Từ hoảng hốt gom hàng tới chuyện dự trữ quốc gia

VŨ THÁI HÀ 11/03/2020 08:03 GMT+7

TTCT - Chuyện các mặt hàng như khẩu trang, giấy vệ sinh hay thực phẩm trở thành đối tượng bị săn lùng mua sắm đến cạn kiệt trong những ngày bệnh dịch COVID-19 đe dọa khắp nơi không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nó là một câu chuyện toàn cầu quen thuộc, từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Nhưng nó cũng là lời nhắc nghiêm túc về vấn đề dự trữ quốc gia và năng lực quản trị khủng hoảng.

Phải nói ngay rằng các chính quyền trung ương và địa phương đã đưa ra một số chỉ đạo và chính sách nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa và không gây hoảng loạn trong dân chúng.

Phản ứng hoảng loạn của người dân

Cho dù có không ít ý kiến vừa mỉa mai vừa cay đắng nhận xét rằng hành vi đổ xô đi mua gom hàng hóa của người dân là giống hệt với phản ứng bầy đàn trong thế giới loài vật thì vẫn phải nhìn nhận rằng đó là một kiểu hành vi chính đáng, xét từ góc nhìn của mỗi cá nhân khi mà cuộc sống của bản thân họ và gia đình bị đe dọa. 

Gom hàng ở Mỹ mùa COVID-19. Ảnh: AP

Nó là biểu hiện của một cơ chế sinh tồn đã ăn sâu vào ý thức con người. Câu hỏi đặt ra với từng con người cụ thể luôn là: Cuộc sống của tôi ngày mai sẽ ra sao? Tôi có đủ lương thực không? Điều kiện sinh hoạt tối thiểu của tôi có được đảm bảo không?

Các nghiên cứu khoa học cũng xác nhận một thực tế có thể quan sát được dưới con mắt của người bình thường: Trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh đang đe dọa, hành vi của con người tại một thời điểm nào đó sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rất nhạy cảm trước các biến số: (1) Chi phí của các hành vi tự bảo vệ bản thân, (2) Mức độ lan tràn của dịch bệnh, và (3) Kinh nghiệm trước đó của họ đối với dịch bệnh. 

Người ta có xu hướng tìm kiếm các biện pháp bảo vệ bản thân với chi phí thấp nhất, phản ứng càng lúc càng gay gắt khi mà mức độ lây lan tăng cao. Đồng thời, càng ít trải nghiệm và thông tin tham khảo thì người ta càng muốn lựa chọn phản ứng an toàn.

Vấn đề nằm ở chỗ, nguồn cung hàng hóa và hệ thống phân phối hàng hóa của nền kinh tế quốc gia chỉ được hình thành để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện bình thường, chứ không đặt ra mục tiêu giải quyết các nhu cầu cao đột biến. 

Mầm mống của sự hoảng loạn trên diện rộng bắt nguồn từ đây, khi mà vòng xoáy của lo lắng và phản ứng thái quá mỗi lúc một leo thang về cường độ và lây lan trên diện rộng: người dân lo lắng, đổ xô đi mua hàng, hệ thống phân phối không thể đáp ứng khiến họ lo lắng hơn nữa; người này lo lắng và phản ứng thái quá sẽ lôi người khác vào vòng xoáy chung, cứ thế tiếp tục. Nếu không có một biện pháp hay cơ chế nào để kìm hãm và kiểm soát, thì bất ổn và hỗn loạn sẽ là chuyện nhãn tiền.

Dự trữ quốc gia: một công cụ quản lý vĩ mô

Nếu nguồn cung nhu yếu phẩm là vô hạn và hệ thống phân phối hàng hóa có thể đem nhu yếu phẩm đến với người tiêu dùng ở mọi nơi và ngay lập tức thì sẽ không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa và không ai phải lo lắng hay hoảng loạn. Đáng tiếc, đó lại là điều kiện không có trên thực tế. 

Hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa đang hoạt động theo cơ chế của thị trường, lấy phép tính lợi nhuận và chi phí làm cơ sở, theo đó thì việc giữ cho chi phí sản xuất kinh doanh luôn ở mức thấp nhất và duy trì lượng tồn kho tối thiểu thường là các mục tiêu hàng đầu.

Hoạt động kinh tế bình thường của thị trường không giải quyết được các nhu cầu đột biến trong điều kiện bất thường. Việc hoạch định, quản lý và ứng phó trước các tình huống bất thường của xã hội phải được đặt trong tay của nhà nước; trong trường hợp này thì công cụ mà nhà nước sử dụng là dự trữ quốc gia.

Dự trữ quốc gia là rất quan trọng để đề phòng những cuộc mua sắm hoảng loạn. Ảnh: Reuters

Lịch sử ghi nhận, từ rất sớm, các nhà nước đều đã xây dựng các kho dự trữ, bằng cách này hay cách khác. Thường thì các dự trữ đó chỉ bao gồm lương thực và vũ khí nhằm phục vụ cho binh lính khi có chiến tranh xảy ra. Ở thời hiện đại, dự trữ quốc gia có mục tiêu phục vụ rộng và phức tạp hơn: giúp cho nhà nước có thể kiểm soát tốt và đảm bảo an ninh xã hội trong các hoàn cảnh có rủi ro xảy ra trên diện rộng và có tầm hạn ảnh hưởng lớn. 

Luật dự trữ quốc gia 2012 của Việt Nam nêu rõ: “Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh”.

Dự trữ quốc gia là một hệ thống quản lý có quy mô rất lớn và cơ chế vận hành phức tạp, trong đó ba nhóm yếu tố sau đây có thể được xem là các trụ cột: (1) Chủng loại và cơ cấu dự trữ, (2) Hệ thống lưu trữ và phân phối, và (3) Phân công, phân quyền và quy chế vận hành.

1) Chủng loại và cơ cấu dự trữ cần được quyết định dựa trên cơ sở của công tác đánh giá rủi ro trên diện rộng, ở tầm hạn quốc gia. Dự trữ cái gì và bao nhiêu là câu hỏi quan trọng đầu tiên cần được trả lời, sao cho nguồn dự trữ là hữu dụng, số lượng là đủ đáp ứng, đồng thời phải phù hợp với nguồn lực kinh tế của quốc gia.

2) Hệ thống lưu trữ và phân phối là xương sống của dự trữ quốc gia, cần đảm bảo kịp thời đưa được hàng hóa đến nơi có nhu cầu. Dự trữ quốc gia là hệ thống cần có độ sẵn sàng cao nhưng lại không hoạt động thường xuyên và liên tục; đây là một thách thức lớn trong việc hoạch định và xây dựng các cơ sở lưu trữ và phương thức phân phối.

3) Phân công, phân quyền và quy chế vận hành của dự trữ quốc gia xuyên suốt bộ máy quản lý nhà nước, từ trung ương đến địa phương, đồng thời là một hoạt động liên ngành, là cơ sở để đảm bảo độ sẵn sàng và tính kịp thời khi cần huy động nguồn lực phục vụ công tác phân phối nguồn dự trữ đến nơi có nhu cầu.

Các khía cạnh kinh tế và vận hành

Có thể nói rằng dự trữ quốc gia là một công cụ phi thị trường mà nhà nước buộc phải sử dụng để đảm bảo an ninh xã hội. Dự trữ quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước ở quy mô lớn, do đó sẽ có tác động đến chính sách tài chính quốc gia và hoạt động kinh tế trên thị trường.

 

 Hình ảnh những kệ hàng trống rỗng, giấy vệ sinh bị vét mua sạch xuất hiện ở hàng loạt quốc gia, đi cùng tâm trạng âu lo hay phấn khởi của người dân tương ứng chuyện họ mua gom được bao nhiêu thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. 

Tỉ lệ tổng dự trữ quốc gia ở một thời điểm nào đó là bao nhiêu cho phù hợp là câu hỏi không dễ trả lời. Ngưỡng an toàn cao sẽ dẫn đến chi phí cao: dự trữ nhiều thì an toàn hơn nhưng chi tiêu ngân sách lớn. Cơ cấu hàng hóa dự trữ lại là một vấn đề hóc búa khác, bởi mỗi tình huống rủi ro xảy ra có thể lại làm nảy sinh một nhu cầu về hàng hóa hoàn toàn khác nhau!

Lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa để đưa vào dự trữ là công tác có tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa: khi được lựa chọn, một khối lượng lớn hàng hóa sẽ không được cung cấp ra thị trường theo cơ chế thông thường, cùng lúc đó tạo ra cơ hội bán hàng cho các nhà cung cấp của các hàng hóa được đưa vào danh mục dự trữ. Nếu không có một cơ chế chặt chẽ thì công tác này có thể sẽ bị lạm dụng.

Từ một góc nhìn khác, tất cả các hàng hóa đều có thời hạn sử dụng. Thực tế này khiến cho bài toán kiểm kê, đánh giá và luân chuyển tồn kho dự trữ quốc gia trở thành một bài toán lớn, cả về quy mô lẫn độ phức tạp.

Các quyết định và cung cách quản lý các khía cạnh này có thể ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến hiệu quả và hiệu lực của công tác dự trữ quốc gia, từ đó có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho an ninh xã hội. 

Như mọi công cụ quản lý rủi ro khác, việc xây dựng và vận hành hệ thống dự trữ quốc gia cần được đặt cơ sở trên phương thức đánh giá rủi ro trên bình diện quốc gia một cách có hệ thống với phương pháp và chu kỳ hợp lý. Từ kết quả của công tác đánh giá rủi ro, hệ thống sẽ được điều chỉnh và vận hành phù hợp nhất với thực tế.

Trong khi các tình huống bất thường tác động mạnh đến xã hội là rất khó dự báo thì trách nhiệm của nhà nước là giữ an toàn xã hội trong mọi hoàn cảnh. Đây là thách thức lớn, và còn lớn hơn nữa khi mà tốc độ lan truyền và khuếch tán thông tin ngày càng cao với mức độ ảnh hưởng ngày càng mạnh. 

Giữ bình tĩnh cho cộng đồng, tránh các hành vi thái quá có thể dẫn đến hoảng loạn, hủy hoại an ninh xã hội là nhiệm vụ không thể hoàn thành chỉ với công tác tuyên truyền hay giáo dục đơn thuần, mà phải được đồng hành bởi một hệ thống được xây dựng chặt chẽ, được vận hành nhịp nhàng, có hiệu lực rõ ràng; tất cả cần phải đưa ra được cam kết với người dân rằng các nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của họ sẽ luôn được đáp ứng, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện. Và đấy mới là một nhà nước có năng lực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận