu tiên vào năm 2022 - hầu hết được mua từ các tay buôn đồ cổ người Anh.Không chỉ Benin, trong giai đoạn thịnh hành chủ nghĩa thực dân, từ thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh thế giới thứ II, rất nhiều vương quốc ở châu Phi và châu Á bị các nước châu Âu bóc lột. Vào những năm 1890, 10% diện tích châu Phi bị thực dân châu Âu kiểm soát, nhưng đến 1914 con số này là 90%. Số tài sản văn hóa của châu lục này bị cướp đi, vì vậy, cũng rất lớn.Một báo cáo do chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tài trợ thực hiện năm 2018 cho thấy 90% tài sản văn hóa châu Phi đang nằm trong các bảo tàng châu Âu và có 90.000 món đang bị giữ ở Pháp - quốc gia từng có tám thuộc địa ở châu Phi.Năm 2017, trong khi công du ở Burkina Faso, ông Macron viết trên Twitter: “Di sản của châu Phi không thể bị giam cầm trong các bảo tàng châu Âu thêm nữa”. Dù thực thi còn chậm, Pháp đang cố gắng hoàn trả 27 cổ vật quan trọng đầu tiên cho Benin và Senegal trước cuối năm 2021.Nhiều nước châu Âu cũng đã trao trả không chỉ cho các thuộc địa cũ và không chỉ cho châu Phi. Năm 2005, Ý đưa về Ethiopia tháp bia lăng mộ Axum 1.700 năm tuổi, bằng đá cao 27m, từng bị quân đội thời Benito Mussolini trưng thu năm 1937. Na Uy năm 2018 trả lại hàng ngàn cổ vật từng bị một nhà thám hiểm lấy từ đảo Rapa Nui của Chile năm 1956. Tháng 1-2020, Hà Lan hồi hương 1.500 cổ vật cho Indonesia, một thuộc địa của nước này hồi thế kỷ 19.Ai Cập nhiều chục năm qua đã chủ động đi đòi di sản và thành công mới nhất của họ là được Bảo tàng Holy Bible ở Washington D.C. đầu năm nay trả lại 5.000 món đồ, gồm tượng đá, mặt nạ che xác ướp, và những trang sách cổ ngàn tuổi từng được mua từ buôn lái châu Âu.Nhà sáng lập nhóm Berlin Postkolonial vận động hoàn trả cổ vật ở Đức, ông Christian Kopp khẳng định với tạp chí nghệ thuật Art Net: “Chúng tôi tin chắc rằng các phong trào đấu tranh cho sự phi thực dân hóa cổ vật toàn cầu đang lan như cỏ kia không thể nào ngăn được nữa”.Trong khi Berlin Postkolonial cùng nhiều tổ chức ở Đức nhiều năm qua ráo riết chống lại việc xây dựng Bảo tàng Humboldt Forum ở Berlin, nơi sẽ trưng bày cổ vật sưu tầm từ khắp thế giới, một quốc gia chưa từng có thuộc địa nào như Thụy Sĩ hai năm nay cũng nhanh chóng tiến theo phong trào, thành lập nhiều nhóm vận động hoàn trả cổ vật và các website cung cấp danh sách những bộ sưu tập có cổ vật bị cướp. “Mọi bảo tàng có bộ sưu tập thời thực dân đều thấy bị tác động và bị thách thức” - Thomas Laely, nguyên phó giám đốc bảo tàng dân tộc học của Đại học Zurich, nói với Art Net.Trên báo Süddeutsche Zeitung của Đức, nhà sử học Bénédicte Savoy, một chuyên gia về cổ vật bị đánh cắp, phát biểu: “Tôi muốn biết bao nhiêu máu đã chảy từ một món cổ vật. Nếu không có việc tìm hiểu (xuất xứ), không Bảo tàng Humboldt Forum nào và không bảo tàng dân tộc học nào đáng được mở cửa ngày hôm nay”.Khi nhân loại tiến bộ xem những cuộc viễn chinh của các đội quân thực dân là điều đáng hổ thẹn, những bảo tàng trưng bày cổ vật cướp từ thuộc địa đang bị xem là những nơi trưng bày và tán dương tội ác, do vậy, cần phải bị dẹp bỏ.■ Bức tượng bán thân nữ hoàng Nefertiti của Ai Cập trưng bày tại Nei Museum, Berlin (Đức)Không chỉ thất thoát trong thời thuộc địa, cổ vật Ai Cập còn bị nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài chiếm đoạt. Nổi tiếng nhất là bức tượng nữ hoàng Nefertiti được nhà khảo cổ Ludwig Borchardt tìm thấy ở di chỉ Amarna năm 1912 và đưa lậu về Đức. Năm 1924, khi bức tượng ra mắt ở Berlin, Ai Cập lập tức đòi trả, nhưng yêu cầu đó đến nay vẫn chưa được đáp ứng.Tuy vậy, vấn đề có lẽ chỉ còn là thời gian để có thể đưa nữ hoàng Ai Cập hồi hương, bởi phong trào phi thực dân hóa cổ vật đang lan rộng khắp châu Âu, nơi nhiều nhà sử học, khảo cổ học, và công chúng tiến bộ kêu gọi chính phủ và các bảo tàng của họ công khai xuất xứ và hoàn trả cổ vật từng bị cướp từ thuộc địa. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Cổ vật - bị cướp, bị mất và hành trình đòi lại Tiếp theo Tags: Thuộc địaCổ vậtTrao trả cổ vật
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.