TTCT- Thứ sáu 21-7 vừa rồi, Jared Dummitt và Eliot Kim, hai nghiên cứu sinh của Trường Luật Harvard, đã đăng một bài trên website luật học lawfareblog.com có tựa đề “khác lạ”: “Chiến tranh vì biển: Hãy quen dần với điều đó trên Biển Đông”. Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc (chưa đặt tên) được hạ thủy ngoài khơi thành phố cảng Đại Liên tháng 4-2017.-Ảnh: The New York Times Hai tác giả bắt đầu bằng câu chuyện: “Tuần này, hải quân và không quân Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động mở rộng - trong số đó có một số vụ là chưa từng có trước đó ở trong và xung quanh lãnh hải của Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Bắc Kinh đã tỏ rõ giọng điệu thách thức khi dấy lên những dấu hỏi về tính thích đáng của các hoạt động này”. Dồn dập và mở rộng Hai nghiên cứu sinh trên đưa lại tin, hôm thứ năm tuần trước nữa, 13-7-2017, không quân Trung Quốc đã tung sáu máy bay ném bom Xian H-6K qua eo biển Miyako nằm giữa hai hòn đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản. Đêm đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản gọi việc này là “không bình thường”, nhưng cũng lưu ý không phận Nhật Bản đã không bị vi phạm. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqian (Nhậm Quốc Cường) nói rằng các phi vụ này là định kỳ mà thôi nên đừng có đoán già, đoán non gì cả, rằng “các hoạt động của máy bay chiến đấu Trung Quốc bay qua eo biển Miyako là hợp pháp và phù hợp”, và rằng quân đội Trung Quốc đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận biển xa giống vậy trong tương lai, “vậy các bên liên quan nên, đơn giản là, làm quen với điều này đi”. Liệu “các bên liên quan” có thể “đơn giản làm quen” với điều đó được không khi mà đã có tới sáu chiếc Xian-H-6K được tung vào phi vụ “thường kỳ” này. Xian H-6 nguyên mẫu là oanh tạc cơ Tu-16 của Liên Xô cũ, từng được sử dụng để ném chín thiết bị hạt nhân ở căn cứ thử nghiệm Nur vào cuối thập niên 1960. Còn phiên bản mới nhất H-6K sử dụng lần này có tầm bay xa tới 3.500km và có khả năng mang tới sáu tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12 với tầm bắn xa từ 250-400km, cùng 6-7 tên lửa hành trình đối đất 10K/CJ-20 có tầm bắn xa hơn 1.500km, những tên lửa được dẫn đường chính xác mà theo Bộ Quốc phòng Mỹ, có sức tấn công đường không tầm xa. Với tầm tác xạ cùng lượng vũ khí này, các chiếc Xian-H6K đã có thể được xếp vào lớp những “pháo đài bay chiến lược” tựa như dòng B-52 của Mỹ, mà thường vẫn chỉ bay mỗi lần hai chiếc chứ không phải nhiều tới sáu chiếc. Đòn cân não Do “lượng có thể biến thành chất”, tính đe dọa “giả thành thật” của một đội hình sáu chiếc H-6K rõ ràng có tính uy hiếp hơn hẳn chỉ hai chiếc, cho dù đó có là B-52 hay B-2 như thường thấy ở khu vực Triều Tiên mỗi khi Mỹ muốn diễu võ giương oai sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa mới. Tất nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phải tăng số máy bay chiến đấu - không cho biết số lượng - được triển khai phòng ngừa bất trắc. Không rõ số máy bay Nhật xuất kích lần này có nhiều bằng đợt vào tháng 3 năm nay khi Trung Quốc tung ra tới 13 chiếc máy bay trên eo biển Miyako hay không. Song, một lượng máy bay được triển khai để đáp lễ một phi đội đông đến sáu “máy bay chiến lược” Xian H-6K cũng đủ để “lọt bẫy chiến tranh ngôn từ” của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, và dẫn đến răn đe khác từ Bắc Kinh: “Nhật Bản chớ nên làm rùm beng chuyện chẳng đáng gì hoặc diễn dịch thái quá. Sẽ ổn cả thôi, một khi đã quen rồi”. Nhật Bản ngày càng phải cảnh giác hơn khi mà Trung Quốc từ năm ngoái không ngớt tung máy bay diễn tập ở eo biển Miyako trong các tháng 9, 11 và 12. Cũng năm 2016, Nhật Bản đã phải tung ra đến 1.168 lượt máy bay chiến đấu để tiếp đãi các vị khách không mời đó. Tình hình diễn biến đe dọa đến mức năm vừa rồi, Nhật Bản đã “tự động” tăng số máy bay trong các phi đội triển khai của họ từ mỗi lần hai chiếc lên bốn chiếc, đồng thời bổ sung một phi đoàn chiến đấu cơ mọi thời tiết F-15J ở Okinawa từ 20 lên 40 chiếc. Chính bởi thế mà Trung Quốc đã chê Tokyo là “phản ứng thái quá”. Thực tế hơn, đó còn là cuộc đua bào mòn về tiền bạc và trang thiết bị. Với tần suất này, “tuổi thọ” máy bay chiến đấu của Nhật Bản sẽ bị tiêu hao nhanh chóng, có thể cần bổ sung mới hoàn toàn vào năm 2020, theo tính toán của chuyên gia Franz-Stefan Gady trên The Diplomat 15-7-2017. Muốn hay không muốn, cứ tung máy bay cường kích ngày càng đông hơn tối thiểu cũng dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí mà Trung Quốc lúc này không hề ngán ngại bất cứ nước nào trong khu vực. Đây cũng là điều mà Đài Loan, vốn thuộc Trung Quốc, càng lo sợ hơn nữa. Chỉ một ngày sau sự cố ở eo biển Miyako, Trung Quốc tung tới tám máy bay ném bom chiến lược Xian H-6K cùng hai chiếc Shaanxi Y-8 không người lái bay dọc không phận Đài Loan rồi vào eo biển Miyako. Nếu như tám chiếc Xian H-6K là máy bay ném bom thì hai chiếc Shaanxi Y-8 lại là những chiếc được trang bị thiết bị gây nhiễu điện từ, phá rối các hệ thống liên lạc và rađa, tờ United Daily News phát hành ở Đài Loan cho biết. Hai động thái liên tiếp của không quân Trung Quốc nhằm mục đích gì? Theo thừa nhận trên một blog của không quân nước này, được Franz-Stefan Gady trích lại, “Không quân Trung Quốc tuần qua đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập ngoài biển, với máy bay ném bom H-6K và nhiều loại máy bay khác bay qua các eo biển Bashi (Ba Sĩ, eo biển giữa cực bắc Philippines và cực nam Đài Loan) và Miyako, nhằm kiểm tra khả năng tác chiến thực tế trên biển... Trong sự đồng thuận với Bộ Quốc phòng, các hoạt động này sẽ được tiếp tục tiến hành”. Tức trước mắt, trên “bề nổi” mới chỉ để kiểm tra khả năng tác chiến thôi, còn sau này sẽ làm gì khác nữa hạ hồi phân giải. Chi tiết đáng lưu ý là trong vụ “kiểm tra khả năng tác chiến thực tế” này là không quân Trung Quốc chỉ cho các máy bay đi tới rìa khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan mà không vào trong, hai nhà nghiên cứu Dummitt và Kim cho biết. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang ở trong giai đoạn không muốn vượt qua lằn ranh hòa bình và chiến tranh với Đài Loan, “giờ phút giải phóng” chưa tới. Quan trọng không kém ngoài việc Trung Quốc muốn kiểm tra khả năng tác chiến của không quân nước họ, Bắc Kinh còn muốn kiểm tra luôn thực lực không quân Đài Loan cũng như Nhật Bản, nên đứng trước bầy tám chiếc máy bay ném bom chiến lược Xian H-6K được “dọn đường” bởi hai chiếc gây nhiễu Shaanxi Y-8 kia, Đài Loan bèn tung các chiếc AIDC F-CK-1 nội địa lên đeo bám. Đây là loại máy bay đa nhiệm (ném bom, không chiến đều được) do Đài Loan tự sản xuất thay các máy bay F-16 đời đầu mua từ thời Tổng thống Ronald Reagan đã quá đát, từ sau khi các chính quyền Mỹ liên tiếp từ khước bán cho Đài Loan máy bay F-20 và máy bay F-16 thế hệ mới do những giao ước ràng buộc với Trung Quốc trong thông cáo chung năm 1982. Tin về việc Tổng thống Donald Trump mới đây cho phép bán 1,4 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan chính là một phép thử: đây chỉ là một thỏa thuận dấm dứ để Mỹ mặc cả với Trung Quốc hay sẽ là một sự “hà hơi” thực tình cho Đài Loan? Luôn “hợp pháp”?! Cũng như vụ ngày 13-7 với Nhật Bản, vụ ngày hôm sau với Đài Loan lại càng “hợp pháp” không chỉ do chưa xâm nhập không phận Đài Loan mà còn vì Đài Loan vốn dĩ thuộc Trung Quốc! Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ren Guoqiang hôm ấy thản nhiên tuyên bố: “Việc máy bay Trung Quốc bay dọc eo biển (Ba Sĩ) là hoàn toàn chính đáng, sẽ có thêm các cuộc thao diễn tương tự trên biển nếu cần” (Tân Hoa xã 14-7). Tất nhiên, Trung Quốc không sử dụng cụm từ “tự do hàng hải - hàng không” như kiểu người Mỹ gọi (freedom of navigation - FON). Đơn giản và thực tế nhất là do bán kính hoạt động của hải quân Trung Quốc còn khiêm tốn, chủ yếu hoạt động ở “chuỗi đảo thứ nhất”, chưa định động thủ vào đâu, và rằng Trung Quốc xem đây là mục tiêu trước mắt - theo Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto của The National Interest trong hội thảo thường niên lần thứ 7 tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) hạ tuần tháng 7. Chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương ý chỉ các đảo và quần đảo lớn ngoài khơi lục địa Đông Á, chủ yếu bao gồm quần đảo Kuril, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan, bắc Philippines và Borneo; tức từ bán đảo Kamchatka đến bán đảo Mã Lai. “Chuỗi đảo thứ nhất” này có vai trò sống còn trong học thuyết quân sự của Trung Quốc: đây là khu vực phải được bảo đảm, đồng thời vô hiệu hóa tác động từ các căn cứ và các nhóm tàu sân bay của Mỹ. Mục tiêu của học thuyết này là khóa chặt các biển Hoàng Hải, Biển Đông và Hoa Đông theo một vòng cung chạy từ quần đảo Aleutian (ngoài khơi Alaska, gần Bắc Cực) đến tận Borneo ở phía nam. Theo các cơ quan tư vấn Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA) và RAND, Trung Quốc đặt mục tiêu khống chế được “chuỗi đảo thứ nhất” vào năm 2020. Song, cũng theo Martinson và Yamamoto, giả đoán này chỉ có lý về mặt quân sự chứ không đúng về mặt chủ trương: “Trung Quốc đang xây dựng năng lực phóng chiếu sức mạnh chiến đấu của họ vượt ra ngoài các vùng biển hợp pháp của họ”. Thành ra trong “chuỗi đảo thứ nhất”, với nhiều quốc gia có sức mạnh khác nhau, Trung Quốc chọn nhắm vào điểm yếu nhất và cũng là gần nhất: Biển Đông. Chính vì thế, Ralph Jennings của Forbes viết rằng lợi ích chung của Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ... là cùng nhau chia cắt sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông. Gần đây, Tân Hoa xã đăng bài “Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ kỷ niệm 90 năm ngày ra đời với một bộ máy quân sự mạnh mẽ hơn và cũng yêu hòa bình hơn”. Bài báo khoe rằng tháng 4 năm nay, tàu sân bay tự đóng đầu tiên đã được hạ thủy, kèm theo đó là một khu trục hạm thế hệ mới nhất vào tháng 6. Từ một đội quân chỉ 20.000 người vào ngày thành lập 1-8-1927, nay PLA đã lên đến gần 2 triệu người “khiến cho quân đội trở thành lực lượng quân sự lớn nhất thế giới”. Bài báo tiếp tục khen: “Bên cạnh sự tăng trưởng số lượng, các binh sĩ PLA còn được trang bị khí tài đẳng cấp thế giới” như tên lửa liên lục địa Dongfeng-5B được thiết kế mang đầu đạn hạt nhân, hay tên lửa chống hạm Dongfeng-21D được báo chí mô tả là sát thủ tàu sân bay... Tháng 4 năm nay, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ nhì của mình, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và đóng. Tháng 6, họ hạ thủy tiếp khu trục hạm thế hệ mới hoàn toàn tự thiết kế và đóng. “Nếu chiến tranh xảy ra, chúng ta sẵn sàng” - bài báo kết luận, mượn một chú thích trên một video tuyên truyền. Thế nhưng, nước nào dám gây chiến với quân đội lớn nhất thế giới đây?■ Báo chí thi thoảng đưa lại tin tàu chiến hay tàu bay Mỹ thực thi tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Tuy nhiên, tần suất các vụ “thực thi tự do” của Mỹ không là gì so với Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông mà còn trên toàn bộ Thái Bình Dương do lẽ đây đang là mục tiêu bước một của Bắc Kinh. Tags: Biển ĐôngChiến tranhTự do hàng hảiNước lớn
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Khả năng hồi phục sau chấn thương của tiền đạo Nguyễn Xuân Son ra sao? THU HIẾN 06/01/2025 Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, tiền đạo Nguyễn Xuân Son bị gãy xương mác và xương chày. Vậy khả năng hồi phục sau chấn thương ra sao?
Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024 QUỐC THẮNG 05/01/2025 Đêm 5-1, tuyển Việt Nam đã xuất sắc đánh bại Thái Lan 3-2 ở Rajamangala để đăng quang chức vô địch ASEAN Cup 2024 với chiến thắng chung cuộc 5-3 sau hai loạt trận.
HLV Thái Lan nói bàn thắng 'xấu xí' của Supachok là tuyệt vời NGUYÊN KHÔI 06/01/2025 Phát biểu sau trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 thua Việt Nam 2-3 trên sân nhà, HLV Masatada Ishii của Thái Lan cho rằng bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 của Supachok thật tuyệt vời.
Bàn thắng xấu xí của Thái Lan bị 'bêu riếu' trên diễn đàn lớn nhất thế giới Reddit QUỐC THẮNG 06/01/2025 Bàn thắng bị đánh giá là "thiếu fair-play" của tiền vệ Thái Lan Supachok đã bị đăng tải trên diễn đàn lớn nhất thế giới Reddit và nhận rất nhiều bình luận chỉ trích từ người hâm mộ.