TTCT - Có đồ mới để diện mỗi ngày mà không cần khổ sở với mua sắm, giặt là, gấp xếp quần áo và đặc biệt không phải tốn quá nhiều tiền có thể là ước mơ của mọi phụ nữ. Dịch vụ thuê bao quần áo, hay những tủ đồ “trên mây”, đáp ứng đúng những ước ao ấy. Chỉ cần mặc, không lo giặtRent the Runway là một trong những tủ đồ cho thuê cao cấp được đánh giá cao ở Mỹ, cung cấp từ váy dự tiệc cưới và lễ phục đến quần áo thường ngày, trang phục làm việc và tập luyện. Với gói thuê bao không giới hạn 159 đôla/tháng (chưa kể thuế và phí vận chuyển, giặt hấp và bảo hiểm), khách hàng có thể thuê 4 bộ quần áo cùng một lúc mà không bị giới hạn số lần trong tháng.Mặc dù mức phí hàng tháng có vẻ khá đắt, nhưng tính theo năm, dịch vụ này chỉ tốn chưa tới 2.000 đôla, tương đương với số tiền một hộ gia đình trung bình ở Mỹ chi cho quần áo trong một năm, theo trang Business Insider. “Thay vì để cho ít nhất một nửa tủ quần áo không được đụng tới, khách hàng có thể liên tục làm mới diện mạo và đổi mới phong cách của mình bằng những bộ cánh thuê từ Rent the Runway” - Business Insider viết.Điểm hấp dẫn thực sự của dịch vụ này là nó cho phép khách hàng được diện những bộ quần áo mà nếu không thuê có lẽ họ sẽ không bao giờ mua, như một chiếc đầm dạ hội giá 1.500 USD. Thêm vào đó, tại sao phải mua một chiếc váy phù dâu và mặc nó một lần duy nhất tại đám cưới của một người bạn rồi sau đó treo nó trong tủ mãi mãi, khi bạn có thể thuê nó và gửi trả sau khi xong tiệc?Ở Trung Quốc, khách hàng nữ có thể thuê tủ quần áo xoay vòng không giới hạn từ dịch vụ YCloset với mức phí cố định là 499 nhân dân tệ (70 đôla) một tháng hoặc 4.888 nhân dân tệ một năm. Khách hàng chỉ cần chọn quần áo từ ứng dụng điện thoại của công ty và chờ giao đến nhà của họ trong vòng vài ngày. Sau khi mặc xong, họ chỉ cần nhấn nút “gửi lại quần áo” thì sẽ có nhân viên đến nhận lại sản phẩm. Khách hàng gần như có đồ mới để diện mỗi ngày mà không cần khổ sở với chuyện giặt ủi, phơi hay xếp quần áo.YCloset có hơn 20 triệu người đăng ký tính đến tháng 9-2019, theo Nikkei Asia. Công ty chỉ sử dụng nhân công để làm sạch 600.000 sản phẩm, phần còn lại của dịch vụ - từ lưu trữ đến vận chuyển - gần như hoàn toàn tự động nhờ các thẻ điện tử gắn trên từng sản phẩm trong kho.YCloset phân tích mức độ phổ biến của từng mặt hàng, kết hợp với lịch sử tìm kiếm và cho thuê của khách hàng để đưa ra các đề xuất phù hợp. Ví dụ, một người nào đó thuê chân váy cũng có thể nhận được gợi ý về một chiếc áo phối cùng.Không chỉ hai quốc gia trên, mô hình “tủ đồ cho thuê” cũng có mặt ở nhiều các nước khác, như Stitch Fix từ Mỹ đã có mặt ở Anh; Lookiero ở Tây Ban Nha, Pháp, và Anh; AirCloset ở Nhật; và Style Theory ở Singapore và Indonesia. Tại Việt Nam, mô hình này cũng vừa có mặt hồi năm ngoái.Nhân viên xử lý quần áo tại một kho lưu trữ và làm sạch của YCloset (Trung Quốc). -Ảnh: YClosetTủ đồ cho người ViệtDựa trên hình mẫu đi trước của Rent the Runway và YCloset, Tăng Hải Ngọc Sơn (29 tuổi) cùng đội ngũ sáng lập đã xây dựng nên Drobebox - “tủ đồ trên mây” đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam.Chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Sơn nói mình và cộng sự vẫn hay nói vui với nhau rằng YCloset là hình mẫu “người anh cả” rất giống với Drobebox. Cả hai đều tập trung vào casual wear - trang phục thoải mái thường ngày.Bắt tay vào dự án từ tháng 11-2019, trải qua một số vấn đề phức tạp không lường trước được, mãi đến tháng 4-2020 nhóm của Sơn mới chính thức cho ra mắt Drobebox. Với lợi thế chuyên môn về kỹ thuật phần mềm, Sơn và người bạn đồng sáng lập, Thanh, đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ứng dụng Drobebox trên điện thoại thông minh để thay cho công việc của một trợ lý tạo phong cách.Drobebox có thể gợi ý cho người dùng những trang phục nên kết hợp cùng nhau, gợi ý phục trang phù hợp với từng sự kiện tùy gu thời trang của từng người. Trong một buổi, họ sẽ nhận được tối đa 5 sản phẩm đã được giặt là. Trong vai trợ lý, Drobebox sẽ đảm nhận luôn việc đến nhận lại sản phẩm sau khi khách hàng đã sử dụng.Drobebox hướng đến nhóm khách hàng nữ giới 24-36 tuổi, sống ở thành thị và có thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên. Hiện “tủ đồ trên mây” đang thu phí thuê bao tháng từ 999.000 đồng đến 1.499.000 đồng, tùy gói dịch vụ khách hàng lựa chọn. Tổng giá trị sản phẩm khách hàng có thể thuê hàng tháng lên đến 60 triệu đồng.Chị Đào Thị Tú Oanh (Q.2 cũ), một người dùng Drobebox từ tháng 4-2020, cho biết thuê quần áo vừa giúp tiết kiệm tiền chi cho thời trang, chống lãng phí, vừa có tác dụng bất ngờ là giúp cô giảm cân thành công. “Hồi đầu mình mặc size L, mà dịch vụ lúc đó còn mới, chủ yếu là các sản phẩm nhỏ hơn, nên mình đã hạ quyết tâm và giảm size thành công để sử dụng triệt để quyền lợi của việc thuê bao quần áo” - Oanh hào hứng kể.Dù đã quen với mô hình này từ trước thông qua một dịch vụ chị không nhớ rõ tên ở Trung Quốc, Vũ Thùy Ngọc Nhung (Q.Gò Vấp) chỉ biết đến sự có mặt của Drobebox qua lời giới thiệu của bạn bè đã sử dụng dịch vụ. “App cho phép chị trải nghiệm nhiều nhãn hiệu thời trang, thích cái nào có thể mua ngay trên app luôn, lại còn đỡ tốn thời gian giặt ủi” - chị chia sẻ.Đội ngũ Drobebox kỳ vọng đến hết năm 2021, ứng dụng sẽ có 20.000 người dùng trả thuê bao hàng tháng, và đến khoảng tháng 7-8 năm sau sẽ mở rộng từ thị trường duy nhất hiện tại là TP.HCM ra Hà Nội và sau đó là Đà Nẵng. Tương lai xa, đội ngũ này tham vọng mở rộng hoạt động sang thị trường Thái Lan.Thỉnh thoảng, khách hàng có thể bắt gặp thứ gì đó trên Rent the Runway mà họ yêu thích đến nỗi muốn mua. Rent the Runway sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Dịch vụ này thường bán trang phục đã cho thuê với giá cực kỳ phải chăng. Đối với Drobebox, những người bỏ tiền mua đứt luôn sản phẩm đã thuê bao gồm cả khách hàng đã đăng ký thành viên và chưa phải là thành viên. Tương tự, họ được mua sản phẩm đã qua sử dụng với giá chiết khấu. Tỉ lệ khách mua đồ sau khi thuê ở Drobebox hiện là 10%. Công ty đang cố gắng tối đa hóa tỉ lệ này. Không phải lựa chọn của Gen ZNhững tưởng Gen Z (thế hệ Z) - những người trẻ từ 7 đến 23 tuổi - sẽ là những khách hàng tiềm năng nhất cho những dịch vụ tủ đồ cho thuê, bởi họ là thế hệ sẵn sàng đầu tư nhất vào thời trang bền vững và không hại môi trường và động vật, nhưng thực tế không như vậy.Theo tạp chí Vogue Business hồi tháng 7-2020, thế hệ Z đang tiếp nhận các nền tảng như Rent the Runway chậm hơn các chị các dì của mình, dù dịch vụ này vốn được định vị như một giải pháp thay thế sáng tạo và bền vững hơn cho việc mua sắm.Cụ thể, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Mintel tại Anh năm 2019, 46% người được hỏi ở độ tuổi 16-24 không quan tâm đến việc thuê quần áo, 34% chưa bao giờ thuê nhưng sẵn sàng thử và chỉ 20% đã từng thuê một món đồ quần áo. “Người tiêu dùng thời trang trẻ rất cởi mở với ý tưởng thuê quần áo nhưng trên thực tế, các dịch vụ hiện có không được đáp ứng nhu cầu của họ” - chuyên gia phân tích bán lẻ cao cấp Chana Baram của Mintel nói với Vogue Business.Nguyên nhân là do người tiêu dùng thế hệ Z cho rằng các tủ đồ thuê bao thiếu những sản phẩm mang tính độc đáo. Ứng dụng Depop, nơi người dùng có thể mua và bán những sản phẩm quần áo độc nhất vô nhị với chi phí thấp, với phần lớn khách hàng là Gen Z, đã có mức tăng trưởng ba con số từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào yếu tố độc đáo này.Các lý do khác là Gen Z gặp rào cản về thanh toán và không thích việc không có quyền sở hữu sản phẩm. Theo Martin Raymond, đồng sáng lập cơ quan nghiên cứu chiến lược và xu hướng The Future Laboratory, người tiêu dùng thời trang Gen Z trẻ nhất thì 12, lớn nhất cũng mới 23 - lứa tuổi mà họ chưa có quyền tiếp cận tiền mặt, tín dụng hay các hình thức tài chính khác. Trong khi đó, các hệ thống cho thuê quần áo đều yêu cầu thanh toán qua thẻ.Bên cạnh đó, tủ đồ cho thuê vẫn chưa mang lại cảm giác như một giải pháp thời trang bền vững thực sự cho Gen Z, theo Ben Harms, giám đốc chiến lược và thị hiếu tại công ty quảng cáo Archrival (Mỹ). Những người trẻ tuổi này cho rằng giặt ủi, giao hàng và trả hàng khiến mô hình thuê đồ thậm chí còn kém đạo đức hơn các lựa chọn khác như mô hình bán lại của Depop. Hơn nữa, các công ty như tập đoàn bán lẻ đa quốc gia URBN và H&M vẫn tiếp tục sản xuất số lượng lớn hàng hóa dù đã tung ra dịch vụ cho thuê thời trang.■Điều đặc biệt là Rent the Runway, Drobebox và nhiều dịch vụ thuê bao thời trang khác đều chỉ dành cho nữ. Trong bài viết “Đàn ông đích thực không xài đồ thuê”, hai tác giả Jessica Testa và Jonah Engel Bromwich của New York Times lập luận: “ngoài lễ phục và vest cưới, nam giới chả đi thuê (quần áo) bao giờ”. Bài viết dẫn lời các nhà tạo mốt đưa ra nhiều lý do khác như nam giới không quen trao đổi/mặc đồ của người khác, thích tự hào là sở hữu mọi thứ chứ không thuê mượn, đàn ông không phải chịu áp lực sắm sửa nhiều vì có mấy bộ mặc hoài cũng không ai nói… Còn theo Ngọc Sơn, Drobebox nhận định sức mua của phái nữ mạnh hơn nên tập trung vào đối tượng này. Tags: Thời trangKinh tế thuê baoThuê quần áoTổ đồtrên mâyYClosetDrobebox
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Ngoài bánh chưng, mì tôm, có thể cứu trợ thực phẩm gì cho bà con vùng bão lũ? DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Ngoài đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu, những loại thực phẩm nào nên được mang đến cho người dân lúc này?